Một phần tranh “Ung Chính thập nhị mỹ nhân đồ”. (Phạm vi công cộng)
“Một trâm một nhị, đủ để làm bạn suốt đời.” Trâm là chỉ đồ cài tóc hoặc trang sức trên đầu, nhị là chỉ trang sức tai bao gồm cả loại đơn giản lẫn xa hoa. Câu nói tinh tế đã miêu tả được trang sức tao nhã của phụ nữ thời xưa, cho đến nội tâm trầm lắng hoài niệm.
Thời gian chuyển dời, những đồ trang sức như trâm, thoa… giờ đây không còn thấy nhiều nữa. Chỉ có chút châu ngọc lấp lánh bên tai kia là còn rạng rỡ, thực sự trở thành người bạn không thể thiếu nơi khuê các.
Hoa tai tinh xảo, ôm sát khuôn mặt, là thứ có khả năng tốt nhất để tân trang khuôn mặt, tăng vẻ yêu kiều. Ngoài ra, hoa tai còn dễ đeo, không cần mất công mất sức gì nhiều. Cho nên đến tận ngày nay, hoa tai vẫn là thứ trang sức được hâm mộ. Thời trang biến đổi, những mẫu hoa tai tân thời với đủ loại kiểu dáng màu sắc khiến người xem rối cả mắt. Chi bằng nhìn lại lịch sử ngàn năm, tìm kiếm những chế tác kinh điển, những loại hoa tai truyền thống thấm đẫm chân tình của cổ nhân, có lẽ sẽ trả lại cho chúng ta những năm tháng mỹ hảo đã bị đánh mất.
Phong cách xưa thần bí, hoa tai viễn cổ sáng rọi như trăng
Ở Trung Quốc, tập tục xỏ lỗ tai có thể truy vết đến 8000 năm trước Thời đại đồ đá mới. Người cổ đại khi đó bất luận nam nữ già trẻ, đều đeo loại hoa tai tên là “Ngọc quyết”. Những chiếc hoa tai này đa số sử dụng chất liệu ngọc, có dạng vòng tròn, phần trên có một khe hổng, dưới đáy có một lỗ nhỏ có thể xỏ dây qua. Trong di chỉ văn hóa các nơi trên toàn Trung Quốc, đều khai quật được lượng lớn ngọc quyết. Ngọc quyết ở trong mộ thường thường xuất hiện theo cặp, để gần tai của chủ nhân ngôi mộ, cho nên có thể suy đoán chúng được đeo làm hoa tai.
Khai quật được trong di chỉ tượng người xỏ lỗ tai cũng là một chứng cứ về việc người xưa đeo hoa tai. Ví dụ như tại di chỉ Lăng Gia Than, Hàm Sơn, An Huy khai quật được tượng người bằng ngọc, vành tai lỗ khá lớn. Ở thôn Cao Tự Đầu, Lễ Huyện, Cam Túc cũng phát hiện tượng đầu thiếu nữ bằng đất nung, có lỗ xuyên rất rõ ràng. Về cách đeo ngọc quyết, hiện nay giới học giả có ba loại suy đoán, một là trực tiếp xỏ qua lỗ tai, hai là kẹp khe ngọc quyết lên tai, ba là dùng chỉ xuyên qua thùy tai để treo ngọc quyết.
Ngọc có khả năng thông linh, ngọc quyết thể hiện vẻ đẹp câu thông với trời đất của người cổ đại, là một phần của văn hóa kính Trời tin Thần. Chỉ đến thời kỳ Hạ – Thương, tập tục mang hoa tai gần như chỉ lưu hành trong các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, chứ không còn ở chủ lưu người Hán Trung Nguyên. Các bức tượng xỏ lỗ tai khai quật ở nhiều nơi trong thời kỳ này chủ yếu là tượng Thần nhân và nô lệ, qua đó có thể thấy sự tiếp nối và biến đổi của thời trang hoa tai.
Từ khi bắt đầu nhà Chu, phong tục xỏ lỗ tai của người Hán suy yếu hơn. Đại biểu cho Vương triều Chu là văn hóa lễ nhạc, chế độ phục sức thể hiện phương diện quan trọng của lễ chế, hoa tai bị phản đối mạnh mẽ. Ví như Nho gia nhấn mạnh trọng đức khinh sắc, lấy lễ kiềm chế dục vọng, cho rằng phụ nữ phải lấy đức Nhu để phù hợp lễ nghi lẫn quy phạm đạo đức; đồng thời, Nho gia coi trọng đạo Hiếu, “Da tóc thân thể là do cha mẹ ban”, đâm thủng thân thể tự nhiên trở thành biểu hiện bất hiếu.
Học thuyết các gia phái khác cũng biểu hiện sự phản đối đối với xỏ tai. Như Đạo gia tôn sùng vẻ đẹp tự nhiên, đề xướng “toàn đức toàn hình” là cảnh giới cao nhất của cái đẹp; Pháp gia phản đối “phù phiếm hại người”, đối với loại hoa tai tổn thương hình thể để nâng cao giá trị bản thân này thì càng khinh thường. Mặt khác, xỏ lỗ tai cũng là một trong những nhục hình kéo dài suốt từ thời Chu đến đời Thanh, cho nên càng bị người Hán bài xích.
Có điều xuất phát từ nhu cầu cần thiết cho lễ chế, Hán địa xuất hiện một loại hoa tai đặc thù không cần xỏ lỗ tai, tên là “Thiến”. Lúc ban đầu nó dùng để nút lỗ tai, mục đích là để nhắc nhở người ta chớ nghe lời xàm, thận trọng, còn gọi là “sung nhĩ” – “bịt tai”. Về sau, khi nam giới mang mũ, nữ giới cài trâm, thì dùng thiến làm vật trang trí, để nó ở gần bên tai, thông qua ý nghĩa tượng trưng của nó để nhắc nhở bản thân. Điểm khác nhau là, trên mũ có một đôi thiến treo về hai bên, còn đầu trâm thì dùng dây buộc một chiếc thiến, còn gọi chung là “trâm nhị”, ấy chính là phương thức đeo hoa tai chủ yếu của xã hội thượng lưu người Hán.
Đến Hán – Ngụy, loại trang sức đeo tai tên “đang” đã một thời thịnh hành trong nữ giới bình dân. Trong “Giải thích tên gọi – Giải thích trang sức” có nói: “Xỏ lỗ tai đeo hạt châu thì gọi là đang.” So với hai loại trước, “nhĩ đang” sáng đẹp hơn, thường gọi là “minh nguyệt”. Tạo hình của nó đại thể là hình ống bóp eo, chất liệu đa phần là ngọc lưu ly và ngọc thạch, cách đeo chủ yếu là xuyên qua lỗ tai, tương tự ngọc quyết. Có điều, lòng của “đang” rỗng, có thể lồng giắt đá quý các màu, cho nên gia tăng thêm nhiều tác dụng trang sức.
Thời kỳ này, “đang” lọt vào tầm mắt của quảng đại dân chúng, xuất hiện trong thơ văn dân ca, lấy đó để hình dung phục sức tinh mỹ, dung mạo tuyệt vời của nữ giới. Như “Khổng tước Đông Nam phi” miêu tả Lưu Lan Chi: “Yêu nhược lưu hoàn tố, nhĩ trứ minh nguyệt đang.” (“Eo thắt lụa, tai đeo đang).
Rồi “Mạch thượng tang” miêu tả Tần La Phu: “Đầu thượng uy đọa kế, nhĩ trung minh nguyệt châu.” (Trên đầu thắt búi tóc, ở tai đeo minh châu).
“Nhĩ đang” mặc dù có tính chất hoa mỹ đặc biệt, nhưng tịnh không thay đổi địa vị hoa tai trong lòng nữ giới người Hán. Cho dù là ở Đại Đường phồn hoa cường thịnh nhất, nữ giới Hán cho dù chuộng mặc áo hoa, cũng hiếm thấy người đeo hoa tai.
Hoa tai Tống Nguyên yêu kiều duyên dáng
Trải qua hơn một ngàn năm trầm lặng, cuối cùng hoa tai cũng tỏa sáng vào thời Tống, chính các hoàng hậu đã đảm nhiệm vai trò phát ngôn viên cho nó. Tranh chân dung của mấy vị hoàng hậu Bắc Tống, như Vương hoàng hậu của Tống Thái Tổ, Lưu hoàng hậu của Tống Chân Tông, Cao hoàng hậu của Tống Anh Tông, Hướng hoàng hậu của Tống Thần Tông, Trịnh Hoàng Hậu của Tống Huy Tông cùng với Chu Hoàng Hậu của Tống Khâm Tông, đều đeo chuỗi hạt hoa tai rất dài, cùng với mũ miện trang nhã, lễ phục trang trọng tôn nhau lên.
