Cổ ngữ Trung Hoa có câu: “Lấy đạo đức truyền thừa thì gia đình duy trì được trên 10 đời, lấy nghề cày cấy và dạy học truyền thừa đứng thứ 2, lấy thi thư (kinh sách) truyền thừa thì đứng thứ 3, lấy của cải truyền thừa thì không nổi 3 đời”.
Người Việt chúng ta cũng có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, vì sao cứ 3 đời lại có sự biến hóa lớn đến như vậy?
Đối với những gia đình giàu có, khả năng tìm kiếm và quản lý tài chính của thế hệ sáng lập thực sự rất tốt. Nhưng khi đến thế hệ thứ hai, có một vấn đề xảy ra, họ kém năng lực hơn cha mẹ của mình và rất khó để họ gánh vác trách nhiệm nặng nề là kế thừa công việc kinh doanh của gia đình.
Đến thế hệ thứ ba, sự phát triển của gia đình cũng đã bão hoà. Đây là thế hệ hầu như chỉ thừa hưởng thành quả, sự nhạy bén của họ bị kém đi nhiều so với ông bà và cha mẹ. Bởi vậy, người ta có câu nói “khởi nghiệp đã khó, nhưng giữ doanh nghiệp còn khó hơn”.
Với những gia đình nghèo khó, thường có mô típ quen thuộc như sau:
Thế hệ thứ nhất bám rễ tại miền quê, trình độ và năng lực yếu kém nên chỉ đảm bảo kiếm đủ bữa ăn cho gia đình. Thế hệ nối tiếp sinh ra trong khó khăn, chứng kiến sự lam lũ, vất vả của thế hệ cha mẹ, họ có thể nỗ lực trở thành một sinh viên đại học. Vì nghị lực phi thường, họ không ngừng nỗ lực trau dồi, phát triển bản thân. Đến thế hệ thứ ba, họ có thể đã là thành viên của các thành phố lớn. Họ được thừa kế trí tuệ từ cha mẹ và có cơ hội phát triển ngang với bạn đồng trang lứa nơi đô thị.
Chúng ta có thể thấy, trong một gia đình, nếu các thế hệ đều có thể duy trì được nhiệt huyết, mục tiêu và định hướng rõ ràng cho sự nghiệp, gia đình của họ sẽ thịnh vượng. Như vậy, một gia đình có thịnh vượng được quá ba đời hay không chủ yếu phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:
1. Sự thịnh vượng liên quan đến sự giáo dục
Một người có thể sáng lập một doanh nghiệp lớn, nhưng đó mới chỉ là bước đầu tiên. Anh ta có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh cụ thể dài hạn hay không lại là một chuyện khác. Nhiều người sở hữu lượng tài sản lớn nghĩ rằng, miễn là họ để lại tiền của mình, các thế hệ con cháu của họ sẽ có được một cuộc sống tốt. Chỉ cần họ tiết kiệm tiền, phú quý ba bốn đời cũng không thành vấn đề.
Tuy nhiên, suy nghĩ đó rất nông cạn. Các thế hệ về sau, họ có khái niệm tiết kiệm hay không, điều đó nằm ngoài sự kiểm soát. Điều chúng ta có thể làm là giáo dục gia đình cho tốt.
Có một ông chủ doanh nghiệp nọ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng ông yêu cầu con trai của mình phải học đại học và tự trả tiền ăn. Cậu con trai cũng rất mạnh mẽ, từ khi còn là sinh viên năm thứ hai đại học đã tự lập, cậu đã ngừng xin tiền từ gia đình. Sau khi tốt nghiệp, cậu đi làm được hai năm thì tự lập nghiệp, thành tích đạt được cũng rất khá.
Ông chủ nói rằng, cho dù ông cho con trai mình bao nhiêu tiền, nó cũng sẽ tiêu hết. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, anh thanh niên đã biết cách khởi nghiệp và tự lập. Bản thân tự có khả năng “tăng thu giảm chi”, như vậy là quá đủ để một người tiếp tục gặt hái thành công.
Trong một gia đình, thay vì truyền lại tiền, tốt hơn là truyền lại tinh thần học hỏi của thế hệ sáng lập. Có tiền mà không có năng lực thì chỉ là kẻ hoang đàng. Những người vừa có tiền vừa có năng lực, họ sẽ duy trì gia đình tiếp tục thịnh vượng.
2. Sự thịnh vượng của gia đình có liên quan đến trau dồi kinh nghiệm cho thế hệ tiếp theo
Thời đại ngày nay, nhiều bậc cha mẹ nuôi con theo kiểu luôn đáp ứng cho chúng. Họ có phần nuông chiều con cái như những hoàng tử và công chúa nhỏ. Tất nhiên, khi được đáp ứng, cha mẹ bảo gì chúng cũng nghe. Tuy nhiên, chúng ta không thể tạo cho con trẻ thói quen xấu, hễ muốn con vâng lời, bạn phải cho chúng thứ chúng muốn. Đó là điều hết sức nguy hiểm.
Phần lớn những đứa trẻ hoang đàng là do sự chiều hư của cha mẹ. Những người làm cha làm mẹ hiểu biết, tận tâm và chu đáo sẽ không bao giờ chiều theo ý con cái, họ sẽ để chúng vào khuôn khổ.
Bọn trẻ cần phải nỗ lực học tập và tự kiếm sống hoặc cha mẹ sẽ để chúng phải chịu đựng những khó khăn của cuộc sống. Bởi sự thành công ngày hôm nay của họ, chính là nhờ vào sự giáo dục nghiêm khắc của thế hệ trước. Kinh nghiệm sống rất quan trọng, có tiền mà không có kinh nghiệm, thì trong tương lai, người ta sẽ vấp ngã, sẽ phải mất rất nhiều tiền để đổi lấy nó. Vì vậy tốt hơn hết, cố gắng giúp thế hệ trẻ có được kinh nghiệm sinh tồn trước khi thừa kế tài sản.
Nếu chưa từng ra đời kiếm sống, con người không thể biết kiếm tiền khó khăn ra sao? Nếu chưa từng cố gắng, làm sao chúng có thể hiểu được cảm giác bất lực khi đã hết sức nỗ lực mà kết quả không như ý? Con người, phải tự mình trải qua muôn vàn khó khăn, mới có thể đúc kết được những kinh nghiệm quý báu.
Sau một quá trình rèn luyện, con trẻ mới thực sự có đủ điều kiện để tung cánh như đại bàng. Nếu cứ mãi là một chú chim nhỏ, chúng chỉ biết tìm lấy một nơi để trú ẩn. Nếu những đứa trẻ của chúng ta cứ mãi sống dựa trên tài sản và cái bóng của bố mẹ, khi bố mẹ ra đi, khi hết tiền, cuộc đời chúng sẽ đi vào bế tắc. Lúc này tiền đã cạn, lứa tuổi được phép sai lầm đã trôi qua.
Nếu thế hệ hậu duệ đã có được những kinh nghiệm sống, thế hệ khai sáng sẽ không phải lo gia đình họ không thịnh vượng.
3. Sự thịnh vượng của gia đình liên quan đến phúc đức của các thành viên
Nếu nói năng lực và kinh nghiệm sống của mỗi người là mấu chốt cho sự phát triển của một gia đình, thì đức hạnh của các thành viên chính là nền tảng cho sự phát triển vững chắc của gia đình đó.
Người xưa có câu “đức không xứng ắt có tai họa”, trong một gia đình, khi bậc trưởng bối đáng kính vẫn còn đó, sự giàu có thịnh vượng là tất nhiên. Nhưng khi họ ra đi, thế hệ con cháu không có năng lực cũng như phẩm chất tốt, thì điều kiện gia đình và tiền bạc thừa kế sẽ mang đến tai họa cho họ.
Đức là vô hình, nhưng một người có đức hạnh hay không, đều sẽ thể hiện ra bên ngoài qua thái độ vui vẻ trong cuộc sống và cách người đó ứng xử tử tế với mọi người.
Một người vô đạo đức cuối cùng sẽ trở thành mục tiêu của vận xui, và cuộc đời của họ sẽ xuống dốc.
4. Sự thịnh vượng của gia đình có liên quan đến phúc lành của tổ tiên
Chúng ta đã từng nghe câu “tổ tiên tích đức, con cháu hưởng phúc”, hay “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”; những câu ca dao hay tục ngữ dân gian truyền lại đều là kinh nghiệm sống của người xưa, nhằm khuyên nhủ con người gắng “tích đức hành thiện”. Người tạo ra phúc không chỉ bản thân họ nhận được may mắn, mà các đời con cháu về sau cũng nhờ đó mà được hưởng phúc lành.
Thời cổ đại, nếu một vị quan triều đình mắc trọng tội đến mức phải xử tử hình, thì toàn bộ tài sản trong gia đình của ông quan đó sẽ bị tịch thu, thậm chí tru di (xử chết cả dòng tộc) tam tộc, cửu tộc. Nếu một vị quan thanh liêm, có công lớn với triều đình thì thế hệ con cháu thông thường cũng sẽ tiếp tục ra làm quan, đời đời hưởng bổng lộc.
Các thành viên trong gia đình đều có mối liên hệ mật thiết với nhau; bởi vậy, sự thịnh vượng của gia đình tất nhiên có liên quan đến phúc lành của tổ tiên nhiều đời trong dòng họ tích truyền lại. Điều này chúng ta có thể chiêm nghiệm được từ cuộc sống.
Để duy trì sự thịnh vượng của gia đình tới nhiều đời, vai trò của thế hệ khai sáng quả thực to lớn. Họ phải là người tài đức vẹn toàn; từ khả năng giáo dục con cháu, giúp chúng có được kinh nghiệm sống, đến việc làm một tấm gương đạo đức mẫu mực và làm điểm tựa tạo phúc phận cho thế hệ sau. Và thật tuyệt vời nếu mọi thành viên trong gia đình đều ý thức được trách nhiệm của bản thân trong sứ mệnh truyền thừa và phát triển gia tộc.
Theo AboluoWang
Truyền Thống