Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
始制文字(1) 乃服衣裳(2)推位讓國(3)有虞(4)陶唐(5)
Bính âm:
始 (shǐ) 制 (zhì) 文 (wén) 字 (zì)
乃 (nǎi) 服 (fú) 衣 (yī) 裳 (cháng)
推 (tuī) 位 (wèi) 讓 (ràng) 國 (guó)
有 (yǒu) 虞 (yú) 陶 (táo) 唐 (táng)
Chú âm:
始 (ㄕˇ) 制 (ㄓˋ) 文 (ㄨㄣˊ) 字 (ㄗˋ)
乃 (ㄋㄞˇ) 服 (ㄈㄨˊ) 衣 (一) 裳 (ㄔㄤˊ)
推 (ㄊㄨㄟ) 位 (ㄨㄟˋ) 讓 (ㄖㄤˋ) 國 (ㄍㄨㄛˊ)
有 (一ㄡˇ) 虞 (ㄩˊ) 陶 (ㄊㄠˊ) 唐 (ㄊㄤˊ)
Âm Hán Việt:
Thủy chế văn tự,
Nãi phục y thường.
Thôi vị nhượng quốc,
Hữu Ngu đào Đường.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Thủy (始): khởi điểm, bắt đầu, khởi đầu, mở đầu.
Chế (制): chế tạo, chế định, đặt định, quy hoạch.
Văn (文): văn tự, chữ viết. Ký hiệu dùng để ghi chép ngôn ngữ, khi chữ đó đứng một mình thì gọi là ‘văn’.
Tự (字): Ký hiệu dùng để ghi chép ngôn ngữ, khi nhiều chữ (‘văn’) kết hợp với nhau thì thành ‘tự’.
Nãi (乃): mới, bắt đầu.
Phục (服): mặc, đội, như mặc quần áo, đội mũ nón. Cũng có thể làm cách gọi chung cho trang phục, quần áo.
Y (衣): đồ mặc trên thân người, dùng để che đậy thân thể, chống lạnh. Thông thường dùng vải, da thuộc hoặc các chất liệu khác tạo thành.
Thường (裳): vào thời cổ đại những thứ mặc ở nửa thân người bên dưới được gọi là “thường”, ví dụ như váy.
Thôi (推): lựa chọn, tuyển chọn, đề cử, tiến cử, giới thiệu.
Vị (位): chức quan địa phương sở tại. Trong bài này ý chỉ đế vị (ngôi vua).
Nhượng (讓): khiêm tốn, khiêm cung, lui nhường, nhượng bộ.
Quốc (國): thời cổ đại gọi đất được phong cho quân vương hoặc chư hầu là “quốc”.
Hữu (有): ở trong bài này làm trợ từ, không có ý nghĩa.
Ngu (虞): tên quốc, theo truyền thuyết thì đây là đất phong của tổ tiên vua Thuấn, địa điểm này ước chừng ở Ngu Thành thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây ngày nay.
Đào (陶): gốm, là đồ vật do nung đất sét mà tạo thành.
Đường (唐): tên triều đại, thường được dùng để chỉ Trung Quốc, ví dụ người Trung Quốc còn được gọi là ‘Đường nhân’.
2. Nghĩa của từ:
(1) Thủy chế văn tự (始制文字): Bắt đầu chế định ra văn tự.
(2) Nãi phục y thường (乃服衣裳): Mới bắt đầu mặc quần áo để che đậy thân thể.
(3) Thôi vị nhượng quốc (推位讓國): Đem đế vị nhường cho người có tài năng để người đó cai quản quốc gia.
(4) Hữu Ngu (有虞): quốc hiệu của vua Thuấn.
(5) Đào Đường (陶唐): quốc hiệu của vua Nghiêu.
Lời dịch tham khảo:
Con người thời thượng cổ nếu muốn ghi chép lại sự việc thì dùng cách thắt nút dây hoặc vẽ hình để ghi nhớ; khi thời tiết trở lạnh thì dùng da thú để che thân. Mãi cho đến thời Hoàng Đế mới bước đầu xây dựng quy mô lập quốc. Sử quan Thương Hiệt phát minh ra văn tự (chữ viết), Trung Quốc bắt đầu có văn tự; đồng thời vợ của Hoàng Đế là Luy Tổ đã dạy người dân nuôi tằm, dệt vải, chế tác y phục, dân chúng mới bắt đầu dùng vải thay thế da thú để làm đồ che đậy thân thể.
Có thể đem đế vị nhường cho người có tài đức, nhường cho người hiền năng cai quản quốc gia, đây là tấm gương tốt mà chỉ ở thời đại Nghiêu Thuấn mới có, họ đều cân nhắc đến quốc gia và nhân dân mà không hề có chút tư tâm nào.
Câu chuyện văn tự:
“Văn” 文: Bài này chúng ta học được chữ “Văn” trong “Thiên Tự Văn” 千字文, chữ “Văn” trong thể chữ Tiểu triện được viết là “”, từ hình dạng chữ có thể thấy các đường nét giao nhau, đại diện cho các nét bút giao nhau trong văn tự. Các bạn nhỏ hãy thử nhìn kỹ một chút, chữ Trung Quốc của chúng ta có phải xuất hiện rất nhiều nét giao nhau không?
“Tự” 字: Chữ Tiểu triện viết là “” phần “” bên ngoài đại diện cho phòng ốc, phần “” bên trong là cách viết cổ của chữ “Tử” 子, chỉ hình ảnh trẻ nhỏ quấn trong tã lót. Nghĩa gốc ban đầu của chữ Tự “” là nói người mẹ sinh con ở trong phòng, do đó thời cổ đại họ gọi người sinh con là “Tự” 字, cách nói như vậy không phải là rất đặc biệt sao?
“Y” 衣: tạo hình quần áo thời cổ đại và thời hiện đại không giống nhau lắm, trong các bộ phim cổ trang, chúng ta có thể nhìn thấy phía trước quần áo của người xưa có hai vạt áo có thể vắt chéo và che kín, phía dưới dùng dây thắt lưng để buộc lại. Trong Giáp cốt văn chữ “Y” 衣 chiểu theo hình dạng của y phục mà viết thành “”, phần trên “” biểu thị cho cổ áo, phần dưới “” thì biểu thị hai vạt áo giao chéo với nhau.
“Thôi” 推: đẩy thứ gì đó nhất định phải dùng đến tay, cho nên có bộ “Thủ” 扌 bên trái. Bên phải là chữ “Chuy” 隹 biểu thị cho một loài chim đuôi ngắn, vì loài chim thích bay ra bên ngoài cho nên bộ “Thủ” 扌 thêm “Chuy” 隹 tạo thành ý đẩy hướng ra ngoài.
“Quốc” 國: chữ “Quốc” này rất đặc biệt, nếu như coi bộ “Vi” 囗 như là biên giới của quốc gia, ở giữa có “Qua” 戈 biểu thị cho sức mạnh quân sự, “Khẩu” 口 là chỉ nhân dân, “Nhất” 一 nằm phía dưới “Khẩu” 口, nghĩa bóng là vùng đất nơi con người đứng. Như vậy, có nhân dân, có đất, có sức mạnh quân sự, có biên giới thì sẽ thành một quốc gia.
Suy ngẫm và thảo luận:
Trong bài này chúng ta học được rất nhiều điển cố nổi tiếng, ví dụ như: Thương Hiệt tạo chữ, Luy Tổ nuôi tằm lấy tơ, còn có chuyện vua Nghiêu, vua Thuấn nhường ngôi, không biết các bạn nhỏ có hiểu được nhiều điều thông qua những điển cố này không?
Quá trình tạo ra văn tự Trung Quốc đặc biệt như thế, vậy bạn có nhận định thế nào về văn tự Trung Quốc?
Hãy thảo luận một chút, xem xem những câu chuyện “nhường ngôi vị” vô cùng nổi tiếng trong lịch sử đã nêu lên mỹ đức gì?
Sau khi nghe giáo viên kể chuyện, bạn có cảm tưởng gì không, hãy chia sẻ cùng mọi người nhé!
Phụ lục 1: Câu chuyện Thương Hiệt tạo chữ
Thương Hiệt là đại thần của Hoàng Đế, chuyên phụ trách ghi chép các sự việc. Trước khi Thương Hiệt phát minh ra văn tự, mọi người chỉ có thể dựa vào thắt nút dây hoặc vẽ hình để ghi lại các sự việc. Khi xảy ra chuyện lớn, trên sợi dây thắt cái nút lớn; khi xảy ra chuyện nhỏ, trên sợi dây thắt cái nút nhỏ. Những nút thắt và hình vẽ này mặc dù có thể giúp mọi người ghi chép các việc xảy ra, nhưng đều rất bất tiện mà lại dễ quên.
Có một năm, Thương Hiệt đến phương nam tuần sát, ông đã vô tình nhìn thấy một con rùa lớn, trên mai rùa có nhiều hoa văn màu xanh ngọc, Thương Hiệt trông thấy thì cảm thấy rất lạ. Ông nhìn tới nhìn lui, phát hiện rằng có thể hiểu được ý nghĩa của hoa văn trên mai rùa. Ông nghĩ rằng nếu hoa văn có thể biểu thị ra ý nghĩa, vậy nếu như định nghĩa cho các hoa văn khác nhau, chẳng phải là có thể dùng để truyền đạt tâm ý, ghi chép được sự việc hay sao?
Truyền thuyết kể rằng Thương Hiệt có bốn con mắt, có khả năng quan sát vô cùng nhạy bén, ông là một người bán-Thần (nửa Thần nửa nhân). Sau khi quan sát tinh tú trên trời, sông núi trên mặt đất, dấu vết của chim thú, côn trùng và cá, hình dạng của cỏ cây, dụng cụ và khí cụ, ông bắt đầu mô tả phỏng theo để tạo ra các loại ký hiệu khác nhau, đồng thời định ra mỗi một ký hiệu sẽ đại diện cho ý nghĩa gì. Ông đem các ký hiệu được sáng tạo ra này ghép lại thành mấy đoạn có ý nghĩa, rồi đưa cho mọi người xem, qua lời giải thích của Thương Hiệt, mọi người cũng hiểu rõ được ý nghĩa của những ký hiệu này. Thế là Thương Hiệt gọi loại ký hiệu có thể biểu đạt ý nghĩa này là “Văn tự”.
Sau khi Thương Hiệt tạo chữ thành công, đã phát sinh việc thần kỳ, giữa ban ngày trên trời có mưa tiểu mễ (gạo kê), ban đêm còn nghe được ma quỷ kêu khóc. Yêu ma quỷ quái thấy nhân loại có văn tự rồi thì từ đây mở ra trí tuệ, sẽ rất khó bị chúng lừa gạt, điều khiển, cho nên chúng suốt đêm ôm đầu khóc rống. Chữ Hán là văn tự Thần truyền, từ khi phát minh ra văn tự, mọi người có thể đem kinh nghiệm trong quá khứ ghi chép lại một cách hoàn chỉnh để lưu truyền về sau, và cũng càng thuận tiện cho việc tích lũy tri thức. Từ đó nhân loại liền tiến vào một thời đại hoàn toàn mới, mãi cho đến ngày nay, chúng ta vẫn còn sử dụng văn tự mà Thương Hiệt phát minh ra.
Phụ lục 2: Vua Nghiêu, vua Thuấn nhường ngôi
Truyền thuyết kể rằng sau thời Hoàng Đế, trước sau lần lượt xuất hiện ba vị đế vương rất hiền năng, tên là Nghiêu, Thuấn và Vũ. Nghiêu là một vị vua tài đức nhân từ, khi về già ông không đem vương vị truyền cho con trai của mình, mà muốn tìm một người hiền năng để kế thừa.
Có một lần, ông triệu tập thủ lĩnh các bộ lạc bốn phương đến bàn việc tuyển người, kết quả mọi người đều nhất trí đề cử Thuấn, bởi vì Thuấn rất hiếu thuận, mọi người cho rằng ông hẳn là người có đức hạnh rất cao. Thế là vua Nghiêu bắt đầu khảo sát phẩm đức và tài năng của Thuấn, ông đem hai người con gái của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh gả cho Thuấn, rồi lại đưa ra rất nhiều công việc để khảo nghiệm trí tuệ của Thuấn. Trải qua khảo sát, vua Nghiêu thấy Thuấn đích thật là người vừa có tài lại vừa có đức, liền đem vương vị truyền cho Thuấn. Kiểu nhường ngôi vị này, trong lịch sử gọi là “Thiện nhượng” .
Sau khi Thuấn lên ngôi, ông cần cù giản dị, vẫn lao động như dân chúng, nên được nhân dân tín nhiệm và yêu quý. Có một năm quốc gia gặp nạn đại hồng thủy, vua Thuấn phái Vũ đi trị thủy, Vũ làm được rất tốt, khai thông được tất cả khiến nước lũ chảy ra biển. Thế là vua Thuấn liền đem vương vị truyền cho Vũ. Bởi vì vua Nghiêu và vua Thuấn đều không có tư tâm, đem vương vị truyền cho người hiền năng, cho nên cai quản quốc gia được rất tốt, mỹ đức “Thiện nhượng” này mãi được người đời sau ca tụng.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/42327
ChanhKien.org