Bức ảnh chụp vào ngày 16/7/2016 cho thấy bức tượng cưỡi ngựa của Thành Cát Tư Hãn (tượng cưỡi ngựa lớn nhất thế giới) ở Tsonjin Boldog gần Ulan Baator và Erdenet ở tỉnh Tov. (Ảnh: JOEL SAGET/AFP via Getty Images)
Đã gần 800 năm trôi qua kể từ khi Thành Cát Tư Hãn trút hơi thở cuối cùng từ giã cõi đời chỉ một ngày trước khi Hoàng đế Tây Hạ đầu hàng quân Mông Cổ (1227). Song nhiều năm trước phút lâm chung ấy, vị Đại Hãn của Mông Cổ đã tiên liệu việc xây dựng lăng mộ cho mình. Ông hạ lệnh xây một ngôi mộ không có bia theo đúng phong tục Mông Cổ và tuyệt đối giữ bí mật về vị trí huyệt mộ. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định được lăng tẩm của Thành Cát Tư Hãn ở đâu…
Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227) là một trong những nhà quân sự lỗi lạc và có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới. Ngày nay người dân Mông Cổ vẫn còn kính trọng và tôn sùng ông như là vị lãnh đạo mang lại sự thống nhất cho Mông Cổ. Cháu nội của ông và là người kế tục sau này, Hoàng đế Hốt Tất Liệt đã lập ra nhà Nguyên của Trung Hoa.
Các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn trên khắp khu vực Á – Âu để bành trướng lãnh thổ đã đem lại sự thống nhất và phát triển giao lưu buôn bán, đồng thời ông cũng thi hành chính sách tự do tôn giáo. Có thể nói sự giao lưu văn hoá đông tây có quy mô lớn lần đầu tiên chính là diễn ra dưới thời đại của Thành Cát Tư Hãn.
Sau khi hào quang từ sự nghiệp chinh phạt vĩ đại của mình kết thúc, cũng như bao con người khác, Thành Cát Tư Hãn rời bỏ thế giới này trong ánh hoàng hôn lụi tắt. Sử chép rằng, sau khi qua đời, thi hài của Thành Cát Tư Hãn được đưa về cố hương ở Khentii Aimag. Cái tên này đã nổi tiếng từ đó, trở thành nơi nhiều người tin rằng ông được chôn cất ở đâu đó gần sông Oát Nan và núi Bất Nhi Hãn.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy…
Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở đâu?
Vào ngày 6/10/2004, một dự án khảo cổ đã khám phá ra khu vực được cho là cung điện của Thành Cát Tư Hãn ở vùng nông thôn Mông Cổ, làm tăng khả năng xác định vị trí chôn cất của ông. Điều này làm dấy lên những khả năng về vị trí của khu mộ Thành Cát Tư Hãn. Có người cho rằng, khu mộ được đặt ở Kherem, cách cung điện của ông khoảng 322 km. Một số khác lại cho rằng, nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn ở khu vực gần hai con sông Oát Nan và Kerulen và núi Bất Nhi Hãn.
Theo một nghiên cứu công bố năm 2014 trên tạp chí PLOS One, không có tài liệu lịch sử hoặc khảo cổ nào mô tả hình dáng ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn. Các nhà khoa học sử dụng ảnh vệ tinh để tìm kiếm ngôi mộ. Kết quả khảo sát bằng vệ tinh xác định một loạt tàn tích nhưng trong đó không có mộ của Thành Cát Tư Hãn.
Mông Cổ Bí Sử, tác phẩm văn chương tiếng Mông Cổ lâu đời nhất còn tồn tại, không đề cập tới ngôi mộ của ông. Văn bản chỉ viết vào năm 1227, Thành Cát Tư Hãn “lên thiên đường”. Tuy nhiên, văn bản cho biết Thành Cát Tư Hãn rất chú ý tới Burkhan Khaldun, ngọn núi linh thiêng ở tỉnh Khentii. Thời trẻ, ông từng dựa vào địa thế ngọn núi để trốn chạy kẻ thù. Bản ghi chép cũng trích dẫn câu nói của Thành Cát Tư Hãn: “Mỗi sáng ta sẽ cầu nguyện cùng Burkhan Khaldun. Con cháu của ta sẽ ghi nhớ điều này và làm như vậy”. Vì vậy, nhiều học giả nghi ngờ ông được chôn cất tại đó, nhưng tính đến nay, họ vẫn chưa phát hiện dấu vết của ngôi mộ.
