Vào thời cổ đại, nhiều vị danh y có những khả năng rất đặc biệt mà hiện nay chúng ta gọi là “công năng đặc dị”. Ví như Biển Thước chỉ cần quan sát sắc mặt, là có thể biết được tình trạng bệnh của Tề Hoàn Công; Hoa Đà khi khám bệnh đau đầu cho Tào Tháo, đã biết được trong não của Tào Tháo có khối u, cần phải làm thủ thuật mở sọ để cắt bỏ khối u. Tìm hiểu nhiều hơn về những vị thần y này, có lẽ chúng ta sẽ hiểu được tại sao y thuật của họ lại thần kỳ đến như vậy.
Hoa Đà – Thần y trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Hồi thứ 78 trong “Tam quốc diễn nghĩa” có tên là “Chữa bệnh nhức đầu, hại thân thầy thuốc, Trăn trối truyền lại, hết số gian hùng”. Trong hồi này kể lại câu chuyện sau khi an táng cho Quan Vũ, ngày nào Tào Tháo cũng gặp ác mộng. Chỉ cần nhắm mắt liền nhìn thấy Quan Công nên Tào Tháo vô cùng sợ hãi. Thế nên, Tào Tháo liền mang chuyện này ra hỏi văn võ bá quan. Nhưng các quan đều không dám nói thật, phải dùng những chuyện “mê tín” để giải thích cho Tào Tháo: cung điện ở Lạc Dương nhiều yêu quái lắm nên phải lập một tòa cung điện mới để ở. Tào Tháo nghe xong, liền đồng ý: “Được! Vậy hãy xây một cung điện mới, cung điện này sẽ gọi là điện Kiến Thủy”.
Tào Tháo lại hỏi: “Ai là thợ thủ công tốt nhất?”
Giả Hủ tâu rằng: “Ở Lạc Dương có người thợ tên là Tô Việt, là người có tư duy và tay nghề khéo nhất”.
Sau đó Tào Tháo cho triệu Tô Việt đến, hỏi rằng cung điện mới nên xây thế nào mới tốt. Tô Việt vẽ ra bản thảo, dâng lên cho Tào Tháo. Tháo xem xong vô cùng vui vẻ, nói rằng: “Kiểu này thật hợp ý ta lắm, nhưng chỉ ngại không có gỗ to nào mà làm cho xứng”.
Tô Việt thưa rằng: “Cách thành này ba mươi dặm, có một cái đầm gọi là Dược Lâm. Bên đầm có môt ngôi đền là Dươc Lâm Từ, ở đó có một cây gỗ lê cực to, cao hơn mười trượng, nên dùng làm nóc điện này”.
Tào Tháo nghe xong lấy làm mừng, bèn phái người đi chặt cây lê. Thế nhưng nhóm thợ dùng mọi cách cũng không thể chặt được cây này. Nghe tin, Tào Tháo đích thân đến chỗ gốc cây nói rằng: “Yêu quái phương nào! Vì sao không để cho thợ của ta chặt cây?!”.
Thế rồi Tào Tháo cầm bảo kiếm chém vào thân cây. Lúc này, thân cây chảy máu, bắn tung tóe lên người Tào Tháo. Tháo thấy sự việc lạ lùng, bỗng nhiên thấy sợ, vội quăng thanh gươm, vội vàng lên ngựa hồi cung.
Kể từ đó Tào Tháo ăn ngủ không ngon, lại mắc thêm bệnh đau đầu. Cơn đau đầu của Tháo trị thế nào cũng không hết, dù uống bao nhiêu thuốc cũng không thể trị được. Lúc này, có một viên quan là Hoa Hâm tâu rằng: “Đại vương có biết thần y Hoa Đà không?”.
Tào Tháo nói: “Người ấy thì ta cũng nghe tiếng, nhưng chưa biết phép chữa của y ra làm sao?”.
Hoa Hâm trả lời rằng: “Nghề thuốc của ông ta cực tài, trong đời hiếm có. Phàm những người nào có bệnh hoặc dùng thuốc, hoặc mổ, hoặc trích, chỉ cần ông ta hơi động tay vào là khỏi”.
“Nếu ai đau ở trong phủ tạng thì cho uống thang ma phí tán, để cho người ốm say mê đi như chết, lấy dao mổ bụng ra, không đau đớn chút nào, dùng thuốc rửa sạch rồi khâu lại, bôi thuốc vào, chỉ một tháng hoặc hai mươi ngày thì khỏe như thường. Hoa Đà chữa bệnh gì cũng tài tình như thế”.
Hoa Hâm lại kể cho Tào Tháo một câu chuyện của Hoa Đà: Một bữa nọ, Hoa Đà đang đi ngoài đường, đột nhiên nghe có tiếng người rên khừ khừ. Hoa Đà nói: “Đây là bệnh do không ăn uống được!”.
Khi hỏi ra thì quả nhiên là như thế. Hoa Đà liền lấy tỏi và hẹ làm 3 thăng cho bệnh nhân uống. Người ấy uống xong, nôn ra một con rắn dài hai ba thước, bấy giờ mới ăn uống được. (Nghe âm thanh đoán bệnh là một trong những phương pháp chẩn bệnh quan trọng trong tứ chẩn vọng văn vấn thiết của Đông y).
Lại có một vị Thái thú ở Quảng Lăng tên là Trần Đăng, trong người cảm thấy khó chịu, mặt đỏ như gấc, không ăn uống gì được nên mời Hoa Đà đến xem bệnh. Sau khi uống thuốc, Trần Đăng nôn ra ba thăng giun, con nào cũng có đầu màu đỏ, đuôi còn ngoe nguẩy. Trần Đăng thắc mắc hỏi, Hoa Đà bảo rằng: “Bệnh này là do ông tạo nghiệp nhiều, ăn nhiều gỏi cá, cho nên sinh ra lắm trùng, tuy chữa khỏi được bây giờ, nhưng ba năm nữa sẽ lại tái phát, không sao chữa được nữa”.
Sau ba năm, quả nhiên Trần Đăng lại phát lại bệnh này mà chết. Trong câu chuyện này, chúng ta sẽ thấy rằng mặc bệnh tật dù có thể điều trị được nhưng vẫn có khả năng tái phát.
Có lẽ Hoa Hâm rất thích kể chuyện. Ông ta lại tiếp tục kể thêm một câu chuyện khác của Hoa Đà. Có một người trên lông mày nổi lên một cái bướu, cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu, nên đến nhờ Hoa Đà xem bệnh. Hoa Đà nói rằng: “Trong cái bướu ấy có một vật biết bay!”.
Nghe thấy Hoa Đà nói thế ai cũng cười. Lúc này Hoa Đà lấy dao mổ ra xem, quả nhiên trong đó có một con chim sẻ thông vàng bay ra, người kia cũng liền khỏi bệnh.
Còn có một câu chuyện nữa. Có một người bị chó cắn vào chân, chỗ đau mọc lên hai khối thịt, một bên thì cảm thấy buốt, một bên lại cảm thấy ngứa, không thể chịu được. Sau khi xem bệnh, Hoa Đà bảo rằng: “Bên buốt, ở trong có mười cái kim; bên ngứa, ở trong có hai con cờ, một con đen, một con trắng”.
Mọi người không tin. Đến khi Hoa Đà mổ ra, quả nhiên là đúng như vậy. Câu chuyện này cho chúng ta thấy được khả năng chẩn bệnh thần kỳ của Hoa Đà.
Sau khi nghe xong những câu chuyện do Hoa Hâm kể, Tào Tháo cũng bị thuyết phục, liền cho người mời Hoa Đà đến xem bệnh. Khi Hoa Đà đến, vừa nhìn thấy Tào Tháo, Hoa Đà đã nói: “Đại vương nhức đầu, vì nhiễm phải gió độc, gốc bệnh ở trong óc, không thoát ra được, uống thuốc cũng uổng công mà thôi. Tôi có một phép này: trước hết uống thang ma phí tán, rồi lấy búa bổ óc ra, nạo hết dãi gió độc đi thì mới triệt hết được nọc bệnh”.
Nghe Hoa Đà nói xong, Tào Tháo nổi cơn thịnh nộ, nói: “Ngươi muốn giết ta sao?”
Hoa Đà thưa: “Đại vương có biết chuyện Vân Trường không? Cánh tay phải ông ấy bị trúng tên thuốc độc, tôi cạo xương chữa thuốc, mà ông ấy không sợ hãi chút nào. Nay bệnh đại vương mới một tí, việc gì phải đa nghi làm vậy?”
Tào Tháo vô cùng tức giận nói: “Cánh tay đau còn cạo được, chớ đầu óc bổ ra sao được?”
Tào Tháo không hiểu rõ sự việc, cho rằng đầu óc làm sao có thể bổ ra được, liền tức giận nói với Hoa Đà rằng: “Ngươi quen với Vân Trường, muốn nhân dịp này báo thù cho hắn chăng?”.
Thế là Tào Tháo cho người bắt Hoa Đà giam vào ngục. Giả Hủ khuyên can rằng: “Người giỏi thuốc thế này, trên đời ít có, không thể để phí”.
Nhưng bởi vì Tào Tháo nghĩ rằng Hoa Đà muốn làm hại mình nên vẫn cứ nhốt Hoa Đà trong ngục.
Bị nhốt trong ngục, Hoa Đà biết rằng ngày tháng của mình không còn nhiều, nên ông nói với một quan cai ngục rằng: “Tôi có viết một cuốn sách tên là ‘Thanh nang thư’, ông có thể đến nhà tôi để lấy. Cuốn sách này xin truyền lại cho ông, để sau khi tôi chết, y thuật của tôi không bị thất truyền”.
Sau đó Hoa Đà quả nhiên chết trong ngục. Quan cai ngục dự định sẽ từ quan về quê, học thuộc cuốn “Thanh nang thư” để trở thành một thầy thuốc tốt, thế là liền bỏ việc về nhà.
Nhưng vừa về đến nhà, quan cai ngục đã thấy vợ mình lại đang đốt cuốn “Thanh nang thư”, vội vàng chạy lại giằng ra, thì sách đã cháy gần hết, chỉ còn lại một hai trang. Quan cai ngục tức giận mắng vợ một trận: “Làm sao có thể đốt đi cuốn sách trân quý như vậy!”.
Vợ ông ta nói: “Ông nghĩ xem, một vị danh y lại chết trong hoàn cảnh như vậy, thì học y để làm gì? Ông muốn làm thầy thuốc, có thể cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh đó, tôi tuyệt đối sẽ không để ông đi làm thầy thuốc”.
Một hai trang sách còn lại chỉ là phương pháp thiến gà, thiến lơn. Bởi vậy, chỉ có phương pháp thiến gà, thiến lợn này được lưu truyền lại.
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” đến đoạn này có một bài thơ:
Hoa Đà tiên thuật tỷ Trường Tang,
Thần thức như khuy viên nhất phương,
Trù Trướng nhân vong thư cũng tuyệt,
Hậu nhân vô phục kiến thanh nang!
Tạm dịch:
Hoa Đà Tiên thuật sánh Trường Tang
Mắt Thần nhìn thấu như xuyên tường
Rầu rĩ sách thiêu người cũng chết
Hậu nhân chẳng được thấy Thanh nang.
Chính là nói rằng: tiên thuật của Hoa Đà có thể sánh với Trường Tang Quân, thần thức cũng giống với Biển Thước, có thể thấu thị nhân thể, nhìn rõ bệnh của ngũ tạng (người có mắt thấu thị có thể nhìn xuyên tường, ở đây là chỉ Biển Thước, học trò của Thương Quân). Hoa Đà chết, sách bị thiêu hủy, người đời sau cũng không xem được “Thanh Nang thư” nữa rồi.
Sau đó không lâu, bệnh đau đầu của Tào Tháo cũng ngày càng trầm trọng, hàng ngày đều gặp ác mộng. Trong mộng, Tào Tháo nhìn thấy rất nhiều thứ loạn bát nháo, thường vào nửa đêm canh ba cảm thấy đầu choáng mắt hoa. Có lúc vừa nhắm mắt, Tào Tháo liền nhìn thấy hoàng hậu, Đổng quý nhân, hoàng tử… những người từng bị ông ta giết, người nào cũng mặt đầy máu me. Lúc này, Tào Tháo có lẽ đã mắc ‘bệnh hoang tưởng’, thấy được những thứ không tốt ở không gian khác, vô cùng đáng sợ.
Quần thần kiến nghị Tào Tháo lập đàn để cúng tế, sám hối tội lỗi, để xem có thể chữa được chứng bệnh ảo giác này không. Thế nhưng Tào Tháo cũng tự hiểu bản thân mình, ông ta nói: “Ta đã làm rất nhiều việc sai, cũng đã làm rất nhiều việc xấu, đã đắc tội với Trời đất, cho dù là cầu xin Thần Tiên, xem ra cũng không thể cứu được nữa”.
Tào Tháo tự biết rằng mình không thể sống tiếp nữa. Ông ta cũng nói mệnh của mình đã hết, không thể cứu được nữa: “Mệnh của ta đã tận, làm sao có thể cứu được nữa?”
Thế là không cho lập đàn tế. Sau đó Tào Tháo thấy khí xung lên, mắt không nhìn thấy được nữa, không bao lâu thì qua đời.
Ma phí tán sớm đã thất truyền thế nhưng trong sách cổ vẫn có ghi chép về một số loại thuốc tê khác. Ví dụ như trong “Thương khoa đại thành” có chép về hai loại thuốc tê, trong đó một loại gọi là “thuốc tê” (ma dược), một loại gọi là “thuốc tê chỉnh xương” (chỉnh cốt ma dược). Sau khi uống những loại thuốc này, người bệnh sẽ còn biết gì nữa, khi đó có thể dùng dao để phẫu thuật. Thành phần của “thuốc tê” gồm có thiềm tô, sinh bán hạ, náo dương hoa, hồ tiêu, xuyên ô, thảo ô, tất bát, ma hoàng. Những loại thảo dược này sẽ được phơi khô rồi tán thành bột, hòa với rượu để uống. Khi đó dù dao cắt vào da thịt, người bệnh cũng sẽ không thấy đau đớn, có thể làm thủ thuật hoặc mổ xẻ.
Loại Ma phí tán mà Hoa Đà dự định dùng để phẫu thuật cho Tào Tháo có lẽ cũng có thành phần giống như “thuốc tê”. Thiềm tô có độc, khi ăn vào sẽ có cảm giác tê đầu lưỡi, bán hạ, náo dương hoa đều là những loại thảo dược làm mất cảm giác ở đầu mút thần kinh. Còn trong thành phần của “thuốc tế chỉnh xương” có rất nhiều thành phần độc dược như: xuyên ô, thảo ô, thiềm tô, ngoài ra còn có hồ tiêu, sinh bán hạ và sinh nam tính.
Trong “Y tông kim giám – Ngoại khoa tâm pháp” thời nhà Thanh có viết về “Thiềm tô tán”, “thuốc tê chỉnh xương” và “thuốc tê ngoài da”, đây đều là những loại thuốc có thể gây tê cho người, giúp người bệnh không cảm thấy đau đớn nữa.
“Thương khoa đại thành” cũng ghi lại phương pháp để giải thuốc tê: chỉ cần dùng “Cam thảo thang” thì người bệnh lập tức có thể tỉnh lại. Chúng ta có thể thấy rằng khi sử dụng thuốc tê, người xưa còn nghiên cứu cả thuốc giải.
Trong “Hậu hán thư – Phương thuật liệt truyện” có chép đơn thuốc thảo dược của Hoa Đà không chỉ có rất nhiều loại, mà khi dùng thuốc, ông cũng không tính toán quá chi tiết phân lượng của thuốc, chỉ cần dùng tay đã có thể ước chừng được lượng thuốc phải dùng. Khi châm cứu Hoa Đà cũng không đếm rõ số điểm. Nếu bệnh quá nặng không thể dùng phương pháp châm cứu hoặc uống thuốc, thì Hoa Đà sẽ dùng cách gây tê rồi dùng phương pháp ngoại khoa, mổ bụng hoặc ruột, lấy ra những thứ không tốt ở trong; hoặc cũng có thể dùng kéo để cắt đi những bộ phận bị bệnh, sau đó rửa sạch, để trừ đi bệnh độc, rồi dùng kim khâu may lại, thoa thuốc mỡ ở bên ngoài, 4, 5 ngày sau thì miệng vết thương sẽ lành, trong một ngày người bệnh cũng đã có thể hồi phục.
Vì vậy có thể xem Hoa Đà là ông tổ của chuyên ngành ngoại khoa. So với ngành ngoại khoa của phương Tây được ghi chép trong lịch sử vào năm 1363 thì Hoa Đà xuất hiện sớm hơn gần 1000 năm. Từ đó chúng ta có thể thấy rằng, Đông y cổ đại đã từng phát triển đến trình độ nào.
Hồ Nãi Văn – Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam