Tại sao người này biết con trai là đến để đòi nợ? (Tranh: Epoch Times)
Vào thời nhà Thanh, ở cổng nam Dương Châu có một người tên là Tôn Hán Công, tính tình đôn hậu chất phác, làm nghề kinh doanh quán trọ. Người ở các tỉnh lân cận đều biết đến Tôn Hán Công nên ai đi ngang qua đây cũng thường dừng chân tại quán trọ này. Lại có một chàng trai trẻ tên là Thẩm Khách, người vùng Hồ Quảng với người hầu vận chuyển hàng hóa Tứ Xuyên đến Dương Châu buôn bán, tình cờ cũng ở trong quán của ông Tôn.
Khi đó hàng hóa Tứ Xuyên khan hiếm, nhu cầu các nơi đều tăng cao nên chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hàng hóa của Thẩm Khách đã bán sạch. Lần buôn này giúp anh ta thu được một khoản lợi nhuận lớn. Thẩm Khách mang theo bên mình cả gốc lẫn lãi, tổng cộng hơn 300 lượng bạc nên cảm thấy rất vui vẻ. Ở Dương Châu cũng có rất nhiều kỹ viện. Thẩm Khách kiếm được nhiều tiền liền nghĩ đến chuyện ăn chơi trác táng. Anh ta muốn đến kỹ viện mua vui nhưng lại sợ những người hầu nhìn thấy, bèn lệnh cho người hầu trở về trước. Thẩm Khách lấy lý do rằng mình còn một vài khoản tiền chưa được thanh toán, sau khi nhận tiền xong sẽ trở về.
Thẩm Khách đến ăn chơi tại rất nhiều kỹ viện. Ông Tôn biết được chuyện này liền ra sức khuyên ngăn. Đến khi Thẩm Khách hiểu ra, muốn trở về nhà thì lại nghe nói ở vùng Hán Khẩu, Kinh Châu có giặc cướp làm loạn, có vị tướng quân nào đó đang mang quân đến dẹp loạn, cả đường thủy và đường bộ đều không an toàn. Thẩm Khách lo sợ, nói với Tôn Hán Công rằng: “Giặc cướp hung ác, nếu cháu đem theo bạc và vải vóc, chẳng khác nào tự rơi vào miệng cọp sao? Cháu xin gửi lại bạc ở chỗ của bác. Cháu sẽ theo đường bộ trở về, nếu như đường đi an toàn, cháu sẽ mua một số hàng hóa quay lại đây buôn bán. Bác thấy như vậy có được không?”
Ông Tôn trả lời: “Ý kiến này rất tốt. Anh có thể để bạc lại chỗ tôi, tôi sẽ giúp anh giữ. Nhưng anh hãy cố gắng đi nhanh về nhanh”.
Thế rồi sau khi Thẩm Khách gói ghém, gửi lại cho ông Tôn 200 lượng bạc. Trừ số tiền đã tiêu xài ở kỹ viện và tiền trọ ra, Thẩm Khách mang theo số tiền còn lại làm lộ phí. Sau đó, ông Tôn bày tiệc rượu để tiễn Thẩm Khách lên đường.
Mấy ngày sau, Thẩm Khách về đến nhà. Thì ra đúng là thuyền của giặc cướp đã từng đi qua Hán Khẩu, nhưng chúng chỉ cướp bóc ở trên sông, chưa vào thành. Những tin đồn trước đây Thẩm Khách từng nghe được đều là giả. Thẩm Khách vui vẻ, chuẩn bị tiền mua thêm hàng hóa để quay lại Dương Châu buôn bán. Thế nhưng đột nhiên trên mặt của anh ta xuất hiện khoảng 5, 6 vết loét. Những người xung quanh nhìn thì biết ngay đó là bệnh giang mai nên đều suy đoán được việc Thẩm Khách ở bên ngoài ong bướm trăng gió mới mắc căn bệnh này.
Trong lòng Thẩm Khách cũng biết rõ rằng anh đã bị nhiễm bệnh khi ăn chơi ở kỹ viện, thế nên anh rất hoảng sợ, vội vàng tìm đến những thầy lang trên giang hồ để chữa trị. Thẩm Khách muốn nhanh chóng trị khỏi bệnh rồi đến Dương Châu lấy lại số bạc đã gửi. Anh đồng ý trả công thật hậu hĩnh cho thầy lang, sau đó thầy lang cho Thẩm Khách uống khinh phấn (thành phần chính là thủy ngân clorua, thường dùng bên ngoài để trị ghẻ, lang ben, giang mai, chàm và lở loét; uống để trị chứng đàm trệ, phù thủng, đại tiểu tiện không thông). Mấy ngày sau, vết thương trên mặt liền lại, bong vảy, nhưng khí độc đã vào đến nội tạng.
Thẩm Khách cho rằng bệnh đã trị khỏi, liền mau chóng thu mua hàng hóa. Thế nhưng chưa đến nửa tháng sau, vết thương lại tái phát. Rốt cuộc Thẩm Khách càng trị, bệnh càng nặng. Vết thương mưng mủ, có mùi hôi rất khó chịu. Trong lòng Thẩm Khách vẫn luôn nghĩ đến số bạc ở Dương Châu, lúc nào cũng cảm thấy sốt ruột không yên. Cuối cùng bệnh tình nguy kịch, không có cách nào cứu chữa, đành buông tay rời khỏi thế gian.
Ông Tôn chờ ở quán trọ Dương Châu mấy tháng liền nhưng cũng không thấy Thẩm Khách quay lại, trong lòng bèn nghĩ: “Lẽ nào trong nhà anh ta có chuyện gì, bận rộn đến mức không thể quay lại”.
Thời gian trôi qua thật nhanh, chớp mắt đã một năm trôi quan. Lúc này, ông Tôn nghĩ: “Tiền là vốn vật để lưu thông, chi bằng lấy số tiền của anh ta mua một số hàng hóa để buôn bán, giúp anh ta kiếm thêm chút lợi nhuận, cũng coi nhau như bằng hữu rồi”.
Thế rồi ông Tôn dùng số tiền của Thẩm Khách để kinh doanh, kiếm được lợi nhuận gấp đôi.
Một ngày nọ vào giữa trưa, ông Tôn lão cảm thấy rất buồn ngủ, liền nằm trên bàn ngủ thiếp đi. Đột nhiên nhìn thấy Thẩm Khách từ xa đi lại. Ông Tôn rất vui mừng, liền cung kính hành lễ với Thẩm Khách. Nhưng sau đó lại bừng tỉnh, ông Tôn mới phát hiện ra đó chỉ là một giấc mơ. Lúc này, người trong nhà đến báo tin với rằng: “Phu nhân đã sinh được con trai”.
Ông Tôn nghe xong, đột nhiên hiểu ra, thầm nghĩ: “Nhất định là Thẩm Khách đã chết rồi, đứa con trai này chính là do anh ta đầu thai đến để đòi nợ”.
Ông Tôn bước vào phòng, tuy rằng cơ thể của đứa trẻ nhỏ hơn rất nhiều, nhưng ông nhận ra bộ dạng của đứa con này lại giống hệt với Thẩm Khách.
Từ đó về sau, ông Tôn làm thêm cuốn sổ ghi chép nhưng không nói với vợ. Chi phí của tất cả những việc như cúng đầy cữ, đầy tháng, trăm ngày, thôi nôi hay đi khám bệnh sởi, bệnh thủy đậu, mời thầy dạy học… tất cả đều ghi lại rất rõ ràng. Đến năm 13,14 tuổi, người con trai này ăn ngon mặc đẹp, ăn chơi cờ bạc, tiêu xài không ít tiền của. Mỗi năm ông Tôn đều mang sổ sách ra kiểm kê, tính toán, cuối cùng đến năm người con trai 15 tuổi thì đã tốn hơn 500 lượng bạc. Đối chiếu mới thấy vượt qua số tiền vốn và tiền lời kiếm được từ tiền của Thẩm Khách. Tôn lão thầm nghĩ: “Món nợ này đã trả xong, có thể dừng lại được rồi”.
Thế rồi Tôn Lão chọn một ngày, bày ra mấy bàn tiệc rượu, mời bà con thân tộc và hàng xóm đến tham gia. Trong buổi tiệc, ông Tôn nói với mọi người: “Buổi tiệc này là tổ chức cho con trai tôi”.
Sau đó ông Tôn cho con trai ngồi ở vị trí chủ tọa. Mọi người thấy ông Tôn làm như vậy đều cho rằng có lẽ là do đứa con này ăn chơi phóng túng vô độ nên ông Tôn đang tìm cách dạy dỗ. Vì vậy, mọi người nói với người con của ông Tôn: “Con cứ tạm nghe theo lời của cha, ngồi ở vị trí chủ tọa, không cần từ chối”.
Thế nên con trai của ông Tôn cũng đành miễn cưỡng ngồi xuống vị trí này.
Qua mấy tuần rượu, ông Tôn liền cho người mang ra mười mấy cuốn sổ và một cái bàn tính, rồi lại rót một ly rượu lớn cho con trai. Ông ngồi xuống kể lại cho mọi người toàn bộ câu chuyện 15 năm trước có một người thương nhân vùng Hồ Quảng tên là Thẩm Khách, buôn bán kiếm được rất nhiều tiền, nhưng vì đường xá không an toàn nên đã bạc gửi bạc ở quán trọ của ông Tôn như thế nào.
Sau khi kể xong, ông Tôn nói tiếp: “Số bạc này vốn là do Thẩm Khách tự mình gửi lại, không phải vì cha nhìn thấy tiền mà tham lam. Hôm nay, tiền vốn cộng thêm cả lợi nhuận, tất cả đã tính toán rõ ràng, đã trả lại đầy đủ, cha cũng không bận tâm nữa. Gia nghiệp nhà chúng ta, từ nay về sau cũng sẽ không nên lãng phí nữa, mong con thông cảm cho chuyện này”.
Đứa con trai nghe xong những lời này, liền nâng ly rượu lên uống cạn một hơi, sau đó cười lớn một tiếng. Thế nhưng sau khi cười xong, người con trai gục trên ghế, không động đậy nữa. Mọi người lại gần xem, mới phát hiện người con trai này không còn sống nữa. Mọi người vô cùng kinh ngạc nhưng cũng hiểu được nguyên nhân của mọi việc.
Ông Tôn cho người dọn dẹp tiệc rượu. Người vợ trong phòng nghe tin con trai chết rồi, khóc lớn đi ra. Ông Tôn nói: “Đứa con trai này đầu thai đến để đòi nợ, không phải con của chúng ta, phu nhân không cần phải khóc lóc”.
Thế rồi ông Tôn tiễn mọi người ra về, mua quan tài về làm lễ an táng. Người người gần xa đều biết câu chuyện này, chính là một câu chuyện về luân hồi chuyển sinh.
(Tư liệu tham khảo: “Thông thiên nhạc”)
Thái Nguyên – Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
NTD Việt Nam