“Tuy tôi có thể biết trước sự việc nhưng lại không thể quyết định được họa phúc của các ông”. (Ảnh: Shutterstock)
Dương Dự và Trương Dĩnh đều không vui. Tông biết được tâm ý của họ, vì thế ông ta nói rằng: “Tuy tôi có thể biết trước sự việc nhưng lại không thể quyết định được họa phúc của các ông”…
Những năm Thiên bảo đời Đường, một lần có mấy quan viên đang ngồi uống rượu tại tư phủ, giữa lúc ngà ngà say thì bỗng nhiên có một người từ bên ngoài bước vào xin rượu để uống, sau đó còn toán mệnh cho từng người. Kết quả là cả 4 viên quan từng được ông ta toán mệnh, sau đều ứng nghiệm không mảy may sai lệch. Câu chuyện như sau:
Lục Khang sống ở Ngô Quận là em họ của Lưu Mạc. Lưu Mạc được điều đi nhậm chức Trần Thương úy Kỳ Châu, Lục Khang từ Giang Nam đến quan phủ gặp anh. Cùng làm quan trong phủ có Chủ bạ Dương Dự và Huyện úy Trương Dĩnh nghe nói em họ Lưu Mạc đến nên tất cả đều đến phủ của Lưu Mạc để thăm hỏi, đàm đạo.
Khi đó đúng vào mùa đông giá lạnh, các quan viên ăn tiệc, uống rượu, đang đến lúc tưng bừng náo nhiệt nhất thì có người ở núi Ngụy Sơn đến cầu kiến. Ông ta tên là Tông. Lưu Mạc sai người buông rèm cửa xuống, đứng dậy ra sân và hỏi Tông có việc gì. Tông nói: “Tôi muốn vào trong quan ải, xin ngài một bữa cơm, tôi ăn xong liền đi”.
Lưu Mạc liền sai tả hữu dọn cơm và thức ăn ở phòng khách.
Nhưng người tên là Tông đó lại nói: “Dọn cơm ở phòng khách thì tôi không kịp đợi, xin ông hãy để tôi ăn ở đây đi”.
Bởi vì Lưu Mạc đang uống rượu nên cảm thấy có chút ngại ngùng. Tông thấy vậy bèn nói: “Tôi sẽ xem tướng cho mọi người, nếu các ông dùng lễ đối xử với tôi thì tôi sẽ giúp các ông sau này”.
Lưu Mạc nghe thế thì thấy có chút thú vị, bèn gọi người kéo rèm lên. Mà mấy vị khách đang ngồi kia cũng rất muốn nghe xem ông ta nói những gì, do đó tất cả đều ân cần mời ông ta vào chỗ ngồi. Lúc này, Lục Khang vì uống say rồi nên nằm trên chiếc giường phía Đông.
Lưu Mạc cho người đem thêm bát đũa và món ăn cho Tông, đồng thời ân cần mời ông ta ăn. Sau đó Lưu Mạo mời Tông xem tướng cho mình. Tông nói: “Ông sau này có công danh, làm Ấp tể hai lần, nhưng không chủ trì chính sự. Ông làm quan 25 năm”.
Nói xong, Tông định ra đi. Lúc này Dương Dự và Trương Dĩnh đều bước tới mời ông ta ở lại, đồng thời xin Tông xem giúp tiền đồ cho mình.
Tông nói với Dương Dự rằng: “Trong vòng 8 tháng tính từ hiện nay, ông không được ăn thịt lừa, nếu ăn sẽ mắc bệnh, và không thể nào chữa trị được”.
Sau đó Tông quay đầu lại nói với Trương Dĩnh rằng: “Sau này ông làm quan, cần giữ quan hệ tốt với đồng liêu, nếu không sẽ bị hại”.
Dương Dự và Trương Dĩnh đều không vui. Tông biết được tâm ý của họ, vì thế ông ta nói rằng: “Tuy tôi có thể biết trước sự việc nhưng lại không thể quyết định được họa phúc của các ông”.
Sau đó ông ta lại chỉ vào Lục Khang và nói: “Ví như người say rượu đang nằm kia, tôi không biết anh ta là ai, nhưng tôi lại biết năm tới anh ta sẽ thành tựu công danh, hơn nữa còn làm quan hơn chục lần, các vị không ai sánh bằng anh ta, quan lớn thọ cao”.
Nói xong, ông ta liền lập tức ra đi, mà chỉ một loáng đã không ai biết ông ta đi về hướng nào.
Năm sau, An Lộc Sơn phản loạn, sau khi hai kinh thành thất thủ, Đường Huyền Tông đi Thục Quận, mà Trần Thương là con đường ắt phải đi qua.
Lúc này Dương Dự đang quản lý dịch trạm, ông thường xuyên nghĩ đến những lời của Tông, đồng thời còn ghi chép lên lòng bàn tay. Một lần, có một người cưỡi lừa chuyển công văn đến, vì có mối quen biết cũ với Dương Dự nên mời ông cùng đi ăn cơm. Trong bữa ăn, Dương Dự do ăn nhầm mấy miếng thịt lừa, kết quả là ngay đêm đó chướng bụng lên mà chết.
Trương Dĩnh sau đó là Lâm Bộc thừa. Một lần quân giặc tấn công thành, Quận thú không thể nào chống cự nổi nên bị bao vây. Huyện lệnh Lâm Bộc là Tiết Cảnh Nguyên dẫn quân đẩy lui quân giặc. Sau khi nhận được báo cáo, Tiết độ sứ liền bổ nhiệm Tiết Cảnh Nguyên làm Trưởng sử chủ trì sự vụ trong quận. Quả nhiên Trương Dĩnh thường bất hòa với Tiết Cảnh Nguyên, vì vậy thường bị ông ta hãm hại. Không lâu sau thì bị tội oan mà chết.
Sau này Lưu Mạo thi đỗ tiến sĩ, rồi được bổ nhiệm làm Huyện lệnh huyện Lâm Nhữ, Nhữ Châu, sau lại được chuyển làm Huyện lệnh huyện Thượng Nguyên, Nhuận Châu. Trong thời gian ông nhậm chức đều không chủ trì một sự vụ trọng yếu nào, mọi việc đều yên ổn thái bình cho đến khi kết thúc chức quan.
Năm sau, Lục Khang đỗ kỳ thi Minh kinh, rồi lần lượt làm các chức quan Mật thư tỉnh Chính tự, Lũng Hựu Tuần quan, sau khi hết nhiệm kỳ được điều làm Hàm Dương úy, sau lại làm Giám sát Ngự sử, Chu chí lệnh, Tỷ Bộ Viên ngoại lang. Quả thực ông đã liên tiếp đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, quan lộ ổn định trong suốt 22 năm.
Trung Hòa (biên dịch)
Theo secretchina.com.
NTD Việt Nam