Sa Tăng và hàng yêu bảo trương. (Miền công cộng)
Chỉ sau khi Đường Tam Tạng thu phục Sa Tăng ở Lưu Sa hà thì đoàn thỉnh kinh mới thực sự hoàn chỉnh, bắt đầu từ đây cả năm thầy trò cùng chân chính bước trên con đường tu hành.
Sa Tăng vốn là Quyển Liêm đại tướng, là vị Thần trông coi xe loan của Ngọc Hoàng Đại Đế, chỉ vì vô ý làm vỡ chén lưu ly ở hội Bàn Đào mà bị đày xuống hạ giới, phải làm yêu quái trên sông Lưu Sa. Sau đó may được Quan Âm Bồ Tát thu phục, Sa Tăng quy y vào hàng sa môn, trở thành đồ đệ phò giá Đường Tăng đi thỉnh kinh, bắt đầu hành trình tu luyện từ đây.
Trong cuộc đại chiến trên sông Lưu Sa hồi thứ 22, Sa Tăng kể về cuộc đời mình: từ vị Thần hộ Pháp trên Thiên giới cho đến lúc gặp nạn, bị đày xuống hạ giới, cuối cùng phải ngậm ngùi làm thủy quái, giết người hại mệnh.
Ta đây: Từ nhỏ sinh ra đã khỏe rồi,
Non sông muôn dặm vẫn rong chơi,
Trong cửa Nam Thiên ta được trọng,
Linh Tiêu điện ấy mấy ai bằng!
Thẻ bài đầu hổ thắt ngang lưng,
Cây gậy hàng yêu tay chắc cầm,
Đầu đội kim khôi ngời lấp lánh,
Giáp vàng mình khoác sáng long lanh.
Hộ giá đi về ta bước trước,
Ra vào triều chính ở ngôi trên,
Hội đào mở tại Dao Trì ấy,
Vương Mẫu cho mời các tướng lên.
Tuột tay làm vỡ chén pha lê,
Thiên Thần sợ hãi cuống cà kê,
Thượng Đế nổi ngay cơn thịnh nộ,
Sai Tả phụ tướng giải đem đi.
Cách hết chức quan, lột áo xống,
Điệu đến pháp trường chém chẳng tha,
May nhờ Xích Cước Thiên Tiên cứu,
Xin với Ngọc Hoàng thả tớ ra.
Ơn Trời tha chết chẳng gia hình,
Đầy xuống Lưu Sa chỗ náu mình,
No bụng nằm khèo nơi đáy nước,
Đói lòng rẽ sóng hại sinh linh.
Tiều phu gặp tớ là toi mạng,
Ngư ông gặp tớ cũng bỏ đời,
Bao kẻ qua đây đều xực tuốt,
Hại người là tớ rõ mười mươi.(*)
Sa Tăng quy y thiện quả, ngũ hành cùng tương hợp
Trong “Tây Du Ký”, năm thầy trò Đường Tăng đối ứng với năm yếu tố trong ngũ hành: Ngộ Không là Kim, Bát Giới là Mộc, Bạch Long là Thủy, Đường Tăng là Hỏa, và Sa Tăng là Thổ. “Tây Du Ký” hồi thứ 22 cũng có bài thơ rằng:
Ngũ hành phối hợp, hợp thiên chân,
Nhận rõ chủ nhân trước đã từng
Cơ bản luyện thành, nên diệu dụng,
Biện minh tà chính thấy nguyên nhân.
Kim về tính vẫn là đồng loại,
Mộc chạy mong tình cũng chẳng xong,
Hai xứ công thành, thành tịch mịch,
Điều hòa nước lửa, bụi trần không.
Đoàn thỉnh kinh không có ai thập toàn thập mỹ, năm thầy trò mỗi người một cá tính, mỗi người một năng lực, thậm chí sứ mệnh của mỗi người cũng khác nhau. Nhưng thông qua điều hòa ngũ hành, năm sư đồ kết hợp lại thành một chỉnh thể mới, sức sống sinh cơ bừng bừng, từ đó tạo ra tân thiên, tân địa, tân nhân, cũng tạo nên đủ mọi phong thái trong “Tây Du Ký”: khi thì nguy hiểm trùng trùng, gian nguy tứ phía, khi lại bình yên phẳng lặng, nhàn nhã thong dong. Suốt chặng đường thỉnh kinh là những màn biểu diễn võ lực trí dũng, đồng thời cũng có những tình tiết dí dỏm khôi hài, quả thực là trăm hình nhiều vẻ, muôn hình vạn trạng. Trải qua hết thảy những biến cố trên đường, đến cuối cùng mỗi một thành viên đều dần dần trở nên siêu phàm, thoát tục.
Kiếp trước vân du thiên hạ, khổ tìm minh sư
Sa Tăng vốn có tính cách nhẹ nhàng, mềm mỏng, khiêm nhường, hiền hậu. Suốt chặng đường ông không hề tỏ ra nổi bật xuất chúng, mọi thời khắc đều lặng lẽ âm thầm hộ giá Đường Tăng. Trong “Tây Du Ký”, Sa Tăng không uy dũng như Ngộ Không, cũng không nhiều lời khoa trương như Bát Giới, nhưng vắng ông thì tổ hợp ngũ hành sẽ thiếu đi một thành phần quan trọng.
Kiếp trước, Sa Tăng từ nhỏ đã tập luyện võ nghệ, tính tình rộng rãi, phóng khoáng, sinh ra đã có khí chất hơn người. Sau này Sa Tăng võ công cái thế vang danh khắp thiên hạ, được người đời nhìn nhận như một anh hùng hào kiệt. Ông đến đâu cũng là minh tinh võ thuật, nhận được sự ngưỡng mộ của tất cả mọi người. Các thiếu niên tuấn tú trong thiên hạ và giới hào kiệt võ lâm khắp năm châu bốn bể đều coi ông là hình mẫu lý tưởng của mình.
Sa Tăng võ công trác tuyệt là thế, đã đạt đến đỉnh cao công phu là thế, nhưng ông vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Ông phát hiện cho dù võ nghệ cao siêu đến đâu thì vẫn còn có cảnh giới cao hơn, đề cao hơn nữa lại thấy bên trên vẫn còn có cao thủ, cứ mãi như vậy không biết đâu là chỗ tận cùng. Vì thế ông đã phải bôn ba khắp nơi để tầm sư học Đạo, vì để tìm kiếm bậc minh sư mà đã đi khắp vạn quốc cửu châu, vân du thiên hạ, tìm con đường tu Đạo.
Trong hồi thứ 94 khi trả lời quốc vương nước Thiên Trúc, Sa Tăng nói: “Lão Sa vốn cũng là hạng phàm phu, vì sợ luân hồi phải đi tìm Đạo, ngao du nơi góc biển, phóng đãng chốn chân trời, thường được y bát tùy thân, luôn luyện tâm thần tự tại. Bởi chứng có lòng thành nên gặp được bạn Tiên, âm dương di dưỡng, công phu đủ ba nghìn, hợp hòa đủ bốn tướng, siêu thăng lên thượng giới, lạy đức Ngọc Hoàng, được phong chức Quyển Liêm đại tướng, đứng hầu bên kiệu phượng xe loan, lại được phong hiệu tướng quân. Cũng vì trong hội Bàn Đào ta lỡ tay đánh vỡ chiếc chén bằng ngọc lưu ly, bị Thượng Đế đày xuống sông Lưu Sa, thay hình đổi dạng, gây ác hại người. May gặp đức Bồ Tát viễn du cỡi sông, khuyên ta quy y, đợi phật tử triều Đường sang Tây bái Phật cầu kinh sẽ thành chính quả”.
Nơi thế gian này, hết thảy những vinh hoa phú quý, công danh lợi lộc, nhi nữ tư tình… với Sa Tăng chỉ giống như phù vân sớm tối, nào có bền lâu mãi mãi? Khi tín niệm cầu Đạo đã bén rễ tự đáy lòng, thì mọi huyễn cảnh của thế gian đều trở thành xa xôi đạm bạc, có gì đáng để lưu luyến đây?
Vậy hỏi ý chí của Sa Tăng đã đạt tới mức độ nào? Khổ cực đắng cay nơi vạn quốc cửu châu không làm ông gục ngã, bão táp phong ba nơi tứ hải ngũ hồ cũng không khuất phục được lòng ông. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm lại năm, ông vẫn bền chí bền lòng kiên nhẫn đợi chờ sư phụ xuất hiện.
Sau những tháng ngày tha hương nơi đất khách, nếm trải hết thảy mọi cực khổ trên đời, Sa Tăng cũng gặp được bậc thế ngoại cao nhân và được sư phụ truyền thụ cho chân Pháp, chân Đạo.
Sau nhiều năm khổ tu, cuối cùng ông cũng ngộ Đạo, viên mãn công thành. Ngọc Đế đích thân ban cho ông cây bảo trượng hàng yêu và phong cho ông làm Quyển Liêm đại tướng trấn thủ Nam Thiên Môn, trở thành Thần Hộ Pháp trên Thiên đình.
Lỡ tay rơi chén ngọc, bị giáng làm thủy yêu
Sa Tăng vốn có nghị lực kiên cường, có ý chí bất động như kim cương, phong ba bão táp nào cũng không thể lay chuyển được. Vậy nên ngày ấy ông có thể đi khắp núi non vạn dặm, một mạch bôn ba khắp góc bể chân trời mà không hề thấy khổ. Nhờ tu Đạo ông đã có thể siêu xuất khỏi cát bụi chốn hồng trần, giống như hoa sen vươn lên từ bùn mà không hôi tanh mùi bùn, trở thành một vị Thần uy nghi lẫm liệt trên Thượng giới.
Khi còn là Thần trấn thủ Nam Thiên Môn, Sa Tăng thường cầm bảo trượng xuống hạ giới để hàng yêu trừ quái. Nhưng trần gian ô trọc là nơi nhơ bẩn nhất, dần dần ông lại bị ô nhiễm bụi trần mà chẳng hay. Cũng giống như khối vàng kim rơi vào nơi cặn bã, qua thời gian lâu thì vàng ròng cũng sẽ đổi sắc thay màu. Sa Tăng đã không còn thuần tịnh như trước, vậy nên tầng thứ và cảnh giới của ông cũng dần dần giáng hạ xuống.
Là Thần nơi Thiên giới thì cần phải phù hợp với tiêu chuẩn của Thiên giới. Nhưng vì nội tâm đã không đủ thuần tịnh, nên trong hội Bàn Đào năm ấy Sa Tăng lỡ tay làm vỡ chiếc chén lưu ly. Tiếng vỡ làm kinh động đến Thần Tiên khắp tầng Trời. Ngọc Đế vì muốn dung luyện ông lần nữa nên đã giáng ông xuống hạ giới làm thủy quái ở Lưu Sa hà.
Ở hạ giới phải chịu đói chịu rét, phải nếm trải muôn vàn cực khổ. Trong hồi thứ 8, Sa Tăng kể với Bồ Tát rằng:
“Tôi thực không phải là yêu quái, mà là Quyển Liêm đại tướng trông coi xe loan ở điện Linh Tiêu. Do trong hội Bàn Đào, tôi lỡ tay đánh vỡ chiếc chén bằng ngọc lưu ly, nên bị Thượng Đế phạt, sai đánh 800 roi và bắt đày hạ giới biến thành hình dạng xấu xí thế này đây. Thượng Đế lại ra lệnh cứ bảy ngày một lần, đâm ngọn phi kiếm vào ngực hơn một trăm nhát, nên mới khổ não thế này. Tôi đói khát không chịu nổi, chẳng biết làm thế nào, nên cứ khoảng hai ba ngày, đành phải nhảy ra ngoài làn nước, bắt người đi đường ăn thịt”.
Sa Tăng giết quá nhiều mạng người nên đã tạo tội nghiệp lớn vô biên. Trong khổ cực mê mờ mất phương hướng, ông luôn thấy dằn vặt thống khổ, vùng vẫy trong vòng luẩn quẩn tưởng như không bao giờ có hồi kết.
Kiếp này quy y thiện quả, trở thành Kim Thân La Hán
Khi Thượng Thiên cần tìm người phò giá Đường Tăng đi lấy kinh, hồng truyền Phật Pháp về phương Đông, mang lại phúc lành cho muôn vạn con dân Đại Đường, Sa Tăng biết đây chính là cơ hội để quy y thiện quả, là hy vọng được giải thoát khỏi trầm luân. Ông không do dự chọn theo chính Đạo, bái Đường Tăng làm sư phụ, không màng gian truân khó nhọc cùng đoàn thỉnh kinh đi vạn dặm về phương Tây.
Sa Tăng đã từng có quá khứ huy hoàng trên Thượng giới, cũng từng có lúc trầm luân nổi chìm dưới Lưu Sa hà. Nhưng những huy hoàng và chìm nổi ấy, đến giờ đây chỉ còn là đoạn ký ức xa xôi. Trong thâm tâm ông hiểu rõ: Chỉ có tu luyện, đắc được chính Pháp mới là hạnh phúc vĩnh hằng của sinh mệnh.
Quả thật, tín niệm cầu Đạo quán xuyến cả kiếp trước và kiếp này của Sa Tăng, tín niệm ấy đời trước đã giúp ông tu thành Chân Nhân, giải thoát cho ông khỏi thống khổ trầm luân, đến đời này lại giúp ông tu thành Kim Thân La Hán, được tận hưởng vinh diệu vĩnh hằng nơi Phật quốc.
Uy lực của tín niệm, có thể nói là cực lớn vậy thay!
Theo Hoàng Phủ Dung – Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch
Chú thích: (*) Thơ và các đoạn trích trong bài lấy từ bản dịch “Tây Du Ký” của Như Sơn, Mai Xuân Hải và Phương Oanh.
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam