Hiệu thuốc nhà Từ Quân ở ven sông, bên bờ liễu rủ xanh um, có một cây liễu rất lớn, tán rộng che phủ kín. (pixabay)
Vào thời nhà Thanh, vùng đất phía Đông Trường Giang có một người tên là Từ Quân, hiểu y thuật, mở một hiệu thuốc mưu sinh. Hiệu thuốc ở gần sông, bên bờ liễu rủ xanh um, có một gốc liễu rất cao lớn, tán rộng phủ bóng, ngày nóng ngồi dưới gốc cây quả là dễ chịu.
Có một đoạn thời gian, một người trông như hành khất chèo chiếc thuyền nhỏ thường tới gốc liễu buộc thuyền hóng mát. Trên thuyền còn có hai nữ nhân, nghe giọng nói biết họ không phải người vùng này, nhìn như là vợ của người hành khất kia. Hai phụ nữ hàng ngày theo người kia chèo thuyền khất thực ven sông.
Vào một ngày oi bức mùa hè, Từ Quân bỗng nghe thấy tiếng khóc to của hai bà, ông vội đi ra xem, thấy người ăn xin kia sắp chết, hơi thở thoi thóp, Từ Quân sinh lòng trắc ẩn nói: ‘Chồng của các bà có lẽ bị cảm nắng, tôi về lấy thuốc, may ra còn cứu được.’
Nói xong, Từ Quân vội về nhà lấy viên cao Thiềm Tô, cùng nước giải trẻ con cho người ăn xin uống.
Một lúc sau người ấy tỉnh lại, ngày thứ hai về cơ bản là khỏi hẳn. Người ăn xin tới để cảm tạ ân cứu mệnh của Từ Quân. Kể từ đó họ chống thuyền biệt tích, người trong vùng cũng không thấy họ, không biết họ đi đâu.
Lại nói về Từ Quân, sau mười năm mở hiệu thuốc, tích lũy được một khoản tiền, nghe nói buôn đậu đỗ từ Quan Đông kiếm lời lớn, thế là cùng bạn bè vượt biển tới Quan Đông buôn đậu. Không may trên đường gặp gió lớn, phu thuyền không chèo chống nổi đành chặt cột buồm để giảm sức gió, để thuyền phiêu dạt trong sóng gió mênh mông.
Không biết trôi dạt bao ngày, xa xôi ngàn dặm, cuối cùng cũng trông thấy đảo. Nhưng khi vào đảo thì va đá ngầm vỡ tan, tài vật chìm vào lòng biển, may không ai bị thương. Mọi người tụ tập trên bờ cát, nghĩ cảnh tình hiện tại, bất giác cúi đầu rơi nước mắt.
Hòn đảo này thuộc về quản hạt của Triều Tiên, trên đảo có một thị trấn lớn. Người phụ trách quan sát bảo vệ thành trông thấy thuyền vỡ tan mà tất cả người trên đó lại bình an vô sự, liền cho người đến hỏi thăm, ghi lại tên tuổi từng người, sau đó báo với quan viên sở tại.
Khi ấy lại đúng vào lúc Tiểu Vương Tử Triều Tiên đang đi tuần, nhìn danh sách rồi đích thân tới xem xét. Khi hỏi tới Từ Quân thì rất cặn kẽ hỏi về nghề nghiệp quê quán, sau đó nói: ‘Cây liễu trước nhà tiên sinh vẫn còn đó chứ?’
Từ Quân không biết tại sao hỏi vậy, cứ thực thà trả lời: ‘Vẫn còn.’
Thế là Vương Tử lệnh thuộc hạ thu xếp tiếp đón đoàn người chu đáo, còn bảo: ‘Sẽ tìm cơ hội đưa họ về Thiên triều’.
Sau đó Vương Tử mời Từ Quân lên xe của ông, còn Vương Tử cưỡi ngựa đi trước, theo sau còn có cả một đội cờ xí tiền hô hậu ủng cùng tiến về vương thành. Từ Quân thảng thốt như đang trong mộng, không biết là chuyện gì, chỉ biết nghe theo làm theo mà thôi. Hai ngày sau tới Vương thành, văn võ bá quan ra nghênh đón, thay ngựa xe của Vương tử, lấy nghi thức đón tiếp quân vương để tiếp đón đoàn người. Sau khi vào thành, Vương tử đưa Từ Quân vào trong vương cung, dắt tay ông lên điện, hai bên chào nhau, phân chủ khách an tọa. Vương tử truyền gọi hậu cung cho hậu phi ra đón khách.
Lúc sau, hai vị hoàng phi với trang phục nghi lễ cùng đoàn cung nữ theo sau hộ tống tiến ra, tiếng ngọc bội leng keng theo nhịp bước, tới trước Từ Quân rạp mình lễ bái. Từ Quân không kịp đáp lễ, đành quỳ sụp xuống đất nói: ‘Tiểu nhân đâu có đức độ gì, mà dám nhận lễ ngộ của Vương tôn như vậy? xin nói rõ cho tôi biết nguồn cơn.’
