Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ đến phòng tập thể dục sau khi tan sở để “đổ mồ hôi” và rèn luyện thân thể. (Ảnh: Pxhere)
Về vấn đề giữ gìn sức khỏe, chúng ta thường nhận được rất nhiều thông tin liên quan hàng ngày, có những thông tin xác thực và bổ ích, có những thông tin chỉ mang tính chất suy đoán, và thậm chí còn có những thông tin gây hại. Dưới đây là 5 hiểu lầm phổ biến về sức khỏe, mọi người cần chú ý.
Bổ sung vitamin bừa bãi
Vitamin có vẻ như đang trở thành một xu hướng sức khỏe, đặc biệt là đối với người già và dân văn phòng. Việc uống vitamin mỗi ngày dường như chứng tỏ rằng họ rất quan tâm đến sức khỏe của mình.
Vitamin cần thiết cho cơ thể nhưng không có nghĩa là ai cũng cần bổ sung. Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày chứa nhiều loại vitamin, vì vậy những người có chế độ ăn uống cân bằng về cơ bản không cần bổ sung thêm. Ngoài ra, có nhiều loại vitamin và chức năng của chúng cũng khác nhau, nếu như bổ sung một cách bừa bãi có thể sẽ mang lại những tác động không tốt cho cơ thể.
Ví dụ, bệnh nhân viêm loét dạ dày uống nhiều vitamin C không những không có lợi mà còn tăng kích ứng dạ dày. Có người ngày nào cũng uống vitamin C dạng viên sủi, nhưng chỉ những người thiếu vitamin mới cần bổ sung. Nếu như dùng quá liều trong thời gian dài có thể gây sỏi đường tiết niệu.
Uống 8 cốc nước liền một lúc
Ai cũng biết rằng “bạn cần uống 8 cốc nước mỗi ngày”, nhưng không có nghĩa là bạn phải uống nhiều nước như vậy cùng một lúc. Đặc biệt là một số người ban ngày bận rộn đến mức không có thời gian uống nổi một ngụm nước, buổi tối mới nhớ ra hôm nay mình chưa uống đủ nước, liền uống “bù” cho cả ngày. Điều này không giúp ích gì cho sức khỏe, nó thậm chí còn gây hại cho cơ thể.
Uống quá nhiều nước cùng một lúc sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, đồng thời có thể gây “hạ natri máu”, dẫn đến buồn ngủ, buồn nôn, co giật, thậm chí hôn mê, nếu không được cấp cứu kịp thời, trường hợp nặng thậm chí có thể tử vong.
Cơ thể con người mất khoảng 1800-2000 ml nước mỗi ngày thông qua nước tiểu, mồ hôi, bay hơi qua da, … Do đó, “8 ly nước mỗi ngày” cho người trưởng thành khỏe mạnh có nghĩa là họ cần bổ sung khoảng 2000 ml nước mỗi ngày. Cách tốt nhất là bạn nên phân bổ tổng lượng nước cần uống vào nhiều thời điểm trong ngày, mỗi lần uống khoảng 200 ml.
Cần lưu ý là không cần uống nước khi không khát. Tốt nhất nên uống nước khi hơi khát, lúc này cơ thể dễ hấp thụ nước nhất. Khi thức dậy vào buổi sáng, lý tưởng nhất là bạn uống ngay một cốc nước ấm, chứ không nên uống nước lạnh. Nên uống nước một cách từ từ. Không dùng nước hoa quả, nước ngọt hay trà đậm để thay thế nước, đặc biệt là đồ uống có ga sẽ làm tăng nhanh tình trạng mất nước.
Quá nhấn mạnh vào việc nhịn ăn, giải độc và giảm cân
Có người cho rằng ăn nhiều không tốt nên nhất quyết nhịn ăn! Họ cho rằng nhịn ăn có thể giúp giải độc và giảm cân. Liệu có phải “một cuộc cách mạng giảm cân đang càn quét thế giới”?
Ăn quá nhiều thực sự không tốt cho cơ thể và có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe như béo phì và các bệnh mãn tính. Nhưng điều ngược lại có đúng? Liệu việc “nhịn ăn” thực sự có tác dụng “giảm béo” và “làm sạch dạ dày”?
Các bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc đã chỉ ra rằng việc “nhịn ăn” quá mức là không tuân theo quy luật sinh lý của cơ thể con người, và không có bằng chứng trực tiếp chứng minh rằng nhịn ăn là tốt cho cơ thể. Ngược lại, nó sẽ làm rối loạn hoạt động bình thường của đường tiêu hóa, tính thẩm thấu của ruột, tiết dịch tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng, dễ gây rối loạn chuyển hóa và gây viêm dạ dày, loét dạ dày và các bệnh khác.
Đi bộ 10.000 bước mỗi ngày để tập thể dục
Đi bộ là “môn thể thao tốt nhất trên thế giới”. Những người chăm chỉ đi bộ thường có sức khỏe tốt hơn. Vậy, có cần thiết phải đi bộ mỗi ngày? Và mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước?
Các chuyên gia chỉ ra rằng đi bộ 6000 bước mỗi ngày, quãng đường đi bộ khoảng 3000-4000 m, và đi bộ khoảng 30 phút với cường độ vừa phải là lý tưởng nhất cho sức khỏe.
Bạn cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng bằng cách đi bộ. Phương pháp rất đơn giản: đung đưa cánh tay của bạn, tốt nhất là ngang vai, tiến lên một bước và hít thở. Tập luyện như vậy 15-20 phút mỗi ngày sẽ hiệu quả hơn đi bộ trong 2 giờ.
Tập thể dục vào ban đêm
Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ đến phòng tập thể dục sau khi tan sở để “đổ mồ hôi” và rèn luyện thân thể.
Ban ngày cuộc sống bận rộn vốn đã khiến cơ thể rất mệt mỏi, buổi tối lại phải tìm thời gian để tập thể dục, hơn nữa còn cần tập luyện thật lâu, cho đến khi cơ thể ra mồ hôi. Trên thực tế, thói quen tưởng chừng như lành mạnh này lại không hề tốt cho cơ thể.
Cường độ tập thể dục nên vừa phải, tập đến khi ra mồ hôi nhẹ thì có lợi cho sức khỏe, còn nếu tập lâu quá mà mệt mỏi thì là tập quá sức và làm tổn thương cơ thể. Việc tập luyện gắng sức trước khi đi ngủ cũng sẽ khiến cơ thể quá hưng phấn, ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm, về lâu dài sẽ không tốt đối với thân thể.
Thanh Hương
Theo Vision Times
NTD Việt Nam