Tỳ nữ xấu xí sinh quý tử, trở thành Hoàng Thái hậu. (Tranh thời Minh – miền công cộng)
Lý Lăng Dung chỉ nhờ sinh quý tử mà một bước lên địa vị cao, sự kỳ diệu này đã nói lên rằng: Lịch sử là do Thần an bài, an bài của Thần thường nằm ngoài dự liệu của con người, những chủ định của Thần Phật người ta cho là không thể xảy ra, nhưng đến lúc nào đó lại phát sinh; ngoài ra cũng là lời dạy cho thế nhân: Đừng đánh giá người qua vẻ bề ngoài, đừng thấy người có thân phận thấp hèn mà tỏ ý coi thường.
Lý Lăng Dung (351~400) là mẹ của Tấn Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu, tôn hiệu Hoàng Thái hậu, sau khi Tấn Hiếu Vũ Đế qua đời, bà được tôn xưng là ‘Thái hoàng Thái hậu’. Nói về quãng đời bà trải qua, có thể nói là vô cùng thần kỳ.
Thời ban đầu, trước khi Tấn Giản Văn Đế Tư Mã Dục lên ngôi Hoàng đế, vẫn còn đang là Cối Kê Vương, ông có 5 người con trai: ba người con yểu mệnh, hai người còn lại cũng qua đời khi còn rất trẻ. Tư Mã Dục Lâm vào cảnh buồn phiền không con nối dõi. Sau đó, mấy vị cơ thiếp cũng không ai có bầu trong gần mười năm.
Thế là ông nhờ quan chiêm bốc là Hỗ Khiêm bói cho một quẻ, Hỗ Khiêm đọc giải quẻ tượng nói ‘Hậu phòng có một nữ nhân, sẽ sinh hai con trai, một người sẽ làm rạng danh nhà Tấn’. Khi đó, sủng thiếp Từ Thị (sau này được phong làm Từ quý nhân) vừa mới sinh hạ Công chúa Tân An, do có phẩm đức tốt nên được sủng ái. Nhưng một năm sau đó, bà vẫn chưa có dấu hiệu mang bầu theo như mong đợi của Tư Mã Dục. Không lâu sau, Tư Mã Dục lại thỉnh giáo đạo sĩ Hứa Mại, Hứa Mại nói:
‘Tôi là người thích cảnh núi sông, không có đạo thuật gì, không biết đoán định tương lai, điện hạ nên nghe theo lời của Hỗ Khiêm.’
Vậy là Tư Mã Dục lại tiếp tục tuyển chọn thêm vài cơ thiếp, tiếc thay vài năm sau đó vẫn không có con nối dõi.
Tư Mã Dục lại cho tìm một vị giỏi xem tướng, trước tiên nhìn các cơ thiếp xem ai là người có thể sinh con trai, xem qua một lượt các ái thiếp, không thấy ai có mệnh sinh quý tử. Cực chẳng đã, Tư Mã Dục đành cho gọi tất cả tỳ nữ trong vương phủ ra cho thầy tướng xem. Thầy tướng thấy Lý Lăng Dung liền nói ‘Là người này’
Lý Lăng Dung nguyên xuất thân hèn kém, là con nhà bình dân, da ngăm đen dáng cao gầy, khi ấy đang là một tỳ nữ dệt vải. Cô còn bị gọi với tên khác là ‘Côn Luân’. Bởi vì núi Côn Luân ở phía Bắc, trong ngũ hành thì màu sắc đối ứng với phương bắc là màu đen, cho nên biệt danh đó là chỉ màu da đen của cô.
Thời ấy người ta chuộng da trắng, mà Lý lăng Dung da lại đen, khẳng định sẽ không được lọt vào mắt của Tư Mã Dục. Nhưng do thầy tướng đã nói vậy, nên ông đành nạp cô làm thiếp. Lý Lăng Dung vài lần mơ thấy ‘Lưỡng long chẩm tất, nhật nguyệt nhập hoài’(hai rồng cuộn dưới gối, nhật nguyệt sa vào lòng), cô nói chuyện này cho cơ thiếp khác. Tin này đến tai Tư Mã Dục, ông càng thêm tin cô không phải người tầm thường. Sau đó quả nhiên bà sinh hai con trai, một là Tấn Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu, một là Cối Kê Văn Hiếu Vương Tư Mã Đạo, cùng Công chúa Bà Dương.
Khi bà hoài thai Tư Mã Diệu, trong mộng gặp Thần nhân bảo: ‘Con sẽ sinh con trai, nên đặt tên tự là ‘Xương Minh’ (nghĩa là sáng láng, tốt đẹp)’.
Quả nhiên khi Tư Mã Diệu xuất sinh, đúng vào lúc sáng sớm trong lành mặt trời ló rạng, nên lấy chữ ‘Diệu’ nghĩa là rực rỡ sáng soi đặt làm tên, tự ‘Xương Minh’.
Tư Mã Diệu sau này trở thành vị quân vương quyền lực hùng mạnh nhất tính từ thời khai quốc Đông Tấn, trong thời gian trị vì, ông đã đánh bại Tiền Tần trong trận chiến Phì Thủy. Quả nhiên ứng nghiệm với dự ngôn “Kỳ nhất chung thịnh Tấn thất”. (một người sẽ làm nhà Tấn hưng thịnh).
Lý Lăng Dung từ chỗ không chút hy vọng, chỉ nhờ sinh quý tử mà một bước lên địa vị cao, sự kỳ diệu này đã nói lên rằng: Lịch sử là do Thần an bài, an bài của Thần thường nằm ngoài dự liệu của con người, những chủ định của Thần Phật người ta cho là không thể xảy ra, nhưng đến lúc nào đó lại phát sinh; ngoài ra cũng là lời dạy cho thế nhân: Đừng đánh giá người qua vẻ bề ngoài, đừng thấy người có thân phận thấp hèn mà tỏ ý coi thường.
Minh Cổ – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
Nguồn tư liệu:
- Tấn thư. Quyển 9. Đế ký đệ cửu
- Tấn thư. Quyển 32.Liệt truyện đệ nhị
- Lưỡng Tấn diễn nghĩa
NTD Việt Nam