Trăm trận trăm thắng vẫn chưa được coi là cao minh nhất. Không cần dùng đến chiến tranh mà khiến quân địch đầu hàng, đó mới là cảnh giới tối cao của binh gia…
Thời Xuân Thu Chiến Quốc – 2500 năm về trước, Tôn Tử đã để lại bộ binh thư “Binh pháp Tôn Tử” có ảnh hưởng sâu rộng cho các đời sau. Đặc biệt là trong các doanh nhân nổi tiếng Nhật Bản thì trên 30% đã hấp thụ trí tuệ kinh doanh từ “Binh pháp Tôn Tử”.
Tôn Tử nói: “Việc binh là chuyện đại sự quốc gia, là nơi sống chết, là đạo tồn vong, do đó không thể không xem xét kỹ”.
Các doanh nhân Nhật Bản coi việc dụng binh và kinh doanh tuy khác nhau về lĩnh vực nhưng giống nhau về kỹ năng được sử dụng. Mỗi một quyết đoán của người kinh doanh có liên quan đến tương lai, tiền đồ của hàng nghìn hàng vạn nhân viên và cả doanh nghiệp. Họ cảm nhận sâu sắc sức mạnh và ảnh hưởng của mỗi quyết định. Trong những khi đơn phương ra quyết định, khó tránh khỏi những khi do dự bất định. Lúc này, rất nhiều những doanh nhân đã tìm được linh cảm và trí tuệ từ “Binh pháp Tôn Tử”.
Theo kết quả điều tra khảo sát của tạp chí kinh tế “Diamond” đối với 1000 công ty niêm yết hàng đầu Nhật Bản cho thấy, trong câu trả lời về tư tưởng kinh doanh, 31% doanh nhân bày tỏ “chịu ảnh hưởng của tư tưởng Tôn Tử”.
Khi được hỏi rằng: trí tuệ cổ xưa cách đây 2500 làm sao có thể áp dụng được vào kinh doanh doanh nghiệp ngày nay, thì câu trả lời phổ biến nhất là: hãy ứng dụng vào “quản lý cấp dưới và tổ chức các phòng ban”.
Đại đa số các doanh nhân còn dẫn dụng tư tưởng: “Thứ nhất là Đạo, thứ hai là thiên thời, thứ ba là địa lợi, thứ tư là tướng, thứ năm là phương pháp” trong Binh pháp Tôn Tử, để xem xét đánh giá trạng thái về 5 phương diện lớn của doanh nghiệp như trên dưới một lòng, thiên thời, địa lợi, tài trí người ra quyết sách, thưởng phạt giữ chữ tín, phân quyền hạn trách nhiệm rõ ràng trong quản lý.
Chúng ta cùng xem 6 câu danh ngôn kinh điển hàm chứa trí tuệ sâu sắc trong Binh pháp Tôn Tử. Cho dù bạn không cần dùng chúng làm căn cứ để kinh doanh trong doanh nghiệp thì cũng có thể thu được những lợi ích và cảm ngộ quý giá.
1. Việc binh không có thế thường hằng bất biến, nước không có hình dạng thường hằng bất biến, người có thể giành thắng lợi thông qua sự biến hóa thay đổi của quân địch thì gọi là Thần
Dụng binh tác chiến giống như nước chảy, không có hình mẫu và phương thức cố định. Có thể căn cứ vào sự biến đổi của tình hình quân địch mà giành thắng lợi thì đó gọi là dụng binh như Thần.
2. Người biết lúc nên đánh và lúc không nên đánh thì chiến thắng
Tướng lĩnh biết tình hình nào thì có thể đánh, tình hình nào không thể đánh thì sẽ chiến thắng.
3. Người thiện chiến tìm kiếm tình thế mà không trách người, do đó có thể lựa chọn được người đảm nhiệm công việc tùy theo tình thế
Người thiện chiến sáng tạo ra hình thế có lợi để giành chiến thắng, không hà khắc yêu cầu cấp dưới khổ cực chiến đấu để giành chiến thắng, lựa chọn nhân tài thích hợp đảm đương trọng trách, từ đó khiến bản thân giành được quyền chủ động quyết định đến thắng lợi toàn cuộc.
4. Tấn công lúc đối phương không phòng bị, xuất kích lúc đối phương không nghĩ đến
Thừa lúc quân địch không phòng bị thì tấn công, xuất kích khi quân địch không ngờ tới.
5. Biết người biết mình, trăm trận không nguy hiểm
Đối với tình hình quân ta quân địch đều hiểu biết thấu triệt, khi đánh trận có thể đứng ở nơi bất bại.
6. Trăm trận trăm thắng không phải người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc. Không đánh mà khuất phục quân địch, đó mới là người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc
Trăm trận trăm thắng vẫn chưa được coi là cao minh nhất. Không cần dùng đến chiến tranh mà khiến quân địch đầu hàng, đó mới là cảnh giới tối cao của binh gia.
Nguồn: ntdvn (Trung Hòa biên dịch)
Xem thêm
Vạn Điều Hay