Người phương Đông nhấn mạnh việc ăn từng miếng nhỏ và nhai chậm, nhưng với nhịp sống ngày càng tăng, tốc độ ăn uống của con người cũng ngày càng nhanh hơn. (Pexels)
Bạn mất bao nhiêu phút để hoàn thành một bữa ăn? Đó lẽ ra phải là giây phút thư giãn, thú vị nhưng với một số người, việc ăn uống giống như một cuộc “chạy đua” và hoàn thành trong vỏn vẹn 10 phút, không chỉ dễ bị nghẹn mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và kéo theo hàng loạt bệnh tật.
90% người chỉ dành 10 phút để ăn
Người phương Đông nhấn mạnh việc ăn từng miếng nhỏ và nhai chậm, nhưng với nhịp sống ngày càng tăng, tốc độ ăn uống của con người cũng ngày càng nhanh hơn.
Một cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 4.000 người cho thấy gần 90% người chỉ dành khoảng 10 phút để ăn một bữa.
Ngay cả những người có gia đình cũng thường có hiện tượng “làm một tiếng, ăn mười phút”, khiến nhiều người phải gọi đồ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian.
Tất nhiên, việc ăn nhanh không phải chỉ có ở người phương Đông.
Nghiên cứu của Ý với 187 người trung niên (độ tuổi trung bình là 43,6) cho thấy, ăn nhanh được định nghĩa là ăn ít hơn 10 phút cho bữa sáng và ít hơn 20 phút cho bữa trưa và bữa tối.
Theo thống kê, có lần lượt 44,4%, 66,3% và 57,8% người ăn bữa sáng, bữa trưa và bữa tối một cách nhanh chóng.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích và phát hiện ra rằng, những người ăn nhanh có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và rối loạn lipid máu cao hơn những người ăn chậm; những người ăn sáng và ăn trưa nhanh chóng, nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp cũng lớn hơn.
Dạ dày và não bộ thiết lập cơ chế phản hồi thông qua các dây thần kinh. Sau khi thức ăn vào dạ dày, đáy và thân dạ dày sẽ hơi giãn ra, khi lượng thức ăn tăng dần, áp lực trong dạ dày tăng lên đến một mức nhất định, tín hiệu “no” sẽ được truyền về não.
Ngay khi một người nhìn thấy và ngửi thấy mùi thức ăn, leptin, chất chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm giác no và ngăn chặn sự thèm ăn, bắt đầu được tiết ra, nhưng phải mất 20 đến 30 phút mới có tác dụng.
Nếu ăn quá nhanh, bạn sẽ ăn quá nhiều trước khi hình thành phản hồi “no” và leptin sẽ không có thời gian để báo cho não “đã đến lúc dừng lại”. Lượng thức ăn tiêu thụ sẽ vượt quá nhu cầu thực tế của cơ thể.
Ăn quá nhanh không chỉ cản trở quá trình tiêu hóa, hấp thu mà còn tiềm ẩn những ảnh hưởng xấu đến cơ thể về mọi mặt.
Tác hại của việc ăn quá nhanh
1. Suy giảm chức năng đường tiêu hóa
Ăn quá nhanh sẽ rút ngắn thời gian nhai, thức ăn sẽ bước vào công đoạn tiếp theo mà không được nghiền nát hoàn toàn.
Khi ăn quá nhiều trong thời gian ngắn, dạ dày phải tăng cường nhu động để đẩy thực ăn xuống ruột. Lúc này, những thứ ăn vào không được tiêu hóa hết, chỉ tạm thời tích tụ thành một khối.
Theo thời gian, chúng dễ gây ra các triệu chứng như chướng bụng, ợ chua, đau bụng, khó tiêu, niêm mạc dạ dày có thể bị sung huyết, thậm chí bị bào mòn, trường hợp nặng có thể phát triển thành loét dạ dày.
2. Gây ra các bệnh chuyển hóa
Nghiên cứu cho thấy, so với người ăn chậm, người ăn nhanh có nguy cơ béo phì cao gấp đôi; người thường xuyên ăn nhanh có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp ba lần so với người bình thường.
Su Lin, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Bản thân việc ăn nhanh không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhưng sẽ khiến người ta ăn quá nhiều, dẫn đến tăng cân. Về lâu dài có thể xảy ra tình trạng kháng insulin và tiểu đường”.
Bác sĩ Su Lin nhấn mạnh rằng ăn quá nhanh có thể gián tiếp dẫn đến cao huyết áp, tăng axit uric máu, tăng lipid máu và các bệnh chuyển hóa khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch và mạch máu não.
3. Tăng nguy cơ ung thư
Mức nhiệt mà miệng và thực quản có thể chịu được nói chung là từ 10-40 độ C, nhiệt độ cao nhất không quá 60 độ C.
Một số người thích ăn khi còn nóng, nhưng thức ăn quá nóng có thể gây kích ứng biểu mô niêm mạc thực quản vốn đã mỏng manh và làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Đối với các loại hạt, đậu cùng các thực phẩm thô và cứng khác, nếu chỉ nhai vài lần rồi nuốt có thể gây ra tổn thương thực quản và đường tiêu hóa. Chấn thương và kích thích lặp đi lặp lại có thể dẫn đến viêm nhiễm, thậm chí ung thư.
Mặc dù ăn quá nhanh không tốt, nhưng ăn quá chậm cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Tác hại của việc ăn quá chậm
1. Không có khả năng tiêu hóa hoàn toàn chất béo
Khi tiêu thụ thực phẩm có nhiều chất béo, bạn cần gan tiết mật để tiêu hóa.
Nếu ăn quá chậm, mật sẽ vào ruột theo từng đợt, từng đợt. Lượng mật tiết ra tương đối hạn chế khiến chất béo không được tiêu hóa hết. Cuối cùng, chúng sẽ tích tụ thành mỡ và tăng nguy cơ béo phì.
2. Mất cảm giác thèm ăn
Quá trình tiết enzyme tiêu hóa đạt đỉnh điểm chỉ trong vòng 10 phút, đây là thời điểm tốt nhất để tiêu hóa thức ăn và thuận lợi cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng.
Nếu ăn quá lâu, cảm giác thèm ăn có thể giảm đi rất nhiều, về lâu dài có thể suy dinh dưỡng, thậm chí chán ăn.
Một bữa ăn nên kéo dài bao lâu?
Bác sĩ Su Lin cho biết thời gian ăn có liên quan đến thói quen ăn uống và tình trạng sức khỏe của cá nhân, nhưng nhìn chung không nên ít hơn 15 phút.
Những người khỏe mạnh nên dành 15-20 phút để ăn bữa sáng, thời gian ăn trưa và ăn tối nên được kiểm soát trong khoảng 30 phút.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát thời gian, bạn có thể nhớ điều này: Nhai từng ngụm cơm 20 lần. Mỗi ngụm thức ăn nên nhai từ 20-22 lần, người già tốt nhất nên nhai trên 25 lần để dễ tiêu hóa.
Nhai chậm có thể giúp dạ dày có đủ thời gian để phản ứng. Amylase trong nước bọt ban đầu có thể tiêu hóa đường trong thức ăn và cũng đóng vai trò bôi trơn để đảm bảo thức ăn đi qua thực quản một cách trơn tru.
Biện pháp thay đổi tốc độ ăn
1. Nhai nhiều hơn sau mỗi lần ăn
Như đã nói ở trên, với mỗi ngụm cơm hoặc thức ăn, bạn có thể nhai hơn 20 lần.
2. Nhờ bạn bè hỗ trợ
Bạn có thể ăn cùng bạn bè, và nhờ họ giám sát để giúp bạn hình thành thói quen nhai chậm.
3. Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ thô
Cố gắng ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ thô, chẳng hạn như kiều mạch, yến mạch, khoai lang hoặc gạo đen có thể giúp giảm tốc độ nhai; cần tây, rau cải, rau muống, cà rốt và các loại ngũ cốc khác cũng là một lựa chọn tốt.
Đối với những bệnh nhân thỉnh thoảng ăn quá nhanh gây đau bụng, chướng bụng, khó tiêu, các chuyên gia khuyến cáo:
- Có thể sử dụng các thuốc kích thích nhu động dạ dày và ruột, bảo vệ niêm mạc dạ dày, bổ sung men tiêu hóa một cách thích hợp;
- Khoảng một giờ sau bữa ăn, bạn có thể đi dạo ngoài trời hoặc tập một số bài tập nhẹ nhàng để thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa và hấp thu;
- Bạn nên giảm lượng thức ăn một cách hợp lý và tiêu thụ nhiều đồ ăn nhẹ (lành mạnh) để giúp phục hồi chức năng tiêu hóa.
Cuối cùng, bác sĩ Su Lin nhắc nhở, nếu thường xuyên bị đầy bụng, đau bụng thì bạn nên đến bệnh viện làm xét nghiệm Helicobacter pylori. Nếu cần thiết, có thể thực hiện thêm nội soi dạ dày, kiểm tra xem có viêm, loét và các tổn thương khác ở dạ dày hay không, đồng thời sử dụng thuốc điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Theo Li Dongqi – Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch
NTD Việt Nam