Nghiên cứu chỉ ra các bẫy phát triển có thể dẫn nhân loại đến sự diệt vong bất cứ lúc nào. Ảnh minh hoạ: Pixabay
Dưới lăng kính tiến bộ khoa học, chúng ta đang lạc quan về sự thịnh vượng trong tương lai của nhân loại. Nhưng suy nghĩ sâu hơn, nhân loại cũng phải đối mặt với sự huỷ diệt từ các ‘bẫy phát triển’ này.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society B do các nhà khoa học từ Đại học Stockholm ở Thụy Điển dẫn đầu đã phác thảo 14 “bẫy phát triển” khác nhau dễ dàng dẫn nhân loại đến sự diệt vong.
Theo nhóm nghiên cứu, vấn đề chính là chúng ta có lòng tham quá lớn đối với sự giàu có của bản thân, bất chấp điều đó có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.
Theo Science Alert, hiện nay chúng ta đang đối diện với nhiều mối đe dọa thảm hoạ (polycrisis) – từ biến đổi khí hậu, đại dịch toàn cầu đến chiến tranh hạt nhân… – nó hoàn toàn có thể khiến cho kỷ nguyên Anthropocene này sớm kết thúc.
Nhà nhân chủng học Peter Søgaard Jørgensen từ Đại học Stockholm cho biết: “Con người có khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc”. “Chúng ta có thể đổi mới và thích ứng với nhiều hoàn cảnh cũng như có thể hợp tác trên quy mô lớn đáng kinh ngạc. Nhưng những khả năng này hóa ra lại gây ra những hậu quả không lường trước được”.
Trong số 14 bẫy phát triển có thể xảy ra đối với nhân loại, có 5 nhóm được coi là có tính chất toàn cầu: đơn giản hóa (hệ thống chuyên biệt để thích nghi, ví như độc canh, biến đổi gen), tăng trưởng để tăng trưởng (theo đuổi tăng trưởng không ngừng gây tổn hại đến hạnh phúc), quá mức (sử dụng nhiều hơn mức Trái đất có thể cung cấp), chia rẽ (xung đột quốc tế, chiến tranh) và sự lây lan bệnh tật (ví dụ như bệnh truyền nhiễm dẫn đến đại dịch).
5 nhóm khác được mô tả là bẫy công nghệ: Khai thác triệt để cơ sở hạ tầng (như với nhiên liệu hóa thạch), ô nhiễm hóa học, công nghệ đấu tranh sinh tồn (vũ khí hạt nhân), quyền tự chủ về công nghệ (bao gồm cả AI) và thông tin sai lệch/lừa đảo.
4 nhóm còn lại được các nhà nghiên cứu gọi là bẫy cấu trúc. Đó là chủ nghĩa ngắn hạn, tiêu dùng quá mức, mất kết nối sinh quyển và mất vốn xã hội địa phương. Những loại này mô tả về một thế giới kỹ thuật số ngày càng cắt đứt sự tương tác xã hội và có khả năng góp phần gây ra sự chia rẽ hơn nữa bởi sự ích kỷ của con người.
Đáng báo động hơn nữa, những bẫy phát triển này có xu hướng củng cố lẫn nhau, nghĩa là rất có thể chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong nhiều bẫy cùng lúc.
Đó là một bức tranh khá ảm đạm nhưng các nhà nghiên cứu cho biết điều cần thiết bây giờ là nhân loại cần nhận thức và chuyển đổi sự phát triển theo hướng khác.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta có thể thiển cận và tàn phá với tư cách là một loài, nhưng chúng ta cũng sáng tạo, đổi mới và hợp tác.
Điều đó có nghĩa là vẫn còn hy vọng nếu chúng ta nhận thức được rằng: Cần phải cộng tác cùng nhau để sinh tồn trên Trái đất này, chú trọng tu dưỡng đạo đức, giảm bớt lòng tham và đặt cuộc sống hạnh phúc lên hàng đầu.
NTD Việt Nam