Loài tôm hùm châu Âu (Homarus gammarus) này có thể sống ít nhất 50 năm trong tự nhiên. (Ảnh: Wikicommons/Cefaclor)
Một bản tin ngắn năm 2007 báo cáo rằng tôm hùm không có dấu hiệu điển hình của hiện tượng được gọi là lão hóa. Nói một cách đơn giản, báo cáo đó cho biết tôm hùm không già đi giống như các sinh vật sống khác – chúng không giảm khả năng sinh sản, chậm quá trình trao đổi chất hoặc giảm sức mạnh. Điều này dẫn đến một suy luận cho rằng, nếu không có xáo trộn gì, tôm hùm sẽ sống mãi. Liệu tôm hùm có thực sự bất tử?
Theo Natural History Museum, một nghiên cứu về tôm hùm Mỹ cho thấy lý do khiến những con vật này dường như không chậm lại khi về già là do chúng có nguồn cung cấp enzyme telomerase vô tận trong các tế bào. Giống như suối nguồn tươi trẻ cho tế bào, enzym này có thể kéo dài tuổi thọ của tế bào bằng cách tái tạo các telomere, đẩy lùi quá trình lão hóa.
Nhưng theo Smithsonian Magazine, Zen Faulkes, một nhà thần kinh học về động vật không xương sống tại Đại học Texas-Pan American, cho rằng tôm hùm không thể sống mãi. Trong một bài viết trên blog cá nhân, ông cho biết: “Nếu có bằng chứng ủng hộ tuyên bố đó. Tôi vẫn chưa tìm thấy nó”.
Theo Faulkes, tôm hùm không bất tử, nhưng giống như hầu hết các loài giáp xác decapod, chúng có tốc độ tăng trưởng không xác định. Điều đó có nghĩa là chúng không bị giới hạn kích thước, liên tục lớn lên cho đến khi chết vì nguyên nhân tự nhiên hoặc bị giết.
Tôm hùm lớn lên bằng cách lột bỏ bộ xương ngoài cứng và chúng làm như vậy rất nhiều lần: một con tôm hùm trung bình có thể lột xác 44 lần trước khi được một năm tuổi. Khi tôm hùm được bảy tuổi, chúng lột xác mỗi năm một lần và sau đó, cứ hai đến ba năm một lần.
Sau mỗi lần lột xác, tôm hùm sẽ ngày càng lớn hơn. Con tôm hùm lớn nhất trong lịch sử là con tôm được đánh bắt ở Nova Scotia vào năm 1977, có cân nặng tới hơn 20 kg và dài hơn 1 mét. Đối với tôm hùm, cơ thể lớn hơn đồng nghĩa với khả năng sinh sản tốt hơn: con cái có thể mang nhiều trứng hơn khi thể tích cơ thể tăng lên và chúng tiếp tục đẻ trứng cho đến khi chết.
Tuy nhiên, lột xác là một quá trình căng thẳng. Việc mất đi bộ xương ngoài khiến loài sinh vật này tạm thời không còn lớp vỏ cứng và cặp càng khỏe, dễ bị tổn thương trước những kẻ săn mồi. Nhưng việc bị chết do ăn thịt không phải là lão hóa. Vậy cái chết tự nhiên sẽ đến với tôm hùm như thế nào?
Theo nhà sinh vật học tôm hùm Carl Wilson, từ 10 đến 15 % tôm hùm chết tự nhiên mỗi năm do mất quá nhiều sức trong quá trình lột bỏ bộ xương ngoài. Khi tôm càng lớn thì việc lột xác khiến chúng càng mất nhiều năng lượng hơn.
Do vậy, đến một độ tuổi nhất định tôm hùm sẽ ngừng lột bỏ hoàn toàn bộ xương ngoài – một dấu hiệu cho thấy chúng sắp hết tuổi thọ. Điều này là do chúng cạn kiệt năng lượng trao đổi chất để lột xác. Lớp vỏ cũ sẽ ngày càng mòn đi rồi bị thủng, tạo cơ hội cho vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong tôm hùm và khiến chúng yếu đi. Bệnh vỏ (shell disease), một bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào vỏ và tạo thành mô sẹo, sẽ khiến cơ thể của loài giáp xác bám dính vào bộ xương ngoài. Lúc này, nếu tôm hùm cố gắng lột xác, thì chúng sẽ bị mắc kẹt và chết. Căn bệnh này cũng khiến tôm hùm dễ mắc các bệnh khác và trong trường hợp nghiêm trọng, nó làm toàn bộ vỏ bị thối rữa và giết chết con vật bên trong.
Jeffrey D. Shields, giáo sư khoa học biển tại Viện Khoa học Biển Virginia thuộc Đại học William & Mary, cho biết: “Đó có phải là lão hóa không? Có lẽ không phải như cách chúng ta nghĩ về nó. Nhưng đó là tuổi già theo cách mà những người lớn tuổi chết vì viêm phổi”.
Tuy nhiên, vẫn còn đó câu đố về tuổi thọ tôm hùm do các nhà khoa học vẫn chưa có cách xác định tuổi của chúng thực sự hợp lý.
Wilson cho biết: “Vấn đề với tôm hùm là khi chúng lột xác, chúng lột bỏ toàn bộ bộ xương ngoài…, vì vậy không còn phần cứng nào của tôm hùm còn sót lại”. Nếu dấu vết về những phần cứng này còn sót lại sau mỗi lần lột xác, thì chúng sẽ giúp xác định tuổi của sinh vật – không có chúng, rất khó để ước tính năm sinh của tôm hùm.
Một nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng những con tôm hùm đực lớn nhất châu Âu trong tự nhiên sống trung bình 31 năm và con cái trung bình là 54 năm. Công trình này dựa trên tỷ lệ tích tụ giả định của chất béo tồn dư được tìm thấy trong cuống mắt của loài sinh vật này. Các nhà khoa học khác thì ước tính tuổi của tôm hùm bằng cách đo sắc tố gọi là neurolipofuscin tích tụ trong não của loài giáp xác theo thời gian. Ngoài ra, vẫn có nhiều nghiên cứu khảo sát về bộ xương ngoài bị lột bỏ mà trong đó, các nhà khoa học sẽ đếm các dải tăng trưởng lắng đọng trong cấu trúc cơ thể bị vôi hóa để xác định tốc độ tăng trưởng trung bình của một con tôm hùm, từ đó ước tính tuổi của nó.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm kiếm bí mật về sự bất tử của tôm hùm – nó không tồn tại.
Văn Thiện
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam