Việc Bắc Kinh thực hiện chính sách “Zero Covid” trong thời gian dài đã mang lại nhiều hệ lụy cho người dân và xã hội, một trong số đó là các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các chuyên gia y tế cho rằng, việc phong tỏa nghiêm ngặt đã gây ra “tổn thương vô hình” cho sức khỏe tâm lý.
Vào ngày 7/12, ông Vương Hoa (Wang Hua – bí danh), một cư dân Vũ Hán, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên The Epoch Times. Ông kể lại rằng vẫn còn bị ám ảnh về phong tỏa: “Đúng vậy , vào thời điểm đó, không chỉ khổ sở vì bị nhốt trong nhà mà còn sợ hãi khi phải đối mặt với việc thành phố đóng cửa, đối mặt với những điều bất định. Tôi có thể nghe thấy tiếng xe cấp cứu mỗi ngày.
“Khi bắt đầu có dịch, mọi thứ đều hỗn loạn, không có thức ăn, không có giường bệnh. Trước khi xây dựng các bệnh viện cabin cách ly, tôi đã bị nhiễm bệnh, chỉ có thể cách ly ở nhà, kết quả là cả gia đình tôi cũng bị lây. Bây giờ tôi luôn cảm thấy sợ hãi khi nghĩ về điều đó, hễ đề cập đến chống dịch là sợ”.
“Ban đầu, tôi không có sự phòng bị nào, không hiểu biết về virus và không biết cách ứng phó. Hệ thống y tế đổ vỡ, nhiều người không thể đi khám, bệnh trở nặng. Có quá nhiều tình huống như vậy, tâm lý phải chịu áp lực quá lớn”, ông nói.
Li Li (bí danh), một cư dân ở tỉnh Hồ Bắc, nói với phóng viên The Epoch Times vào ngày 7/12: “Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, tôi đã ở một mình gần 60 ngày. Hai năm nay tôi cảm thấy không ổn cho lắm, phản ứng không còn nhanh như trước, không dám nói chuyện ở nơi công cộng, luôn bị ngây người, không thấy vui, làm gì cũng không có hứng thú, cảm giác như trầm cảm, thế nào cũng cảm thấy không thoải mái, không vui”.
Theo báo cáo khoa học do Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) công bố ngày 2/3 năm nay, trong năm đầu tiên bùng phát COVID-19, tỷ lệ mắc bệnh lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng 25%.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thông tin họ có được về tác động của dịch bệnh đối với sức khỏe tinh thần toàn cầu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Ông Trịnh Kiệt (Zheng Jie), Tiến sĩ y khoa từ Đại học Tokyo, Nhật Bản, nói với The Epoch Times vào ngày 2/12 rằng, nếu thời gian phong tỏa kéo dài, những người có tinh thần yếu ớt sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, trầm cảm hoặc cáu kỉnh, trong những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến xu hướng tự tử. Ông tóm tắt trên bốn khía cạnh sau:
Về mặt sinh lý: Ở trong môi trường khép kín trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều loại bệnh như cao huyết áp, loét dạ dày, đau đầu do căng thẳng, rụng tóc, chán ăn, tiểu đường, bệnh tim mạch vành, khả năng miễn dịch thấp, v.v.; phụ nữ thì dễ bị kinh nguyệt không đều, v.v., còn nam giới thì dễ bị liệt dương, xuất tinh sớm, v.v.
Về mặt cảm xúc: Dễ mất kiểm soát cảm xúc, chẳng hạn như cáu kỉnh vô cớ, lo lắng bất an, chán nản, tức giận, sợ hãi và thậm chí trầm cảm. Nếu không xoa dịu được những cảm xúc trên, rất dễ dẫn đến các khuynh hướng như bạo lực, tự sát…
Về mặt nhận thức: Đối với người già yếu dễ gây suy giảm trí nhớ, kém tập trung, tư duy chậm chạp. Áp lực quá lớn khi bị giam cầm trong thời gian dài cũng sẽ dẫn đến sự phủ nhận bản thân, cho rằng bản thân không tốt, hoặc trong tiềm thức cho rằng bản thân kém cỏi, sinh ra cảm giác bất lực.
Về mặt hành vi: Những người bị phong tỏa, cách ly lâu ngày khỏi xã hội sẽ sinh ra tâm lý thờ ơ với mọi người, thậm chí cô lập chính mình. Đồng thời sẽ xuất hiện những vấn đề mới trong quan hệ giữa người với người. Do bị tác động bởi những cảm xúc tiêu cực, dễ xảy ra các hành vi bốc đồng như tự làm hại bản thân, tự tử, v.v.
Tiến sĩ Trịnh cho biết, nghiên cứu phát hiện ra rằng hành vi của phần lớn những người tự sát có liên quan đến áp lực và căng thẳng; trong đó, các áp lực từ bên ngoài là lý do chính khiến cá nhân tự tử.
Đông Phương