Tàu hút cát của Trung Quốc nhìn từ đài quan sát ở Kim Môn, Đài Loan, hôm 24/9/2022. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)
Phần 1 của loạt bài này phân tích về hai lý do tại sao ông Tập Cận Bình không thể xâm lược Đài Loan bằng vũ lực. Phần 2 sẽ phân tích về hai lý do quan trọng khác: sự đảm bảo quyền lực của ông Tập và khả năng cao là ông Tập sẽ thua trong cuộc xâm lược Đài Loan.
Phần 1 đã phân tích về hai lý do tại sao ông Tập Cận Bình không thể xâm lược Đài Loan bằng vũ lực.
Một là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ mất đi công nghệ tiên tiến – thứ mà chính quyền Bắc Kinh dùng để duy trì sự cai trị của mình.
Hai là suy thoái kinh tế sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính hợp pháp của sự cai trị của ĐCSTQ.
Cùng phân tích hai lý do tiếp theo trong phần 2 của loạt bài này.
Một cuộc xâm lược Đài Loan bằng vũ lực có nghĩa là ông Tập Cận Bình sẽ phải giao nộp những vũ khí tối tân nhất, cũng như quyền chỉ huy quân đội cho một bên thứ ba. Điều này rất nguy hiểm cho ông Tập, bởi vì người ta sẽ không biết những binh lính của ĐCSTQ sẽ chĩa súng vào đâu khi họ sở hữu vũ khí trong tay.
Mọi người đều biết rằng, vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra vào ngày 4/6/1989. Vào ngày này, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Đặng Tiểu Bình, đã huy động đến 300.000 quân dã chiến để đàn áp và tấn công sinh viên cũng như những công dân đòi quyền dân chủ. Trên thực tế, không có nhiều sinh viên ở lại ở Quảng trường Thiên An Môn vào thời điểm đó. Nghĩa là ông Đặng chỉ cần huy động 10.000 quân là xong việc, nhưng tại sao ông ta lại phải huy động đến 300.000 quân?
Lý do rất đơn giản: ông Đặng không chắc liệu quân đội có tuân theo mệnh lệnh nếu ông chỉ huy động 10.000 quân hay không, hoặc liệu họ có xông vào Trung Nam Hải cùng với các sinh viên hay không. Rõ ràng ông chỉ cảm thấy “an tâm” sau khi huy động 300.000 quân và chia thành nhiều nhóm nhỏ. Bởi vì không ai biết chắc liệu các cánh quân khác có tuân theo mệnh lệnh của ông Đặng hay không. Lúc đó, mỗi vị chỉ huy sẽ cho rằng, nếu anh ta đứng về phía sinh viên, anh ta sẽ bị bao vây và tiêu diệt bởi những người lính khác. Kết quả là, các đội quân khác nhau đóng vai trò là “rào cản lẫn nhau”.
Ông Đặng Tiểu Bình là một thành viên sáng lập của quân đội ĐCSTQ. ĐCSTQ đã triển khai bốn cánh quân dã chiến trong cuộc nội chiến với Quốc Dân đảng, và ông Đặng là chính ủy của đội quân dã chiến thứ hai. Nói cách khác, với thâm niên quân sự và tầm vóc của ông Đặng, ông ta không thể chỉ giao vũ khí của mình cho quân đội, mà phải tính đến sự ràng buộc và cân bằng lẫn nhau giữa các cánh quân.
Ngược lại, ông Tập Cận Bình lại là người có uy tín thấp trong quân đội. Do đó, ông Tập sẽ lo lắng hơn nhiều nếu ông buộc lòng phải điều động thêm lực lượng quân sự và trang bị cho họ những vũ khí tối tân hơn trong cuộc xâm lược Đài Loan. Động thái này giống như những gì ông Đặng đã làm trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Ngay cả khi Trung Quốc xâm lược Đài Loan thành công thì những vị chỉ huy vẫn có uy tín to lớn trong quân đội. Đồng thời, với lực lượng quân đội có trong tay, những người này vẫn có đủ sức ảnh hưởng để phế truất ông Tập. Những ví dụ như vậy xuất hiện không ít trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc. Ông Tập hẳn là rất rõ về những “điển cố” kiểu như vậy, giống sự kiện mà mọi người dân phương Tây đều biết rất rõ: “Caesar’s Crossing the Rubicon” (tạm dịch: Chuyến vượt sông Rubicon của Hoàng đế Julius Caesar).
Theo đó, Hoàng đế Julius Caesar của Đế chế La Mã đã cho quân đội của mình băng qua sông Rubicon để tiến đánh thành Rome vào năm 49 TCN, khởi đầu cho cuộc Nội chiến Caesar. Sông Rubicon là ranh giới giữa Cisaupine Gaul và Roma thuộc Ý.
Như ông Carl von Clausewitz – một danh tướng nước Phổ, tác giả của cuốn sách “Bàn về chiến tranh”, từng nói, “Chiến tranh không chỉ đơn thuần là một hành động chính trị mà còn là một công cụ chính trị thực sự, một sự tiếp nối của quan hệ chính trị, một sự thực thi điều tương tự bằng các phương tiện khác”.
Chúng ta hãy tạm gác lại câu hỏi, liệu ông Tập Cận Bình có sẵn lòng chấp nhận một cuộc xâm lược Đài Loan bằng vũ lực hay không. Mục đích của việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực là gì, nếu hậu quả cuối cùng là tạo ra một đối thủ chính trị cho chính ông Tập Cận Bình?
Ông Tập không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Điều này đưa chúng ta đến với lý do thứ tư giải thích tại sao ông ta không thể thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục bằng vũ lực.
Theo tờ Bloomberg, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã thực hiện một loạt các kịch bản chiến tranh vào tháng 8 năm nay và chứng minh rằng, ĐCSTQ không thể chiếm Đài Loan với điều kiện Mỹ không tham chiến và Nhật Bản giữ thái độ trung lập.
Những dự báo này không tính đến tình trạng tham nhũng trong quân đội của ĐCSTQ. Sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã thanh trừng một số lượng lớn các tướng lĩnh quân đội, bao gồm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quách Bá Hùng, Tư lệnh Từ Tài Hậu và Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn.
Thật khó để hình dung hiệu quả chiến đấu và công tác hậu cần của quân đội nếu không bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Các chỉ huy quân đội của ĐCSTQ đã dành phần lớn tâm huyết của mình để lấy lòng cấp trên để đạt được mục đích thăng tiến trong sự nghiệp và làm giàu, thay vì nắm vững các phương pháp chiến đấu hiện đại.
Ngay cả khi ông Tập muốn nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề này, thì các quan chức ở tất cả các cấp trong quân đội Trung Quốc đều nhận thức được điểm này. Vào ngày 9/8/2021, tờ South China Morning Post dẫn lời một người trong cuộc nói rằng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xảy ra mâu thuẫn về phong cách diễn ngôn. Bộ Quốc phòng cáo buộc Bộ Ngoại giao về chính sách ngoại giao “chiến lang” khiến các nước dân chủ phẫn nộ. Nguồn tin cũng tiết lộ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã “đấu khẩu” ngay trước mặt ông Tập.
Nếu chiến lược thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của ông Tập Cận Bình là vì mục đích chính trị, liệu có khả năng ông Tập sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh mà ông chắc chắn giành phần thua hay không? Nếu việc bại trận sẽ khiến ông Tập không khỏi suy sụp, vậy thì tại sao ông ta không giả vờ tham chiến và dựa vào chiến thuật trì hoãn để kéo dài thời gian cầm quyền?
Mời quý vị tham khảo Phần 1 tại đây.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam