Oa Khoát Đài phong Nghiêm Thực làm Đông Bình lộ Hành quân vạn hộ, ban cho hổ phù. Ảnh minh họa: Hổ phù dát vàng, khai quật được từ Sơn Môn Khẩu, phía Nam Tây An, khảo cứu cho thấy là văn vật xuất hiện trong khoảng năm 337 TCN – năm 325 TCN thời Tần Huệ Văn Quân, Chiến Quốc. (Phạm vi công cộng)
Một viên quan cai quản một vùng địa phương, trong khi quân Mông Cổ xâm chiếm thiên hạ, thì ông cứu vớt vô số người, ngoài ra còn đưa vùng đất nơi mình quản hạt trở thành một vùng đất an lạc. Bí quyết ở đâu?
Nghiêm Thực (1182 – 1240), tự Võ Thúc, người Trường Thanh, Thái An (nay là Trường Thanh, Sơn Đông). Thời Nguyên – Kim. Những quân phiệt cai quản một vùng lãnh thổ ở Hán địa và được hưởng quyền tự chủ lớn thì được gọi là thế hầu. Trong những thế hầu này, Nghiêm Thực rất nổi bật. Trong khi quân Mông Cổ xâm chiếm thiên hạ, thì ông cứu vớt vô số người, ngoài ra còn đưa vùng đất nơi mình quản hạt trở thành một vùng đất an lạc.
Thái sư Mộc Hoa Lê phụng mệnh Thành Cát Tư Hãn chinh phạt Kim. Thành Cát Tư Hãn yêu cầu Mộc Hoa Lê áp dụng sách lược “chiêu tập hào kiệt, bình định các thành chưa bị hạ”, phàm là người nạp đất quy hàng, có công mở rộng lãnh thổ, thì đều chiểu theo thực lực và địa phương mà phong chức quan, lại cho phép truyền đời. Nghiêm Thực nghe tin, đã lãnh đạo bộ tướng và 30 vạn dân do mình cai quản quy thuận Mộc Hoa Lê. Về sau, Nguyên Thái Tông Oa Khoát Đài ở kinh đô Karakorum phong ông làm Đông Bình lộ Hành quân vạn hộ, ban cho hổ phù, rất tín nhiệm. Oa Khoát Đài từng nhiều lần trông Nghiêm Thực, nói với thị thần: “Nghiêm Thực đúng là người mang phúc.” Toàn bộ khu vực phía Đông của Thái Hành Sơn đều thuộc quyền quản hạt của Nghiêm Thực.
Nghiêm Thực từ nhỏ thông minh dĩnh ngộ, tính tình phóng khoáng, đối nhân xử thế khảng khái hào sảng, thích kết giao với nghĩa sĩ và người hào hiệp. Mặc dù làm chức vạn hộ cao quý, nhưng ông sinh hoạt sơ sài. Có những lúc trực tiếp dầm mưa dãi nắng, an trí người dân di dời, khuyến khích họ chăm chỉ canh cửi đồng áng, phòng khi bất thường.
Nghiêm Thực kết giao Nho sĩ, chiêu nạp hiền tài, phàm là việc chăm lo cho dân, ông đều tận tâm tận lực. Gặp năm có nạn đói, dân tình thiếu ăn, Nghiêm Thực sai người dựng lều nấu cháo, cứu sống rất nhiều người.
Có hơn mười người dưới trướng Nghiêm Thực chạy trốn tới Ích Đô. Sau khi quân Mông Cổ công phá Ích Đô, những người chạy trốn này đều bị bắt. Họ đều cho rằng cầm chắc cái chết, nhưng kết quả lại ngoài dự đoán, Nghiêm Thực không hề truy cứu việc chạy trốn của họ mà còn thả ra.
Một tướng lĩnh nhà Tống là Vương Nghĩa Thâm, sau khi binh bại thì chạy trốn tới Hà Nam, giết chết rất nhiều người trong họ của Nghiêm Thực. Sau khi quân Mông Cổ công phá Hà Nam, Vương Nghĩa Thâm trốn thoát, chỉ bắt được vợ con của Vương Nghĩa Thâm. Nghiêm Thực không vì việc Vương Nghĩa Thâm giết người trong họ của mình mà làm hại đến người nhà ông ta, chẳng những vậy mà còn lấy đức báo oán, lấy hậu lễ trợ cấp cho họ, phái người đưa về quê nhà.
Nghiêm Thực trong đời trải qua trăm trận, nắm giữ quyền cao chức trọng. Tuy hành quân tác chiến là bổn phận võ tướng của ông, nhưng trong ông lại có một trái tim nhân nghĩa.
Có một vị quận vương sau khi công phá Bộc Châu, muốn tàn sát dân trong thành, Nghiêm Thực nói với ông ta: “Dân chúng không phản kháng, sao lại có thể tùy ý tàn sát? Chi bằng lưu họ lại để làm trồng trọt, có thể cung cấp lương thảo cho quân đội.” Nhờ kiến nghị của ông mà mấy vạn dân chúng Bộc Châu được bảo toàn.
Hà Nam là đất cũ của nước Kim, Nghiêm Thực lo khi quân Mông Cổ chinh phạt Kim, dân chúng Hà Nam ắt thương vong thê thảm. Để bảo vệ nhiều người hơn, ông mang vàng bạc châu báu đến Hà Nam chuộc người, đồng thời ước thúc chư tướng, không được giết bừa, phàm khi phá thành bắt tù binh nhất định phải bảo toàn dân chúng. Chỉ riêng ở huyện Linh Bích, Nghiêm Thực đã cứu được 5 vạn người.
Nghiêm Thực thường thường mời các Nho sĩ giảng giải về đạo thành bại từ xưa đến nay, cùng các biện pháp cai quản địa phương tốt của bậc tiên hiền. Ông bao bọc vạn dân, thực thi ơn huệ nhân đức rộng khắp, bất kể là tướng sĩ hay dân chúng đều ngưỡng mộ ông. Kẻ sĩ có tài ở khắp nơi đều theo nhau mà tới. Ai mà gia tộc ly tán vì chiến tranh, ông tìm kiếm người nhà thất tán, để cho họ đoàn tụ; ai không có khả năng tổ chức lễ tang, ông lo việc an táng; ai đến tuổi kết hôn, ông lại trợ giúp nhân duyên.
Đông Bình là nơi hội tụ văn hóa của Tề, Lỗ, Ngụy, có truyền thống văn hóa sâu rộng. Nghiêm Thực nắm quyền cai quản quân đội và chính quyền, xây dựng phủ học tại nơi sở quản, chấn hưng văn hóa. Ông thường thường cùng văn sỹ ngâm vịnh rong chơi, đàm luận kinh sách đạo lý. Dưới sự cai quản của Nghiêm Thực, cả trăm trấn một dải Đông Bình, đều phát triển giáo dục, lễ nghĩa Tề Lỗ khi xưa cũng dần dần hưng khởi. Trong khi quân Mông Cổ đánh chiếm thiên hạ, vùng Đông Châu của ông lại trở thành một cõi yên vui.
Sau khi Nghiêm Thực qua đời, quan binh và hương dân gần xa đều để tang, người đưa tang ông đông đúc, khóc thương cúng tế đến hơn tháng. “Thần đạo bi” đánh giá Nghiêm Thực là người biết thiên mệnh, thuận theo sự hưng khởi của nhà Nguyên, lập được công tích lớn.
(Theo: Quyển 6, “Quốc triều danh thần sự lược”; Quyển 148, “Nguyên sử”)
Tác giả Hồng Hi – Epochtimes
Hữu Đức biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam