Tôn Quyền tự Trọng Mưu, là con trai của Tôn Kiên, em trai của Tôn Sách, sau khi tiếp nhận đại nghiệp Giang Đông từ cha và anh trai, nhờ khéo đề bạt cất nhắc nhân tài nên đã thuận lợi hóa giải nhiều lần nguy khốn, từ đó đứng ở thế bất bại trong chiến loạn tam quốc. Trong “Vĩnh Ngộ Nhạc” của Tân Khí Tật có nói: “Anh hùng vô mịch, Tôn Trọng Mưu xứ” (anh hùng khó kiếm, nơi Tôn Trọng Mưu ở). Ý là khen ngợi Tôn Quyền có ánh mắt tinh tường độc đáo, tìm được anh hùng ra sức vì nước.
Xem phần : P1 . P2 . Nghe trên Youtube
Biến bi thương thành sức mạnh
Tôn Kiên – cha của Tôn Quyền, vốn là thuộc hạ của Viên Thuật, về sau bị Lưu Biểu giết chết, con trai trưởng của ông là Tôn Sách thay vào vị trí của cha. Tôn Sách vì không được Viên Thuật trọng dụng, đã dẫn dắt hơn ngàn thuộc hạ phát triển về hướng Giang Đông. Sau khi đến Giang Đông, nhận được sự ủng hộ của sĩ tộc ở đó, đã đánh bại một số thế lực cát cứ và bắt đầu đứng vững bước chân.
Về sau Tôn Sách bị ám toán, trọng thương mà chết. Tôn Quyền khi đó mới 18 tuổi, suốt ngày khóc lóc bi thương, không cách nào xử lý triều chính. Mưu sĩ Trương Chiêu nói với Tôn Quyền rằng: “Ngày nay thiên hạ đại loạn, sài lang lộng quyền, chỉ lo bi thương mà không quan tâm đại sự quốc gia, khác nào mở rộng cửa chính mời bọn giặc tiến vào, chắc chắn tự rước lấy họa”. Tôn Quyền cảm thấy Trương Chiêu nói đúng, từ đó lau khô nước mắt, thay triều phục, vào triều xử lý công việc và thị sát quân đội, ổn định tâm quân và dân.
Sau khi kế thừa đại nghiệp của cha và anh, Tôn Quyền lập tức thể hiện ra tài năng lãnh đạo của mình. Về phương diện nhân sự: Dùng lễ nghi mời Trương Chiêu làm sư phó; mời Chu Du, Trình Phổ, Lữ Phạm làm tướng soái; mời Lỗ Túc, Gia Cát Cẩn làm mưu sĩ, đồng thời tích cực “Chiêu mời tân binh, trưng cầu danh sĩ”. Trên phương diện đối nội: Trấn an Sơn Việt, thảo phạt những kẻ không theo lệnh; về phương diện ngoại giao: không đối kháng chính diện với Tào Tháo “Hiệp Thiên Tử dĩ lệnh chư hầu”, tiếp nhận các chức vị như Thảo Lỗ tướng quân, Thái Thú Hội Kê v.v.. để tránh xung đột và đối lập.
Tăng cường các biện pháp đối nội
Cuối thời Đông Hán, chiến loạn chủ yếu xảy ra ở vùng đông bắc, rất nhiều bách tính vội vàng di chuyển xuống phía nam. Những bách tính di dân này đã mang theo nguồn nhân lực, vật lực và kỹ thuật sản xuất rất lớn, vì vậy đã thúc đẩy sự phát triển của vùng Giang Nam. Tôn Quyền vì để tiếp nhận những di dân này, đã nhiều lần phát động tấn công bộ tộc Sơn Việt, ép bộ tộc này rời núi xuống định cư. Nhờ vậy, Tôn Quyền đã mở rộng phạm vi lãnh thổ, cũng phá bỏ cuộc sống bế tắc trường kỳ của bộ tộc Sơn Việt, có lợi cho truyền bá văn hóa và dung hợp dân tộc.
Ngoài ra, để xây dựng đồn điền, ông đã thiết lập các ty chức chuyên môn như Giáo úy, Đô úy điển nông (quản lý nông nghiệp) và truân điền (đồn trú), phụ trách công việc về dân đồn và quân đồn (sử dụng binh lính để khai khẩn ruộng đất ở những nơi họ đóng quân, hoặc chiêu mộ nông dân để khai khẩn đất đai). Phạm vi truân điền của Tôn Quyền rất rộng lớn, ngoài khu vực bình nguyên có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, còn có rất nhiều vùng hoang vu hẻo lánh lạc hậu.
Lúc đó rất nhiều nơi của vùng Giang Nam là sử dụng phương thức canh tác lạc hậu “hỏa canh thủy nậu” (đốt rơm, rạ, cỏ trên ruộng rồi tháo nước vào ruộng sau đó dùng cuốc xới đất xáo cỏ), dưới sự đề xướng của Tôn Quyền, người dân bắt đầu tiến hành phương pháp “lưỡng ngưu nhất lê” (hai trâu một cày). Từ đó số lượng lớn đất hoang được khai khẩn, sản lượng lương thực cũng tăng lên hàng năm. Tôn Quyền cũng rất chú ý xây dựng trùng tu thủy lợi, hạ lệnh xây dựng đập Đông Hưng, phòng ngừa nước ở Sào Hồ gây lũ lụt, cũng cho đào mở mấy con sông, khiến cho giao thông đường thủy phát triển, đồng thời cũng tiện lợi cho vấn đề tưới tiêu trong nông nghiệp.
Cùng với nông nghiệp và giao thông phát triển, chính quyền Tôn Ngô (Tôn Quyền nước Đông Ngô) cho tạo thuyền, ngành thủ công và thương nghiệp cũng theo đó phát triển, làm cho vùng Giang Nam có được sự phồn vinh chưa từng có.
Liên minh Tôn – Lưu, hợp sức chống Tào
Tào Tháo tiêu diệt chính quyền họ Viên, bình định Kinh Châu, đánh bại Lưu Bị, khí thế bừng bừng. Tào Tháo đã viết cho Tôn Quyền một bức thư nói rằng: “Cận giả phụng từ phạt tội, mao huy nam chỉ, Lưu Tông thúc thủ, kim trị thủy quân bát thập vạn quân, phương dữ tướng quân hội liệp hội dữ ngô”, nghĩa là: “Ta nay phụng mệnh đi phạt kẻ có tội, cờ hiệu chỉ xuống phía nam, Lưu Tông đã chịu trói, nay dẫn 80 vạn thủy quân, sẽ cùng tướng quân đi săn ở đất Ngô”. Trong thư rõ ràng ám chỉ Tào Tháo tự thân suất lĩnh 80 vạn đại quân xâm lược Giang Đông, dọa cho nhân tâm của Giang Đông đại loạn, rất nhiều đại thần rối rít “khuyên Tôn Quyền đầu hàng”, cho rằng đó mới là thượng sách.
Đối mặt với cường địch, Tôn Quyền cũng do dự không quyết được, một mặt là không cam tâm để 10 vạn dân Đông Ngô phải nghe lệnh của Tào Tháo, mặt khác nếu đối đầu lại sợ binh lực hùng hậu của Tào Tháo. Lúc ấy nội bộ phân chia thành hai phái: chủ chiến và chủ hàng. Không lâu sau đó, Lưu Bị phái Gia Cát Lượng đến Giang Đông, thương lượng con đường liên minh chống Tào Tháo. Gia Cát Lượng phân tích tình thế lúc đó, cho rằng binh lực Tào Tháo tuy nhiều, nhưng liên tục chiến đấu lại hành quân đường xa, đã như nỏ mạnh hết đà, huống chi quân đội phương bắc không quen thủy chiến, lại thêm vừa mới chiếm lĩnh Kinh Châu chưa an định được lòng người, thực tế không cần phải sợ thế lực của Tào Tháo.
Lời lẽ thuyết phục của Gia Cát Lượng đã làm Tôn Quyền động tâm, hơn nữa mưu thần Lỗ Túc và đại tướng soái Chu Du đều ủng hộ ý kiến của Gia Cát Lượng. Chu Du chỉ rõ thêm: 80 vạn thủy quân của Tào Tháo chỉ là trên danh nghĩa, quân đội của Tào Tháo đến từ Trung nguyên trên thực tế chỉ có 15, 16 vạn mà thôi. Những ý kiến này đã làm cho sự tự tin của Tôn Quyền tăng lên mạnh mẽ. Để tăng cường quyết tâm liên minh với Lưu Bị chống Tào, Tôn Quyền ngay tại chỗ rút đao chặt đứt bàn và kiên định nói: “Ai còn dám nói nghênh đón Tào Tháo, kết cục sẽ giống như cái bàn này!” Vì vậy, ông phong Chu Du làm tả đô đốc và Trình Phổ làm hữu đô đốc, chỉ huy 3 vạn quân tinh nhuệ, phối hợp với hơn 2 vạn quân của Lưu Bị, cùng nhau chống lại Tào Tháo.
