Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Tiếp theo, chúng ta xem đoạn hai, đoạn ba: Ngụy Trưng lấy nhận thức của Khổng Tử, cách làm của Đế Thuấn để tiến thêm một bước khuyên Đường Thái Tông đừng quên rằng Đức mới là nền tảng cơ bản của việc cai trị đất nước. Cũng chính là nói, Ngụy Trưng nói ra mối quan hệ của “đạo đức là căn bản, pháp chế làm bổ trợ”, đó chính là thúc đẩy đạo trị quốc của các bậc Thánh vương thượng cổ mà Khổng Tử giáo huấn.
Chúng tôi lại phát hiện, cuốn sách giáo khoa Trinh Quán Chính Yếu giảng về yếu lĩnh trị quốc cho bậc đế vương này, vô luận là ở góc độ nào, vô luận là liên quan đến loại chính vụ gì, thì đều lấy đức làm trung tâm, tất cả chính vụ đều cần “vi chính dĩ đức”. Vì thế mà “Trinh quán chi trị” đã đạt được sự huy hoàng đỉnh cao trong cả nghìn năm, điều trọng yếu để đạt được kết quả đó chính là thực hành lời dạy của các bậc thánh nhân. Chính là dựa vào một chữ Đức. Đây chính là ý nghĩa quan trọng mà tác giả cuốn sách lịch sử này muốn truyền đạt, họ muốn bồi dưỡng nên những bậc Thánh vương nắm vững giáo hóa đạo đức. Dùng đó để quy chính nhân tâm, thiên hạ thái bình. Đây là mục đích căn bản của việc nho sinh thời cổ đại soạn sách chép sử, và cũng là sứ mệnh lớn nhất của người đọc sách.
Đại ý đoạn hai và đoạn ba
Vương Phù, nhà tư tưởng học, văn học thời Đông Hán, viết trong Tiềm phu luận (Chú thích: Sách Hậu Hán Thư, Vương Phù Truyện, Vương Phù có nêu mục đích ông viết sách là “Dĩ ki đương thời thất đắc, bất dục chương hiển kì danh”, ý nghĩa là viết sách không cầu danh, chỉ cầu thực hiện được chí hướng của người đọc sách, dẫn dắt quốc gia đi đúng, trước tả chính luận, chỉ ra những sai lầm lệch lạc của xã hội đương thời. Vì vậy tự xem mình là tiềm phu, hay ẩn sĩ, không muốn người ta biết đến, vì thế mới đặt tiêu đề là Tiềm phu luận):
Hoàng đế trị quốc không có gì quan trọng hơn việc giáo hóa đạo đức. Bách tính vốn được trời ban cho bản tính và tình cảm thiện lương tốt đẹp của riêng họ, nhờ đó mà sinh ra hành vi và phong tục. Bản tính, tình cảm là gốc, là tâm; hành vi và tập tục là cành ngọn, là hành vi (Cành ngọn sinh ra từ gốc, hành vi xuất từ nội tâm). Bởi thế nên các bậc quân chủ thánh minh trị quốc đều bồi gốc uốn ngọn, quy chính chỉnh sửa tâm tính nguyên bản, từ đó uốn nắn cho thẳng hành vi và tập tục của họ. Nếu bản tính của bách tính được chỉnh lý, biến đổi thuần chính, như vậy niệm gian tà sẽ không sinh ra, cũng không có đất tồn tại nữa. Hành vi tập tục cũng tự nhiên phát sinh chuyển biến tốt.
Sở dĩ có bậc Thánh nhân có trí huệ hơn người, là bởi vì trị quốc không thể không chú trọng giáo hóa dân tâm, vì vậy Khổng Tử nói: “Khi nghe tố tụng xử án, tôi cũng bất quá là giống như những người khác thôi, cốt sao phải phù hợp với nguyện vọng của người dân, lấy đạo lý công bằng xử lý công việc, làm cho họ chung sống hòa thuận, khiến họ đều có thể đặt mình vào người khác, thiện đãi lẫn nhau, cuối cùng đạt được mục đích là không còn mâu thuẫn, không tiếp tục phát sinh tranh chấp, không có tố tụng nữa”. Vì thế bậc quân vương nên dùng Lễ đi giáo hóa bách tính, khiến cho bản tính của họ thành thật chất phác, đồng thời hiểu được tâm nguyện của họ. Nếu bách tính hiểu được yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, kiên thủ đạo nhân nghĩa, như vậy sẽ không làm tổn hại, nghi ngờ, phát sinh tranh chấp với nhau. Những việc này thì hình phạt đều không thể đạt được, chỉ có dựa vào giáo hóa. Thánh nhân tôn kính đạo đức lễ nghĩa, xem nhẹ hình phạt, cho nên Thuấn lên ngôi đầu tiên là ban bố mệnh lệnh thi hành ngũ giáo (phụ nghĩa, mẫu từ, huynh hữu, đệ cung, tử hiếu là năm chủng giáo hóa đạo đức nhân luân), về sau mới dựa vào đó để thiết lập năm chủng hình phạt.
Đối với Khổng Tử khi xử án thì trị tội không phải là mục đích chính
Hai đoạn này, Ngụy Trưng trích dẫn luận thuật trong chương “Đức hóa” trong sách Tiềm phu luận của nhà bình luận chính trị Vương Phù thời Đông Hán, tuy không phải là trích dẫn không nguyên văn không sai một từ, nhưng đại thể ý tứ và câu cú vẫn như vậy. Từ văn bản này cho biết.
Nếu đoạn đầu tiên đã đưa ra luận điểm, Thái Tông trị quốc noi gương Thánh vương cổ xưa “lấy đức làm gốc, thi hành nhân nghĩa, pháp luật là ngọn, không cách nào trị tận gốc, chỉ có thể làm phụ trợ cho đức. Vì vậy hai đoạn tiếp theo chính là dùng luận thuật “luận đức vi bản” của nhà chính trị thời Đông Hán để khuyên Thái Tông rằng tất cả Thánh nhân đều thực hiện theo nguyên tắc như vậy; đầu tiên đưa ra lời dạy của Khổng Tử về việc đùng đạo đức để phán xử, tiếp đến lại bàn thêm cụ thể cách làm của Đế Thuấn.
Chúng ta hãy xem Ngụy Trưng bàn về trị quốc từ góc độ của pháp luật, chỗ nào cũng gợi mở cho Thái Tông đừng quên đức là cốt lõi. Mặc dù ông trích dẫn những luận thuật của người xưa, nhưng mục đích là làm nổi bật những lời của Khổng Tử được Vương Phù trích dẫn. Câu “Thính tụng, ngô do nhân dã; tất dã sử vô tụng hồ” (dịch: Xét kiện thì ta cũng như người khác thôi; phải làm sao (dạy dân phải biết nghĩa vụ nhường nhịn) cho dân không kiện nhau (thì mới làm chứ!)) nguyên từ chương Nhan Uyên trong sách Luận ngữ, rõ ràng là Ngụy Trưng đã dùng giáo huấn của Khổng Tử về việc xét xử kiện tụng và cách dùng luật pháp để phán quyết các vụ án để chứng minh luật pháp bất quá được sử dụng để duy hộ đạo đức, mục đích căn bản là để bách tính tỉnh ngộ bản tính tốt đẹp vốn có của mình, khi bản tính vừa xuất, tự nhiên biết đúng sai, cũng minh xác hành vi của bản thân là đúng hay là sai; cũng chính là nói, Khổng Tử xử án, hoàn toàn không phải là đưa ra các quy định của pháp luật để buộc tội ai đã vi phạm điều luật nào, rồi kết luận ai đã vi phạm pháp luật hình sự và trị tội như thế nào là xong; thay vào đó ông nói với hai bên và những người xem bản án, vì sao đất nước đặt ra pháp luật như thế, người vi phạm pháp luật vì sao lại là sai, để họ hiểu rõ quy phạm đạo đức làm người, biết liêm sỉ, từ đó hối lỗi hướng thiện, làm theo đạo nhân nghĩa, không còn gây tranh chấp, kết quả hai bên hòa thuận thân thiện với nhau. Khổng Tử xử án, vận dụng pháp luật là nhắm đến mục đích tối thượng là khơi dậy thiện tâm, cứu chữa nhân tâm, hoàn toàn không đặt việc trị tội làm mục đích hàng đầu.
Dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn
Trong chương Vi chính của sách Luận ngữ, Khổng Tử có nói đến một câu như thế này: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách”. Câu nói này đã nói rõ nhận thức của Khổng Tử đối với việc sử dụng đức và sử dụng pháp luật trong việc trị quốc.
“Đạo chi dĩ chính” chính là dùng sắc lệnh mà chính phủ ban hành để cai trị nhân dân. “Tề chi dĩ hình” chính là hình pháp để làm cho người dân sợ bị trừng phạt hoặc sợ bị chịu hình phạt mà phải phục tùng sự quản lý của đất nước, khiến họ tuân thủ các quy tắc, và không dám muốn sao làm vậy nữa. Dù là pháp lệnh hay hình pháp thì đều dùng biện pháp cưỡng chế để khiến người dân phục tùng sự quản lý. Tuy rằng có hiệu quả nhất thời, nhưng cái tâm phạm pháp của họ, cái tâm làm việc xấu của họ không có thay đổi, như vậy sẽ dẫn đến “dân miễn nhi vô sỉ”, ý nghĩa là có thể tránh sự chế tài của hình pháp, có thể thoát khỏi pháp luật, giống như cách nói hiện nay là có thể mời luật sư biện hộ cho mình, nếu biện hộ thành công thì thoát tội, miễn trừ hình phạt, sau này họ càng không kiêng sợ gì, hoàn toàn sẽ không bao giờ có suy ngẫm cải chính tội lỗi của mình. Trong lòng không hề hổ thẹn, chỉ cần có thể lợi dụng được kẽ hở của pháp luật, sẽ không còn ai xấu hổ với những hành vi tội ác của mình nữa. Những lời vàng ngọc mà Khổng Tử giảng đã nói rõ rằng luật pháp về cơ bản không thể cải chính được lòng người.
Như thế cách làm cao minh chính là “đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ”, cần phải giáo dục bách tính đạo đức làm người, sau đó lại phải dùng biện pháp cụ thể thế nào mới có thể tuân theo đạo đức để tạo nên Lễ của con người, để quy phạm các hành vi trong cuộc sống thường ngày của họ, có như vậy, phụ sẽ từ tử sẽ hiếu, huynh sẽ hữu đệ sẽ cung, họ sẽ cung kính yêu thương lẫn nhau, hiểu được cách tự tuân theo đạo lý làm người trong mỗi vai trò của mình, tự nhiên trong lòng sẽ biết xấu hổ; lúc này mọi người đều nhìn ra được, đều có thể phân biệt đúng sai, lúc đó mà dùng hình pháp với họ, họ sẽ cam tâm tình nguyện chịu phạt, tự bản thân biết mình đã trái với đức, như vậy bách tính mới có thể từ trong đó tiếp thụ giáo dục, tiến tới quy chính lời nói hành vi của tự mình, làm người lại từ đầu. Như thế mới có thể đạt được thái bình thật sự.
Cho nên, Ngụy Trưng đầu tiên là mượn lời của Vương Phù để nêu lên giáo huấn của Khổng Tử, tiếp đó nói với Thái Tông về vị thượng cổ Thánh vương Đế Thuấn, nổi tiếng với lòng nhân từ và hiếu thảo, ông sớm đã thành tấm gương thành công trong việc cai trị đất nước cho thế hệ đời sau noi theo. Những đế vương này đều hiểu rõ làm thế nào để đưa đức vào trong pháp luật, tất cả đều dùng nhân luân đạo đức làm gốc để giáo hóa, sau đó mới lập ra hình pháp làm bổ trợ.
Như thế, có người sẽ nói Khổng Tử giảng đến nhân, nghĩa, đạo đức, vậy không phải là phủ định tác dụng của pháp luật rồi sao? Đương nhiên không phải, nếu không tại sao Khổng Tử lại có giáo huấn về tố tụng, không phải là dùng pháp luật để xử án sao? Điểm mấu chốt là bạn muốn cứu vãn nhân tâm, hay là chỉ đang máy móc đặt mục đích trị tội lên hàng đầu. Tiếp theo đoạn ba và đoạn bốn Ngụy Trưng sẽ làm rõ tác dụng của lập pháp.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/250587
Ngày đăng: 27-03-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org