Theo sử sách, Lý Thân sống vào thời vua An Dương Vương, từng được phong chức Tư lệ Hiệu uý, có công giúp Tần Thuỷ Hoàng (vị Hoàng đế đầu tiên bình định 6 nước chư hầu thống nhất Trung Nguyên) thị uy quân Hung Nô ở vùng biên giới phía Bắc.
Thời cổ đại, ở khắp các nền văn minh trên thế giới, nơi nào cũng có ghi chép lại điển tích, điển cố về những người có vóc dáng khổng lồ. Thậm chí một số còn được chép trong kinh và sách sử, được xem như một phần sự kiện có thật đã từng xảy ra trong quá khứ, lưu truyền lại cho hậu thế.
Người khổng lồ xứ Man Di
Tương truyền, tiếng tăm Tần Thuỷ Hoàng chỉ có quân Hung Nô không khiếp sợ; bởi vậy vị Hoàng đế này đã cho người xây Vạn Lý Trường Thành để tránh sự quấy phá. Tuy nhiên, phải đến khi có sự xuất hiện của “Ông Trọng” thì giặc phương Bắc mới không còn bén mảng đến lãnh thổ Trung Nguyên.
Trong ‘Hán thư – Ngũ hành chí’ có ghi: “Năm 26 Tần Thủy Hoàng, có đại nhân dài 5 trượng, bàn chân 6 thước, mặc trang phục Man Di…”. (Man Di là tên gọi tộc người sống ở phía Nam sông Dương Tử, là 1 trong 4 phương vây quanh Trung Nguyên: tứ di gồm có Đông Di, Man Di, Tây Nhung và Bắc Địch).
Phần chú thích ‘Hoài Nam Tử’ của Cao Dụ có đoạn: “Năm 26 đời Tần Thủy Hoàng, thiên hạ được bình định, có người khổng lồ xuất hiện ở Lâm Thao. Người ấy cao 5 trượng, bàn chân dài 8 tấc. Nên đã cho vẽ lại hình dạng và đúc bức tượng kim loại, gọi là Ông Trọng”.
Theo ‘Đại Việt Sử Ký Toàn Thư’, năm 221 trước Công nguyên (TCN), nước Tần thôn tính cả 6 nước vùng Trung Nguyên và xưng Hoàng đế. Bấy giờ có người ở Từ Liêm, Giao Chỉ là Lý Ông Trọng, người cao 2 trượng 3 thước; lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần, làm quan đến chức Tư lệ Hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, bèn sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao (thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay), uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già về làng rồi chết.
Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được hàng chục người, ngầm lay thì chuyển động được. Hung Nô tưởng đó là Hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm.
Lý Thân: thần nhân trong các huyền sử
Một số dị bản khác cũng có nhắc tới người khổng lồ họ Lý, chẳng hạn ‘Việt điện u linh tập’ với nội dung như sau:
“Vương họ Lý tên Ông Trọng, người huyện Từ Liêm, mình cao hai trượng ba thước, khí chất đoan dũng khác người thường. Thiếu thời làm quan ở huyện ấp, bị quan Đô Đốc đánh đòn, Vương than rằng:
– Tráng chí của đời người nên như chim Loan chim Phụng, nhất cử vạn lý, đâu mà để cho người thóa mạ, làm nô lệ cho người?
Vương bèn chăm học, ngày tháng dùi mài, phát minh kinh sử, vào làm quan nhà Tần, làm chức Tự lệ hiệu uý. Đến lúc Tần Thuỷ Hoàng thôn tính thiên hạ, sai Vương đem binh trấn thủ Lâm Thao thì thanh danh chấn động Hung Nô. Thuỷ Hoàng lấy làm điềm tốt. Đến sau, Vương giá cả về làng.
Thuỷ Hoàng đúc tượng đồng, đặt ở ngoài cửa Tư Mã, Hàm Dương; trong ruột tượng chứa được mươi người, mỗi khi sứ bốn phương đến, thầm khiến người vào trong ruột lay động pho tượng. Hung Nô thấy thế kinh sợ cho là Hiệu Uý còn sống, bảo nhau không dám xâm phạm biên giới.
Đời Đức Tông nhà Đường, niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu, Triệu Xương qua làm Đô Hộ nước An Nam ta, thường qua chơi làng Vương. Đêm mộng thấy cùng Vương nói chuyện trị dân, và giảng luận sách Xuân Thu tả truyện; nhân đó Triệu Xương mới hỏi thăm nhà cũ của Vương hồi xưa, thì chỉ thấy mù khói ngang trời, sông nước mênh mông, rêu phong đường đá, xanh rời cụm hoang, một mảnh nhàn vân phất phơ trên đám cỏ thôn hoa rụng.
Ông mới lập lại đền thờ, xưởng cao lầu lớn, rồi chuẩn bị lễ vật đem đến tế Vương. Đến lúc Cao Biền đánh phá nước Nam Chiếu, Vương thường hiển linh trợ thuận. Cao Biền lấy làm kinh dị, sai thợ trùng tu từ vũ tráng lệ hơn xưa, và chạm khắc tượng gỗ son thếp giống như thực mà đem lễ vật đến tế, từ đó, hương hỏa không khi nào hết.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Anh Liệt Vương, đến bốn năm, gia phong hai chữ Dũng Mãnh, năm Hưng Long thứ 20, gia phong Phụ Tín Đại Vương.“
Dị bản trong Lĩnh Nam chích quái
Cuối đời Hùng Vương có người tên Lý Thân, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ. Khi đẻ ra rất to lớn, cao đến 2 trượng 3 thước, tính tình hung hãn, phạm tội giết người, tội ác đáng chết, Hùng Vương tiếc mà không nỡ giết đi.
Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem quân sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân tiến dâng cho nhà Tần. Thủy Hoàng mừng lắm, phong cho làm chức Tư lệ Hiệu úy.
Khi Thủy Hoàng đã lấy được thiên hạ, sai Lý Thân đem quân giữ đất Lâm Thao, Hung Nô không dám xâm phạm cửa ải. Thủy Hoàng phong Lý làm Phụ Tín Hầu, cho trở về nước. Về sau, Hung Nô lại sang xâm phạm cửa ải. Thủy Hoàng nhớ tới Lý Thân, sai sứ người sang triệu về. Lý Thân không chịu đi, trốn vào rừng núi.
Vua Tần trách quở, An Dương Vương tìm mãi không được, nói dối là Lý đã chết vì bệnh tả. Tần sai sứ sang khám, An Dương Vương bèn nấu cháo đổ xuống đất để làm chứng cứ. Vua Tần đòi mang xác sang, Lý Thân bất đắc dĩ phải tự vẫn. An Dương Vương sai lấy thủy ngân bôi lên xác rồi đem nộp vua Tần.
Thủy Hoàng rất thương tiếc, mới đúc tượng đồng, đặt hiệu là Ông Trọng, đem dựng ở ngoài cửa Tư Mã, đất Hàm Dương. Trong bụng tượng chứa mấy chục người để lay cho tượng cử động. Hung Nô trông thấy tưởng là quan Hiệu Úy còn sống, không dám đến gần cửa ải.
Qua sự truyền thừa, qua góc nhìn và sự thấy biết của mỗi người có khác, cho nên các dị bản có chỗ bất đồng cũng là đương nhiên. Nhưng câu chuyện về người khổng lồ Lý Thân đã được khắc hoạ rất sống động, chân thực với tên họ, niên đại, quê quán cùng với những dữ kiện lịch sử.
Sử sách đã ấn chứng, những câu chuyện còn đó, đền thờ và dung tượng của ông cũng còn nguyên vẹn; nếu Lý Thân chỉ là một nhân vật thần thoại, một ảo ảnh vô thực, thiết nghĩ, con người sẽ không tốn quá nhiều giấy mực, công sức, cũng như tiền bạc để tôn tượng, lưu truyền. Nếu một người không phải một thực thể với xuất thân, tầm vóc và bản sự vĩ đại, làm sao họ có thể nhận được sự kính ngưỡng, thờ phụng trang trọng đến như vậy?
Tổng hợp
Truyền Thống