Sự phục hưng của hoa tai có liên quan mật thiết với sự phát triển kinh tế, kỹ thuật và thị hiếu thẩm mỹ của văn nhân, sĩ đại phu thời Tống – đem lại diện mạo khác hẳn với trước đây. Thời Tống kinh tế phồn vinh, nhân khẩu đông đúc, vải vóc châu ngọc rực rỡ muôn màu, các lĩnh vực ăn chơi cạnh tranh xa hoa, bao gồm cả hoa tai trong trang sức nữ giới, đều có phát triển cực lớn. Lúc này những loại hoa tai ban đầu như quyết, thiến, đang… đều tuyệt tích, và được thay thế bởi “nhĩ hoàn” (khuyên tai) và “nhĩ trụy” (hoa tai dáng dài), so với hoa tai phổ biến ngày nay thì đã vô cùng tương tự.
Tên gọi nhĩ hoàn xưa và nay có khác biệt lớn. Ngày nay mọi người thường gọi chung khuyên tai và trang sức đeo tai làm một, hoặc chỉ cả các loại trang sức đeo tai được làm bằng cách móc nối các chi tiết (khá gần với “nhĩ trụy”). Nhĩ hoàn, gọi tắt là “hoàn”, khác với loại hoa tai bằng ngọc, lưu ly lúc đầu, nó dùng vật liệu kim loại là chính để làm thành khuyên tròn đeo tai. Bộ phận phía ngoài của nhĩ hoàn là phần hình trăng khuyết có trang trí họa tiết, dưới nó có thể gắn thêm chi tiết, còn có thể khảm châu báu, hình dáng tổng thể giản lược mà không mất đi vẻ đẹp chi tiết. Phía trong nhĩ hoàn có đoạn móc nhỏ, dễ dàng xỏ qua lỗ tai; đến đời Minh sau này đoạn móc đó vươn rất dài, mang ý vị đoan trang, ước thúc hơn.
Nhĩ trụy, còn có tên “trụy tử”, là một loại biến thể của nhĩ hoàn, trước thời Tống không thấy nhiều. Khác biệt lớn nhất của hai loại là, phụ kiện gắn kèm của nhĩ hoàn không được di động lúc lắc, vì đứng đắn, cao quý là cấu tạo hoa tai chủ yếu của thời kỳ Tống Nguyên Minh; phụ kiện của nhĩ trụy lại có thể nhẹ nhàng lay động theo bước đi, trông hoạt bát, diễm lệ hơn, tới đời Thanh đã trở nên thịnh hành một thời. Nửa trên nhĩ trụy đa phần là viên tròn có thể xỏ qua lỗ tai, phần dưới giắt các loại trang sức, kiểu dáng cũng không khoa trương như ngày nay, mà cũng là thể hiện ra phong cách hàm dưỡng, tiết chế.
Nhĩ hoàn và nhĩ trụy, cấu tạo mới lạ mà tinh xảo đặc sắc, tuy tương tự nhưng có khác biệt về phong cách, nhưng quan trọng hơn là so với quyết, đang… thì cách đeo của chúng là trực tiếp, thân thể cũng phải chịu một chút thống khổ, như vậy mới giúp nữ giới đeo tốt hoa tai, thể hiện ra vẻ thanh tú dịu dàng. Ý nghĩa phân biệt dân tộc, giai tầng xã hội của hoa tai dần dần biến mất, công nghệ kỹ xảo, nghệ thuật thẩm mỹ không ngừng phát triển, hoa tai chính thức trở thành vật dùng có thể dùng để đeo, để giải trí, để đi theo bầu bạn cả đời với nữ giới.
Thời Tống là thời đại “văn trị”, văn nhân danh sĩ không chỉ là quyền quý cao sang, mà còn là những nghệ thuật gia tinh thông cầm kỳ thư họa. Họ truy cầu chất lượng cuộc sống, chú trọng tu dưỡng thể xác và tinh thần, dẫn dắt thẩm mỹ toàn bộ xã hội theo hướng phong lưu nho nhã, cũng thẩm thấu tinh thần văn nhân đặc sắc vào các lĩnh vực của đời sống vật chất. Thơ phú chú ý cảnh ngoài ngôn từ, thưởng thức âm nhạc chú ý âm thanh ngoài tiếng đàn, còn đối với nghệ thuật tạo hình thì coi trọng hình tượng ngoài hình dáng. Hoa tai của nữ giới, ở bối cảnh văn hóa như vậy, đã có thêm nhiều tìm tòi trong thiết kế tạo hình và hoa văn.
Căn cứ theo văn vật khai quật được, hoa tai thời Tống sử dụng nhiều nội dung trang trí hoa lá, trái cây v.v…, cũng như một ít trang trí động vật và nhân vật. Rất nhiều hoa cỏ được văn nhân gán cho ý nghĩa nhất định, đại biểu cho phẩm chất cao khiết của văn nhân, ví như tứ quân tử của hoa, chính là một trong những đề tài thường thấy nhất. Mặt khác, các đô thị lớn thời Tống phát triển, mang đến hơi thở sinh động của phố phường cho hoa tai. Trong lựa chọn trang trí, thì họa tiết mang hàm nghĩa tốt cát tường, nạp phúc… như bí đỏ, thạch lựu, hồ lô v.v… rất nhanh chóng thịnh hành trong giới thị dân.
Từ phong cách mà xem xét, hoa tai cũng chịu ảnh hưởng của viện thể họa, mà đặc điểm mô phỏng thiên nhiên, phản ánh truy cầu nghệ thuật “giống thực” của người Tống. Mô phỏng không phải chỉ là bắt chước, mà là đang trên cơ sở bắt chước vật chân thực mà khắc họa ra ý vị dịu dàng yêu kiều của phụ nữ. Bất kể là chế thành hoa tai chủ đề rau trái, hay là hoa cỏ bốn mùa đều giống như đúc, mang phong cách vận vị đặc biệt.
Hoa tai Minh Thanh tinh xảo hoa mỹ, cấu tạo đa dạng
Thời kỳ Minh Thanh, hoa tai đi đến mức độ toàn thịnh hoàn thiện cuối cùng. Thiên tử thời Minh, lần đầu tiên đưa hoa tai vào chế độ phục sức hoàng gia, hoa tai kiểu cung đình do đó mà trở thành trang sức được người dân săn lùng và bắt chước chế tạo. Nhĩ hoàn và nhĩ trụy vẫn được hoan nghênh sâu rộng, nhưng còn một loại hoa tai mới khéo léo tinh xảo cũng được sinh ra là “đinh hương”.
Đời Thanh, người Mãn và người Hán sinh sống cùng nhau, hoa tai nữ giới vốn giữ phong cách của dân tộc mình, nhưng rồi lại từ từ theo xu thế dung hợp. Cụ thể mà nói, nữ giới người Mãn đeo nhĩ kiềm, nữ giới người Hán kế thừa phép nhà Minh, bảo lưu phong cách Hán. Sự thống trị của quý tộc Mãn Châu đem đến cho vùng đất người Hán Trung Nguyên một diện mạo văn hóa hoàn toàn mới, cũng đem nhĩ kiềm đặc sắc phong phú đưa vào hệ thống hoa tai truyền thống Trung Hoa; đồng thời, nhận ảnh hưởng của văn hóa Hán, nữ giới người Mãn cũng bắt đầu thưởng thức trang sức của người Hán.
Đinh hương và nhĩ kiềm, đều là thành viên mới của gia đình hoa tai. Đinh hương, còn có tên “nhĩ tắc”, là một loại cây đinh kim loại nhỏ đeo tai, có thể khảm châu ngọc. Đinh hương vốn là tên một loài thực vật, hoa dại dài nhỏ như cây đinh, có mùi thơm ngào ngạt, được đem ví von đặt tên cho loại hoa tai mới. Đinh hương có thể coi là biến thể của nhĩ đang, chỉ có điều chủ thể là kim loại, đoạn móc nhỏ phía trong tinh tế hơn, không cần phải nong rộng lỗ tai, dễ dàng được đại chúng đón nhận hơn. Mặt khác, phong cách của nó giản lược, đeo vào không ảnh hưởng đến làm việc, thích hợp nhất cho việc đeo hằng ngày, cho nên rất nhận được sự yêu thích của giới khuê các.
Do sự đa dạng và kiểu dáng phong phú của hoa tai, các văn nhân đời Minh cũng bắt đầu tiến hành thưởng thức chúng, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ đương thời. Nổi tiếng nhất là lời miêu tả của nhà hí kịch Lý Ngư trong “Nhàn tình ngẫu ký”: “Vòng đeo lên tai, vừa nhỏ vừa đẹp, hoặc thêm một viên châu, hoặc điểm chút vàng bạc, vật đeo thường ngày này có tục danh ‘đinh hương’, cũng chính là miêu tả hình dáng của nó. Nếu phối với quần áo sang trọng thì cần lớn hơn một chút, nhưng không được lớn quá một đến hai lần.” Lý Ngư tôn sùng nhất là hoa tai tinh xảo, gọi hoa tai rườm rà là “lạc tác”, lại châm biếm là: “Chẳng phải đêm giao thừa, sao lại treo đèn lên tai?”
Nhĩ kiềm là hoa tai đặc hữu của nữ giới người Mãn, chú ý “nhất nhĩ tam kiềm”, tức một tai đeo ba món hoa tai. Chủ thể nhĩ kiềm hầu hết là hình tròn, có thể xuyên qua lỗ tai. Nhĩ kiềm tạo hình đơn giản nhất chính là nhĩ hoàn, toàn thể là khuyên tròn, trên mặt khuyên có thể tận dụng tối đa để trang trí, như khắc hoa, hoặc điểm lục bảo, hoặc chạm rỗng, hoặc khảm châu báu. Dưới khuyên, có thể gắn phụ kiện dài, hoặc tua rua dài khiến nó trở thành nhĩ trụy. Trong đó có một loại trụy hoàn nhĩ kiềm, đặc sắc đời Thanh, phụ kiện là một dãy đá ngọc tròn gắn vào nhau hoặc xỏ lỗ xuyên với nhau, kích thước các viên ngọc không giống nhau, đa số là màu lục bảo.
Trong nữ giới người Hán, hoa tai dạng chuỗi hạt được hoàng hậu thời Tống yêu thích nhất, và vẫn tiếp tục đến Minh Thanh. Hoa tai chuỗi hạt không chỉ là thứ trong cung đình, mà cũng là cũng là một trong những sính lễ cưới hỏi của nhà quan người Hán. Trước thời Thanh, nó là hoa tai long trọng nhất, quy cách nhất của nữ giới người Hán. Cấu tạo điển hình của nó là đoạn móc phía trong có hình chữ S rất nổi bật, phần áp thùy tai có gắn ngọc thúy, phía dưới là một chuỗi ngọc trai, kết thúc dưới cùng là một viên minh châu lớn. Ngoài ra, tạo hình với hình hoa, hình hồ lô, hình đèn lồng hình v.v…, cũng là hình tượng hoa tai thường gặp.
Thực tế đến đời Thanh, bất kể là nữ giới Mãn hay Hán, nhĩ trụy đã từ từ trở thành loại thịnh hành nhất. Ấy là nói, người đeo không cần gỡ khuyên ra, chỉ cần thay đổi phụ kiện gắn bên dưới, liền có thể biến hóa ra một trang sức hoàn toàn mới. Phụ kiện gắn kèm đại thể thiết kế với ý tưởng cát tường may mắn như phượng hoàng, hạch đào, hoa điểu v.v…, dùng vàng bạc phối với đá quý như phỉ thúy, ngọc trai, san hô v.v…, làm cho hoa tai hoa mỹ vô cùng.
Thời gian trôi qua, trang sức trên tai không ngừng thay đổi diện mạo, nhưng điều không thay đổi chính là sự theo đuổi và lý giải cái đẹp của người xưa, cũng như sự lưu truyền và kế thừa văn hóa.
(Tư liệu tham khảo: Luận văn “Trung Quốc cổ đại nhĩ sức nghiên cứu” v.v…)
Theo Lan Âm – Epochtimes
Hữu Đức biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam