Vào thời nhà Tống, Lý Sỹ Hành nhậm chức tại Viện hàn lâm. Trong một lần đi sứ sang Triều Tiên, võ tướng Dư Anh đi theo làm phụ tá. Sau khi hoàn thành sứ mạng, đối với những thứ tài vật mà Triều Tiên biếu tặng, Lý Sỹ Hành đều không quan tâm để ý, tất cả đều ủy thác cho Dư Anh xử lý.
Lúc lên thuyền trở về nước, Dư Anh thấy đáy thuyền bị thấm nước, lo rằng những thứ vật phẩm của mình sẽ bị ẩm ướt, bèn lấy những thứ lụa là gấm vóc của Lý Sỹ Hành được tặng đem lót ở đáy thuyền, sau đó đặt những thứ của mình lên trên để tránh bị ẩm ướt.
Thuyền đi trong biển rộng, đột nhiên sóng gió nổi lên, như muốn nhấn chìm con thuyền. Mà thuyền lại quá nặng, tình hình mười phần nguy cấp, thuyền trưởng vội vàng thỉnh cầu Dư Anh vứt bỏ những thứ hàng hóa đó đi, để thuyền nhẹ bớt, nếu không thì thuyền lật người chết. Dư Anh lúc này cũng vô cùng hoảng loạn, nên vội vàng vơ những vật phẩm trên thuyền ném xuống biển. Ước chừng số vật phẩm đã bị mất mát khoảng một nửa, thì sóng gió ngừng lại, thuyền cũng ổn định lại, bọn họ rốt cục thoát hiểm.
Khi Dư Anh kiểm tra lại số vật phẩm, mới phát hiện những thứ ném xuống biển toàn bộ đều là những đồ đạc của mình. Còn những tặng phẩm của Lý Sỹ Hành bởi vì chất đống ở dưới đáy thuyền, cho nên hoàn toàn không bị sứt mẻ tí nào, chỉ bị ướt đôi chút mà thôi.
Đối với những thứ tài vật tặng phẩm, thái độ của hai người không hề giống nhau. Lý Sỹ Hành bởi “không quan tâm chú ý”, kết quả hoàn toàn chẳng bị mất mát gì, còn Dư Anh thì hết sức “để ý”, kết quả hoàn toàn chẳng được gì. Kỳ thực phát sinh ra chuyện này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Lý Sỹ Hành được việc, là do ông bình thường xem nhẹ danh lợi và làm người chính trực. Dư Anh hỏng việc, chính bởi vì ông ta mê chuộng tài vật, làm người không phúc hậu. Hai người đó cảnh giới tư tưởng bất đồng, làm việc sinh ra kết quả bất đồng. Thưởng Thiện phạt Ác, Đạo Trời quán xuyến tất cả.