Thanh cua không liên quan gì đến thịt cua. Nó chỉ là thức ăn sinh học. Loại thực phẩm này có thể ăn trực tiếp hoặc dùng làm nguyên liệu trong các món sushi, lẩu. Nó rất được ưa chuộng, nhưng xét về giá trị dinh dưỡng thì không đáng kể. (Wikimedia Commons)
Bít tết, ba chỉ bò, thanh cua… đều là những loại thịt phổ biến trong các món ăn hàng ngày, thậm chí được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, chúng không nhất định là thịt nguyên chất, trái lại, phần lớn trong số đó là thịt nhân tạo, được tổng hợp từ nhiều nguyên liệu và phụ gia khác nhau để tạo nên một loại thịt có hương vị tương tự nhưng hàm lượng dinh dưỡng kém hơn.
Loại 1: Bít tết
Tuỳ theo các phương pháp chế biến khác nhau, bít tết bán trên thị trường có thể chia thành “bít tết cắt nguyên miếng” và “bít tết chế biến lại”.
“Bít tết cắt miếng nguyên miếng” là nguyên miếng thịt bò (sườn bò, thăn bò) được cắt trực tiếp từ con bò mà không qua bất kỳ khâu sơ chế nào. Màu sắc của loại thịt này tươi sáng, bóng loáng và phần mỡ có màu trắng hoặc trắng sữa. Đây thực sự là một món bít tết ngon.
Thông thường, tổng số vi khuẩn bên trong miếng bít tết cắt nguyên miếng không nhiều, khi nấu, chúng ta không cần chiên miếng bít tết cho đến khi chín đều, có thể ăn khi nó chín khoảng 50-80%.
Trên các kệ bày bán, bạn chú ý, “bít tết cắt nguyên miếng” chỉ chứa thịt bò, nếu trên nhãn thành phần có kèm theo phụ gia thực phẩm khác thì đó là “bít tết chế biến lại”.
“Bít tết chế biến lại”, còn được gọi là “bít tết ghép” và “bít tết keo”, dùng để chỉ việc kết hợp thịt bò xay và ép lại với nhau để làm bít tết. Phụ gia thực phẩm được thêm vào trong quá trình ép.
Trên nhãn bao bì sản phẩm, Nếu bạn nhìn thấy các từ transglutaminase (enzym TG), protein đậu nành phân lập, chất ổn định (hydrocolloid, carrageenan…) trong danh sách thành phần thì loại bít tết này là “bít tết chế biến lại”.
Thịt bò xay mà chúng ta đang nói đến không phải là loại kém chất lượng. Mặc dù các chất phụ gia thực phẩm trong món “bít tết chế biến lại” sẽ không gây hại trực tiếp cho cơ thể, nhưng chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột đối với những người có đường ruột nhạy cảm hoặc trẻ em.
Ngoài ra, hầu hết “bít tết chế biến lại” đều được rã đông, tái chế biến và đông lạnh. Trong quá trình đó, nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, đối với loại thịt này, chúng ta cần nấu chín hoàn toàn trước khi ăn.
Xét về khía cạnh an toàn, bạn nên mua “bít tết cắt miếng nguyên bản”, tuy giá sẽ cao hơn nhưng nó tốt hơn cho sức khoẻ về lâu dài.
Loại 2: Thanh cua
Thanh cua là loại thực phẩm giàu protein, ít béo, cơ cấu dinh dưỡng hợp lý, mô phỏng thực phẩm an toàn cho sức khỏe. Thành phần chính của thanh cua là surimi, nước, tinh bột ăn được, protein đông lạnh, đường trắng, muối ăn, chiết xuất cua, phụ gia thực phẩm, v.v.
Thực ra, thanh cua không liên quan gì đến thịt cua. Nó chỉ là thức ăn sinh học. Loại thực phẩm này có thể ăn trực tiếp hoặc dùng làm nguyên liệu trong các món sushi, lẩu. Nó rất được ưa chuộng, nhưng xét về giá trị dinh dưỡng thì không đáng kể.
Loại 3: Phi lê gà, bít tết gà
Món gà phi lê và gà chiên xù thường được bày bán ở các khu phố, ngõ ngách… Trên thực tế, cả hai loại này đều là “thịt tổng hợp”, một số cơ sở kinh doanh sẽ loại bỏ những phần thịt kém chất lượng của gà, trộn với một phần ức gà, băm thịt rồi trộn với một ít tinh bột và phụ gia thực phẩm để tạo thành món mới.
Phi lê gà và bít tết gà khi ăn sẽ cảm thấy khá mềm, không dai và cũng không đem lại cảm giác nhiều thịt. Trẻ em nên hạn chế ăn loại thịt này.
Loại 4: Ba chỉ bò và cừu
Đây là những nguyên liệu quen thuộc và rất phổ biến trong các món lẩu. Tuy nhiên, hầu hết chúng không phải là thịt nguyên chất mà là “thịt nhân tạo”.
Loại thịt này tuy có vị giống thịt bò, thịt cừu nhưng giá trị dinh dưỡng rất thấp, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm kém chất lượng. Vậy làm sao để phân biệt được ba chỉ bò thật và giả? Rất đơn giản, ba chỉ bò nhân tạo thường dễ bong ra, mềm và dính, có một ranh giới rõ ràng giữa thịt mỡ và thịt nạc.
Thịt cừu ở quán lẩu không có nhiều mùi, không phải do các đầu bếp xử lý khéo mà vì đó là “thịt nhân tạo”, còn thịt cừu đích thực vẫn có mùi nồng nặc. Vì vậy, để an toàn cho sức khoẻ, bạn nên hạn chế các món ba chỉ bò và cừu khi đến các quán lẩu, thay vào đó, bạn nên mua thịt bò hoặc cừu nguyên chất để chế biến thành các món tại nhà.
Loại 5: Xúc xích giăm bông
Xúc xích giăm bông thông thường được làm từ thịt nạc và một lượng nhỏ tinh bột, nhưng trên thị trường có rất nhiều loại xúc xích nướng được bán với giá khá rẻ, về cơ bản chúng được làm từ thịt vụn và rất nhiều tinh bột, chưa kể nó không có vị thịt nhưng kết cấu vẫn mịn.
Vì vậy, nếu muốn ăn xúc xích nướng, bạn nên chọn những thương hiệu lớn. Khuyến cáo khi mua xúc xích giăm bông bạn nên đọc kỹ bảng thành phần và cố gắng chọn loại có lượng thịt chiếm tỷ lệ cao hơn.
Theo Song Yun – Aboluowang
Hoàng Tuấn biên dịch
NTD Việt Nam