Lo lắng và căng thẳng nghiêm trọng có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng nhịp tim và những thay đổi thể chất khác, bao gồm rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung, rối loạn hệ tiêu hóa và sinh sản. (Pexels)
Lo lắng và căng thẳng nghiêm trọng có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng nhịp tim và những thay đổi thể chất khác, bao gồm rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung, rối loạn hệ tiêu hóa và sinh sản.
Trả lời phỏng vấn với The Epoch Times hôm 13/3, Yu Jiarong, một nhà tâm lý học ở Đài Bắc (Đài Loan), nói rằng mọi cảm xúc tồn tại đều có lý do, nhưng chúng ta có thể tránh để chúng dẫn dắt. Cô đề xuất bốn lời khuyên để giúp giảm bớt căng thẳng và lo lắng:
4 lời khuyên giúp giảm bớt căng thẳng
Tập trung vào từng khoảnh khắc
Thay vì lo lắng về việc làm thế nào để hết lo lắng, hãy tập trung vào những gì bạn cần làm ngay bây giờ. Khi chúng ta tập trung vào những gì ở ngay trước mắt, ý nghĩ “Tôi chưa làm điều này, điều kia” sẽ không còn xuất hiện trong tâm trí.
Giữ mọi thứ theo thứ tự ưu tiên
Lập danh sách ưu tiên. Làm những việc quan trọng và khẩn cấp trước, những việc ít quan trọng và khẩn cấp hơn để sau.
Khi bạn lập một danh sách rõ ràng về những điều bạn đang nghĩ đến, bạn sẽ không bị phân tâm bởi “những việc còn lại phải làm” khi đang làm việc.
Cố gắng hết sức
Nếu giữ mình ở chế độ chờ trong trường hợp có nhiều việc phải làm, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều thứ. Vì vậy, chỉ cần bạn biết rằng mình đã cố gắng hết sức, không cần quan tâm đến kết quả. Bạn chỉ có thể điều chỉnh hoàn cảnh của chính mình.
Dành thời gian cho bản thân
Hãy chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, vì sức khỏe quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Đừng phớt lờ những gì đang diễn ra trong tâm trí. Chỉ bằng cách dành thời gian cho bản thân và nói chuyện tích cực với chính mình, bạn mới có thể điều chỉnh bản thân trong một xã hội có nhịp độ nhanh chóng.
Bác sĩ Yu cảnh báo bất kỳ hình thức lo lắng nào cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, và thực tế có nhiều cách để giảm bớt lo lắng.
Nhưng nếu bạn cảm thấy lo lắng trong một thời gian dài, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt để đánh giá tình hình và cùng nhau vượt qua sự lo lắng.
Trị liệu bằng thực phẩm: Một cách khác để ngăn ngừa và giảm lo âu
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thực phẩm như trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có thể cải thiện tâm trạng và các bệnh liên quan đến nhận thức. Ví dụ:
– Cá: Các loại cá như cá hồi, cá thu và cá mòi rất giàu axit béo Omega-3, có lợi ích tích cực đối với các bệnh chuyển hóa (ví dụ: tiểu đường, bệnh tim mạch), viêm khớp dạng thấp, bệnh thần kinh, trầm cảm và bệnh Alzheimer.
– Trứng: Chứa vitamin D, protein và L-tryptophan. L-Tryptophan giúp sản xuất serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh hóa học giúp điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ, trí nhớ và hành vi. Serotonin cũng được cho là cải thiện chức năng não và giảm lo lắng.
– Hạt bí ngô: Những hạt này là một trong những thực phẩm tốt nhất để điều trị chứng lo âu. Hạt bí ngô rất giàu hai khoáng chất – kali và kẽm – cả hai đều cần thiết cho sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh.
Kẽm, chủ yếu được lưu trữ trong các vùng não, có thể thúc đẩy cảm xúc tích cực và giảm lo lắng. Kali giúp điều chỉnh cân bằng điện giải của cơ thể và kiểm soát huyết áp, có lợi cho việc giảm các triệu chứng căng thẳng và lo lắng.
– Socola đen: Chứa khoáng chất magie, giúp giảm các triệu chứng căng thẳng và lo lắng.
– Nghệ: Chất curcumin trong nghệ có thể giúp giảm lo lắng bằng cách giảm viêm và oxy hóa. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy tiêu thụ một gam chất curcumin mỗi ngày giúp giảm lo lắng ở những người béo phì.
– Hoa cúc: Là một loại thảo mộc có thể dùng làm trà. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng 1.500mg chiết xuất hoa cúc mỗi ngày có thể cân bằng tâm trạng và giảm các triệu chứng lo âu.
– Sữa chua: Là một trong những thực phẩm tốt nhất để giảm lo lắng. Nó là một loại thực phẩm sinh học, giàu lactobacillus, bifidobacterium và các vi khuẩn lành mạnh khác.
Sữa chua và các thực phẩm lên men khác có đặc tính chống viêm và chất dẫn truyền thần kinh cải thiện tâm trạng như serotonin, giúp giảm viêm trong cơ thể và giảm căng thẳng, lo lắng.
Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy tiêu thụ các sản phẩm sữa chua chứa men vi sinh có thể kích hoạt cảm giác hạnh phúc ở một số người, trong khi ăn thực phẩm lên men có thể làm giảm các triệu chứng lo âu xã hội ở thanh thiếu niên.
– Trà xanh. L-theanine trong trà xanh có tác dụng chống lo âu và làm dịu. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy dùng 200mg L-theanine mỗi ngày giúp giảm căng thẳng ở những người tham gia.
– Hạt điều Brazil: Rất giàu khoáng chất như selen và vitamin E. Vitamin E là chất chống oxy hóa giúp điều trị chứng lo âu.
Cơ thể thiếu hụt selen sẽ làm giảm tác dụng bảo vệ của các enzym chống oxy hóa trong não, gây ra tình trạng căng thẳng oxy hóa cao cho tế bào não, có thể gây ra bệnh Alzheimer sớm. Bổ sung selen có thể giúp giảm lo lắng, khó chịu, mệt mỏi về tinh thần và thậm chí một số triệu chứng trầm cảm.
Một nghiên cứu lâm sàng vào tháng 6 năm 2010 cho thấy những phụ nữ dùng một lượng selen hàng ngày trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể ngăn ngừa chứng trầm cảm sau sinh.
Người khỏe mạnh có thể hấp thụ đầy đủ selen bằng cách duy trì chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là lượng selen dư thừa có thể gây buồn nôn, mệt mỏi và bất thường về thần kinh. Lượng selen hàng ngày không được vượt quá 400 microgam.
Theo Ellen Wan từ The Epoch Times tiếng Anh
Hoàng Tuấn biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam