Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn chữ Hán và Chú Âm
Bính âm:
風(Fēng) 欲(yù) 起(qǐ) 而(ér) 石(shí) 燕(yàn) 飛(fēi),
天(tiān) 將(jiāng) 雨(yǔ) 而(ér) 商(shāng) 羊(yáng) 舞(wǔ).
旋(Xuán) 風(fēng) 名(míng) 為(wèi) 羊(yáng) 角(jiǎo),
閃(shǎn) 電(diàn) 號(hào) 曰(yuē) 雷(léi) 鞭(biān).
青(Qīng) 女(nǚ) 乃(nǎi) 霜(shuāng) 之(zhī) 神(shén),
素(sù) 娥(é) 即(jí) 月(yuè) 之(zhī) 號(hào).
雷(Léi) 部(bù) 至(zhì) 捷(jié) 之(zhī) 鬼(guǐ) 曰(yuē) 律(lǜ) 令(lìng),
雷(léi) 部(bù) 推(tuī) 車(chē) 之(zhī) 女(nǚ) 曰(yuē) 阿(ā) 香(xiāng).
Âm Hán Việt
Phong dục khởi nhi thạch yến phi,
thiên giáng vũ nhi thương dương vũ.
Toàn phong danh vi dương giác,
thiểm điện hiệu viết lôi tiên.
Thanh Nữ nãi sương chi Thần,
Tố Nga tức nguyệt chi hiệu.
Lôi bộ chí tiệp chi quỷ viết Luật Lệnh,
Lôi bộ thôi xa chi nữ viết A Hương.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 石燕 (Thạch yến): Những viên đá có hình dạng giống chim én.
(2) 商羊 (Thương dương): Tên loài chim Thần mang mưa đến trong thần thoại Trung Quốc.
(3) 旋风 (Toàn phong): Cơn lốc xoáy. Xem trong “Trang Tử”
(4) 青女 (Thanh Nữ): Thần cai quản sương tuyết. Xem trong “Hoài Nam Tử”.
(5) 素娥 (Tố Nga): là Hằng Nga. Xem trong “Văn Tuyển – Nguyệt Phú”
(6) 至捷 (Chí tiệp): Nhanh nhẹn và nhanh chóng nhất. “Tiệp” là nhanh chóng.
(7) 律令 (Luật Lệnh): Tên một người thời Chu Mục Vương, có tài đi nhanh, đi như bay, sau khi chết trở thành tiểu quỷ của Lôi bộ. Xem trong “Sưu Thần Ký”.
Bản dịch tham khảo
Khi gió sắp nổi lên thì chim én đá kết bầy bay lên, khi trời sắp mưa thì con chim Thương Dương (chim một chân) xuất hiện bay lượn. Gió lốc xoay tròn giống như một cái sừng cừu uốn cong, nên gọi là gió “dương giác” (gió xoáy). Tia sét cắt ngang bầu trời giống như thần Sấm vung roi, nên gọi là “lôi tiên” (roi sấm). Thanh Nữ là vị thần linh cai quản sương giáng, Tố Nga chính là Hằng Nga, cũng là một tên khác của mặt trăng. Quỷ trong Lôi bộ đi lại rất nhanh, có thể đi như bay gọi là “Luật Lệnh”, “A Hương” là nữ Thần đẩy xe sấm, chuyên cai quản giông bão.
Đọc sách luận bút
Trong bài học này, hai câu đầu dạy trẻ em cách xem thời tiết, đây là kiến thức khí tượng mà chúng ta sẽ nói đến hôm nay. Người xưa cho rằng Tam tài gồm trời, đất và con người là có sự liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau, do đó khi quan sát các hiện tượng của trời đất thì có thể dự đoán được nhiều điều, đây là một ví dụ về việc trẻ nhỏ học được những kiến thức này ngay từ khi còn nhỏ thì các em sẽ biết dự đoán thời tiết bằng cách nhìn vào sự thay đổi của sự vật xung quanh. Không chỉ vậy, các em sẽ ghi nhớ được điển cố và truyền thuyết về Thạch Yến và Thương Dương, sau này nếu gặp lại những từ này trong sách cổ và thơ văn, chúng sẽ có thể hiểu được nghĩa của hai từ này mà không cần tra từ điển Hán cổ.
Đương nhiên, câu cuối trong bài học này cũng như vậy, ta sẽ hiểu được vì sao cổ nhân gọi gió lốc là “dương giác”, gọi sét là “lôi tiên” (roi sấm), Thanh Nữ là để chỉ Thần Sương, Hằng Nga còn được gọi là “Tố Nga”, tương tự như thế khi đọc sách cổ gặp “Luật Lệnh” hoặc “A Hương” thì đều có thể hiểu rõ nguồn gốc, cho nên sau khi đọc những cuốn sách này trẻ em sẽ biết được rất nhiều kiến thức, tương lai có thể hiểu được biển sách kinh điển cổ xưa rộng lớn, vì vậy đọc “Ấu Học Quỳnh Lâm” sẽ có thể xem và hiểu được cổ thư. Nếu không có nền tảng này, cho dù sau này có thông thuộc Tứ thư và Ngũ kinh, thuộc lòng các bài thơ văn khác nhau, vẫn biết nó là như vậy nhưng không hiểu vì sao, vẫn là không thấu đáo. Vì không hiểu nghĩa gốc và nguồn gốc của các từ cổ, nên cứ phải tra từ điển mãi, nhưng cũng chỉ hiểu được lơ mơ chút ít, và cũng không thể sử dụng từ Hán cổ một cách linh hoạt được.
Đọc xong bài thứ ba, tôi tin rằng một số người đã chú ý đến thể văn biền ngẫu có các vế đối sóng đôi nhau từng cặp, trước tiên chưa kể ý nghĩa nội dung bên trong, chỉ cần đọc lên đã toát ra vẻ đẹp nghệ thuật như mây trôi nước chảy, sóng đôi tinh tế, đọc lưu loát, lại còn dài ngắn đan xen, không rập khuôn. Việc trau dồi văn học nghệ thuật sẽ tự nhiên được hun đúc bằng cách đọc thuộc lòng những bài văn hay này từ thời thơ ấu. Ngày nay chúng ta đọc nó thì cũng như là một loại hưởng thụ, nhờ thế mà người Trung Quốc thời xưa xuất khẩu thành thơ, lời nói tao nhã, kiến thức uyên thâm, quả thực tích lũy được vốn văn hóa sâu rộng. Các trò chơi thơ văn hàng ngày của các công tử và tiểu thư giới quý tộc được miêu tả trong “Hồng Lâu Mộng” hóa ra là sự thật, người ta trước đây đã nghe quen tai nhìn quen mắt, ngay cả các a hoàn xung quanh cũng đều không tầm thường chút nào. Vì không qua sự giáo dục như của người xưa, nên lời nói của chúng ta ngày nay khá thô tục, dù có tốt nghiệp đại học thì e rằng cũng không thể bằng những đứa trẻ thời xưa. Điều đó khiến cho mọi người thấy thật đau lòng.
Đây là thể văn biền ngẫu (hai vế đối nhau) phổ biến trong các triều đại Ngụy Tấn Nam Bắc triều mà ngôn từ đối lập với văn xuôi. Đây còn được gọi là “Biền lệ văn”. Đặc điểm chính của nó là chú trọng đến sự đối xứng, vì các mẫu câu đối nhau, như hai con ngựa chạy song song với nhau, cho nên được gọi là “Biền thể” (thể văn biền ngẫu). Về âm vận thì thường sẽ chú trọng đến bằng trắc và vận luật; về tu từ thì chú trọng trau chuốt và sử dụng điển cố. Vì vậy, khi đọc lên có tính văn học nghệ thuật rất mạnh, đa số đều là những nét đẹp tao nhã. Tuy nhiên, do văn biền ngẫu có xu hướng quá chú trọng đến hình thức và kỹ xảo nên việc diễn đạt nội dung sẽ bị hạn chế, nhưng nếu sử dụng thích hợp thì sẽ có đầy đủ tình thơ ý họa, thể hiện được mỹ cảm nghệ thuật độc đáo. Sau thời nhà Đường, văn biền ngẫu bốn hoặc sáu câu (tứ lục cú) thường được sử dụng, vì vậy nó được gọi chung là văn bốn sáu (tứ lục văn) vào thời nhà Tống. “Biền Văn” vẫn rất phổ biến cho đến cuối thời nhà Thanh.
Kỳ thực mỗi thể loại văn đều có những công dụng và thế mạnh riêng, nếu sử dụng tốt mới có thể phát huy tác dụng tuyệt vời nhất, sử dụng nó trong vui chơi giải trí tao nhã hàng ngày, dùng nó trong nhập môn văn hóa truyền thống là điều rất tuyệt vời. Ví dụ, sách giáo khoa nhập môn đối với trẻ em rất dễ học thuộc và có đặc điểm suốt đời khó quên, vì chúng được viết bằng âm luật phong phú, vế đối tinh tế, chú trọng thể văn biền ngẫu dùng điển cố, không chỉ giúp trẻ dễ đọc thuộc lòng mà còn có thể cho trẻ tiếp xúc với văn từ tốt đẹp từ nhỏ, còn có thể tiếp xúc với một lượng lớn những điển cố, cách dùng từ thời cổ đại, lượng kiến thức có thể được nâng lên một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.
Ngày nay đọc lại sách này cũng là một loại hình hưởng thụ nghệ thuật hoàn mỹ khiến người ta say mê khó cưỡng, trẻ em suốt đời không bao giờ quên, xứng đáng là tác phẩm kinh điển nổi tiếng. Nếu dùng tài liệu giáo khoa như vậy để dạy trẻ em, thì không lo là không thể bồi dưỡng được những đứa trẻ đầy khí chất tao nhã và có hàm dưỡng.
Kể chuyện
Truyền thuyết về Thạch Yến
Truyền thuyết kể rằng trên núi Linh Lăng tỉnh Hồ Nam có rất nhiều viên đá lớn nhỏ hình dạng giống chim én, mỗi khi có gió nổi lên én đá thành đàn bay xuống giống như én thực vậy, khi gió ngừng mưa tạnh chúng sẽ biến trở lại thành đá. (Nguồn: “Thủy Kinh Chú- Tương Thủy”)
Câu chuyện về Thương Dương
Một hôm, có một con chim một chân bay đến nước Tề, nó bay đến trước triều đường giang cánh mà nhảy. Tề Hầu thấy lạ nên sai sứ sang nước Lỗ hỏi Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Loài chim này tên là Thương Dương, là đại biểu cho ‘Thuỷ Tường’. Xưa kia từng có đứa trẻ đứng bằng một chân, (để bắt chước hình dáng con chim Thương Dương) vừa nhảy vừa nhún đôi vai và còn hát rằng ‘Trời sắp mưa lớn, Thương Dương phấn khởi nhảy múa’. Nay loài chim này xuất hiện ở nước Tề, để bảo cho dân chúng đắp đê tạo kênh nhằm đề phòng lũ lụt”. Sau đó quả thật có một trận mưa lớn, các nước láng giềng đều bị lũ lụt nặng, riêng chỉ có nước Tề do có sự chuẩn bị nên đã tránh được thảm họa. (Nguồn: “Khổng Tử Gia Ngữ”)
Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/247811
Ngày đăng: 19-01-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org