Duy trì lối sống lành mạnh giúp làm giảm nguy cơ ung thư gan. (Shutterstock)
Để điều trị ung thư gan, ngoài theo Tây y, chúng ta cũng nên phối hợp với y học cổ truyền (TCM) và thay đổi lối sống để đạt hiệu quả cao nhất.
Gan là một cơ quan quan trọng có chức năng điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể và đặc biệt là khả năng loại bỏ các chất có hại. Ung thư gan là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng ở Hoa Kỳ. Khoảng 30.000 đến 40.000 người ở Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan hàng năm, với tỷ lệ tử vong hàng năm khoảng 30.000 người. Việc phát hiện sớm căn bệnh này rất khó khăn và khi được chẩn đoán thường bệnh đã ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong rất cao.
Để điều trị căn bệnh này, những phương pháp chính trong Tây y thường là phẫu thuật, hóa trị và nhiều phương pháp tương tự khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể điều trị bổ trợ bằng phương pháp châm cứu, điều trị bằng thuốc y học cổ truyền và các phương pháp y học cổ truyền khác (TCM). Ngoài ra, sự thích nghi và thay đổi lối sống cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh ung thư gan.
Ung thư gan là tình trạng có khối u ác tính có nguồn gốc từ tế bào gan. Ung thư có thể khởi phát ở bất kỳ vị trí nào trong gan và thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi tế bào ung thư phát triển và lan rộng, người bệnh sẽ bắt đầu cảm nhận được triệu chứng như cảm giác có khối u trong bụng, đau bụng hoặc khó chịu, sụt cân, chán ăn, suy nhược, mệt mỏi và vàng da (vàng da và vàng mắt).
Chẩn đoán ung thư gan
1. Khám lâm sàng và hỏi bệnh sử
Các bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc khám lâm sàng, tìm kiếm các khối u trong ổ bụng hoặc dấu hiệu phì đại lá lách. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ hỏi bệnh sử để tìm hiểu xem bệnh nhân có mắc bệnh viêm gan, nghiện rượu hay tiếp xúc lâu dài với chất gây ung thư hay không.
2. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu được dùng để kiểm tra chức năng gan bình thường như nồng độ men gan, virus viêm gan, v.v.
3. Kiểm tra hình ảnh học
Xét nghiệm hình ảnh học có thể kiểm tra kích thước, vị trí và số lượng khối u. Các xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng gồm có siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
4. Xét nghiệm mô học
Các bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm mô học để xác nhận chẩn đoán nếu xét nghiệm hình ảnh học có dấu hiệu nghi ngờ. Xét nghiệm mô học gồm có sinh thiết bằng kim hoặc lấy mẫu trong khi phẫu thuật. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ lấy mẫu mô gan và kiểm tra dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm.
Dựa vào kết quả khám, đánh giá như trên, các bác sĩ có thể xác định bệnh nhân có mắc ung thư gan hay không, đồng thời đánh giá kích thước, vị trí, mức độ lan rộng của khối u trước khi quyết định phương án điều trị phù hợp nhất.
Phương pháp điều trị ung thư gan theo Tây y
Phương pháp điều trị ung thư gan theo Tây y sẽ sử dụng những thông tin như tình trạng cơ thể của bệnh nhân, kích thước khối u, vị trí và sự lây lan của các tế bào ung thư. Sau đó lựa chọn các hướng điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp nhắm trúng đích.
1. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị thường được lựa chọn cho bệnh ung thư gan giai đoạn đầu. Đối với những bệnh có khối u nhỏ và chưa lan sang các phần khác của gan, phẫu thuật có thể loại bỏ các tế bào ung thư khi loại bỏ khối u và một phần các mô khỏe mạnh xung quanh. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ cũng có thể đề nghị hóa trị hoặc các phương pháp điều trị khác để thu nhỏ khối u.
2. Phương pháp xạ trị
Phương pháp xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các tia bức xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này thường được sử dụng để điều trị những trường hợp ung thư gan không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật hoặc trường hợp khối u tái phát sau phẫu thuật. Xạ trị cũng có thể làm giảm những triệu chứng như đau hoặc cảm giác khó chịu của bệnh nhân.
3. Phương pháp hóa trị
Phương pháp hóa trị sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường được sử dụng để điều trị những trường hợp ung thư gan lớn hoặc đã lan rộng mà không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật. Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật để giúp thu nhỏ khối u hoặc ngăn ngừa khối u tái phát.
4. Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm mục tiêu là một phương pháp điều trị mới nhằm ức chế hoặc ngăn chặn sự phát triển, lan rộng của tế bào ung thư bằng cách nhắm mục tiêu vào các phân tử hoặc một loại protein cụ thể trong tế bào ung thư. Liệu pháp nhắm trúng đích thường được sử dụng để điều trị các khối u gan lớn hoặc lan rộng không thể cắt bỏ và có liên quan đến các phân tử hoặc protein cụ thể nào đó.
Ngoài các phương pháp điều trị này, các bác sĩ cũng có thể đề xuất những phương pháp điều trị bổ trợ như kiểm soát đau, đặt ống sonde mũi dạ dày và xạ trị nhắm trúng đích. Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của người bệnh.
Điều trị ung thư gan của y học cổ truyền
Điều trị ung thư gan bằng y học cổ truyền thường sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như châm cứu, điều trị bằng thuốc y học cổ truyền, liệu pháp ăn kiêng, khí công, xoa bóp, v.v. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền không thể thay thế Tây y mà tốt nhất nên kết hợp với nhau.
1. Châm cứu
Châm cứu là một phương pháp điều trị y học cổ truyền nhắm mục tiêu vào các triệu chứng của gan như đau, mệt mỏi và mất ngủ. Ngoài ra, châm cứu có thể kích thích khả năng tự hồi phục của cơ thể, giảm các triệu chứng như đau và căng thẳng.
Lý thuyết y học cổ truyền cho rằng cơ thể con người có hệ thống “kinh lạc”, là mạng lưới tuần hoàn để vận chuyển khí (năng lượng). Các cơ quan nội tạng được kết nối với các bộ phận khác nhau của cơ thể thông qua các đường kinh lạc. Có các huyệt đạo khác nhau trên đường kinh, tương ứng với các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Một nghiên cứu đánh giá tổng hợp được công bố trên Tạp chí Journal of Cancer vào năm 2021 đã chỉ ra rằng châm cứu và điện châm (hai phương pháp điều trị cổ điển trong y học cổ truyền, được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều bệnh khác nhau) có lợi cho bệnh nhân ung thư. Châm cứu và điện châm được sử dụng trên lâm sàng để làm giảm các triệu chứng ung thư, giảm tác dụng phụ liên quan đến điều trị ung thư và giảm đau do ung thư.
2. Thảo dược y học cổ truyền
Thảo dược y học cổ truyền có nhiều ứng dụng cụ thể trong việc điều trị ung thư gan. Các loại thảo mộc thường được sử dụng bao gồm sài hồ, hoàng cầm, đan sâm, bồ công anh và hạ thảo khô. Những loại thảo dược này giúp giảm triệu chứng, có tác dụng điều hòa cân bằng nội môi, tăng cường khả năng miễn dịch, v.v.
Có một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Liver International vào năm 2015 sau khi theo dõi 127.237 bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan trong thời gian trung bình khoảng 5 năm. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng so với những bệnh nhân không sử dụng thảo dược y học cổ truyền, nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân sử dụng phương pháp hỗ trợ này đã giảm đáng kể, khoảng 35%. Nghiên cứu cũng cho thấy các loại thuốc y học cổ truyền này có tác dụng bảo vệ rất đáng kể ở nhiều nhóm bệnh gan mạn tính. Hiện tại, bột sài hồ, mẫu đơn và thuốc sắc kết hợp giữa sài hồ và cỏ gấu là những bài thuốc y học cổ truyền hiệu quả nhất, giúp cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.
3. Chế độ ăn
Bệnh nhân ung thư gan cũng có thể cải thiện tình trạng của mình bằng cách sử dụng những thực phẩm giúp bảo vệ gan như rau lá xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, nấm, đậu phụ, v.v. Đồng thời, cần tránh các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều calo, nhiều đường và nhiều protein.
4. Khí công và xoa bóp
Khí công và xoa bóp, thôi nã bấm huyệt có thể giúp bệnh nhân giảm căng thẳng, cải thiện quá trình lưu thông máu, thúc đẩy quá trình tự phục hồi của cơ thể, v.v. Những phương pháp điều trị có thể làm giảm đau, giảm mệt mỏi, mất ngủ và các triệu chứng khác của bệnh nhân ung thư gan, đồng thời cải thiện khả năng miễn dịch chung của người bệnh.
Một nghiên cứu đánh giá tổng hợp được công bố trên tạp chí Integrative Cancer Therapies vào năm 2002 đã phân tích kết quả của hơn 50 nghiên cứu, phát hiện rằng những bệnh nhân ung thư tự tập khí công có sự cải thiện đáng kể và có tỷ lệ sống sót cao hơn so với những bệnh nhân chỉ sử dụng các phương pháp truyền thống. Ngoài ra, các nghiên cứu trong môi trường ống nghiệm đã phát hiện rằng hoạt động “luyện khí” trong khí công có ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Đồng thời, các nghiên cứu thực địa với những người luyện khí công, phát hiện rằng nhóm điều trị bằng khí công đã giảm đáng kể sự phát triển của khối u hoặc kéo dài sự sống sót của người mắc bệnh ung thư.
Cần lưu ý rằng các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền không phải là các phương pháp riêng lẻ mà đòi hỏi người bệnh phải điều trị toàn diện thông qua những phương pháp khác như thay đổi lối sống, chế độ ăn, tập thể dục và việc điều trị của bác sĩ. Vì vậy, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị bằng Đông y để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
Các biện pháp phòng ngừa ung thư gan
Để ngăn ngừa ung thư gan, chúng ta cần chú ý những yếu tố sau:
- Tránh ăn quá nhiều và uống quá nhiều rượu: Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài sẽ làm tổn thương gan, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Vì vậy, giảm hoặc tránh uống rượu có thể làm giảm nguy cơ ung thư gan. Đồng thời, cần tránh ăn quá nhiều, ăn quá nhiều dầu, thức ăn mặn,… để giảm bớt gánh nặng cho gan.
- Phòng ngừa viêm gan siêu vi: Viêm gan siêu vi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, vì vậy tiêm vaccine viêm gan B có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm virus viêm gan. Ngoài ra, cần tránh tiêm thuốc hoặc truyền máu không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn để giảm nguy cơ nhiễm loại virus này. Theo phân tích dữ liệu lâm sàng của Trung tâm Khám và Điều trị Gan mật Tụy thuộc Bệnh viện Cơ Đốc Phục Lâm Hồng Kông – chi nhánh Tsuen Wan vào năm 2022, hơn 90% bệnh nhân ung thư gan có virus viêm gan B trong cơ thể.
- Tránh tiếp xúc với các chất có hại: Việc tiếp xúc với các chất độc hại như amiăng, vinyl clorua, dung môi hữu cơ có thể gây ung thư gan. Vì vậy, hãy chú ý đến tiêu chuẩn an toàn lao động và sức khỏe, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các chất độc này.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng khỏe mạnh và chế độ ăn uống tốt có thể giúp ngăn ngừa ung thư gan. Hãy chú ý đến chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng, bổ sung đủ chất đạm, chất béo, carbohydrate, vitamin và tăng cường ăn rau, trái cây một cách thích hợp.
Tóm lại, việc phòng ngừa ung thư gan đòi hỏi chúng ta cần phải điều chỉnh lối sống, thói quen, thường xuyên kiểm tra tình trạng gan, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh về gan. Duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ ung thư gan.
*Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quá quen thuộc với bạn nhưng bạn có thể tìm thấy những loại thuốc này ở các siêu thị Châu Á.
Lưu ý: Vì mỗi người có thể chất khác nhau nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền
Theo The Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
Tác giả Cheng-Liang Teng là bác sĩ y cổ truyền và Tây y với hơn 20 năm kinh nghiệm. Ông là giám đốc của Chi Teh Medical Clinic & Cheng-Liang Medical Clinic ở Đài Bắc, Đài Loan. Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Đài Bắc và hoàn thành bằng tiến sĩ về y học cổ truyền tại Đại học y học cổ truyền Nam Kinh.
NTD Việt Nam