Cà phê không chỉ giúp bạn tỉnh táo hơn. Khám phá cách cà phê có thể giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện 11 tình trạng sức khỏe.
Cà phê chứa các chất chống oxy hóa axit chlorogenic và cafestol, có tác dụng giảm viêm và giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch và ung thư. Bác sĩ Chang Chin-Chien, một chuyên gia ung thư vú nổi tiếng người Đài Loan và là tác giả của cuốn sách “Một tách cà phê chống lại mọi bệnh tật”, đã nêu bật những lợi ích của cà phê đối với sức khỏe và chia sẻ những cách uống cà phê tốt nhất.
Cà phê có tác dụng cải thiện hoặc điều trị 11 tình trạng sức khỏe sau đây.
1. Bệnh tiểu đường type 2
Các nghiên cứu đã phát hiện mối tương quan chặt chẽ giữa việc uống cà phê thường xuyên với nguy cơ thấp hơn của bệnh tiểu đường type 2. Lời giải thích được các nhà nghiên cứu đưa ra là, uống cà phê thường xuyên có thể giúp bảo vệ chức năng gan và tế bào beta (của tuyến tụy), trong giai đoạn stress chuyển hóa mạn tính trước khi khởi phát bệnh tiểu đường, do đó làm giảm nguy cơ bị bệnh.
2. Tăng huyết áp
Bác sĩ Chang lưu ý rằng lúc ban đầu, uống cà phê có thể làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, khi uống thường xuyên, nó thực sự lại có thể làm giảm huyết áp.
Một phân tích tổng hợp, công bố vào năm 2023, bao gồm 25 nghiên cứu với 463.973 người tham gia, cho thấy mối liên quan đảo ngược giữa uống cà phê và nguy cơ tăng huyết áp. Một trong các nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới và phụ nữ không hút thuốc mà uống ba đến bốn tách cà phê mỗi ngày, sẽ có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thấp hơn. Trong khi đó, ở những người có hút thuốc thì không tìm thấy mối liên quan đáng kể nào.
3. Bệnh tim mạch
Cà phê có lợi cho sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Tim mạch Dự phòng Châu Âu, đã theo dõi 449.563 thành viên tham gia có tuổi trung bình là 58, trong thời gian 12,5 năm. Kết quả cho thấy, so với những người không uống cà phê, những người uống bất kỳ là cà phê xay, hòa tan hoặc cà phê đã loại bỏ caffein (decaffeinated), đều giảm được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân. Hiệu quả lớn nhất được quan sát thấy ở những người uống hai đến ba tách cà phê mỗi ngày. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng cả cà phê xay và cà phê hòa tan đều có mối liên quan đến nguy cơ rối loạn nhịp tim thấp hơn, trong khi cà phê decaffeinated thì không cho thấy có mối liên quan như vậy.
4. Bệnh nha chu
Viêm mạn tính các mô quanh răng (nha chu) có thể dẫn đến tụt lợi, hở chân răng, mất xương ổ răng và cuối cùng là mất răng. Một bài Tổng quan hệ thống nhấn mạnh rằng uống cà phê hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng mất xương ổ răng. Cà phê chứa các thành phần khác nhau có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, bao gồm caffeine, axit chlorogenic và axit caffeic. Axit chlorogenic còn hoạt động như một chất kháng khuẩn, góp một phần vai trò chống lại bệnh nha chu. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu lại chỉ ra mối tương quan đảo ngược giữa uống cà phê và tình trạng nha chu.
Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng do thành phần phức tạp của cà phê, việc thường xuyên uống một lượng thích hợp có thể có lợi cho sức khỏe nha chu. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều có thể có tác động tiêu cực. Nghiên cứu này đề xuất lượng cà phê uống hàng ngày từ hai đến năm tách, được coi là an toàn.
