Viêm mãn tính có thể âm thầm ảnh hưởng đến mọi chức năng của cơ thể (Pressmaster/Shutterstock)
Trong bài này đưa ra một số bí quyết về chế độ ăn uống, giảm lượng calo nạp vào và bổ sung chất dinh dưỡng giúp chống lão hóa và viêm nhiễm.
Khi chúng ta già đi, chức năng miễn dịch dần suy giảm và tình trạng viêm mãn tính có thể âm thầm ảnh hưởng đến toàn bộ các chức năng của cơ thể, gây tổn hại cho sức khỏe và làm giảm tuổi thọ của chúng ta. Vậy làm thế nào để có thể làm chậm lại sự lão hóa của hệ miễn dịch và chống lại tình trạng viêm mãn tính?
Viêm mãn tính là gì?
Khi đối mặt với tổn thương mô hoặc nhiễm khuẩn, cơ thể chúng ta sẽ khởi động một cơ chế sửa chữa được gọi là phản ứng viêm. Tuy nhiên, nếu phản ứng cứ tiếp diễn không ngừng thì sẽ dẫn tới một hệ quả là viêm mãn tính. Viêm mãn tính có thể làm suy kiệt hệ miễn dịch và các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và thoái hóa não.
Có khá nhiều vị trí có thể xảy ra tình trạng viêm mãn tính, chẳng hạn như tại đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, khoang miệng và da. Nguyên nhân gây viêm có thể là do phấn hoa trong không khí, phụ gia thực phẩm, sắc tố, gluten, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus và những thứ tương tự.
Có thể ví viêm mãn tính giống như khi ta luộc một con ếch trong nước ấm. Cơ thể ếch có thể không cảm nhận được gì cho đến khi thực sự bị tổn thương.
Nếu chúng ta quan tâm xem xét tới các yếu tố sau có thể sẽ giảm được tình trạng viêm mãn tính.
-
Lựa chọn Chế độ ăn Chống viêm
Ở khu vực Địa Trung Hải, con người sống lâu hơn và ít mắc bệnh tim mạch hơn. Những kết quả này có liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống. Chế độ ăn Địa Trung Hải là một ví dụ điển hình về chế độ ăn chống viêm. Nó được đặc trưng bởi có rất nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, dầu ô liu và chứa tương đối ít protein động vật, đặc biệt là các sản phẩm thịt chế biến như thịt đỏ và thịt xông khói.
Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải có thể làm giảm phản ứng viêm của cơ thể, giảm stress oxy hóa, duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột và nâng cao chức năng miễn dịch.
Một số thực phẩm chống viêm tốt nhất là:
- Quả mọng
- Quả Bơ
- Cà chua
- Anh đào
- Nghệ
- Nấm
- Đậu lăng
- Cải xoăn Kale
- Bông cải xanh
- Quả nho
- Ớt
- Hạt chia
- Cá hồi và cá béo biển sâu
- Sô cô la đen
-
Giảm lượng calo nạp vào, kích hoạt các kênh chống lão hóa và chống viêm
Giảm lượng calo nạp vào có nghĩa là ăn ít hơn hoặc thậm chí duy trì cơ thể trong một tình trạng đói tạm thời. Điều này có thể kích hoạt các kênh hóa học chống lão hóa và chống viêm của cơ thể, chẳng hạn như giảm biểu hiện của gen interleukin-6, interleukin-1 beta, yếu tố hoại tử khối u và các gen gây viêm khác. Nhịn ăn gián đoạn cũng có thể kích thích các tế bào gốc tạo máu tăng cường đi vào hệ tuần hoàn, biệt hóa thành các tế bào miễn dịch khác nhau mà cơ thể đang cần.
Nhịn ăn tăng cường năng lực chống oxy hóa và chống viêm
Trên Thế giới, có nhiều nền văn hóa đều thực hành nhịn ăn, mặc dù cách tiếp cận có thể khác nhau. Người Trung Quốc gọi nó là “Nhịn ăn tiêu độc” và ở phương Tây, nó được gọi là Detox. Nhịn ăn có thể chống lại lão hóa hệ miễn dịch và giảm viêm. Nó làm giảm mức tiêu thụ năng lượng cần thiết cho quá trình trao đổi chất và làm giảm lượng chất thải được tạo ra, từ đó hỗ trợ cơ thể loại bỏ các tế bào bị hư hỏng, tạo ra các tế bào mới tốt hơn. Dẫn đến tăng cường khả năng chống lại oxy hóa và viêm nhiễm của cơ thể. Nhưng việc này cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Trí tuệ cổ xưa của y học cổ truyền Trung Hoa (TCM) quy định rằng mỗi bữa chỉ nên ăn no tới 70% và thực hành ‘Nhịn ăn tiêu độc’ cách quãng nhằm duy trì sức khỏe.
Thuốc có thể kích thích các kênh hóa học chống lão hóa
Một số người có thể không muốn nhịn ăn hoặc cảm thấy tác dụng của việc nhịn ăn là chưa đủ nên họ chuyển sang dùng thuốc. Metformin, một loại thuốc trị tiểu đường, có thể có hiệu quả; các nghiên cứu trên động vật cho thấy nó có thể làm giảm mức tiêu thụ năng lượng của cơ thể, do đó kích thích kênh hóa học chống lão hóa (protein kinase kích hoạt 5′-AMP, AMPK). Nó cũng có thể làm giảm viêm trong bệnh viêm khớp. Tất nhiên, loại thuốc này phải được kê đơn và sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Dù vậy, tốt hơn hết là không nên dùng đến loại biện pháp cực đoan này. Những người tuổi trung niên trở lên dễ bị suy dinh dưỡng do chức năng đường tiêu hóa suy giảm, quá trình trao đổi chất chậm lại, có người bị mất bớt răng và vị giác kém. Tất cả những điều này có thể cản trở chức năng miễn dịch và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Vì vậy, những người này cần phải bổ sung chất dinh dưỡng từ thực phẩm bổ sung và không nên dựa vào thuốc để giải quyết các vấn đề.
-
Dinh dưỡng bổ sung
Các chất dinh dưỡng để giảm lão hóa do suy giảm miễn dịch và do viêm bao gồm:
- Vitamin B9 (folate)
- Vitamin B12
- Vitamin C
- Vitamin D
- Vitamin E
- Axit béo omega-3
- Các nguyên tố vi lượng, bao gồm kẽm, đồng và sắt
- Men vi sinh (Probiotics) đường ruột
Trong số này, kẽm là coenzym của hơn 300 loại enzym khác nhau, nó cũng tham gia vào hầu hết các phản ứng hóa học của cơ thể và đảm bảo các tế bào niêm mạc đường tiêu hóa được khỏe mạnh. Nó ảnh hưởng đến hoạt động truyền tín hiệu của hệ miễn dịch cũng như sự tăng sinh, biệt hóa và tự hủy của các tế bào miễn dịch.
Ngay cả một sự thiếu hụt kẽm dù nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Lấy ví dụ, Tuyến ức là một cơ quan thiết yếu của hệ miễn dịch. Các tế bào tuyến ức tiết ra một loại thymosin, có tác dụng kích hoạt sản sinh tế bào Lympho T và tăng cường chức năng trung gian miễn dịch của chúng. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn sớm và giai đoạn muộn của quá trình biệt hóa tế bào lympho. Trong khi đó, hoạt động của thymosin lại phụ thuộc vào kẽm, cho nên việc bổ sung đầy đủ kẽm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chức năng miễn dịch.
Có kết quả từ các nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi chứng minh cho vai trò quan trọng này của kẽm đối với chức năng miễn dịch.
Trong một Nghiên cứu, công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ năm 2007, những người tham gia có độ tuổi từ 55 đến 87, được chia thành hai nhóm, sử dụng 45 miligam kẽm gluconate hoặc giả dược mỗi ngày, trong thời gian một năm. Kết quả, những người dùng kẽm gluconate bổ sung có nồng độ kẽm trong huyết tương tăng lên đáng kể, đồng thời nguy cơ nhiễm trùng, yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-alpha) và các dấu hiệu stress oxy hóa giảm đi đáng kể .
Trong một nghiên cứu khác năm 2008, 36 người trưởng thành mắc bệnh hồng cầu hình liềm được chia ngẫu nhiên để nhận 25 miligam kẽm acetate đường uống hoặc giả dược ba lần mỗi ngày trong ba tháng. Những người được bổ sung kẽm acetate có nồng độ kẽm trong huyết tương tăng đáng kể, tỷ lệ nhiễm trùng giảm và khả năng chống oxy hóa tăng.
Hãy chú ý là mặc dù các chất bổ sung có nhiều lợi ích, nhưng trước khi bắt đầu sử dụng hãy luôn tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn về phương pháp điều trị và được kê đơn.
Theo The Epoch Times
Quân Dương biên dịch
Tác giả: Jingduan Yang, M.D. F.A.P.A. là bác sĩ tâm thần có chứng nhận của hội đồng, chuyên về y học tổng hợp và cổ truyền Trung Quốc để điều trị các bệnh mãn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách “Tâm thần học tích hợp“, “Vấn đề y học” và “Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư“. Đồng tác giả “Hướng về phương Đông: Bí quyết làm đẹp + sức khỏe cho thời hiện đại” của HarperCollins và “Châm cứu lâm sàng và y học cổ truyền Trung Quốc” của Oxford Press. Bác sĩ Yang cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Miền Bắc, Middletown, New York, kể từ tháng 7 năm 2022.
NTD Việt Nam