Các nhà khoa học phát hiện khu vực rộng lớn ở Tây Bắc Australia từng là nơi sinh sống của 500.000 người cách đây khoảng 14.000 năm. (Ảnh minh họa: pickpik)
Có lẽ từng có nửa triệu người cư trú trên một quần đảo rộng lớn trải dài ngoài khơi phía bắc Úc vào thời cổ đại. Đáng tiếc thay, vùng đất tiền sử này cuối cùng đã bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao xảy ra trên toàn cầu khoảng 14.000 năm trước.
Các nhà khoa học do Đại học Griffith dẫn đầu gần đây đã nghiên cứu địa hình đáy đại dương trên thềm lục địa Tây Bắc Úc để hiểu cách khu vực này xuất hiện trong một khoảng thời gian trước khi mực nước biển dâng cao.
Họ kết luận rằng vùng đất đã mất tích từ lâu này có khả năng từng là nơi sinh sống của 500.000 người vào thời kỳ đỉnh cao.
Nghiên cứu mới tiết lộ rằng khu vực hiện bị nước biển nhấn chìm từng là một quần đảo rộng lớn trong khoảng từ 71.000 đến 59.000 năm trước. Sau đó, nó biến thành một bãi cạn hoàn toàn lộ thiên từ 29.000 đến 14.000 năm trước, với một biển nội địa và một hồ nước ngọt khổng lồ được bao quanh bởi những vách đá cao và hẻm sâu.
Khoảng 65.000 năm trước, những người đầu tiên đến Úc từ Wallacea, khu vực Indonesia ngày nay, đã đặt chân lên quần đảo rộng lớn, khu vực Indonesia ngày nay.
Các nhà nghiên cứu cho biết rằng việc khám phá về khảo cổ học của vùng đất chìm ở miền Bắc Úc đã bắt đầu muộn hơn so với nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, bằng chứng khảo cổ cho thấy vùng cực bắc Úc là nơi sinh sống của nhiều nền văn hóa trước Kỷ băng hà cuối cùng.
Hơn nữa, nghiên cứu chỉ ra rằng sự dâng cao của mực nước biển toàn cầu có ảnh hưởng trực tiếp đến sự gia tăng đáng kể về số lượng tranh đá và đồ tạo tác bằng đá do con người tạo ra ở các khu vực Kimberley và Arnhem Land. Họ cho rằng điều này cho thấy các quần thể người đã rút lui vào đất liền, xa khỏi vùng ngập nước.
Dựa trên quy mô của vùng đất chìm và số lượng khám phá khảo cổ học ở miền Bắc Úc, nhóm nghiên cứu phỏng đoán rằng quần đảo đã mất có thể đã từng hỗ trợ cuộc sống cho khoảng từ 50.000 đến 500.000 người vào các thời kỳ khác nhau.
Kasih Norman, nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith, cho biết trong một tuyên bố: “Việc bỏ qua rìa thềm lục địa Sahul tại Thế Pleistocen muộn trong các cuộc thảo luận về sự di cư và mở rộng thời kỳ đầu có nguy cơ đơn giản hóa quá mức và gây ra hiểu sai giai đoạn quan trọng này trong lịch sử”.
Norman nói thêm: “Mô hình dân số của chúng tôi cho thấy kích thước dân số đạt đỉnh vào thời kỳ cao điểm của kỷ băng hà cuối cùng, khoảng 20.000 năm trước,…”.
Mặc dù được gọi là “Atlantis của Úc”, nhưng cho đến nay, chưa có bằng chứng về sự tồn tại của các khu định cư lớn hoặc các dấu hiệu vật lý của con người từng sống ở đây. Việc gắn mác “Atlantis đã mất” thường được sử dụng để thu hút sự quan tâm, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác.
Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Quaternary Science Reviews.
Theo IFL Science
NTD Việt Nam