Sơ đồ hình thành bát quái theo triết lý âm – dương của Khoa học Trung Quốc cổ đại. (Ảnh: Wikipedia CC BY-SA 4.0)
Các thời đại trong lịch sử đều xuất hiện không ít những người tinh thông âm dương thuật số. Bằng cách đối ứng và kết hợp các yếu tố khác nhau trong Ngũ hành, Bát quái, thiên văn và lịch pháp, họ có thể đoán được vận cát hung của con người, thậm chí cả sự thành bại của một quốc gia.
Thuật số là một môn khoa học huyền bí, tinh thâm có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại. Điều được tiết lộ thông qua phương pháp này là những quy luật vận hành của vũ trụ và các thiên thể, còn những gì ở thế gian con người từ các quy luật đó biểu hiện ra chính là vận mệnh đã được định sẵn.
Trong các tài liệu lịch sử có không ít ghi chép về những dị nhân hay các phương sĩ, đạo sĩ. Trong triều đình, họ có thể làm đến chức quốc sư của hoàng đế; trong dân gian, họ có thể là các thầy toán mệnh. Về cơ bản, những ghi chép đó đều là sự thật mà mọi người đã đích thân tai nghe mắt thấy.
Vị quan Tôn Quang Hiến thời Ngũ đại – người biên soạn cuốn “Bắc mộng tỏa ngôn” – từng nói rằng “mỗi khi nghe thấy điều gì đó, chưa dám tin ngay, sau nhiều lần tham khảo hiệu đính, mới bắt đầu hạ bút viết vào”. Do đó, những chuyện ít người biết đến được ghi lại trong các tư liệu lịch sử do ông biên soạn cũng được đưa vào các cuốn như “Thái Bình quảng ký” và “Tư trị thông giám”.
Sau đây là câu chuyện về ba vị cao nhân tinh thông thuật số mà nhà soạn sử sách Tôn Quang Hiến từng được tiếp xúc:
Trịnh Sơn Cổ – ‘thế ngoại cao nhân’ có thể toán được chuyện trong cung
Khi Tiền Thục Cao Tổ Vương Kiến – hoàng đế khai quốc của nước Tiền Thục thời Ngũ đại – tại vị, ở huyện Miên Trúc, Hán Châu có một lão nhân am hiểu thuật số tên là Trịnh Sơn Cổ. Một ngày nọ, có một vị quan võ tên là Hoàng Thừa Chân vận chuyển lương thực đi ngang qua đây. Trịnh Sơn Cổ tình cờ gặp ông nên tiến lên chào hỏi rồi nói:
“Ngũ hành thời nay của nước nhà thiếu mất Kim, có điềm chẳng lành. Năm nay trong cung sẽ có hỏa hoạn, đến năm Giáp Thân, Ất Dậu sẽ xảy ra chuyện khiến trăm họ lầm than, sẽ có nhiều người bị giết. Bây giờ tôi sẽ truyền lại cho ông một bí thuật, xin ông khi lên triều hãy tâu lại cho vua Thục nghe. Nếu bí thuật này có thể tiêu tai trấn tà, việc sát phạt trong tương lai sẽ không xảy ra. Cứu người công đức vô lượng, đối với người tu Đạo mà nói, đây là trọng yếu nhất, coi như ông đã giúp tôi rồi. Nhưng nếu ông nói ba lần mà vua Thục vẫn không tiếp nhận, vậy thì không còn cách nào khác, đành phải nghe theo Thiên mệnh”.
Sau khi nghe những lời này, Hoàng Thừa Chân cũng rất lo lắng. Ông trả lời rằng: “Vì ngài đã nói cho tôi một vấn đề quan trọng cấp bách như vậy, dù có phải vào nơi nước sôi lửa bỏng, tôi cũng sẽ không ngần ngại làm theo”.
Hoàng Thừa Chân đã viết tấu dâng lên vua Thục, nhưng cả ba lần đều không dâng được, cuối cùng ông lo lắng tột độ, lòng như lửa đốt, thổ huyết mà chết.
Đúng vào tháng 11 năm ấy, cung điện nước Thục xảy ra một trận hỏa hoạn, tẩm cung của nhà vua cùng nhiều bảo vật trong đó đã bị đốt cháy thành tro. Đám cháy dữ dội, mãi đến sáng hôm sau mới được dập tắt hoàn toàn. Sau đó, Thái tử Vương Diễn kế vị, tới năm Ất Dậu (925), nước Tiền Thục bị công phá. Cuộc chiến kéo dài 70 ngày quả thực đã khiến trăm họ lầm than, Tiền Thục mất nước.
Về phần bí thuật kia, phán quan Lăng Châu lúc bấy giờ là Tôn Quang Hiến từng được đọc qua. Trong đó ước chừng có năm, sáu nghìn chữ, có đề cập đến “Âm phù” – thứ được lưu truyền trong dân gian lúc bấy giờ, nhưng so với “Hoàng Đế Âm phù Kinh” thì nó khác xa. Hoàng Thừa Chân cũng cho rằng, đây là một loại kỳ văn hiếm có trên đời, không chỉ từ ngữ rõ ràng trôi chảy mà từng nét bút, nét phẩy trong đó đều ứng với Ngũ hành. Tương truyền, kể từ thời nhà Hán, ở dải đất Miên Trúc đã có rất nhiều người tinh thông sấm ký, và Trịnh Sơn Cổ có lẽ là một trong số họ!
Cường Thân – ‘người tu hành’ có thể dự đoán sự thay đổi triều đại
Vào cuối triều đại nhà Đường, có một vị tu Phật tên là Cường Thân sống trong sơn cốc phía đông Phượng Châu. Ông tu hành theo pháp ‘tam giới’ (ba giới luật) và có thể chiêm bốc được sự thịnh – suy của đất nước hay điềm hung – cát của Thiên tử bằng cách quan sát các khí mây.
Năm 897, Vương Kiến thống lĩnh quân đội thôn tính Tần Châu và Phụng Châu. Khi ông cùng đoàn quân xuất hiện rầm rộ tại kinh thành, Cường Thân bèn nói với vị quan Tôn Quang Hiến ở bên rằng: “Mười năm nữa, thiên hạ sẽ đồng thời xuất hiện thêm vài vị Thiên tử”.
Quả nhiên, tới năm 907, Chu Ôn thành lập nhà Hậu Lương, Mã Ân được phong làm Sở Vương, Tiền Lưu trở thành Ngô Việt Vương, Vương Dung làm Triệu Vương, còn Vương Kiến cũng tự xưng vương. Từ đó, dần hình thành nên thế cục Ngũ đại Thập quốc.
Sau đó, quân Thục tấn công Kỳ Sơn, đe dọa rằng sớm muộn gì cũng sẽ bình định đất Tần. Cường Thân nói: “Tần Vương là người suy nghĩ chu đáo, nhưng lại dễ hành động hấp tấp, tuy không thể làm bá chủ thiên hạ nhưng cũng có thể sống thọ tới lúc hai tay buông xuôi. Còn quân Thục rốt cuộc cũng sẽ không thể chinh phục được nước Tần, chỉ đáng tiếc là dải đất Tần Xuyên từ đó trở đi sẽ trở thành đống đổ nát”.
Về sau, Tần Vương Lý Mậu Trinh nhiều lần chinh chiến nhưng cũng nhiều lần thất bại, cuối cùng ông đã quy phục nhà Hậu Đường. Vào năm thứ hai sau khi ông qua đời, nước Tiền Thục cũng diệt vong vì sự hồ đồ và vô đạo của vị vua đời thứ hai – Vương Diễn.
Hoàng Vạn Hộ – ‘người tu Đạo’ có thể biết trước ai là người kế vị
Vào cuối thời nhà Đường, đầu nhà Tiền Thục, ở huyện Vu Sơn, Trùng Khánh có một Đạo quán tên là Cao Đường Quán. Trước khi tu Đạo ở Đạo quán này, Hoàng Vạn Hộ, một người dân quận Ba Đông, đã học được phép ‘lục đinh’ từ một Đạo sĩ, ông cũng biết một số phép thuật có thể biến hóa vật thể.
Quan thứ sử Nhung Châu khi ấy là Văn Tư Lộ cũng từng học được loại phép thuật này, ông đã cắt giấy thành hình con cá rồi đặt vào nước, cá giấy liền biến thành cá sống. Nhưng lúc này, Hoàng Vạn Hộ đã đặt một lá bùa vào đó, nó biến ra một con rái cá rồi ăn con cá kia.
Văn Tư Lộ biết rằng, Hoàng Vạn Hộ có một chiếc roi sắt có thể chữa lành vết thương cho con người, nên đã dùng phép thuật để lấy chiếc roi về bên mình, nhưng khi ông đến Bồi Châu, chiếc roi sắt đã biến mất. Sau đó, ông phát hiện ra rằng, chiếc roi sắt đã trở lại với Hoàng Vạn Hộ.
Một người đàn ông địa phương tên là Dương Hy Cổ muốn học Đạo thuật từ Hoàng Vạn Hộ. Khi người này vừa mới tới chưa kịp ngồi xuống, Hoàng Vạn Hộ đã nói với anh: “Nhà anh có việc tang rồi”. Không lâu sau, Dương Hy Cổ nghe tin mẹ mình qua đời.
Một ngày nọ, Tiền Thục Cao Tổ gọi Hoàng Vạn Hộ vào cung điện và yêu cầu các con trai của ông đứng trước mặt. Cao Tổ yêu cầu Hoàng Vạn Hộ xem xem ai có thể thừa kế ngai vàng trong tương lai. Hoàng Vạn Hộ chỉ vào Vương Diễn và nói: “Chính là người này”.
Ban đầu, do con trai cả của nhà vua là Vương Tông Nhân bị mắc bệnh từ bé, không cách nào kế thừa đại thống, nên con trai thứ Vương Tông Ý được lập làm Thái tử. Nhưng sau đó, Thái tử bị giết, Thục Vương lại định lập một trong hai người con trai còn lại làm Thái tử. Người ông không muốn lập làm người kế vị nhất chính là con trai út Vương Tông Diễn (tức Vương Diễn). Về sau dù Vương Diễn đã được lập làm Thái tử, Thục Vương vẫn dự định lập một người con khác có tài cán hơn. Nhưng không lâu sau, người con tài cán đó cũng đột nhiên qua đời. Trước khi băng hà, Thục Vương Vương Kiến nhìn Vương Diễn thở dài: “Ta trải qua trăm trận mới gây dựng được cơ đồ này, kẻ hậu bối này lẽ nào giữ được cơ đồ sao?”.
Có vẻ như Cao Tổ đã có dự cảm, trong vận mệnh đã được định sẵn, không chỉ là Vương Diễn kế vị, mà Tiền Thục cũng diệt vong.
Lúc bấy giờ, ở huyện Thanh Thành có một nhà sư họ Mã, là một cao tăng đã đắc Đạo, ông đã đả tọa (ngồi thiền) được 35 năm. Trước khi qua đời, Hoàng Vạn Hộ nói với gia đình: “Hòa thượng Mã đến tìm ta rồi, ta phải đi đây”. Trong năm này, hòa thượng Mã cũng qua đời.
Nhan Văn – Epoch Times
Nam Phương biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam