Con người sống ở thế gian này, nhiều lắm cũng chỉ là mấy mươi năm, đau khổ, truy cầu rốt cuộc có thể lưu lại điều gì? Danh lợi cũng là thoảng qua như mây khói, sinh không mang theo đến, chết không mang theo đi. Sao không tùy duyên đối diện, sống cuộc đời nước chảy mây trôi?
Xưa kia ở đất nước Ấn Độ có một chàng trai trẻ không may vì bệnh tật mà qua đời. Vào lúc vừa trút hơi thở cuối cùng và sinh mệnh ngắn ngủi trên dương thế kết thúc, chàng trai thấy Phật tổ cầm trong tay một chiếc rương và tiến lại phía mình.
Phật tổ nhân từ nói: “Chúng ta đi thôi con”.
Chàng trai nhìn Phật tổ với ánh mắt tiếc nuối và cầu khẩn: “Thưa Phật tổ, cuộc đời con diễn ra chóng vánh quá, con vẫn còn rất nhiều việc muốn làm, rất nhiều việc con vẫn chưa hoàn thành”.
Phật tổ đáp: “Ta rất tiếc, nhưng đã đến lúc con phải đi rồi”.
Chàng trai ngước đôi mắt phiền não nhìn Phật tổ và hỏi: “Thưa Phật tổ, trong cái rương này của Ngài có vật gì vậy?”.
Phật tổ trả lời: “Chiếc rương này chứa đựng di vật của con”.
Chàng trai băn khoăn hỏi: “Di vật của con sao? Ngài muốn nói tới tiền bạc, trang sức và những vật dụng cá nhân của con phải không?”.
Phật tổ lắc đầu mỉm cười: “Những thứ đó chưa bao giờ là của con cả, chúng đều thuộc về địa cầu”.
Chàng trai tiếp tục suy đoán: “Vậy đó có phải là ký ức của con không?”.
Phật tổ nói: “Không phải, ký ức của con thuộc về thời gian”.
Chàng trai lại hỏi: “Vậy có lẽ là thiên phú của con”.
“Không phải,” Phật tổ đáp. “Thiên phú ấy thuộc về cảnh giới giác ngộ của con”.
“Chẳng lẽ lại là bạn bè và người thân của con?”.
Phật tổ trả lời: “Không, họ thuộc về trái tim con”.
Lần này chàng trai quả quyết: “Vậy nhất định là thân thể của con rồi”.
Phật tổ nhìn chàng trai lắc đầu: “Thân xác con không bao giờ là của con, nó thuộc về cát bụi”.
Chàng trai không ngừng suy tư, cuối cùng anh khẳng định: “Vậy thì chắc chắn di vật của con chính là linh hồn của con”.
Phật tổ nhìn chàng trai một lúc rồi nói: “Con hoàn toàn sai rồi, linh hồn của con thuộc về ta”.
Chàng trai rưng rưng nước mắt. Những gì anh vẫn nghĩ là của mình, vẫn cố ôm giữ thật chặt khi còn sống, mà trong khoảnh khắc này đây, chúng đều không phải của bản thân anh. Tiếp nhận cái rương từ tay Phật tổ rồi mở ra, chàng trai vô cùng ngạc nhiên khi thấy bên trong hoàn toàn trống rỗng, không có bất kỳ vật gì cả!
Nước mắt lăn dài, chàng trai đau khổ hỏi Phật tổ: “Chẳng lẽ từ trước đến giờ con chưa từng có gì sao? Thứ gì mới thực sự thuộc về con?”.
Phật tổ trả lời: “Khi còn sống, tất cả những thứ thoảng qua trong nháy mắt đều là của con”.
Chàng trai lúc đó mới giật mình, bàng hoàng tỉnh ngộ. Những thứ anh đã bỏ cả cuộc đời để theo đuổi, để cố gắng giành được đều chỉ là thoảng qua trong nháy mắt, ngay cả thân xác cũng không phải của anh. Tiền tài, địa vị, nhà cửa… tất cả bây giờ anh đều không thể mang theo.
Chúng ta chẳng phải cũng như vậy sao? Có bao nhiêu người sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, bao gồm cả những điều quý giá nhất là gia đình, tình thân và sự thanh thản của tâm hồn để theo đuổi công danh, quyền lực và vật chất vì cho rằng đó là đích đến của cuộc đời, là hạnh phúc đích thực? Trong xã hội, có bao nhiêu người chỉ vì chút lợi ích cá nhân mà làm tổn hại người khác hoặc so sánh bản thân mình với người khác mà tự cảm thấy bất công?
Sống trong cuộc đời ngắn ngủi này, bởi vì bận rộn mà ta đã bỏ lỡ những chuyện có ý nghĩa trọng đại với sinh mệnh. Bởi vì mải miết trong mê cung công danh lợi lộc mà ta đang dần đánh mất sự thuần khiết của tâm hồn và luôn chất chứa trong lòng những nỗi buồn vô tận vì những truy cầu không với tới. Nếu như còn có ngày mai, mỗi người đều sẽ phải đối mặt với lão, bệnh, tử, liệu ta có thể chắc chắn rằng kế hoạch ngày hôm nay, ngày mai mình vẫn còn nhớ rõ chăng?
Đời người như con thuyền chở quá nhiều ham muốn hưởng thụ vật chất và hư vinh. Tuy nhiên, muốn qua sông, thuyền nhất định phải nhẹ, phải thả xuống những dục vọng dư thừa.
Cổ nhân có dạy rằng: “Làm người ăn chẳng cầu no, sống chẳng cầu tiện nghi, sống đạm bạc cho chí hướng được minh sáng”. Người ở thế gian này, nhiều lắm cũng chỉ là mấy mươi năm, đau khổ, truy cầu rốt cuộc có thể lưu lại điều gì! Danh lợi cũng là thoảng qua như mây khói, sinh không mang theo đến, chết không mang theo đi. Sao ta không tùy duyên đối diện, sống cuộc đời nước chảy mây trôi?
tinhhoa.net
- Vì sao không thể tùy tiện giải thích kinh Phật? Hãy nghe Bồ Tát nói nguyên do
- Đây là toàn bộ hành trình đi đến cõi âm gian sau khi người ta chết đi, qua 7 ải vào 6 nẻo luân hồi