Tào Tháo thất bại bỏ chạy, thiên hạ chia ba
Người phương bắc giỏi cưỡi ngựa chiến đấu, quân Tào trên đường xuôi nam bằng thuyền, đi trên nước tròng trành, sinh hoạt chao đảo trên thuyền, đã ăn không ngon ngủ không yên. Tào Tháo thấy vậy, hạ lệnh dùng xích sắt kết nối mấy trăm chiếc chiến thuyền lại với nhau, nhằm giảm bớt tròng trành lắc lư của sóng gió.
Hoàng Cái là thuộc cấp của Chu Du, nhìn thấy Tào Tháo dùng xích sắt móc nối các chiến thuyền vào với nhau, đã đề nghị dùng chiến thuật hỏa công. Ý kiến này trùng hợp với ý của Chu Du, nhưng muốn dùng hỏa công thì phải đến gần thuyền địch mới thực hiện được, vì vậy Chu Du và Hoàng Cái thực hiện một mưu kế, để Hoàng Cái giả hàng tiến vào doanh trại quân Tào. Muốn để cho Tào Tháo tin tưởng, Chu Du sử dụng “khổ nhục kế”, trừng phạt đánh cho Hoàng Cái tróc da thịt bong, sau đó Hoàng Cái gửi thư cho Tào Tháo xin hàng. Điển cố “Chu Du đánh Hoàng Cái, một người nguyện đánh, một người nguyện chịu đánh” chính là bắt nguồn từ đây.
Khổ nhục kế của Hoàng Cái, quả nhiên đã lập được công to. Tào Tháo không biết đó chỉ là kế, đồng ý nhận Hoàng Cái đầu hàng. Thế là Hoàng Cái dẫn hơn 10 con tàu, chở đầy cỏ khô tẩm dầu được màn che kín ngụy trang, sau đó cắm cờ đầu hàng, chậm rãi tiếp cận chiến thuyền của quân doanh Tào Tháo. Đồng thời Hoàng Cái cũng chuẩn bị những con thuyền nhỏ có tốc độ nhanh theo sau những thuyền đi đầu hàng, nhằm sau khi phóng hỏa thì lên thuyền nhỏ này nhanh chóng chạy thoát.
Khi thuyền giả hàng tiếp cận quân Tào, Hoàng Cái hạ lệnh cho các thuyền đồng thời châm lửa. Lúc đó trên sông vừa lúc nổi lên gió đông nam, thuyền thuận theo gió nhanh chóng áp sát doanh trại quân Tào. Trong phút chốc, mấy trăm chiến thuyền của quân Tào trở thành một biển lửa, thế lửa lớn thậm chí cháy lan ra những doanh trại đóng ở trên bờ. Quân Tào chết cháy hoặc chết đuối không biết bao nhiêu mà kể.
Cùng lúc đó, chiến hạm của liên quân Lưu – Tôn nhân cơ hội vượt sông tiến về phía bắc, đánh mạnh vào doanh trại quân Tào, từ đó khiến cho quân Tào đại bại. Trong chiến dịch này quân Tào tổn thất hơn một nửa, Tào Tháo tự thán rằng bản thân tung hoành sa trường hơn 20 năm qua, chưa từng thảm bại như vậy. Sau khi bại trận, Tào Tháo lui về phương bắc, từ đây thiên hạ hình thành cục diện chia ba.
Chiến dịch lần này, Tôn Quyền có quyết sách đúng đắn, lại bổ nhiệm Chu Du mưu lược làm chủ soái, có thể nói là vô cùng anh minh.
Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu
Đông Ngô có một số lão tướng năm xưa đi theo Tôn Kiên, Tôn Sách, thế nhưng Tôn Quyền phát hiện có một số vị mặc dù trung dũng có thừa nhưng mưu trí không đủ, khó mà gánh vác một phía, vì thế mỗi lúc đến thời điểm quan trọng, ông đều sẽ bắt đầu dùng một số người mới. Mà làm thế nào để những lão tướng này thành tâm khâm phục đối với những người mới trước khi họ chứng minh được tài học thực lực của mình, đó đã trở thành một khảo nghiệm lớn của Tôn Quyền.
Có một lần, Tôn Quyền phái Chu Thái có xuất thân hàn môn (nhà nghèo) trấn thủ ụ tác chiến phòng ngự ở cửa Nhu Tu, lão tướng Chu Nhiên, Từ Thịnh giữ chức phó tướng. Tôn Quyền biết hai người Chu Nhiên và Từ Thịnh nhất định không phục, nên một hôm lấy danh nghĩa thị sát đến Nhu Tu. Ở trên bàn rượu, ông bảo Chu Thái cởi áo quần xuống. Chỉ thấy trên thân Chu Thái vết thương chồng chất, dường như có thể dùng từ “thương tích đầy mình” để hình dung.
“Vết thương này của Chu tướng quân vì sao mà có?”, “Vết thương này của Chu tướng quân là từ đâu?”, “Vết thương này của Chu tướng quân là bị thương ở trận chiến nào?”… Tôn Quyền và Chu Thái cứ một hỏi một đáp, tất cả mọi người trong tiệc rượu đều kinh sợ. Tôn Quyền vỗ vỗ cánh tay của Chu Thái, nói: “Tướng quân! Ta và ông thân như huynh đệ, tướng quân trên chiến trường vì Tôn mỗ này mà không tiếc tính mạng, đến nỗi bị thương nhiều chỗ, Tôn mỗ lại có thể nào không ghi ơn báo đáp, phó thác trách nhiệm nặng nề cho tướng quân đây?” Chu Nhiên, Từ Thịnh ở một bên nghe được đều câm như hến, sau đó cũng không dám bất kính đối với Chu Thái nữa.
Chu Thái quả nhiên không phụ sự phó thác của Tôn Quyền. Khi Tào Tháo dẫn 40 vạn quân tấn công cửa Nhu Tu, mấy lần đánh nhau đều không giành được. Về sau, Tào Tháo nhìn về quân Ngô ở phía xa, đội hình thế trận chiến hạm, không khỏi khen ngợi Tôn Quyền trị quân nghiêm minh, kỷ cương quân đội nghiêm túc, từ đó trong lòng cũng thừa nhận khó thắng được Tôn Quyền, nên không còn dám quyết chiến nữa. Tào Tháo bùi ngùi cảm thán rằng: “Sinh tử đương như Tôn Trọng Mưu, Lưu Cảnh Thăng nhi tử nhược đồn khuyển nhĩ!” (Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu, con của Lưu Cảnh Thăng chỉ như heo chó mà thôi!). Sau đó lui quân.
Lưu Biểu tự Cảnh Thăng, con trai của ông là Lưu Kỳ và Lưu Tông, việc hai anh em này đã đánh mất sự nghiệp của cha mình, làm cho Tào Tháo coi thường huynh đệ bọn họ, coi họ như hạng heo chó. So sánh với nhau, biểu hiện của Tôn Quyền sau khi kế thừa đại nghiệp của cha và anh, càng cho thấy rõ sự đáng quý đáng khâm phục, khó trách Tào Tháo phải than thở “Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu”.
Không còn là Ngô Hạ A Mông
Đại tướng Lữ Mông của Đông Ngô mặc dù nhiều lần lập được công lớn, nhưng ít học, viết thư dâng sớ còn phải nhờ người khác viết giúp. Tôn Quyền nói với Lữ Mông: “Các ngươi hiện giờ đảm nhận chức vụ quan trọng, nắm giữ quân sự, hẳn nên đọc sách nhiều, tăng thêm kiến thức mới tốt”. Lữ Mông phàn nàn việc quân phức tạp, sợ không thể bớt chút thì giờ để đọc sách được. Tôn Quyền lấy ví dụ Lưu Tú, Tào Tháo mặc dù quân vụ nặng nề, nhưng tay vẫn không rời sách, đồng thời ông còn chuẩn bị những loại sách như “Binh pháp Tôn Tử”, “Lục thao”, “Tả truyện”, “Quốc Ngữ”, “Sử ký”, “Hán thư”, “Đông quan Hán kỷ”… cho Lữ Mông. Lữ Mông vì không muốn cô phụ tấm lòng của Tôn Quyền, nên từ đó chăm chỉ đọc sách nỗ lực học tập.
Sau khi Chu Du chết, Lỗ Túc tiếp nhận phòng thủ Lục Khẩu, kiềm chế Quan Vũ ở Kinh Châu. Có một lần, Lỗ Túc đến bái phỏng Lữ Mông. Lữ Mông bày tiệc khoản đãi, khi rượu vào thì tai nóng, Lữ Mông hỏi Lỗ Túc: “Ông gánh vác trọng trách quốc gia, ở gần kề bên cạnh Quan Vũ, ông có kế sách gì đề phòng bất trắc không?” Lỗ Túc đáp: “Tùy cơ ứng biến”. Lữ Mông nghiêm túc nói: “Hiện giờ Ngô, Thục tuy cùng chung trận tuyến, nhưng Quan Vũ như hùng như hổ, đối phó với ông ta sao có thể không dự tính sẵn kế sách được chứ?” Sau đó nói ra năm bộ kế sách đối phó với Quan Vũ. Lỗ Túc nghe xong kinh ngạc nói: “Lúc đầu tôi cho là ông chỉ có vũ lược, không ngờ kiến thức của ông cũng đã đến trình độ này”. Tiếp đó khen ngợi rằng: “Ông bây giờ học thức uyên bác, đã không phải là A Mông của đất Ngô ngày xưa nữa rồi”.
Lữ Mông sau khi nâng cao học thức, quả nhiên đã không còn tầm thường. Lúc ấy Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, đồng thời có mưu đồ thảo phạt nước Ngụy. Vì để cho Quan Vũ buông lỏng cảnh giác đối với mình, Lữ Mông nghe theo đề nghị giả bệnh của Lục Tốn, sau đó để cho Lục Tốn đang rất trẻ lên thay vị trí của mình. Sau khi Quan Vũ nghe nói Lữ Mông bị bệnh, cũng không coi trọng Lục Tốn vốn trẻ tuổi, cho nên từ đó yên lòng xuất binh thảo phạt Ngụy.
Dù rằng như thế, nhưng Quan Vũ vẫn bố trí phong hỏa đài (ụ đốt lửa truyền tín hiệu) truyền phát tin tức, để phòng Đông Ngô tấn công xâm phạm. Lữ Mông, Lục Tốn đã sớm biết rõ việc này, phái binh lính Đông Ngô cải trang thành thương nhân tiếp cận, đoạt được phong hỏa đài dễ như trở bàn tay. Tiếp đó xuất binh ồ ạt tấn công Kinh Châu, tướng ở lại trấn giữ Kinh Châu không dám chống cự lại, từ đó quân Đông Ngô không tốn công đoạt được căn cứ địa của Quan Vũ. Sau khi Quan Vũ biết được Kinh Châu thất thủ, vội vàng chạy trở về, nhưng gặp phải quân của cả Ngô và Ngụy giáp công, cho nên thất bại bị bắt, cuối cùng vì thà chết không hàng, bị Tôn Quyền hạ lệnh chém đầu. Từ đây các vùng đất trọng yếu của Kinh Châu rơi vào tay Tôn Quyền.
Tôn Quyền yêu cầu Lữ Mông đọc sách nhiều, để nâng cao học thức, quả nhiên đạt được hiệu quả, không những lập nên công lớn, mà còn mở rộng phạm vi lãnh thổ cho Đông Ngô.
Trận chiến Di Lăng
Về sau, Lưu Bị xưng Đế ở Thành Đô, lập nên nhà Thục Hán. Vì báo thù cho Quan Vũ, cũng trong năm đó liền thống lĩnh quân đội hướng về Đông Ngô tiến đánh Tôn Quyền.
Tôn Quyền hai lần phái sứ giả qua sông cầu hòa, đều bị Lưu Bị cự tuyệt. Để ngăn chặn Thục Hán và Tào Ngụy giáp công, Tôn Quyền xưng thần quy phục Ngụy Văn Đế, được phong làm Ngô Vương. Mặt khác, nhằm đảm bảo an toàn, đã dời đô từ Kiến Nghiệp về Ngạc Thành, đổi tên thành Vũ Xương. Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng hết thảy, Tôn Quyền chính thức phong Lục Tốn làm Đại đô đốc, chỉ huy 5 vạn quân nghênh chiến với Lưu Bị.
Lục Tốn không phụ kỳ vọng của mọi người, sau khi giằng co với Lưu Bị tại Di Lăng 7-8 tháng, nắm lấy thời cơ dùng lửa thiêu doanh trại, đánh bại 70 vạn đại quân của Thục Hán. Sau trận chiến Di Lăng, Tôn Quyền chủ động xin lỗi với Lưu Bị, khôi phục mối quan hệ hữu nghị Ngô – Thục, khiến cho Tào Ngụy không dám hành động liều lĩnh.
Nguồn Epoch Times / Epoch Times Việt