Nhân viên kiểm soát dịch băng qua đường để thực hiện xét nghiệm axit nucleic tại một khu vực bị phong tỏa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 01/12/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
Vài ngày sau khi ‘Phong trào Giấy trắng’ bùng nổ, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã dần dỡ bỏ việc xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn và các biện pháp cách ly tập trung bắt buộc. Vài ngày trước, hai bài báo đã lan truyền trên các nền tảng xã hội của Trung Quốc chỉ ra tình trạng ‘cạn kiêt tài chính’ ở một số địa phương. Bài đăng liên quan gây chú ý dư luận cũng bị chính quyền nước này xóa.
Tờ China Digital Times ngày 6/12 đã đăng một bài báo có tiêu đề “Một quan chức Quảng Châu tiết lộ sự thật – Kiệt quệ tài chính, nợ nần khắp nơi”, và tờ NetEase có bài viết “Đi tìm bằng chứng: Kiệt quệ tài chính, nợ nần khắp nơi?”. Cả hai bài báo đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc. Tuy nhiên, những bài đăng này hiện đã bị xóa.
Bài báo chỉ ra rằng, bạn học cũ của tác giả là một quan chức ở quận Chu Hải, thành phố Quảng Châu. Vị này cũng là người hiểu rõ nhất lý do tại sao chính quyền địa phương đột ngột nới lỏng lệnh phong tỏa.Theo quan chức này, “Thực sự không có cách nào để huy động tiền”. Bài báo cũng trích dẫn nhiều ví dụ.
“Ví dụ như tại điểm cách ly tập trung, đâu đâu cũng kín chỗ. Thậm chí có khách sạn đã bắt đầu đuổi khách vì họ chưa thanh toán các chi phí trước đó, cho nên khách sạn không thể tiếp tục cung cấp chỗ ở và bữa ăn miễn phí cho họ. Bất đắc dĩ, chính quyền chỉ có thể trưng dụng trường học làm điểm cách ly, dẫn đến việc nhiều phụ huynh lên tiếng phàn nàn”.
Người này nói rằng, chính quyền địa phương thậm chí không thể tìm được tình nguyện viên vì không đủ kinh phí. Thế là họ phải huy động giáo viên làm công tác phòng chống dịch khiến các trường thiếu giáo viên. Nếu bắt học sinh học trực tuyến thì đương nhiên hiệu quả dạy học sẽ giảm sút, nhưng tại sao phải huy động giáo viên? Đó là vì bộ giáo dục vẫn có thể trả lương cho họ và giáo viên vẫn được điều động.
Nguồn tin cho biết thêm: “Vì không có tiền nên cơ quan xét nghiệm axit nucleic cũng không muốn hoạt động nữa. Không có tiền, chẳng những cuộc chiến chống dịch không thể tiếp tục mà nhìn từ góc độ nền kinh tế tổng thể, tốc độ tăng trưởng GDP của Quảng Châu năm nay chỉ ở mức 2%. Nếu tình trạng này tiếp tục, e rằng sẽ xảy ra suy thoái, thậm chí là khủng hoảng. Nền kinh tế tư nhân của Quảng Châu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu nhiều doanh nghiệp đóng cửa, sẽ có rất nhiều người phải thất nghiệp. Đây là thực trạng ở Quảng Châu mà các phương tiện truyền thông chính thống chưa bao giờ nói với bạn”.
Bài báo dẫn lời quan chức này nói thêm rằng, lý do nới lỏng các biện pháp chống đại dịch ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc là giống nhau, không có gì là miễn phí.
“Có người đùa rằng cứ đến điểm cách ly là được ăn trưa miễn phí vài ngày, nhưng các công ty cung cấp suất ăn ở Trung Quốc thì sao, nếu cứ tiếp tục như vậy thì có còn suất ăn miễn phí hay không? Nhân viên phòng chống dịch lúc nào cũng bận rộn, phải tổ chức xét nghiệm axit nucleic, yêu cầu người dân ở trong nhà, thông báo các trường hợp nhiễm Covid-19. Bạn nghĩ những công nhân cấp cơ sở này có thể trụ được bao lâu nếu khối lượng ngày càng nhiều mà lương ngày càng ít, thậm chí bị chậm lương? Họ đều là con người, họ cũng cần phải kiếm tiền để sinh sống”.
Tác giả dẫn lời một bạn học cũ nói rằng Quảng Châu phải dỡ bỏ “khu vực kiểm soát tạm thời”, vì nền kinh tế của tỉnh Quảng Đông đóng vai trò then chốt đối với Trung Quốc.
“Năm nay, Quảng Đông là địa phương hoàn trả trái phiếu nhiều nhất ở Trung Quốc, chiếm hơn 40%. Hoàn trả trái phiếu có ích lợi gì? Đó là để bù đắp khoảng cách lương hưu. Nếu Quảng Đông không cung cấp số tiền này, có thể sẽ ảnh hưởng đến lương hưu ở vùng Đông Bắc”.
Bài báo kết luận: “Thật khó mà tưởng tượng được rằng, các thành phố với những tòa nhà san sát nhau lại bị phong tỏa trong thời gian ngắn. Mọi người không làm việc, không học hành, không kinh doanh, không chi tiêu, chỉ ở nhà vì chính sách ‘Zero Covid’. Thậm chí còn khó tin hơn khi một số người gọi điều này là ‘ưu tiên vì con người'”.
Ví dụ, tỉnh Chiết Giang thúc đẩy khẩu hiệu “ưu tiên con người chứ không phải phòng chống dịch bệnh”.
“Chúng ta không thể lấy danh nghĩa phòng chống dịch mà coi thường sinh kế, kinh tế, tính mạng của người dân chứ đừng nói đến việc chấp nhận rằng ‘chỉ có virus corona mới là đại dịch, còn các bệnh khác không quan trọng’”.
Tác giả viết: “Tôi nói với người bạn học cũ làm công chức ở Quảng Châu rằng, thực ra mỗi người có một quan điểm khác nhau. Có người muốn được ra ngoài, có người muốn được ở nhà. Nhưng bạn cũ của tôi nói rằng, người dân trước tiên cần phải hiểu rằng, ‘nới lỏng’ là một trạng thái bình thường, mọi người đều có quyền, còn ở nhà mới là trạng thái bất thường”.
“Những người ở nhà có thể tự nguyện từ bỏ quyền lợi của mình, nhưng không thể yêu cầu người khác cũng làm như vậy. Có người cho rằng, họ là ký sinh tài chính, ký sinh xã hội, thà phong tỏa thêm một năm, mọi người đều nghỉ làm, hết dịch rồi đi làm lại. Họ thậm chí còn không nghĩ đến việc tiền từ đâu mà có?”.
Thanh Hải
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam