Dừa là một loại thực phẩm bền vững, cung cấp dinh dưỡng cho hàng triệu người trên thế giới. Mọi bộ phận của cây dừa đều có giá trị, mỗi bộ phận mang lại những tác dụng trị liệu khác nhau. (Pexels)
Dừa là một loại thực phẩm bền vững, cung cấp dinh dưỡng cho hàng triệu người trên thế giới. Mọi bộ phận của cây dừa đều có giá trị, mỗi bộ phận mang lại những tác dụng trị liệu khác nhau.
Lịch sử
Cây dừa (Cocos nucifera) có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Nó đã đi khắp Thái Bình Dương với các thủy thủ hoặc trên những dòng hải lưu trôi dạt. Dừa có thể trôi nổi trên khoảng cách xa và một khi bị sóng đánh dạt vào bờ, chúng có thể mọc rễ để sinh trưởng trở lại.
Từ “dừa” trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha “coco”, có nghĩa là “sọ” hoặc “đầu” do hình dáng bên trong của trái dừa trông giống như mặt khỉ với ba mắt và lông làm từ xơ dừa.
Dừa, tưởng chừng là một loại hạt cứng cáp, nhưng bạn có biết, nó thực sự là một quả hạch – một loại quả có phần thịt bao quanh một hột cứng bên trong. Cây dừa trưởng thành có thể cho đến 30-70 quả mỗi năm, và trong suốt vòng đời lên đến 70 năm của mình, chúng mang lại nguồn trái cây dồi dào.
Lợi ích của dừa
Dừa là một loại thực phẩm bền vững, cung cấp dinh dưỡng cho hàng triệu người trên thế giới. Mọi bộ phận của cây dừa đều có giá trị, mỗi bộ phận mang lại những tác dụng trị liệu khác nhau. Dừa sở hữu các đặc tính:
- Chống giun sán
- Giảm viêm
- Chống oxy hóa
- Chống nấm
- Kháng khuẩn
- Ngăn ngừa ung thư
- Hạ huyết áp
- Ngăn ngừa loãng xương
Thịt dừa dồi dào chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nước dừa non xanh mát, ngon miệng, từng trở thành thức uống thể thao phổ biến vào năm 2013 nhờ giàu chất điện giải tự nhiên. Kể từ năm 2015, xuất khẩu dừa tươi của Philippines, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, đã tăng hơn 80%.
Dầu dừa từng bị loại bỏ khỏi chế độ ăn uống do hàm lượng chất béo bão hòa cao. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loại lipid độc đáo trong dầu dừa – axit béo chuỗi trung bình, có tiềm năng tuyệt vời cho dinh dưỡng và trị liệu.
Dầu dừa chất lượng tốt nhất là loại thô, còn gọi là dầu dừa nguyên chất (VCO). Dầu được chiết xuất bằng cách ép lạnh cùi dừa tươi. Phương pháp ép lạnh được đánh giá cao hơn vì giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hơn.
1. Tim mạch
Chất béo bão hòa, trước đây từng bị cho là có hại do làm tăng cholesterol, được cho là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy MCFA không ảnh hưởng đến cholesterol vì nó được cơ thể đốt cháy ngay lập tức để lấy năng lượng.
Hơn 50% chất béo bão hòa trong dầu dừa là axit lauric. Nó có thể giúp tăng cholesterol HDL nhưng cũng làm tăng cholesterol LDL. Khi ăn quá nhiều, hầu hết chất béo và dầu trong chế độ ăn uống có thể làm tăng độ dính tiểu cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cục máu đông. Axit béo omega-3 và MCFA không thúc đẩy độ dính tiểu cầu.
2. Não bộ
Nước dừa được biết đến với tác dụng giúp tăng serotonin, chất dẫn truyền thần kinh giúp nâng cao tâm trạng và chống trầm cảm. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy hứa hẹn trong việc sử dụng nó như một chất chống trầm cảm.
Trong một nghiên cứu lâm sàng, 44 bệnh nhân Alzheimer được cho dùng dầu dừa trong 21 ngày. Điều này dẫn đến sự cải thiện đáng kể về khả năng nhận thức của họ.
MCFA, dễ dàng hấp thụ và chuyển hóa bởi gan, có thể chuyển thành ketone, một nguồn năng lượng thay thế quan trọng cho não. Người bị suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, có thể hưởng lợi từ việc ăn dừa. Đã có một số trường hợp thành công trong việc sử dụng dừa để kiểm soát co giật, bao gồm cả bệnh động kinh.
3. Ung thư
Nhiều nghiên cứu trên động vật trong tài liệu ca ngợi lợi ích của nước dừa. Mặc dù kết quả nghiên cứu ung thư rất hứa hẹn, vẫn cần thêm các nghiên cứu lâm sàng.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây từ Ấn Độ cho thấy rằng, các nồng độ khác nhau của dầu dừa nguyên chất (VCO) đều đem lại khả năng chống ung thư nhất định, đặc biệt là với ung thư gan và ung thư miệng.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm khác cho thấy axit lauric từ VCO có hiệu quả ức chế chứng viêm thần kinh do stress oxy hóa, đồng thời bảo vệ tế bào khỏi sự phát triển của tế bào ung thư.
4. Mắt
Nghiên cứu tiếp tục về những lợi ích tiềm năng của nước dừa đối với sức khỏe của mắt. Các chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng trong nước dừa và dầu dừa cho thấy hứa hẹn trong việc làm chậm tiến triển của thoái hóa võng mạc, đục thủy tinh thể, cườm nước và bệnh võng mạc do tiểu đường.
Đặc tính chống viêm, dưỡng ẩm của dầu dừa có thể giúp giảm quầng thâm mắt và ngăn ngừa hình thành các vết chân chim và nếp nhăn.
5. Da và tóc
Nhiều sản phẩm làm đẹp cho tóc và da có chứa dầu dừa vì đặc tính dưỡng ẩm của nó.
Hàm lượng kali, magie và canxi cao trong nước dừa, cùng với các chất chống oxy hóa và phytohormone, mang lại cho nó những đặc tính chống lão hóa và chống ung thư.
6. Xương và răng
Nghiên cứu ban đầu trên động vật cho thấy VCO có thể ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Cách thức xảy ra cần nghiên cứu thêm.
Đặc tính chống viêm của dầu dừa khiến nó trở nên tuyệt vời cho việc súc dầu, một phương pháp cổ xưa giúp loại bỏ vi khuẩn và cải thiện vệ sinh răng miệng.
Một nghiên cứu trên 60 thanh niên bị viêm nướu do mảng bám đã được thực hiện. Việc súc dầu được đưa vào thói quen vệ sinh răng miệng của họ. Sau 30 ngày, mảng bám và viêm nướu giảm đáng kể.
7. Bệnh tiểu đường
Hàm lượng dinh dưỡng cao và các đặc tính chống oxy hóa của nước dừa có khả năng làm giảm lượng đường trong máu và tổn thương võng mạc do tiểu đường, như một nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy. Nước dừa cũng có thể giúp giảm tổn thương thận do tiểu đường.
Những ai nên tránh dùng dừa?
- Những người có vấn đề về thận vì nước dừa chứa hàm lượng kali cao.
- Những người có nguy cơ mắc bệnh tim do hàm lượng chất béo bão hòa trong dừa.
Theo Sandra Cesca – The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch
NTD Việt Nam