Sở thích ngắm nhìn bầu trời đêm đầy sao đã trở thành một điều xa xỉ của một thời đại khác. (Ảnh minh hoạ: Pezibear/Pixabay)
Ô nhiễm ánh sáng chính là lý do tại sao chúng ta nhìn thấy ít sao hơn so với trước đây, thậm chí con người có thể không còn nhìn thấy sao trên bầu trời chỉ sau 20 năm nữa.
Các nhà khoa học cho biết, ô nhiễm ánh sáng hiện đang khiến bầu trời đêm sáng lên với tốc độ khoảng 10% mỗi năm, theo trang The Guardian. Nhà thiên văn học hoàng gia Anh – Martin Rees cho biết: “Bầu trời đêm là một phần trong cuộc sống của chúng ta và sẽ là thiếu sót lớn nếu thế hệ sau không thể nhìn thấy nó nữa, và chúng cũng sẽ không còn nhìn thấy tổ chim”.
Theo ông Rees, tình trạng ô nhiễm ánh sáng đã nhanh chóng trở nên tồi tệ trong vài năm qua, kể từ năm 2016 khi các nhà thiên văn học báo cáo rằng 1/3 nhân loại không còn nhìn thấy dải ngân hà. Ông nói: “Bạn không cần phải là một nhà thiên văn học để quan tâm đến điều này”.
Một đứa trẻ sinh ra ở khu vực có thể nhìn thấy 250 ngôi sao vào ban đêm ngày nay sẽ chỉ có thể nhìn thấy khoảng 100 ngôi sao khi chúng 18 tuổi – ông Christopher Kyba, ở Trung tâm Khoa học Địa chất Đức, tiết lộ một cách đáng ngại.
Việc sử dụng ngày càng nhiều đèn LED và các dạng chiếu sáng ban đêm cường độ cao khác đã dẫn đến ô nhiễm ánh sáng ngày càng trầm trọng hơn.
Kyba nói với tờ Observer rằng việc ngắm nhìn bầu trời đêm có dải Ngân hà lấp lánh cắt ngang đã trở thành một điều xa xỉ của một thời đại khác. Ông nói: “Những gì trước đây là phổ quát giờ đây cực kỳ hiếm. Chỉ những người giàu nhất thế giới và một số người nghèo nhất thế giới mới có thể được trải nghiệm điều đó. Đối với những người khác, nó ít nhiều đã biến mất”.
Vấn đề là ô nhiễm ánh sáng vẫn chưa được công chúng coi là một mối đe dọa. Như Giáo sư Oscar Corcho, thuộc Đại học Politécnica de Madrid, đã nói: “Hậu quả tiêu cực của ô nhiễm ánh sáng không được người dân biết đến như hậu quả của việc hút thuốc trong những năm 80.”
Ngoài việc con người không còn được thả tâm hồn vào những đêm bầu trời đầy sao nữa, ô nhiễm ánh sáng còn gây ra một số nguy cơ sinh thái khác. Đó có thể còn là “ngày tận thế của côn trùng”. Ánh sáng gây tác động lớn đến cách các loài côn trùng, những sinh vật yếu ớt tìm kiếm thức ăn, sinh sản, phát triển và ẩn náu trước những kẻ săn mồi. Ngoài ra, ô nhiễm ánh sáng cũng có thể khiến các loài chim di cư bị lạc đường…
Hẳn là mỗi chúng ta đều đang nghĩ đến công nghệ và văn hoá của xã hội hiện tại sẽ làm ảnh hưởng đến Trái đất và dẫn loài người chúng ta đến đâu trong một tương lai không xa nữa?
NTD Việt Nam