Các triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường rất âm thầm, nhiều bệnh nhân không cảm thấy mình bị bệnh. (Ảnh: xb100 / Freepik)
Khoảng 9/10 bệnh nhân có tình trạng tiền tiểu đường mà họ không biết. Ở Việt Nam, theo báo cáo của IDF 2019, tỉ lệ người bị tiền tiểu đường chiếm 8,6%, tương đương 5,3 triệu người, gấp 1,4 lần so với bệnh nhân đái tháo đường.
Tuy nhiên, các triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường rất âm thầm, nhiều bệnh nhân không cảm thấy mình bị bệnh.
Tiền tiểu đường là gì?
Trong tình trạng khỏe mạnh, lượng đường trong máu khi đói nên dưới 100 mg/dL, tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường là 126 mg/dL trở lên, và tiền tiểu đường là khi lượng đường trong máu khi đói nằm trong khoảng từ 100 – 125 mg/dL.
Tuy nhiên, không cần quá lo lắng, ở giai đoạn tiền tiểu đường, bạn có thể điều chỉnh lượng đường trong máu trở lại bình thường và phòng ngừa hoặc trì hoãn sự phát triển của bệnh tiểu đường thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục.
Cảnh giác với những triệu chứng tiền tiểu đường
Tiền tiểu đường thường không có triệu chứng rõ ràng, nhưng một số người có thể gặp các tình trạng sau:
- Khát nước và tiểu nhiều: Thường xuyên cảm thấy khát nước, ngay cả sau khi uống nhiều nước vẫn không thể làm dịu cơn khát, kèm theo tiểu tiện thường xuyên. Một số người thậm chí vẫn tiểu thường xuyên ngay cả khi không uống nước.
- Dễ đói: Vừa ăn xong nhưng lại nhanh đói, cảm giác như không bao giờ ăn no, và có thể không tăng cân.
- Mệt mỏi và mờ mắt: Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và uể oải, thị lực cũng có thể bị mờ.
- Giảm cân đột ngột: Một số người có thể giảm cân nhanh chóng trong thời gian ngắn, thậm chí giảm hơn 6kg trong một tháng.
- Bệnh da: Các sọc đen xuất hiện ở các nếp gấp da sau gáy, nách hoặc bẹn. Bề mặt sần sùi, có thể có mùi hôi, trông như chưa tắm rửa, thực chất là do rối loạn nội tiết tố do lượng đường trong máu cao dẫn đến lắng đọng melanin.
- Ngứa bộ phận sinh dục: Đặc biệt ở phụ nữ, ngứa bộ phận sinh dục không rõ nguyên nhân có thể liên quan đến lượng đường trong máu cao.
- Vết thương lâu lành: Vết thương nhỏ hoặc đốm đỏ trên da (như vết muỗi đốt) lâu lành có thể là do lượng đường trong máu cao.
4 nhóm người dễ mắc tiền tiểu đường
- Nhân viên văn phòng ít vận động:
Ngồi hơn 6 tiếng mỗi ngày dễ dẫn đến béo phì và viêm mãn tính, ảnh hưởng đến độ nhạy insulin, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- “Thế hệ đường” thích ăn ngọt:
Một số người không nhận thức được lượng đường trong chế độ ăn uống của họ rất cao, ví dụ:
- Nước sốt lẩu, há cảo có nhiều đường;
- Thích ăn vặt, đồ ngọt và đồ uống có đường;
- Yêu thích ăn món ăn có đường, những thói quen ăn uống này sẽ vô tình dẫn đến hấp thụ nhiều đường hơn;
- Ngay cả đồ ăn nhẹ có vị mặn cũng chứa đường, vẫn ảnh hưởng đến lượng đường trong máu – 8 chiếc bánh quy có lượng đường tương đương một bát cơm.
- Bệnh nhân tiểu đường thai kỳ:
Nếu không vượt qua được xét nghiệm sàng lọc uống dung dịch đường khi mang thai, họ sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Đối với những phụ nữ từng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, trong vòng 5 đến 10 năm sau sinh có 40 – 60% nguy cơ phát triển thành bệnh tiểu đường, cần phải đặc biệt chú ý theo dõi đường huyết.
- Bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang:
Hội chứng buồng trứng đa nang là một triệu chứng rối loạn nội tiết tố thường liên quan đến béo phì, rối loạn đường huyết và bệnh tim mạch, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Nguy cơ tiền tiểu đường thường liên quan đến chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt.
Học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng là nhóm tiêu thụ thực phẩm có đường cao nhất. Tiền tiểu đường không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, mà người trẻ, thậm chí cả trẻ em cũng có nguy cơ cao.
Ngoài bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang cần đến gặp bác sĩ để xác định xem có cần điều trị bằng thuốc hay không, các nhóm nguy cơ cao khác hoàn toàn có thể đảo ngược tiền tiểu đường bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt.
4 cách để đảo ngược tiền tiểu đường
a. Thay thế các sản phẩm làm từ bột mì
Tránh ăn bánh mì, mì ống, bánh ngọt… Những thực phẩm này tiêu hóa nhanh, khiến lượng đường trong máu tăng nhanh. Nên thay thế bằng ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang và khoai tây nguyên củ.
Ví dụ, cơm tiêu hóa chậm hơn, sau khi ăn lượng đường trong máu tăng chậm hơn; trong khi các sản phẩm làm từ bột gạo được nghiền thành bột sẽ tiêu hóa nhanh hơn, khiến lượng đường trong máu tăng nhanh hơn.
Khuyến cáo mỗi bữa ăn chỉ nên ăn 2 phần đường (1 phần đường = 15g), ví dụ: 1 bát 60g gạo tương đương 4 phần đường, 1 quả khoai lang hoặc khoai tây 120g tương đương 2 phần đường
b. Thay thế thực phẩm nhiều dầu mỡ
Thực phẩm nhiều dầu mỡ cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiền tiểu đường và béo phì.
Ngược lại, protein có thể làm chậm tốc độ tiêu hóa, giúp ổn định lượng đường trong máu sau bữa ăn và cũng có thể chống lại cơn đói tốt hơn.
Nên ăn ba phần protein chất lượng mỗi bữa, chẳng hạn như cá, đậu phụ, ức gà, trứng…
Ví dụ, một phần protein có thể là ba ngón tay ức gà, bốn con tôm bỏ đầu và đuôi, nửa hộp đậu phụ non hoặc một cốc sữa đậu nành không đường.
c. Thay thế đồ uống có đường
Thay thế đồ uống có đường bằng đồ uống không đường hoặc ít đường.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị rằng nếu bạn thực sự không thể cai nghiện đồ uống có đường, bạn có thể sử dụng đồ uống không đường để giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm lượng đường nạp vào cơ thể.
Ví dụ, hãy chọn Coca-Cola Zero hoặc thạch không đường để thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt.
d. Bỏ thói quen ít vận động, tập thể dục nhiều hơn
Tập thể dục ít nhất 2 – 3 lần mỗi tuần. Bạn có thể lựa chọn các bài tập sau:
- Tập thể dục tim mạch cường độ trung bình 150 phút mỗi tuần: Chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ Latin… mỗi lần tập khoảng 60 phút.
- Tập thể dục HIIT (High-Intensity Interval Training) cường độ cao 75 phút mỗi tuần: Tập tạ, Tabata…
Chỉ cần áp dụng 4 phương pháp trên để điều chỉnh thói quen sinh hoạt, không cần tiêm thuốc hay dùng thuốc, bệnh tiểu đường sẽ không xảy đến với bạn.
Theo Li Wanping – The Epoch Times
Hoàng Tuấn
NTD Việt Nam