5. Bệnh gút
Cà phê có thể giúp giảm nhẹ bệnh gút do lượng axit uric quá cao trong cơ thể gây ra. Một bài Tổng quan hệ thống nhận thấy cà phê làm giảm đáng kể nồng độ axit uric trong huyết thanh. Cụ thể, nam giới cần uống một đến ba tách cà phê mỗi ngày, trong khi phụ nữ cần bốn đến sáu tách mỗi ngày để đạt được mức giảm đáng kể đó. Bài đánh giá cho thấy rằng việc tiêu thụ cà phê ở mức độ vừa phải có thể đóng vai trò như một chiến lược phòng ngừa chủ yếu cho tình trạng tăng axit uric máu và bệnh gút ở cả nam và nữ.
6. Bệnh chuyển hóa
Caffeine trong cà phê có thể kích thích quá trình trao đổi chất. Một nghiên cứu cho thấy caffeine có thể chống lại các tác động có hại của viêm và stress oxy hóa, do đó nó có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa khác nhau. Ngoài ra, việc hấp thụ caffeine thông qua cà phê có lợi cho quá trình trao đổi chất, chức năng nhận thức, hoạt động thể chất và điều hòa hormone.
7. Béo phì
Một nghiên cứu trên tạp chí Nutrients chỉ ra rằng các hợp chất có hoạt tính sinh học trong cà phê, chẳng hạn như caffeine, axit chlorogenic, trigonelline và magiê, có tác dụng chống béo phì. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng uống cà phê có thể giúp giảm béo phì, đặc biệt đối với nam giới. Tuy nhiên, trong khi cà phê chỉ có vai trò hỗ trợ kiểm soát cân nặng, thì việc duy trì chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên lại vô cùng quan trọng. Xét đến tác dụng bảo vệ của cà phê chống lại các bệnh mạn tính, các nhà nghiên cứu khuyến nghị nên đưa nó trở thành một thành phần của lối sống lành mạnh nhằm nâng cao sức khỏe tổng thể nói chung.
8. Đối với da
Trong khi một số người tin rằng cà phê gây lợi tiểu, nếu uống quá nhiều có thể làm khô da, thì Bác sĩ Chang cho rằng chất chống oxy hóa trong cà phê có tác dụng thúc đẩy vi tuần hoàn ở da, do đó mang lại lợi ích cho sức khỏe làn da.
Một nghiên cứu, được công bố vào tháng 5, đã phân tích mối quan hệ nhân quả tiềm ẩn giữa việc tiêu thụ đồ uống và lão hóa da mặt. Kết quả cho thấy uống nhiều cà phê hơn có thể làm giảm nguy cơ kiểu lão hóa da này. Một nghiên cứu khác cho thấy caffeine bảo vệ da khỏi lão hóa do nguyên nhân stress oxy hóa bằng cách kích hoạt autophagy (tự hủy tế bào), chứng minh tiềm năng của caffeine trong việc ngăn ngừa các bệnh về da.
9. Rụng tóc
Một bài Tổng quan nghiên cứu nhận thấy caffeine có thể kích thích mọc tóc cho kiểu hói đầu nam giới, có khả năng hỗ trợ điều trị rụng tóc. Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trứng cá đỏ (rosacea) và cả ung thư da tế bào melanin và không do tế bào melanin.
10. Các rối loạn thần kinh
Bác sĩ Chang lưu ý rằng, trong khi cà phê mang lại một số lợi ích cho các tình trạng thần kinh như mất trí nhớ, bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson, thì ông vẫn còn thấy thận trọng về hiệu quả của nó trong điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng có một số phân tích cho thấy, uống cà phê có thể làm tăng lợi khuẩn đường ruột, qua đó có thể tác động đến não thông qua trục Đường ruột-Não, giúp giảm lo lắng và trầm cảm.
Theo một nghiên cứu có hơn 145.000 người tham gia, những người uống hai đến ba tách cà phê bột, cà phê sữa hoặc cà phê không đường mỗi ngày có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu ở mức thấp nhất.
11. Ung thư
Bác sĩ Chang cũng nhấn mạnh những lợi ích của việc uống cà phê đối với một số bệnh ung thư cụ thể, bao gồm ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư miệng, một số dạng ung thư vú, cũng như bệnh bạch cầu ở người lớn.
Một phân tích tổng hợp được công bố trên BMJ cho thấy uống nhiều cà phê có có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh ung thư so với ít uống cà phê. Ngoài ra, uống cà phê còn được cho là có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh thấp hơn đối với một số ung thư cụ thể khác, cũng như các bệnh về thần kinh, chuyển hóa và gan. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng uống ba đến bốn tách cà phê mỗi ngày có thể giúp giảm thiểu tối đa các nguy cơ về sức khỏe khác nhau và những lợi ích về sức khỏe có thể vượt trội hơn tác hại.
Cách tối ưu để uống cà phê
Nhiều người từ lâu đã ủng hộ việc uống cà phê đen. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2023 cho thấy khi axit caffeic và axit chlorogenic trong cà phê tạo thành phức hợp với cysteine, một loại axit amin có trong sữa, sẽ làm tác dụng chống viêm của chúng được tăng cường đáng kể. Điều này khuyến nghị rằng kết hợp cà phê với sữa sẽ làm tăng đáng kể tác dụng chống viêm.
Bác sĩ Chang nêu rõ việc thêm sữa vào cà phê không chỉ bổ sung canxi mà còn làm tăng cường tác dụng chống viêm. Polyphenol trong cà phê tạo thành phức hợp với sữa, khiến các hợp chất này làm giảm viêm hiệu quả hơn so với cà phê đen.
Cho dù như vậy, Bác sĩ Chang khuyên nên ưu tiên chọn uống cà phê đen. Ông cũng cho rằng thử nghiệm thêm quế, chanh, yến mạch hoặc các thành phần khác để tăng hương vị và sự thích thú của cà phê là điều đáng làm.
Vậy thời điểm tốt nhất để uống cà phê là khi nào? Bác sĩ Chang khuyên bạn nên uống vào lúc 10 giờ sáng và trong giờ trà chiều. Uống cà phê ngay sau khi thức dậy để tăng năng lượng là không cần thiết. Thay vào đó, uống cà phê vào khoảng 10 giờ sáng sau khi đã làm việc một thời gian và cảm thấy buồn ngủ có thể giúp tăng cường sự tỉnh táo. Đối với những người có quá trình trao đổi chất nhanh hơn, uống cà phê vào lúc 3 hoặc 4 giờ chiều là hoàn toàn ổn, vì nó không ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm.
Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) tuyên bố rằng lượng caffeine nạp vào hàng ngày ở mức 400 miligam không hề gây lo ngại về tính an toàn cho người trưởng thành khỏe mạnh, trừ phụ nữ mang thai. Tương tự, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhấn mạnh rằng tiêu thụ 400 miligam caffeine mỗi ngày (tương đương với bốn đến năm tách cà phê) thường không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm nào ở người lớn khỏe mạnh. Tuy nhiên, cần thiết phải lưu ý rằng mọi người có thể có độ nhạy cảm với caffeine và tốc độ chuyển hóa caffeine khác nhau.
Bác sĩ Chang khuyên bạn nên uống ba tách cà phê mỗi ngày, mỗi tách chứa khoảng 100ml (ít hơn một nửa tách) có chứa khoảng 60 đến 200 miligam caffeine.
Ông đề cập đến việc nhóm nghiên cứu của Giáo sư Trần Hsiu-Hsi thuộc Trường Y tế Công cộng, Đại học Quốc gia Đài Loan đã tiến hành một nghiên cứu theo dõi trên 150.000 người trưởng thành. Kết quả cho thấy những người uống cà phê sống thọ hơn khoảng 2,1 năm so với những người không uống. Ngoài ra, nhóm uống cà phê có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa và ung thư ruột kết thấp hơn.
Theo Amber Yang, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch
Amber Yang là huấn luyện viên cá nhân có chứng nhận. Cô đã đáp ứng tất cả các yêu cầu của Hội đồng Thể dục Hoa Kỳ để phát triển và thực hiện các chương trình tập luyện cá nhân hóa. Cô đã làm giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm và là phóng viên, biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong mười năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất các chương trình YouTube “Amber Running Green” và “Amber Health Interview”.
NTD Việt Nam