3 ngôi sao biến mất một cách kỳ lạ, các nhà khoa học chưa tìm ra lời giải thích. Hình ảnh: Đài quan sát Palomar/Solano, et al
Hơn 70 năm trước, các nhà thiên văn học đang thực hiện một cuộc khảo sát bằng ảnh về bầu trời đêm thì có một điều kỳ lạ xảy ra: ba ngôi sao sáng biến mất giữa các bức ảnh, không bao giờ được nhìn thấy nữa.
Theo một báo cáo gần đây của các nhà khoa học, vào ngày 19 tháng 7 năm 1952, Đài thiên văn Palomar đang thực hiện một cuộc khảo sát bằng ảnh về bầu trời đêm. Một phần của dự án là chụp nhiều hình ảnh của cùng một vùng bầu trời để giúp xác định những sao hoặc tiểu hành tinh.
Vào khoảng 8:52 tối hôm đó, một tấm ảnh đã chụp được ánh sáng của 3 ngôi sao tụ lại với nhau. Ở cường độ 15, chúng có độ sáng vừa phải trong ảnh. Vào lúc 9:45 vẫn của tối đó, vùng bầu trời đó lại được chụp lại, nhưng lần này không thấy 3 ngôi sao nữa. Trong vòng chưa đầy một giờ, chúng đã hoàn toàn biến mất.
Bình thường thì những ngôi sao không thể tự nhiên biến mất. Chúng có thể phát nổ hoặc tỏa sáng trong một khoảng thời gian ngắn nhưng không biến mất. Tuy nhiên, bằng chứng chụp ảnh vẫn ở đó. Ba ngôi sao rõ ràng ở hình ảnh đầu tiên và rõ ràng không có ở hình ảnh thứ hai.
Giả định khi đó là chúng hẳn đã đột nhiên mờ đi, nhưng ngay cả điều đó cũng khó chấp nhận. Những quan sát sau đó không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các ngôi sao mờ hơn cấp 24. Điều này có nghĩa là chúng có thể mờ đi theo hệ số 10.000 hoặc hơn. Điều gì có thể khiến các ngôi sao mờ đi nhanh đến mức đáng kinh ngạc như vậy?
Một giả thuyết cho rằng 3 ngôi sao này có thể chỉ là một ngôi sao duy nhất trải qua một đợt sáng đột ngột, có thể do một vụ nổ sóng vô tuyến nhanh từ một ngôi sao từ. Trong thời kỳ này, một lỗ đen có thể đã đi qua giữa ngôi sao và Trái đất, dẫn đến hiệu ứng thấu kính hấp dẫn khiến ngôi sao xuất hiện dưới dạng ba hình ảnh riêng biệt trong giây lát. Tuy nhiên, trường hợp này cực kỳ hiếm, và cũng không thể biến mất một cách nhanh như vậy được.
Một khả năng khác là những vật thể nhìn thấy trong các bức ảnh hoàn toàn không phải là các ngôi sao. Vì ba điểm sáng nằm cách nhau 10 cung giây nên chúng có thể là ba vật thể không gian riêng lẻ được kích hoạt để phát sáng đồng thời. Nếu đúng như vậy thì khoảng cách gần và tốc độ ánh sáng của chúng sẽ cho thấy rằng chúng cách chúng ta không quá 2 năm ánh sáng. Những vật thể này có thể là vật thể của Đám mây Oort phát sáng do một sự kiện không xác định và sau đó di chuyển dọc theo quỹ đạo của chúng. Điều này có thể giải thích tại sao các quan sát sau này không xác định được vị trí của chúng.
Giả thuyết thứ ba xoay quanh khả năng ô nhiễm của các tấm ảnh. Đài quan sát Palomar nằm gần sa mạc New Mexico, nơi diễn ra thử nghiệm vũ khí hạt nhân, dẫn đến khả năng bụi phóng xạ ảnh hưởng đến hình ảnh. Nếu các tấm ảnh bị ô nhiễm, các đốm sáng có thể xuất hiện trên một số bức ảnh chứ không phải trên các bức ảnh khác.
Mặc dù có những lập luận thuyết phục cho từng giả thuyết nhưng nguyên nhân thực sự thì vẫn cần các nhà khoa học nghiên cứu sâu thêm nữa. Cho đến lúc đó, những ngôi sao biến mất của năm 1952 vẫn tiếp tục là một câu đố chờ được giải đáp.
Theo Futurism
NTD Việt Nam