Vị Vương tử cũng quỳ mọp xuống đất, nói với Từ Quân: ‘Phải chăng tiên sinh đã quên người hành khất bị bệnh trong thuyền mười năm trước dưới gốc cây dương liễu? Người ấy chính là quả nhân đó! Theo quốc pháp nước tôi, phàm là người tôn quý mà bị dị chứng tật bệnh, là do Thượng Thiên trừng phạt, phải đi xa làm hành khất trong ba năm để biểu đạt sự hỗi lỗi. Quả nhân khi hai mươi tuổi, bỗng nhiên bị bệnh váng đầu, khi phát tác lập tức hôn mê chết giấc, hôm sau mới tỉnh lại. Tiên Vương lệnh quan Thái sử bốc quẻ, nói ta cần tới vùng ven biển Trung Hoa làm hành khất, nhất định sẽ gặp kỳ duyên, bệnh tật sẽ khỏi hoàn toàn.’
Nói xong, Vương tử chỉ hai vị phu nhân nói: ‘Quả nhân mang theo hai vị này cùng hành khất ven biển, gặp được tiên sinh dùng tiên đan cứu trị, từ đó quả nhân khỏi bệnh hoàn toàn, đến nay đã hơn 10 năm, không tái phát. Hai năm trước phụ vương tạ thế, quả nhân kế vị, vì tang kỳ vừa mới hết nên vẫn chưa tới triều cống thiên triều xin sắc phong, cho nên người ta vẫn gọi quả nhân với danh xưng ‘Tiểu Vương tử’. May sao hôm nay được gặp tiên sinh, để quả nhân có cơ hội để báo đáp đại đức của ngài. Không biết tiên sinh muốn quan lộc cao quý hay muốn giàu có? Nếu muốn cao sang, quả nhân sẽ đặc cách ban chức vị khách quý -‘Tân Sư’ để cung phụng, nếu muốn giàu có, thì tài vật châu báu kia tùy ý tiên sinh lấy.’
Tới lúc này Từ Quân mới hiểu việc nhân quả, đáp lời: ‘Tiểu nhân chỉ là một y sĩ phương xa, chẳng có tài năng gì xuất chúng, đâu dám vọng tưởng làm nhọ chức vị cao quý Tân Sư mà dẫn tới dị nghị của bách quan? Tôi không cần gì khác, nguyên là tôi muốn tới Quan Đông mua đậu, nếu có thể cho tôi vay chút vốn, rồi đưa tôi tới Quan Đông mua đậu, thế là cảm kích lắm rồi.’
Vương tử cười mà rằng: ‘Đậu Quan Đông không ngon bằng đậu nơi đây của chúng tôi, không biết là ở Trung Hoa quý quốc lại được ưa chuộng đến vậy. Hôm khác mời tiên sinh đi thăm kho đậu của chúng tôi, xem xem hạt đậu nơi đây như thế nào?’
Sau khi ôn lại chuyện xưa, Vương tử cho bày yến tiệc long trọng khoản đãi Từ Quân, thu xếp cho ông ở nơi tiếp đón sứ thần của thiên triều, cho một đại thần thạo tiếng hầu cận cạnh Từ Quân, còn cho biểu diễn ca vũ tạp kỹ của bản quốc cho Từ Quân thưởng thức. Còn Vương tử vẫn hàng ngày thu xếp tới thăm Từ Quân.
Được vài tháng, Từ Quân nhớ nhà mong về nước, Vương tử nài nỉ mấy lần không được, bèn sai người mở kho đậu đưa Từ Quân đi xem. Từ Quân thấy hạt đậu ở đây quả thật là ngon đẹp hơn đậu Quan Đông, hạt to bóng bẩy. Từ Quân muốn đem về, Vương tử liền mang tất cả đậu trong kho ra tặng hết chất đầy mười mấy thuyền, lại dùng thuyền lớn chuyên dụng cho Vương gia đưa đoàn người cùng Từ Quân trở về cố quốc.
Sau khi về nước, Từ Quân bán đậu được mười mấy vạn lạng bạc, ông đổi từ hiệu thuốc sang tiệm cầm đồ để kinh doanh.
Có người xuýt xoa: ‘Thật là đáng tiếc, Từ Quân không lấy châu báu, cứ tâm tâm niệm niệm mấy hạt đậu.’
Trong tập “Khách song nhàn thoại” của Ngô Sí Xương, tự Hương Can nhận định: Từ Quân thật là đáng khâm phục đó, không tham châu báu, chỉ lấy đậu thôi, không đánh mất đi bản sắc truyền thống văn hóa Trung Hoa, thật là bậc hào kiệt một vùng! Tác giả bài này cũng cảm thấy rằng, Từ Quân xuất từ thiện tâm mà cứu người, trồng xuống một nhân thiện, mới có được thiện quả, gặp nạn trên biển mà chuyển nguy thành an, mới thấy người ta muốn gặp lành tránh dữ, cần phải làm nhiều việc thiện.
Tài liệu tham khảo: “Khách song nhàn thoại”
Lưu Hiểu – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
NTD Việt Nam