Con thú đỏ ‘râu’ (trên cùng bên phải) trong bản đồ “Carta Marina” năm 1539 của Olaus Magnus được coi là hình ảnh mô tả về quái vật Kraken. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Những hình vẽ về rắn biển, nàng tiên cá và các sinh vật thần thoại khác… từ lâu đã được sử dụng để biểu thị một khu vực trên bản đồ thế giới. Mặc dù có vẻ kỳ ảo và đôi khi đầy mê hoặc, hầu hết những sinh vật này đều dựa trên những lần gặp gỡ có thật của con người với loại động vật biển đó; điều này chứng minh rằng thần thoại và văn hóa dân gian thực sự đã được sinh ra từ thực tế.
Cuốn sách “Những quái vật biển trên Bản đồ thời Trung cổ và Phục hưng” của Chet Van Duzer, do Thư viện Anh xuất bản, đã lập biểu đồ về sự phát triển của những loài quái vật biển này. Những người vẽ bản đồ đã từng sử dụng chúng để tô điểm cho những khu vực chưa được khám phá trên thế giới trên bản đồ và thể hiện những mối nguy hiểm có thể xảy ra khi đi biển. Đó là thời gian từ thế kỷ thứ 10, qua thời trung cổ, đến thời Phục hưng.
Nhiều người đã cho rằng những sinh vật thần thoại này là sản phẩm của những họa sĩ minh họa từ cảm hứng sáng tạo của họ; nhiều sinh vật của đại dương, bao gồm cá voi, hải mã và mực, hiếm khi được nhìn thấy trong thời Trung cổ và Phục hưng, và được coi là quái vật. Các hoạ sĩ khi đó thực sự có rất ít cơ hội để tiếp xúc được với chúng.
Có cả thực tế và hư cấu về những quái vật kỳ diệu này của biển cả. Có nhiều điều để bàn về những hình vẽ quái vật biển này trên bản đồ của thời trung cổ.
“Các sinh vật trông hoàn toàn tuyệt vời. Tất cả chúng trông giống như chúng vừa được tạo ra”, Van Duzer, một nhà sử học bản đồ tại Thư viện Quốc hội Anh, cho biết trong một bài nói chuyện về cuốn sách của mình. “Nhưng, trên thực tế, rất nhiều trong số chúng đến từ những nguồn được coi là khoa học vào thời điểm đó”. Bách khoa toàn thư thời đó có thể hiện các loài động vật trung gian giữa động vật sống trên cạn và sống dưới nước là điều khá điển hình, và các nhà vẽ bản đồ chỉ lấy một số hình ảnh đặc trưng để mô tả chúng.
Một ví dụ điển hình về một sinh vật biển thực sự đã được biến đổi thành một con thú huyền thoại, đó là Kraken. Một sinh vật biển khổng lồ trong thần thoại Scandinavi, lần đầu tiên được nhắc đến trong truyện cổ tích Iceland vào thế kỷ 13 là “Örvar-Oddr”, nó được cho là dài 1,6 km và đã tấn công các con tàu. Kraken khổng lồ đến mức cơ thể của nó có thể bị nhầm lẫn với một hòn đảo.
Kraken cũng được đề cập trong ấn bản đầu tiên của Systema Naturae (1735), một bảng phân loại sinh vật của nhà thực vật học, bác sĩ và nhà động vật học người Thụy Điển Carolus Linnaeus. Ông coi Kraken là động vật chân đầu (thân mềm như bạch tuộc, mực…), đặt tên khoa học cho nó là microcosmus marinus.
Kraken cũng được mô tả trong bản đồ năm 1539 của giáo sĩ người Thụy Điển Olaus Magnus “Carta Marina”, một bản đồ với rất nhiều những hình minh họa đẹp mắt và là bản đồ sớm nhất của các quốc gia Bắc Âu với các chi tiết và địa điểm được đặt tên.
Kraken thần thoại được các nhà sử học và nhà khoa học tin là họ hàng của loài mực khổng lồ, một loài mực có thể dài tới 18 mét và hiếm khi được con người nhìn thấy vì nó sống ở những nơi sâu nhất của đại dương.
Trong một ví dụ khác, một bản đồ của Scandinavia từ năm 1573 có hình ảnh một “ichthyocentaur” – một con thú khảm nửa người, nửa ngựa và nửa cá – với dáng vẻ to lớn nhưng đang vui chơi. Sinh vật này, theo truyền thống là đại diện bảo vệ cho các tuyến đi yên bình cho những con tàu buồm trên biển cả.
Trong một ví dụ khác, một hình ảnh kỳ lạ về một “con lợn biển”, được thấy trong bản đồ Carta Marina năm 1539 của Olaus Magnus, để giải nghĩa rằng những kẻ dị giáo bóp méo sự thật thì sẽ có cuộc sống như lợn. Theo bản đồ nói trên, sinh vật này sinh sống ở Biển Bắc.
Theo Tạp chí Smithsonian, người ta từng cho rằng tất cả các loài động vật trên cạn đều có những loài tương đương với chúng trên biển. Không chỉ có lợn biển, mà còn có chó biển, sư tử biển, v.v. Một số trong số này vẫn còn tồn tại đến ngày nay: hải cẩu có tai – được gọi là “sư tử biển”; hải sâm nước sâu (họ hàng sao biển) là “lợn biển”. Những người soạn thảo bản đồ thời Phục hưng đó chỉ đơn giản là say mê tô điểm nghệ thuật, so sánh các loài động vật theo đúng nghĩa đen của nó.
Trong các trường hợp khác ở bản đồ Carta Marina, các động vật được thể hiện trên bản đồ có thể là các loài động vật trung gian giữa một số loài. Chẳng hạn, cá voi đôi khi được coi là loài trung gian giữa sói và chim, thường có ngà hoặc răng lớn và thường được miêu tả là loài động vật hung dữ tấn công tàu bè. Trong bản đồ nói trên, các thủy thủ thường ném thùng xuống nước và thổi kèn để xua đuổi cá voi tấn công.
Các thủy thủ thường kể cho những người tạo ra các tấm bản đồ này rằng, đâu đó trên biển có những tiếng kèn dẫn dụ các thủy thủ vào những vùng ngập nước hoặc có nhiều sinh vật hung dữ hoặc “giống tôm hùm” tấn công tàu. Các hình ảnh trên bản đồ của họ đã trở thành biểu tượng để mô tả một thế giới kỳ lạ, vào thời điểm đó, tồn tại trong sự kỳ diệu và trí tưởng tượng từ thực tế.
Bằng cách thu thập những hình ảnh về quái vật biển này qua nhiều thế kỷ, danh mục tài liệu của Van Duzer cho thấy quá trình hiện đại hoá: điều chưa biết về những vùng biển xa xôi từ xa xưa được biểu hiện như những con bạch tuộc và cá voi khổng lồ tấn công tàu và thủy thủ; cho đến thế kỷ 17 khi các con tàu thống trị các loài thú dưới đại dương; cuối cùng, khi khoa học hiện đại và chủ nghĩa thực dụng chiếm ưu thế thì cũng là lúc những con thú biến mất hoàn toàn khỏi các tấm bản đồ.
Thông điệp quan trọng cần rút ra từ tài liệu về các loài động vật biển của Van Duzer là thần thoại và truyền thuyết không phải chỉ là những điều bắt nguồn từ trí tưởng tượng sáo rỗng. Chúng là những lời nhắc nhở và khẳng định rằng sức mạnh sáng tạo bắt nguồn từ yếu tố siêu phàm của những điều chưa biết. Có lẽ đó là một lời nhắc nhở hãy tận hưởng thế giới như vốn có của nó và tiếp tục lấy cảm hứng từ yếu tố kỳ diệu siêu việt đó.
Theo The Epoch Times
Ánh Dương biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam