Kẻ phúc mỏng ắt sẽ khắc bạc, khắc bạc thì phúc càng mỏng thêm. Người phúc dày sắt khoan hậu, khoan hậu thì phúc càng dày thêm. (Chí Cường/ Epoch Times)
Trong “Chu dịch – Khôn – Văn ngôn” có viết: “Nhà tích thiện ắt có dư phúc lành, nhà tích bất thiện ắt có thừa tai ương”. Kẻ phúc mỏng ắt sẽ khắc bạc, khắc bạc thì phúc càng mỏng thêm. Người phúc dày ắt sẽ khoan hậu, khoan hậu thì phúc càng dày thêm.
Thời nhà Thanh, vùng phía tây huyện Thặng tỉnh Chiết Giang có một người tên là Cố Nhĩ Ngôn, sinh ra trong một gia tộc nhiều đời hiển quý. Phụ thân ông là Cố Mỗ, hiệu Đạm Hiên, sau khi thi đỗ kỳ thi hội, được bổ nhiệm là Huyện thừa của một huyện ở Thiểm Tây. Khi về già, ông cáo lão về quê. Cố Mỗ sinh được 2 con trai, con trai trưởng là Cố Nhĩ Ngôn, do vợ cả sinh ra. Sau này Cố Mỗ tái hôn với Mạnh thị, sinh được con trai thứ là Cố Nhĩ Hành. Người con trai trưởng Cố Nhĩ Ngôn từ nhỏ đã thông minh, thích đọc sách, chưa đến 20 tuổi đã thi đỗ tú tài. Người con trai thứ Cố Nhĩ Hành được mẹ kế cưng chiều, tính tình khắc bạc hung dữ, thường coi thường anh trai, người anh lần nào cũng khoan dung với em.
Sau này, vào một ngày nọ, Cố Đạm Hiên bỗng nhiên trúng phong, không kịp chia gia tài cho 2 con trai đã đột ngột qua đời. Người mẹ kế Mạnh thị cất giấu mấy nghìn lạng vàng mà Cố Đạm Hiên tích lũy được khi làm quan, mượn cớ nói là dùng lo việc tang, không thể lấy ra dùng được. Thế là đem những ruộng đất màu mỡ ra bán rẻ cho nhà mẹ đẻ của Mạnh thị, thực tế là chuyển sở hữu thuộc về Mạnh thị.
Một năm sau, Cố gia tách hộ khẩu chia gia tài, Cố Nhĩ Ngôn chỉ được hơn 10 mẫu (tức gần 2 mẫu Bắc bộ Việt Nam) ruộng cằn cỗi, và một căn nhà mấy gian cũ nát hướng Đông. Con trai của Cố Nhĩ Ngôn cũng là tú tài, luôn bất bình về chuyện này. Rất nhiều người họ hàng, bà con lối xóm đều bàn tán xôn xao, bày tỏ không hài lòng về việc này. Cố Nhĩ Ngôn giải thích với họ rằng: “Đây là lệnh của mẫu thân, không được trái lời. Nếu là gia đình nghèo khổ, thì ruộng cằn cỗi cũng không có mà chia, nhà rách nát cũng không có mà ở, cháu con không có cái ăn cái mặc, không có nơi cư trú. Vậy nên thuận thời an mệnh, nghe theo mà thôi”.
Không lâu sau, Cố Nhĩ Hành dùng dây thừng bắt trói người, và đánh đập người ta gần chết. Gia đình người đó nổi giận đùng đùng, khiêng người bị thương đến để trong nhà Cố Nhĩ Hành, rồi tố cáo với quan phủ.
Cố Nhĩ Ngôn đứng ra dốc hết sức giải quyết tranh chấp, để Cố Nhĩ Hành bồi thường mấy lượng bạc tiền thuốc men, nhà kia mới khiêng người bị thương về.
Thế nhưng, Cố Nhĩ Hành lại nói là anh trai đã thông đồng với nhà kia, khiến hắn bị tổn thất mất lượng bạc. Thế là hắn thường mượn rượu giả say chửi mắng nhiếc móc anh trai, nhưng Cố Nhĩ Ngôn tuyệt nhiên không so đo với em trai.
Sau này, kinh tế nhà Cố Nhĩ Ngôn càng ngày càng túng quẫn, nên anh muốn bán ruộng đất của nhà anh đi. Nhưng vì ruộng đất này sát với ruộng đất của Cố Nhĩ Hành, nên không ai muốn mua. Thế là anh xin Cố Nhĩ Hành mua lại. Nhĩ Hành cố ý gây khó khăn, và mua với giá rất thấp.
Một đêm nọ, Mạnh thị đột nhiên mộng thấy chồng đến trách tội bà, nói bà đã đối xử tệ với Cố Nhĩ Ngôn, và nói rằng, nếu không hối cải, thì ông sẽ làm cho Cố Nhĩ Hành nghèo đến mức không có tấc đất cắm dùi. Mạnh thị tỉnh dậy, nói với người khác rằng: “Hồn ma ông ấy sao có thể dùng những lời vô lý, không có chuyện nói thành có chuyện như thế này?”.
Thế là bà ta đến trước bài vị Cố Đạm Hiên, chỉ tay và mắng nhiếc. Cố Nhĩ Ngôn khóc, quỳ xuống khuyên can bà. Rất lâu sau, người mẹ kế mới dừng lại.
Mấy ngày sau, Cố Nhĩ Hành nghe thấy tiếng vật cứng liên tục va chạm vào nhau phát ra từ cái tủ cất giấu bạc. Nhĩ Hành mở cửa tủ ra xem thì thấy hơn chục con chim trắng bay ra, sau đó mấy trăm con chim nhỏ theo sau bay ra, chui qua khe cửa sổ ra trước nhà, sau đó bay về phía đông. Nhĩ Hành cẩn thận kiểm tra lại tủ cất giữ bạc, thì thấy toàn bộ số bạc đã biến mất rồi.
Vẫn còn đang kinh ngạc thì Nhĩ Hành bỗng thấy số tiền xu mà hắn tích lũy cũng động đậy, rồi biến thành những con bướm vàng, bay ra, va chạm vào nhau, rồi cũng qua khe cửa sổ bay ra ngoài như cơn mưa, tất cả đều bay về hướng Đông.
Cố Nhĩ Hành vội vàng dùng thân mình chắn tủ để bảo vệ chỗ tiền còn lại. Lúc này, có mấy con rắn lớn từ trong đống tiền bò ra. Nhĩ Hành hoảng sợ bò trên mặt đất, nhìn tứ phía. Tất cả số tiền xu tích lũy đều không còn, chỉ còn lại những sợi dây buộc tiền trên mặt đất.
Ngôi nhà phía đông là của Cố Nhĩ Ngôn. Hôm đó, Cố Nhĩ Ngôn đang ở trong nhà, nghe thấy có tiếng vật rơi ngoài cửa, giống như có vật gì từ trên cao rơi xuống vậy. Nhĩ Ngôn mở cửa ra ngoài xem, thì ra là bạc trắng, kích thước lớn nhỏ khác nhau, khoảng hơn ngàn lượng. Thế là Nhĩ Ngôn gọi mọi người ra nhặt vào nhà cất đi.
Bỗng nhiên lại có cơn mưa ập đến, rơi vào đầu vào mặt mọi người, cảm giác rất đau. Mọi người vội vàng chạy vào trong nhà tránh mưa, quay lại nhìn ra sân, thì ra trận mưa này toàn là tiền xu, dày hơn 2 thước.
Cố Nhĩ Hành thấy tiền bạc bay hết về phía đông, bèn đi ra ngoài xem xét. Vừa vào cổng nhà anh trai, Nhĩ Hành thấy trong sân toàn là bạc trắng và tiền xu. Hắn vội vàng thét lên: “Chỗ tiền bạc này đều là của ta, vừa rồi từ nhà ta bay ra, hãy mau trả lại cho ta”.
Những người hàng xóm đều cảm thấy kinh ngạc về việc này, nên đều kéo đến xem. Đám đông khí thế lớn, âm thanh ầm ĩ, gần xa đều nghe thấy.
Vừa may, vị quan huyện do có việc công nên đến nơi này, đi qua thôn này, nghe thấy tiếng huyên náo, thì hỏi xem là có chuyện gì? Cố Nhĩ Hành chạy vội đến trước mặt quan huyện, tố cáo anh trai lấy trộm tiền bạc của mình. Những người hàng xóm xưa nay đều biết Cố Nhĩ Hành phẩm hạnh xấu ác, nghe thấy hắn nói như thế, mọi người đều lớn tiếng phản đối, và kể lại chi tiết cho quan huyện nghe, tình hình xưa tài sản phân chia bất công như thế nào, người anh bị chèn ép oan ức ra sao, và ngày nay tiền bạc bay đi như thế này.
Quan huyện bước vào trong sân nhà Cố Nhĩ Ngôn, thấy tiền bạc chất thành tầng tầng, trên mái nhà cũng có tiền chưa rơi xuống, thì trong tâm ông đã hiểu rõ, và phán xử rằng: “Chuyện xưa không cần nói lại, tiền bạc vào nhà Nhĩ Ngôn, tức là vật của Nhĩ Ngôn rồi, Nhĩ Hành không được tranh giành nữa. Vu cáo anh trai ăn trộm, vốn phải trị tội, niệm tình Trời đã trừng phạt, nên bản quan khoan hồng tha tội”.
Quan huyện lớn tiếng quát mắng Nhĩ Hành, bảo hắn rời đi. Quan huyện biết Cố Nhĩ Ngôn hiếu thuận lại cung kính cẩn thận, nên bày tỏ lòng kính trọng đối với Nhĩ Ngôn.
Từ ngày tiền bạc bay đi, nhà Cố Nhĩ Hành dần suy bại, gia sản giàu có xưa thì ngày nay tất cả đã quay về quyền sở hữu của người anh. Người anh lấy một phần tài sản khá lớn chia cho người em, và thường xuyên giúp đỡ mỗi khi nhà người em nghèo khó, thiếu thốn. Mạnh thị xưa nay ở với Cố Nhĩ Hành, không nhận sự phụng dưỡng của Cố Nhĩ Ngôn. Cố Nhĩ Ngôn mấy lần thỉnh cầu bà đến nhà anh để anh phụng dưỡng, bà đều không đồng ý. Cuối cùng Cố Nhĩ Ngôn quỳ dưới đất khóc thỉnh cầu bà, Mạnh thị mới miễn cưỡng đồng ý.
Cố Nhĩ Hành tận tâm tận sức hiếu thuận, phụng dưỡng mẹ kế cả cuộc đời. Lúc này hoàng đế phát lệnh, yêu cầu các quan địa phương tiến cử những người hiền lương có phẩm hạnh đoan chính. Quan huyện đã dốc sức tiến cử Cố Nhĩ Ngôn. Cuối cùng, Cố Nhĩ Ngôn với tư cách cống sinh, được bổ nhiệm làm quan học giáo của một huyện nọ. Con trai Nhĩ Ngôn cũng đỗ cử nhân trong kỳ thi hương, sau này cũng được làm quan.
(Nguồn tài liệu: “Thính vũ hiên bút ký” của Thanh Lương Đạo Nhân đời Thanh)
Thái Nguyên – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam