(Ảnh dưới): Lỗ vành nhật hoa lần thứ 2 gần xích đạo Mặt trời được phát hiện vào ngày 25/3, còn lỗ vành nhật hoa lần trước được phát hiện vào ngày 23/3 (Ảnh trên). (Ảnh: NASA)
Một ‘lỗ hổng’ khổng lồ lớn gấp 20 lần Trái đất xuất hiện trên bề mặt Mặt trời có thể phóng ra cơn bão mặt trời với tốc độ 2,9 triệu km/h về phía Trái đất vào cuối tuần này.
Theo tờ Global News, một lỗ vành nhật hoa khổng lồ kích thước lớn hơn gấp 20 lần Trái đất xuất hiện trên Mặt trời lần thứ 2 trong chưa đến một tuần, khiến các nhà khoa học cảnh báo về tác động của bão mặt trời đối với Trái đất của chúng ta. Lỗ vành nhật hoa này đang phóng ra bão mặt trời (bão từ) với tốc độ 2,9 triệu km/giờ, dự báo tác động đến Trái đất vào ngày 31/3.
Theo NASA, sự xuất hiện của lỗ vành nhật hoa là hiện tượng bình thường, nhưng vị trí mới quan trọng. Phó giáo sư Daniel Verscharen thuộc Đại học College London nói: “Lần này đặc biệt vì nó ở gần đường xích đạo của Mặt Trời. Vì Mặt Trời quay, nên một lỗ vành nhật hoa xích đạo có thể hướng về Trái đất vào bất cứ lúc nào”. Ông cho biết lần này nó sẽ đến Trái đất vào cuối ngày 31/3, đầu ngày 01/4.
Đài quan sát động lực học Mặt trời SDO của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện ra lỗ vành nhật hoa thứ 2 vào ngày 25/3, còn lỗ vành nhật hoa đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/3.
Tuần trước, Trái Đất chứng kiến cơn bão từ lớn nhất trong 6 năm trở lại gần đây. Các cơn gió mặt trời thắp sáng bầu trời Canada làm xuất hiện hiện tượng cực quang, thậm chí có thể quan sát hiện tượng này ở bang New Mexico (Mỹ).
Ảnh chụp tia X mềm và siêu cực tím (EUV) do SDO ghi lại, các lỗ vành nhật hoa xuất hiện dưới dạng vùng tối trong vành nhật hoa (lớp ngoài cùng của khí quyển Mặt trời). Chúng có vẻ tối vì mát hơn và ít đậm đặc hơn so với plasma xung quanh, đồng thời có từ trường mở, đơn cực.
Cấu trúc đường từ trường mở này cho phép gió Mặt trời thoát ra ngoài không gian dễ dàng hơn, tạo ra các luồng gió Mặt trời nhanh, thường gọi là luồng tốc độ cao khi phân tích các cấu trúc trong không gian liên hành tinh.
Các lỗ vành nhật hoa phóng gió Mặt trời vào không gian, có thể khiến vệ tinh hư hại và kích hoạt cực quang đẹp mắt khi chúng chạm đến Trái đất. Các nhà khoa học không lo ngại về việc lỗ hổng mới sẽ làm hỏng cơ sở hạ tầng, nhưng nó có thể giúp tạo ra cực quang ở một số nơi trên thế giới.
Hoạt động năng lượng Mặt Trời đã tăng lên kể từ tháng 12/2019, dẫn đến sự gia tăng các vết đen và bão mặt trời, dự kiến sẽ đạt cực đại vào năm 2024.
Theo VTV
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam