Lại nói chuyện An Dương Vương sau khi nối ngôi Hùng Vương thứ 18, dời đô về Phong Khê (ngày nay là huyện Đông Anh – Hà Nội) và xây dựng một tòa thành mà nước Nam xưa nay chưa từng có. Thành rất lớn, có cấu trúc đặc biệt gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, dễ thủ, khó công. Nhưng thành xây xong ban ngày thì ngay đêm đó lại đổ, ba lần đều như thế.
An Dương Vương đến chân thành thị sát, cho gọi dân chúng địa phương đến hỏi. Họ trả lời rằng: ban đêm nghe tiếng chân bước từ khắp nơi rầm rập đổ về, rồi tiếng nói lao xao không dứt như ma gào quỷ khóc, lại có âm nhạc ghê rợn tục tĩu. Người dân đều sợ hãi, ai nấy đóng chặt cửa không dám ra ngoài, sau đó nghe tiếng đổ rầm rầm như sấm nổ. Sáng ra thì cả tòa thành lớn đã gần như sụp thành bình địa.
Nhà vua đêm ngày lo nghĩ, tự trách mình từ xa đến phong tục chưa tỏ tường, lẽ đâu còn khiếm lễ với quỷ thần nước Nam. Có người tâu rằng: “nước Nam xưa nay vẫn là đất của cha Lạc Long Quân đời đời bảo hộ, xưa kia mỗi lần dân khổ đều ra Biển Đông mà gọi: “Cha ơi! Sao không về cứu chúng con?”, tức thì Lạc Long Quân đều hiển linh cứu giúp. Gần đây nhất là thời Hùng Huy Vương chống giặc Ân, Long Quân đã hóa cụ già để báo về việc Thánh Gióng đánh giặc cứu nước”. An Dương Vương nghĩ tổ tiên mình cũng là con cháu họ Hùng, song năm tháng xa cách đã trở thành ngoại tộc, chẳng hiểu có thể “hữu cầu tất ứng” như xưa hay không. Tuy vậy, cũng không còn cách nào khác, bèn trai giới tắm gội, lập đàn cầu đảo ở cạnh chân thành. Cầu đảo xong, bỗng thấy một cụ già dáng tùng vóc hạc, tiên phong đạo cốt, chống gậy gỗ lê đi từ phương Đông đến dưới cửa thành ngẩng mặt than rằng: “Xây thành thế này biết bao giờ mới xong được” (1).
Vua lấy làm lạ, rước cụ già vào trong cung, vái và hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần nhưng cứ bị sập đổ, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?” (2). Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới, cùng nhà vua xây dựng mới thành công” (3), nói xong liền từ biệt, ra đến cửa cung bỗng thoắt biến đi đâu mất.
Nhà vua nghĩ, cụ già từ hướng đông mà tới, chắc Thanh Giang sứ cũng vậy, sáng hôm sau bèn kéo cả quần thần ra cửa đông, ở bên bờ sông ngồi đợi. Bỗng thấy mặt sông đùn lên sóng lớn, rồi một con rùa vàng cực lớn nổi lên, mai to như thuyền bằng vàng sáng lấp lánh. Rùa vàng bơi vào bờ, trong chớp mắt hóa thành một võ tướng mình cao chín thước, oai phong lẫm liệt, tự xưng là Thanh Giang sứ giả của Lạc Long Quân dưới thủy phủ, còn gọi là Thần Kim Quy.
Nhà vua chào hỏi, Thanh Giang sứ ứng đối trôi chảy, không gì không rõ, nhất là việc quỷ thần nước Nam lại càng thông tỏ. Vua mừng lắm, bèn hỏi vì sao xây thành mãi không xong, Thanh Giang sứ mới trả lời rằng:
“Ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đã nghìn năm thành tinh, giỏi biến hóa. Nó thường hãm hại khách qua đường và khách ngủ trong một quán trọ ở vùng này. Trong núi lại có u hồn của các vua thời trước cùng các nhạc công có thù với nhà vua, lẩn quất trong hang sâu khe đá. Chính tinh gà đã dẫn các u hồn đó đến tường thành, dùng tà phép để phá đổ, sáng ra lại kéo nhau về núi. Con tinh gà ấy lại thường nhập vào con gái người chủ quán và con gà trắng của ông ta để hãm hại khách trọ. Nay trước tiên hãy giết đứa con gái chủ quán cùng con gà trắng là nơi nó mượn xác, nó sẽ mất chỗ đi về. Rồi thần cùng nhà vua trèo lên núi Thất Diệu sẽ thấy tinh gà hóa ra lá thư yêu tinh, cho con chim cú ngậm bay lên trên cây chiên đàn, tâu cùng thượng đế để xin phá thành. Thần sẽ cắn rơi lá thư, nhà vua tức tốc nhặt lấy, thì thành sẽ xây được”.
Vua nghe nói than rằng:
“Tinh gà phá việc xây thành, lại giết hại dân ta, không trừ bỏ không được. Nhưng các u hồn kia gieo rắc âm nhạc tồi bại cũng nguy hiểm không kém. Xưa Sư Khoáng nước Tấn nghe khúc Thanh Thương của thời Trụ Vương bèn than rằng đây là khúc nhạc vong quốc, nên không cho tấu nữa. Sau Tấn Bình Công vì cố tình nghe khúc Thanh Giác mà đến nỗi ốm liệt giường, nước Tấn cũng hạn hán ba năm, đói khổ liên miên. Xem thế đủ thấy, những thứ âm nhạc dâm tà quỷ mị nếu không dẹp bỏ sẽ gây tai họa khôn lường cho quốc gia. Đây không chỉ còn là việc xây thành nữa rồi”.
Vua quyết ý, bèn cùng với Thần Kim Quy cải trang làm khách bộ hành đến quán xin ngủ trọ. Chủ quán từ chối, lấy cớ trời sắp tối, có yêu ma trong rừng thường đến hại khách trọ. An Dương Vương cười, nói: “Sống chết có số mệnh, ma quỷ thì làm gì được ta”. Chủ quán buộc phải cho trọ lại.
Đêm ấy, hai người không ngủ, An Dương Vương gươm báu cầm tay, còn Thần Kim Quy ngồi đả tọa tay bắt quyết. Đến canh ba, bỗng nghe ngoài sân có tiếng lục cục, một mùi hôi nồng nặc bốc lên, chợt thấy một luồng ánh sáng trắng xanh vụt chớp đến khe cửa, rồi cửa phòng bị lay động dữ dội như có kẻ muốn đạp cửa xông vào. Có tiếng the thé quang quác: “Kẻ nào đang ở đây, mau ra mở cửa?”. Thần Kim Quy lớn tiếng nạt nộ: “Cứ đóng cửa thì mày làm gì?”. Con tinh thấy thế càng làm dữ, phóng hỏa đốt phòng, biến hóa trăm đường nhưng đều bị Thần Kim Quy phá hết phép. Đến gần sáng, nó bất lực bỏ đi.
Sáng ra, chủ trọ cho người vào phòng để lượm xác hai người đem chôn, thấy khách vẫn cười nói như thường thì vô cùng kinh ngạc, liền chạy đến lạy mà nói rằng: “Ngài vẫn được bình an thế này hẳn là Thần nhân, vậy xin hãy cứu dân”. Vua nói: “Nhà ngươi hãy giết con gà trắng để tế Thần, sẽ được toại nguyện”. Chủ quán mang con gà trắng ra giết, giết gà xong thì đứa con gái cũng ngã lăn quay ra.
Ngay sáng ấy, vua An Dương Vương cho quân lính đào dưới chân núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, lại có những nhạc phổ chép những nhạc khúc đầy tà khí, làm hại đến phong hóa, bèn đem đốt thành tro rồi rải xuống sông. Đến chiều tối, vua và Thần Kim Quy leo lên núi Thất Diệu, thấy tinh gà đã hóa thành con chim cú sáu chân, mỏ ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn. Thần Kim Quy hóa phép thành con chuột leo lên cây vồ cắn vào chân cú. Lá thư rơi xuống đất, vua vội nhặt lấy.
Từ đó tinh gà bị diệt, không thể tác quái được nữa, các u hồn cũng bị dẹp tan. Thành xây nửa tháng thì xong, rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành, còn gọi là Quỉ Long thành, người đời Đường gọi là Sát Quỉ Côn Lôn thành, vì cho rằng thành ấy cao lắm.
Thần Kim Quy ở lại với An Dương Vương ba năm, rồi từ biệt ra về. Vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc đến quấy rối thì lấy gì mà chống?” (4). Thần Kim Quy đáp: “Vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, vua có thể tu đức mà kéo dài thời vận, nhà vua có lòng mong muốn thì ta có tiếc chi” (5). Bèn lấy ra một chiếc vuốt rồng đưa cho nhà vua nói rằng: “Đem vật này làm nỏ, nhắm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo gì nữa” (6). Dứt lời, Thần quay trở về biển Đông, nhà vua đích thân đưa tiễn. Vua liền sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rồng làm lẫy nỏ, gọi là nỏ thần Linh Quang Kim Quá (Vuốt vàng linh thiêng sáng rực).
Về sau Triệu Đà ở phương Bắc cử binh đánh nước Nam. Vua An Dương Vương lấy nỏ thần ra bắn, một lần bắn ra vô số mũi tên, quân Triệu Đà thua lớn, chạy về núi Trâu (tức Trâu Sơn) cầm cự. Triệu Đà liệu không địch nổi nỏ thần bèn xin hòa, sau đó cho con trai là Trọng Thủy sang làm quan Túc Vệ và cầu hôn với con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu.
Trọng Thủy khiến Mỵ Châu yêu đương say đắm, rồi tỉ tê dụ dỗ Mỵ Châu cho xem trộm nỏ thần, đồng thời làm cái lẫy nỏ khác để tráo cái vuốt rồng. Việc xong xuôi, lại đặt chuyện rằng phải về bắc thăm cha. Trước khi đi, Trọng Thủy nói rằng: “Tình vợ chồng không thể quên được, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Tôi nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước bất hòa, bắc nam cách biệt, lấy gì làm dấu để tôi tìm được nàng?” (7). Mỵ Châu nói rằng: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt ly, chắc là khổ đau khôn xiết, thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ nhổ lông ngỗng trên áo rắc xuống ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau” (8).
Thế rồi, Trọng Thủy mang lẫy nỏ thần về nước. Triệu Đà được lẫy nỏ cả mừng, liền đem quân sang đánh nước Nam lần nữa. Vua An Dương Vương ỷ mình có nỏ thần, không thèm phòng ngừa, thấy giặc đến vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần hay sao?” (9). Đến lúc giặc sát chân thành, An Dương Vương đem nỏ thần ra bắn thì không còn hiệu nghiệm nữa, nhìn lại thấy vuốt rồng đã bị đánh tráo. An Dương Vương thua chạy, cho Mỵ Châu ngồi sau ngựa rồi chạy về phương Nam.
Mỵ Châu ngồi sau bứt lông ngỗng trên áo rải xuống, Trọng Thủy cứ theo dấu ấy mà tìm. Vua chạy tới bờ bể, đường cùng, bèn than rằng: “Trời hại ta ư, sứ Thanh Giang đâu, mau mau lại cứu ta” (10). Rùa vàng hiện lên mặt nước, hét lớn: “Kẻ ngồi sau nhà vua chính là giặc đó!”. Vua bèn tuốt gươm ra để chém chết Mỵ Châu. Mỵ Châu quỳ xuống khóc lạy xin cha tha thứ và mong được chết để chuộc tội. Nàng ngẩng mặt lên trời khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi. Nếu một lòng trung hiếu, bị người lừa dối thì chết đi biến thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù” (11).
Vua chém Mỵ Châu, rồi cầm sừng tê xuống nước, Thần Kim Quy rẽ nước đưa vua xuống biển.
Lần cuối cùng Lạc Long Quân hiển linh là thời đại An Dương Vương, vẫn trong hình dáng một cụ già. Kể từ sau lần ấy, ngài không bao giờ xuất hiện nữa. Nhưng Thanh Giang sứ giả, tức Thần Kim Quy, vẫn thay mặt ngài để bảo hộ nước Nam khi cần.
Đó là thời kỳ nhà Minh đô hộ nước Nam.
Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn, Thanh Hóa để chống giặc Minh. Buổi đầu ta yếu giặc mạnh, nên Lê Lợi nhiều lần thất bại.
Thấy vậy, Đức Long Quân quyết định cho Lê Lợi mượn gươm thần.
Sách “Lam Sơn thực lục” của Nguyễn Trãi có chép lại việc này. Chép rằng Lê Thận là một ngư dân có chơi thân với Lê Lợi. Một đêm, Thận đánh cá, khi kéo lưới lên, thay vì cá trong lưới thì lại là một thanh sắt. Thận bèn vứt thanh sắt đi và kéo lưới ở một chỗ khác. Nhưng hai lần sau đều chỉ kéo được thanh sắt ấy. Nhìn lại hóa ra là một lưỡi gươm đã han rỉ. Lê Thận bèn đem về nhà, để ở một góc rồi cũng quên luôn.
Một hôm, Lê Lợi đến chơi nhà Lê Thận. Bữa ấy, lưỡi gươm sắt bỗng sáng rực một góc nhà. Cả hai lấy làm lạ, Thận kể lại chuyện, Lê Lợi bèn xem kỹ thấy trên lưỡi gươm có chữ “Thuận Thiên” cùng với chữ “Lợi”, nghĩ rằng ắt hẳn vật này cùng với mình có mối uyên nguyên bèn xin lại. Lê Thận đồng ý.
Bữa ấy bị quân Minh truy đuổi, Lê Lợi và các tướng lạc nhau. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy một ánh sáng lạ trên ngọn cây đa, bèn trèo lên lấy xuống, té ra là một cái chuôi gươm nạm ngọc. Đem chuôi gươm về lắp với lưỡi gươm thấy vừa như in. Lê Lợi cho người đem mài lưỡi gươm sáng bóng, thấy gươm vô cùng cứng chắc và sắc bén.
Kể từ khi có thanh gươm, Lê Lợi đánh đâu thắng đấy, cuối cùng đã quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước Nam. Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra nhà Hậu Lê.
Một hôm, Lê Lợi, lúc này là đức vua Lê Thái Tổ, cưỡi thuyền rồng dạo chơi trên hồ Tả Vọng ở kinh thành Thăng Long. Hồ này là một đoạn phân lưu của sông Nhị Hà (sông Hồng). Khi ra đến giữa hồ bỗng thấy nổi sóng lớn, rồi một con rùa mai vàng cực lớn trồi lên mặt nước nói:
“Bệ hạ mau trả lại gươm thần cho đức Long Quân”.
Bỗng nhiên, thanh gươm Thuận Thiên đeo bên sườn vua lay động rồi tự tuột ra khỏi bao, bay thẳng đến chỗ rùa vàng. Rùa vàng há miệng ngậm lấy thanh gươm, gật đầu chào vua, rồi lặn xuống đáy hồ và đi đâu không biết.
Hồ này vì thế được đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm.
Kể từ sau lần nhận gươm ấy, không còn thấy Thần Kim Quy xuất hiện nữa, nhưng vẫn thấy có giống rùa lớn ở Hồ Hoàn Kiếm. Vào thế kỷ 20, thống kê được cả thảy 4 cá thể rùa, cá thể rùa cuối cùng của Hồ Hoàn Kiếm đã chết vào ngày 19 tháng 1 năm 2016.
Rùa Hồ Gươm đã là đề tài của một số tác phẩm văn học Việt Nam vào thế kỷ 20, trong đó có truyện Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan và Rùa Hồ Gươm của Nguyễn Dậu (Trương Mẫn Song).
Tuy vậy, chúng chẳng phải là Thần vật, chỉ là những con ba ba loại lớn, loài giải hay rùa da trơn. Có thể chúng chỉ là những con cháu bình thường của Thần Kim Quy, cũng như những người Việt chúng ta ngày nay là con cháu của đức Lạc Long Quân hiển thánh.
Và có thể giờ này, ở một nơi dưới thủy phủ, đức Lạc Long Quân và Thần Kim Quy vẫn đang dõi theo vận mệnh nước Nam để bảo hộ. Nhưng vào một thời đại mà những Thần tích đã trở nên huyền sử và con người chỉ tin vào những gì tai nghe mắt thấy, điều trân quý nhất và có sức lay động lại chính là đức tin vào truyền thống tốt đẹp và những giá trị của tiền nhân. Có lẽ các vị vẫn đang chờ những tiếng gọi từ nơi sâu thẳm thiêng liêng của tâm hồn người Việt:
“Cha ơi! Sao không về cứu chúng con?”
Nguyên Phong
NTD Việt Nam