Ban biên tập tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
待(1)僕(2)婢(3), 身貴端; 雖貴(4)端(5), 慈(6)而寬(7)。
勢(8)服(9)人, 心不然(10); 理(11)服人, 方(12)無言(13)。
Bính âm:
待(dài) 僕(pú) 婢(bì), 身(shēn) 貴(guì) 端(duān);
雖(suī) 貴(guì) 端(duān), 慈(cí) 而(ér) 寬(kuān)。
勢(shì) 服(fú) 人(rén), 心(xīn) 不(bù) 然(rán);
理(lǐ) 服(fú) 人(rén), 方(fāng) 無(wú) 言(yán)。
Chú âm:
待(ㄉㄞˋ) 僕(ㄆㄨˊ) 婢(ㄅㄧˋ), 身(ㄕㄣ) 貴(ㄍㄨㄟˋ) 端(ㄉㄨㄢ);
雖(ㄙㄨㄟ) 貴(ㄍㄨㄟˋ) 端(ㄉㄨㄢ), 慈(ㄘˊ) 而(ㄦˊ) 寬(ㄎㄨㄢ)。
勢(ㄕˋ) 服(ㄈㄨˊ) 人(ㄖㄣˊ), 心(ㄒㄧㄣ) 不(ㄅㄨˋ) 然(ㄖㄢˊ);
理(ㄌㄧˇ) 服(ㄈㄨˊ) 人(ㄖㄣˊ), 方(ㄈㄤ) 無(ㄨˊ) 言(ㄧㄢˊ)。
Âm Hán Việt:
Đãi bộc tỳ, thân quý đoan; tuy quý đoan, từ nhi khoan.
Thế phục nhân, tâm bất nhiên; lý phục nhân, phương vô ngôn.
Lời dịch:
Với người hầu, thân đoan chính; tuy đoan chính, lòng từ khoan.
Thế phục người, tâm không phục; lý phục người, mới không bàn.
Từ vựng:
(1) đãi (待): đối đãi.
(2) bộc (僕): chỉ người hầu nam làm tạp vụ hoặc phu xe.
(3) tỳ (婢): chỉ người hầu nữ, còn gọi là a đầu.
(4) quý (貴): quý trọng, trọng yếu.
(5) đoan (端): chính trực.
(6) từ (慈): nhân từ, từ bi.
(7) khoan (寬): khoan dung, độ lượng.
(8) thế (勢): thế lực, quyền lực.
(9) phục (服): phục tùng, thuận theo, nghe theo. Ở đây được hiểu là “khiến người nghe theo”.
(10) bất nhiên (不然): không cho là đúng, không phục, không tán thành.
(11) lý (理): hễ hợp với Đạo, với Nghĩa, với tính chất sự việc thì chính là lý.
(12) phương (方): mới.
(13) ngôn (言): nói, bàn bạc.
Lời giải thích:
Đối với nô bộc, nữ tỳ trong nhà thì điều quan trọng nhất chính là lời nói, hành vi của bản thân mình phải đoan chính, vô tư. Tuy lời nói, hành vi đã đoan chính, vô tư thì vẫn cần phải nhân từ, khoan dung, không nên hà khắc.
Đối nhân xử thế thì không được cậy quyền thế để khiến người khác phục tùng, nếu không thì trong tâm họ nhất định không phục, sẽ gây ra họa hoạn sau này. Nếu như chúng ta dùng đạo lý để thuyết phục người khác, khiến họ tình nguyện thuận theo ý của mình mà làm, như thế sẽ không gây ra bất kỳ nghị luận, bàn tán, bất bình nào.
Câu chuyện tham khảo:
Tháo mũ vui hết tiệc cùng Sở Trang Vương
Sở Trang Vương là một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu, việc ông có thể xưng bá chư hầu liên quan hết sức chặt chẽ với thái độ khoan hậu, nhân từ của ông, nhờ đó mà có được lòng trung thành của bề tôi, đặt nền móng vững chắc cho bá nghiệp.
Chuyện kể rằng vào một ngày nào đó trong lịch sử, Sở Trang Vương mở yến tiệc trong cung để thiết đãi quần thần, mọi người uống rượu đến khi mặt trời lặn mà vẫn chưa kết thúc. Lúc này đột nhiên ánh đèn tắt hết, một màn đen bao phủ trong điện. Lúc đó có người kéo y phục của ái phi của Sở Trang Vương, ái phi cũng thuận tay kéo mũ của đối phương xuống, đồng thời nói cho Trang Vương biết chuyện và muốn Trang Vương mau chóng thắp nến lên, kiểm tra xem ai không còn đội mũ. Trang Vương nghe xong liền nói với ái phi: “Tiệc rượu là do ta thưởng cho họ uống, lại để họ uống say mà mất lễ tiết thì đó là lỗi của ta. Bây giờ vì lấy lại sự trong sạch của nàng mà làm nhục tướng sĩ của ta, quả thực ta không biết phải nói sao”. Thế là ông cho người truyền lệnh xuống: “Hôm nay các khanh cùng ta uống rượu, ai không tháo mũ xuống thì chứng tỏ rằng uống rượu chưa thoả thích”. Khi đó quần thần tham gia yến tiệc hơn trăm người, ai nấy đều tháo mũ của mình xuống, uống thỏa thích rồi mới về.
Khoảng hai năm sau, nước Sở và nước Tấn nổ ra cuộc chiến tranh ngôi bá chủ, chiến sự vô cùng ác liệt. Mỗi lần giao chiến, ở phía trước trận của Sở Trang Vương luôn có một vị đại thần xông pha chiến đấu hăng hái quên mình, đánh quân giặc tan tác tháo chạy. Thế là Trang Vương liền triệu kiến đại thần ấy và hỏi: “Ta có tài đức gì mà khiến khanh vào sinh ra tử vì ta như vậy? Hơn nữa ta cũng chưa có chiếu cố đặc biệt gì đối với khanh, vậy nguyên nhân là gì?” Vị đại thần đó đáp: “Thần chính là người bị kéo mũ xuống trong đêm yến tiệc năm xưa, luận về tội thì đáng chết nhưng Đại vương lại nhẫn nhịn, bảo toàn thể diện và sinh mệnh cho hạ thần. Từ lúc đó, thần liền thời thời khắc khắc ghi nhớ trong lòng vì bệ hạ dù có máu chảy đầu rơi, thần vẫn quyết tâm đổ máu nơi trận tiền để báo đáp lại ân đức của Đại vương”. Trang Vương vô cùng xúc động, vì thế càng thêm lòng tin chiến thắng, cuối cùng đã đánh bại quân Tấn giành được thắng lợi, đặt ra nền móng cho sự cường thịnh của nước Sở.
Câu chuyện này chính là ví dụ sinh động nhất cho câu: “Với người hầu, thân đoan chính; tuy đoan chính, lòng khoan dung”, là ví dụ hay nhất. Đại thần là người hầu, cũng là bề tôi, là nô bộc. Sách Lễ – Lễ Vận Thiên có giải thích: “Làm công cho nước gọi là thần (bề tôi), làm công cho nhà thì gọi là nô bộc (đầy tớ)”. Do đó đại thần, quan lại là đầy tớ của công, của quốc gia. Hiện nay, công chức nhà nước tự xưng là “công bộc” của dân cũng chẳng phải rất có đạo lý đó sao?
Bản ghi âm tiếng Trung:
http://media.zhengjian.org/media/2008/11/12/dizigui-28.mp3
Dịch từ:
http://big5.zhengjian.org/node/47716
https://www.epochtimes.com/b5/10/12/27/n3124905.htm
Ngày đăng: 21-05-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org