Có thể bạn cho rằng “chóng mặt” không phải là bệnh, nhưng bệnh nhân tiểu đường bị “chóng mặt” không phải là chuyện nhỏ. Thực tế, nó là dấu hiệu cảnh báo sớm của rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ, một số có thể đe doạ tính mạng. (Wikimedia Commmons)
Có thể bạn cho rằng “chóng mặt” không phải là bệnh, nhưng bệnh nhân tiểu đường bị “chóng mặt” không phải là chuyện nhỏ. Thực tế, nó là dấu hiệu cảnh báo sớm của rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ, một số có thể đe doạ tính mạng.
1. Hạ đường huyết hoặc phản ứng hạ đường huyết
Khi hạ đường huyết xảy ra, các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, hồi hộp, run rẩy, đổ mồ hôi sẽ xuất hiện do sự hưng phấn của dây thần kinh giao cảm, nếu không điều chỉnh sớm, tình trạng của một số bệnh nhân có thể nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như lú lẫn hành vi, động kinh, hôn mê.
Tuy nhiên, nếu lượng đường trong máu tăng cao kéo dài nhưng đột ngột giảm xuống thấp, bạn có thể bị chóng mặt do phản ứng hạ đường huyết.
2. Đường huyết cao kéo dài
Nếu lượng đường trong máu tăng không kiểm soát ở bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt khi lượng đường trong máu lúc đói đạt từ 11,0mmol/L trở lên, do nồng độ glucose trong máu quá cao, độ nhớt của máu sẽ tăng lên, làm giảm lượng máu cung cấp cho não, gây chóng mặt.
Lúc này, khát nước thường xuyên, uống nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân và tiêu hao năng lượng quá mức có thể làm trầm trọng thêm tình trạng.
Bệnh nhân tiểu đường nếu kèm theo tình trạng mỡ máu cao sẽ làm chậm lưu thông máu, gây chóng mặt dai dẳng do thiếu máu não và thiếu oxy trầm trọng.
3. Huyết áp cao
Bệnh nhân tiểu đường thường bị huyết áp cao, nhưng huyết áp cao kéo dài có thể gây ra xơ cứng động mạch, bệnh não do tăng huyết áp, thậm chí là tai biến mạch máu não cấp tính, dẫn đến chóng mặt.
Một số người có huyết áp bình thường nhưng đột nhiên tăng huyết áp, do kích động cảm xúc hoặc rối loạn giấc ngủ, huyết áp tăng cao hơn so với mức bình thường, cũng có thể xuất hiện các triệu chứng chóng mặt và đau đầu.
4. Hạ huyết áp thế đứng
Người mắc bệnh tiểu đường, kiểm soát lượng đường trong máu kém trong thời gian dài, có thể bị hạ huyết áp thế đứng. Khi thay đổi tư thế, chẳng hạn như đứng đột ngột từ tư thế nằm, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng gồm chóng mặt, chứng mù thoáng qua hoặc thậm chí ngất xỉu.
Do độ đàn hồi của mạch máu giảm sút, người trung niên và người cao tuổi nằm trong nhóm nguy cơ đặc biệt cao.
5. Chóng mặt do bệnh mạch máu não
Đây được xem là căn bệnh dễ bị bỏ qua nhất.
Nhồi máu não, xơ cứng động mạch não và xuất huyết não đều có thể dẫn đến chóng mặt, một số trường hợp nặng có thể biểu hiện là rối loạn cử động chân tay, khóe miệng cong vẹo.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân tai biến mạch máu não nhẹ hoặc giai đoạn đầu chỉ có biểu hiện chóng mặt.
Bệnh tiểu đường có thể diễn biến phức tạp do co thắt hoặc tắc mạch, làm giảm lưu lượng máu lên não và oxy, cũng như glucose trong máu, từ đó gây chóng mặt.
6. Bệnh thần kinh
Nhiều bệnh về thần kinh như viêm dây thần kinh tiền đình, đau nửa đầu và thoái hóa đốt sống cổ làm chèn ép các mạch máu ở cổ cũng là những nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt.
Các bác sĩ cho biết:
- Khi bệnh nhân tiểu đường bị chóng mặt, trước tiên họ nên đo lượng đường trong máu và huyết áp.
- Nếu là hạ đường huyết thì nên bổ sung kịp thời các thực phẩm có đường hoặc tinh bột, nếu là tăng đường huyết hoặc tăng huyết áp thì cần dùng thuốc để điều chỉnh đường huyết hoặc huyết áp.
- Nếu có các triệu chứng lâm sàng đặc biệt khác, bạn cần đi khám để loại trừ nguy cơ đột quỵ, cao huyết áp ác tính hoặc tăng huyết áp tư thế, các bệnh về thần kinh…
- Đưa ra phương pháp điều trị kịp thời để tránh những hậu quả xấu nghiêm trọng.
Theo Tang Wei – Wang He biên tập – Aboluowang
Hoàng Tuấn biên dịch
NTD Việt Nam