Ngày nay, Thành Cát Tư Hãn được nhiều người Mông Cổ tôn kính gần như một vị thánh. Vì thế, nhiều người ở Mông Cổ muốn lăng mộ của ông luôn là một huyền thoại đầy bí ẩn. Do đó, việc tìm ra vị trí lăng mộ của ông quả là khó khăn đối với các chuyên gia sử học, theo Live Science.
Phó giáo sư nhân chủng học William Honeychurch tại Đại học Yale (Mỹ) nói: “Ngôi mộ Thành Cát Tư Hãn rất quan trọng đối với người dân Mông Cổ”. Song ông từ chối suy đoán về nơi có thể đặt ngôi mộ.
Các hoàng đế thời xưa cho xây dựng lăng mộ như một cách để được hậu thế tưởng nhớ đến. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Thập Tam Lăng triều Minh (lăng mộ 13 vua đời Minh), lăng tẩm triều Thanh… đều là những nơi mai táng hoàng đế sau khi chết. Sự rộng lớn quy mô của lăng mộ Tần Thủy Hoàng cùng với rất nhiều vật chôn theo cũng khiến người đời sau kinh ngạc, tán thán không thôi. Tuy vậy, chỉ có lăng mộ của các hoàng đế triều Nguyên trước sau vẫn nằm trong vòng bí ẩn.
Trong cuốn “Nguyên Sử”, hầu hết các hoàng đế nhà Nguyên, bao gồm cả Thành Cát Tư Hãn, đều được chép là “chôn cất tại Khởi Liễn Cốc” nhưng không ghi rõ địa điểm Khởi Liễn Cốc này thực sự nằm ở đâu.
Trong quyển “Thảo Mộc Tử” của Diệp Tử Kỳ sống vào thời nhà Minh có ghi chép lại: Sau khi hoàng đế triều Nguyên băng hà, người ta “lấy một đoạn của thân cây lớn chẻ làm đôi, đục rỗng bên trong, kích cỡ lớn như hình người làm quan tài, đặt di thể vào trong đó, rồi quét sơn. Sau khi mọi việc xong xuôi, lấy vàng đúc thành ba sợi dây, quấn chặt ba vòng ở hai đầu và chính giữa”.
Người ta lại cho đào một cái hố sâu, cho quan tài vào đó chôn cất, “điều khiển hàng vạn con ngựa dẫm đạp cho bằng phẳng. Giết chết lạc đà con ở trên nấm mộ, khu mộ được hàng nghìn kỵ binh trông coi. Vì không để cho người ngoài nhìn ra dấy vết tích đã từng đào bới, còn phải dùng lều vải bao vây toàn bộ khu vực chung quanh lại. Đợi đến khi lớp cỏ trên mặt nơi chôn cất đã mọc xanh rì, không khác gì với cỏ xanh chung quanh, người ta mới dọn lều vải rời khỏi, như vậy địa điểm chôn cất sẽ không bị tiết lộ nữa.
Sau khi hoàn thành mọi thủ tục, người Mông Cổ sẽ giết chết một con lạc đà con ở trên mặt ngôi mộ. Lúc này, lạc đà mẹ được dẫn đi cùng với lạc đà con sẽ vô cùng đau đớn và nhớ rõ địa điểm này. Năm sau khi đến tế bái, người ta dắt theo con lạc đà mẹ. Ở nơi giết chết lạc đà con, lạc đà mẹ sẽ đau đớn chảy nước mắt. Như vậy, những người đến tế bái có thể tìm được địa điểm chính xác của lăng mộ.
Nhưng sau khi lạc đà mẹ chết đi, chiếc “chìa khóa” duy nhất để tìm đến lăng mộ Hoàng đế cũng sẽ không còn. Tất cả sẽ chìm vào bóng đêm của lịch sử.
Theo truyền thuyết, năm đó khi Thành Cát Tư Hãn qua đời chính là đã dùng cách thức mai táng này. Điều đó lý giải vì sao lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn vẫn không lộ diện suốt gần 800 năm.
Khi qua đời ở tuổi 67, Thành Cát Tư Hãn đang chỉ huy binh lính trong trận chiến chống lại người Đảng Hạng tại khu vực ngày nay là vùng tây bắc Trung Quốc. Do đó, các sử gia cho rằng rất khó để mang thi hài ông về Mông Cổ bởi khi ấy ông có thể đang chinh chiến cách biên giới Mông Cổ 500 km. Người Mông Cổ thời đó không biết kỹ thuật ướp xác và buộc phải chôn cất Thành Cát Tư Hãn ở nơi khác bởi họ không kịp đưa thi thể về quê hương trước khi phân hủy. Có thể, hài cốt của Thành Cát Tư Hãn và ngôi mộ của ông nằm ở vùng Ordos phía tây bắc Trung Quốc.
Trong cuốn “Marco Polo du ký”, nhà thám hiểm Marco Polo (1254 – 1324) đã sống 17 năm ở Trung Quốc, tiết lộ một câu chuyện chấn động: Đó là 20.000 người biết vị trí ngôi mộ đã bị giết chết nhằm giữ kín bí mật! Dù vậy độ chính xác trong lời kể của Polo vẫn là đề tài gây tranh cãi giữa các sử gia hiện đại.
Nghi thức chôn cất đặc biệt của người Mông Cổ
Từ năm 2001, Tiến sĩ Erdenebaatar đã khai quật một lăng mộ 2.000 tuổi của các vị vua Hung Nô tại tỉnh Arkhangai miền trung Mông Cổ.
Tiến sĩ Erdenebaatar tại Đại học Quốc gia Ulaanbaatar (Mông Cổ) tin rằng Hung Nô là tổ tiên của người Mông Cổ, bản thân Thành Cát Tư Hãn cũng tin vào thuyết này. Điều này có thể dẫn đến các nghi thức chôn cất tương tự, và lăng mộ vua Hung Nô có thể sẽ giúp ta hình dung ra lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn trông ra sao. Các vị vua Hung Nô được chôn sâu hơn 20m dưới lòng đất trong những quan quách gỗ, và trên mặt đất được đánh dấu bằng các khối đá vuông.
Tiến sĩ Erdenebaatar đã trải qua 10 mùa hè khai quật để tìm ra lăng mộ đầu tiên, và lăng này đã bị các nhóm cướp mộ phá từ trước. Dù vậy, nơi đây vẫn còn cả một khối tài sản đồ quý cho thấy quan hệ ngoại giao từ thời Hung Nô: một chiếc chiến xa Trung Hoa, đồ thủy tinh La Mã và rất nhiều kim loại quý.
Nhiều người tin rằng lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn cũng sẽ đầy châu báu mà ông thu chiếm được từ khắp các vùng thuộc Đế chế Mông Cổ. Đó cũng là một lý do khiến những người nước ngoài rất muốn tìm ra mộ của ông.
Nhưng nếu như Đại Hãn được chôn theo kiểu vua Hung Nô thì việc tìm ra lăng mộ này là cực kỳ khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi. Để che giấu lăng mộ kiểu này, người ta chỉ cần bỏ đi các cột đá đánh dấu. Hầm mộ chính nằm sâu 20m dưới mặt đất, không ai có thể tìm ra giữa thảo nguyên Mông Cổ mênh mông.
Trước khi nhà Nguyên thành lập, người Mông Cổ vốn có tập tục chôn cất độc đáo của riêng mình. Người Mông Cổ vốn là tộc người du mục sống trên thảo nguyên, không có nơi ở cố định, lối sống khá đơn giản thực dụng. Đặc biệt là người Mông Cổ trong những năm mở rộng chiến tranh trên quy mô lớn, nghi thức chôn cất lại càng trở nên đơn giản hơn bất cứ lúc nào.
Khi chôn cất, họ để cho người chết ngồi ở chính giữa chiếc lều vải được dùng khi còn sống, chung quanh là những người cúng tế vây quanh tiến hành cầu nguyện. Đồ tuỳ táng gồm có ngựa, cung tên và chiếc bàn có bày biện thịt sữa, sau cùng đều cho vào trong nấm đất. Mục đích là để người chết khi đến một thế giới khác thì có lều vải để ở, có ngựa để cưỡi, có thịt để ăn và có sữa để uống.
Dù đã vào làm chủ Trung Nguyên, người Mông Cổ nhập liệm vẫn đơn giản, tằn tiện giống như trước, áo liệm phần nhiều vẫn là quần áo thường ngày hay mặc, vật dụng chôn theo cũng vẫn rất ít, phần nhiều là các món vũ khí mà người chết yêu thích lúc còn sống, ví như những thứ cung tên, đao kiếm…
Sau khi hoàng đế băng hà trước tiên cần có một nghi thức an táng, vật chôn theo cũng phải nhiều hơn một chút. Chỉ là trong khi chôn cất di thể hoàng đế không cho phép quan viên người Hán tham gia, cũng sẽ không xây dựng những công trình kiến trúc quy mô lớn trên mặt đất, không lập miếu thờ công đức và bia mộ, mọi thứ nhìn vào đều rất đơn giản.
Ngoài ra vì để không lưu lại những manh mối và dấu vết có thể khiến những tên trộm đào mộ phát hiện được, những ghi chép về địa điểm an táng cũng rất ít ỏi, đến nỗi khiến người ta cảm thấy nhà Nguyên vốn không hề tồn tại lăng mộ hoàng đế. Những ghi chép không hoàn chỉnh và biên tạo có mục đích khiến người đời sau rất khó lý giải chân tướng về phương diện này. Đây có thể chính là nguyên do hoàng đế triều Nguyên không có lăng mộ. Mà nguyên không phải không có, chỉ là không có phát hiện ra mà thôi.
Vậy câu hỏi đặt ra là Thành Cát Tư Hãn đã được chôn cất ở đâu? Liệu ông có sở hữu mộ phần hoành tráng như Kim tự tháp được xây nên để phục vụ các Pharaoh Ai Cập cổ đại, hay lăng mộ chứa hàng nghìn chiến binh đất nung và đồ tạo tác như Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc – Tần Thủy Hoàng hay không?
Thành Cát Tư Hãn đơn giản là vị anh hùng vĩ đại nhất Mông Cổ. Phương Tây chỉ còn nhớ ông đã xâm lược tới đâu, nhưng người Mông Cổ lại nhớ những gì ông đã kiến tạo nên. Đế quốc của ông kết nối Phương Đông với Phương Tây, giúp Con đường Tơ Lụa phát triển.
Thời ông cai trị là thời ý tưởng về miễn cống nạp ngoại giao và tự do tôn giáo được thiết lập. Ông cũng xây dựng hệ thống bưu chính đáng tin cậy và cách sử dụng tiền giấy. Thành Cát Tư Hãn không chỉ xâm chiếm thế giới, ông còn văn minh hóa thế giới đó.
Cho đến ngày nay, ông vẫn luôn là biểu tượng cho lòng kính ngưỡng vĩ đại, đó là lý do khiến người Mông Cổ mong muốn lăng mộ ông không bị ai quấy rầy. Bởi thế bí mật ngôi mộ Thành Cát Tư Hãn trở thành một trong những “bài toán khảo cổ” lớn nhất chưa có lời giải của thế kỷ 21. Thậm chí, chính người dân Mông Cổ cũng không bao giờ có ý định khai quật lăng mộ. Họ cho rằng hãy để vị Đại Hãn tối cao của họ được ngủ yên và việc khai quật lăng mộ bị họ xem là không tôn trọng người đã khuất và là sự báng bổ thần linh.
Viên Minh
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam