Các nhà nghiên cứu đã quyết định sử dụng kỹ thuật tái lập trình tế bào để đảo ngược quá trình lão hóa, loại bỏ các bệnh tật và kéo dài tuổi thọ con người. (Ảnh minh hoạ: Schaferle/Pixabay)
Các công nghệ tiên tiến đang dẫn đến công nghệ kéo dài tuổi thọ con người. Điều này châm ngòi cho việc bùng nổ nghiên cứu các loại thuốc và các phương pháp luyện tập, để làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược quá trình này.
Năm 2006, Shinya Yamanaka, một nhà nghiên cứu tế bào gốc ở Nhật Bản, đã tìm ra cách lập trình lại các tế bào trưởng thành và đưa chúng trở lại trạng thái giống như phôi thai. Phát hiện này đã cách mạng hóa ngành sinh học tế bào và việc tìm kiếm các phương pháp điều trị bệnh cho con người, mang về cho Yamanaka giải thưởng Nobel.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã quyết định sử dụng kỹ thuật này, được gọi là tái lập trình tế bào hoặc tái lập trình biểu sinh, để đảo ngược quá trình lão hóa và loại bỏ các bệnh tật đi kèm với nó.
Nhà sinh vật học David Sinclair cho biết: “Những tác động có thể lớn hơn cả CRISPR”, ông đề cập đến công nghệ chỉnh sửa-biến đổi gen. “Tôi có thể sẽ bị chỉ trích vì đã nói ra điều này! Nhưng đó chắc chắn là điều lớn nhất kể từ CRISPR về số tiền và những người tham gia vào công việc này.”
Dự án tái lập trình gen Altos Labs của Jeff Bezos
Một nhóm các doanh nhân công nghệ nổi tiếng, trong đó có Jeff Bezos, đã làm rung chuyển thế giới về đầu tư nghiên cứu kéo dài tuổi thọ con người vào đầu năm 2022; với việc ra mắt dự án tái lập trình tự gen trị giá ba tỷ đô la, dự án Altos Labs. Yamanaka đã ký hợp đồng với tư cách là cố vấn cho dự án này và các nhà khoa học siêu sao khác đã bị thu hút khỏi các vị trí học thuật danh giá để tham gia dự án.
Steve Horvath, người vừa nghỉ việc tại Đại học California, Los Angeles để gia nhập Altos, cho biết: “Mọi người sẽ không đầu tư tiền nghiêm túc trừ khi khoa học đáng tin cậy. Vì vậy, câu hỏi là, bạn và tôi sẽ có lợi chứ?”
Yamanaka sử dụng bốn protein được gọi là các yếu tố phiên mã, khởi tạo và điều chỉnh biểu hiện gen, để xóa danh tính của các tế bào trưởng thành—về cơ bản là đưa chúng trở lại trạng thái ban đầu.
Bước nhảy vọt trong việc áp dụng nó vào quá trình cải thiện lão hóa đến từ Juan Carlos Izpisua Belmonte, một nhà sinh vật học nghiên cứu về tái tạo nội tạng. Ông đã sử dụng một phần các yếu tố của Yamanaka để quay ngược thời gian, khôi phục khả năng trẻ trung của các tế bào, trong khi vẫn duy trì danh tính và các chức năng của chúng.
Ông và nhóm của mình tại Viện Nghiên cứu Sinh học Salk ở La Jolla, California, Mỹ, đã thử nghiệm với chuột trong nhiều năm và họ đã đạt được một quy trình làm trẻ hóa những con vật này. Họ đã sử dụng một phần phương pháp tái lập trình tế bào để kéo dài tuổi thọ của những con chuột già sớm; và tăng tốc độ chữa lành vết thương ở những con chuột già bình thường bị chấn thương cơ.
Dự án công nghệ và phân tử trường thọ của Trường Y Harvard
Sinclair, giáo sư di truyền học và đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Sinh học về Lão hóa Paul F. Glenn tại Trường Y Harvard, không giấu giếm sứ mệnh ngăn chặn sự lão hóa, bao gồm cả sứ mệnh của chính ông.
Ông đã thành lập và đầu tư vào hơn chục công ty để thương mại hóa các công nghệ và phân tử trường thọ. Ở tuổi 53, ông dùng metformin và sprinkles resveratrol cùng với bữa sáng. “Ít nhất tôi cũng thử một lần những thứ mà mọi người đang bàn tán”, ông nói. “Tôi tò mò. Tôi thích trở thành một tình nguyện viên thử nghiệm. Ông nâng tạ để duy trì mức độ hormone của mình — ông đã đăng trên Instagram rằng testosterone của ông vẫn còn cao.
Gần đây ông đã áp dụng chế độ ăn thuần chay. Ông nói rằng: “Nó không nhàm chán như tôi nghĩ”. Ông theo dõi chặt chẽ sức khoẻ theo tuổi sinh học của mình thông qua InsideTracker, một công ty mà ông tư vấn để phân tích 43 dấu ấn sinh học của con người.
Ông Sinclair đã sửa đổi công thức Yamanaka, loại bỏ một yếu tố phiên mã có liên quan đến bệnh ung thư, sau đó sử dụng phương pháp tái lập trình một phần để phục hồi các dây thần kinh thị giác bị dập nát. “Điều đó thật tuyệt”, ông nói, “nhưng tôi nghĩ nếu đây thực sự là sự đảo ngược tiến trình lão hoá, chúng ta sẽ có thể đảo ngược các căn bệnh liên quan đến tuổi tác”.
Vì vậy, ông đã thử nó trên những con chuột mắc bệnh giống như bệnh tăng nhãn áp; và thị lực của chúng đã trở lại. Nhưng những con chuột đó không già lắm, vì vậy Sinclair quyết định lập trình lại tế bào của những con chuột già bị mất thị lực do tuổi tác. Một đồng nghiệp là một nhà nghiên cứu nhãn khoa cá với ông rằng nó sẽ không hiệu quả.
“Và đoán xem?” Sinclair nói. “Nó đã hoạt động tốt”.
Kể từ khi công bố kết quả trên tạp chí Nature vào tháng 12 năm 2020, Sinclair đã tiếp tục các nghiên cứu và cho biết lợi ích có vẻ sẽ lâu dài. Trong khi đó, ông và các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của mình đang thực hiện các thí nghiệm đẩy nhanh thời gian về tương lai, họ tăng tốc độ lão hóa ở chuột, khiến chúng nhăn nheo và chậm chạp hơn, hoặc đẩy nhanh quá trình lão hóa chỉ trong một cơ quan hoặc trong tất cả các cơ quan nội tạng của chúng. Khi họ biết cách bật chế độ lão hóa, thì họ hy vọng cũng sẽ học được cách tắt nó đi.
Sinclair nhắm vào dây thần kinh thị giác, vì đây là một trong những nơi đầu tiên bị lão hóa tác động. Ngay sau khi sinh, chúng ta mất khả năng tái tạo tế bào ở đó. Ông tin rằng nghiên cứu của mình đưa ra một mô hình thay đổi cuộc chơi, để điều trị chấn thương tủy sống và rối loạn hệ thần kinh trung ương. Ông nói, nếu quay ngược tuổi tế bào có thể lấy lại thị lực đã mất, thì tại sao khả năng đi lại hoặc ghi nhớ lại không?
5 thói quen giúp kéo dài tuổi thọ
Không ai biết khi nào, hoặc liệu một công nghệ thần kỳ như tái lập trình tế bào, sẽ làm được cho con người những gì mà nó đã đạt được rất kỳ diệu ở chuột hay không. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta có thể làm nhiều việc để chống lại sự lão hóa.
Các nhà nghiên cứu tại Harvard T.H. Trường Y tế Công cộng Chan đã xem xét dữ liệu trong nhiều thập kỷ từ người trưởng thành ở Hoa Kỳ và nhận thấy rằng 5 thói quen có thể giúp tăng tuổi thọ lên 14 năm ở phụ nữ và 12 năm ở nam giới, các thói quen đó là: chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên, cân nặng phù hợp, không hút thuốc, và không uống quá nhiều.
Matt Kaeberlein, giáo sư về bệnh học và y học trong phòng thí nghiệm, đồng thời là giám đốc của Viện Nghiên cứu Tuổi thọ và Lão hóa Khỏe mạnh tại Đại học Washington, cho biết: “Tôi nghĩ rằng điều mang lại cho bạn nhiều lợi nhuận nhất, nếu bạn chỉ phải làm một việc – điều mà tôi không khuyến nghị – là tập thể dục.”
Ông là một nhà khoa học cần mẫn, không phải là một chuyên gia thể dục. Phòng thí nghiệm của ông đã phát triển một nền tảng robot có tên là WormBot, thu thập dữ liệu đồng thời từ hàng trăm thí nghiệm song song để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của giun tròn C. elegans. Ông cũng đang thử nghiệm rapamycin ở chó.
Nhưng dù bận rộn đến đâu, ba ngày một tuần, Kaeberlein, 51 tuổi, vẫn đến phòng tập thể dục trong nhà để xe của mình và đạp xe qua trên máy đạp xe, ngồi xuống đứng lên nhiều lần, nâng tạ và chống đẩy… để duy trì khối lượng cơ bắp. Ông nói: “Đối với hầu hết những người trên 50 tuổi, việc mất đi sự cứng cáp của cơ do lối sống ít vận động, thường là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến tình trạng sức khỏe kém sau này”.
Vài lần một tuần, ông Ries Nieuwkoop tắm nước đá trong chiếc bồn cổ ở sân sau nhà mình ở Zwolle, Hà Lan. Lợi ích sức khỏe của liệu pháp tắm lạnh chưa được nghiên cứu rộng rãi ở người, nhưng những người ủng hộ nói rằng nó làm dịu cơn đau, cải thiện tư duy của họ và thậm chí giúp giảm cân. Ông Nieuwkoop, 79 tuổi, đưa ra lý do của riêng mình: “Nước lạnh rèn luyện tính linh hoạt của hệ thần kinh, nó sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh trong bồn nước đá. Nó cũng tốt cho tuần hoàn máu, và tôi tin rằng điều này tốt cho sức khỏe. Tắm nước đá khiến tôi cảm thấy rất thư thái.”
Các chuyên gia thể dục tranh luận không ngừng về chế độ tập luyện nào tốt nhất để tối đa hóa sức khỏe và sức mạnh vào cuối đời. Tương tự như vậy, các chuyên gia dinh dưỡng không đồng ý về chế độ ăn kiêng, chẳng hạn như ăn uống có giới hạn thời gian, nhịn ăn gián đoạn, keto, thuần chay, Địa Trung Hải…, và nhiều tên gọi khác mà từng địa phương cụ thể đặt tên cho nó.
Các nghiên cứu trên động vật cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng việc hạn chế nạp các loại calo nghiêm trọng giúp tăng tuổi thọ. Điều đó có đúng với mọi người hay không, vẫn còn rất khó xác định.
Viện Lão hóa Quốc gia Hoa Kỳ đã khởi xướng một nghiên cứu lớn cách đây hai thập kỷ để đo lường tác động của chế độ ăn kiêng cắt giảm 25% lượng calo. Nhưng ngay cả khi những người tham gia được tư vấn, phần mềm theo dõi những gì họ đã ăn và các bữa ăn trong một thời gian, cho thấy họ chỉ cắt giảm được 12% lượng calo.
Niềm tin và suy nghĩ tích cực giúp kéo dài tuổi thọ
Becca Levy, giáo sư dịch tễ học và tâm lý học tại Đại học Yale, chỉ ra một ảnh hưởng quan trọng khác, có thể kiểm soát được đối với tuổi thọ khỏe mạnh: niềm tin về sự khỏe mạnh với tuổi thọ cao.
Trong một nghiên cứu đã được nhân rộng trên khắp thế giới, Levy phát hiện ra rằng những người ở độ tuổi 30 và 40 có kỳ vọng tích cực về tuổi thọ—ví dụ, họ chỉ công nhận tuổi cao với sự khôn ngoan thay vì sự suy sụp—có nhiều khả năng có sức khỏe tốt đến hàng chục năm sau.
Trong một nghiên cứu khác, cô cũng đã chỉ ra rằng những người lớn tuổi có quan điểm tích cực về tuổi thọ có nhiều khả năng hồi phục hoàn toàn sau chấn thương. Và trong một nghiên cứu khác, cô phát hiện rằng quan điểm tích cực về tuổi thọ khỏe mạnh có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Levy đã phát hiện rằng những người có niềm tin sáng suốt nhất về tuổi thọ khỏe mạnh sống lâu hơn trung bình bảy năm rưỡi so với những người có niềm tin ảm đạm nhất.
(Hết)
Theo Nationalgeographic
Ánh Dương lược dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam