Trưởng lão Nghĩa Phương nhớ được tiền kiếp, ông đích thân kể chuyện đời trước của mình cho Nguyên Hiếu Vấn – tác giả sách “Tục di kiên chí”. (Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)
Thời triều Kim, chùa Đan Hà có vị trưởng lão có pháp danh là Nghĩa Phương, tự Chí Đạo, là người huyện Úy Thị, Khai Phong, Hà Nam. Trưởng lão Nghĩa Phương nhớ được tiền kiếp, ông đã đích thân kể chuyện đời trước của mình cho Nguyên Hiếu Vấn – tác giả sách “Tục di kiên chí”.
Trưởng lão Nghĩa Phương nói, đời trước ông tên là Liễu Tiểu Nhị, cũng là người huyện Úy Thị.
Năm Chính Long thứ 6 triều Kim (tức năm 1161), Hoàng đế thứ 4 của triều Kim là Hoàn Nhan Lượng phái đại quân tiến về phía nam đánh Nam Tống. Do cuộc chiến thất bại thảm hại, Hoàn Nhan Lượng bị thuộc hạ giết chết. Trong lúc rối ren, Kim Thế Tông Hoàn Nhan Ung được ủng hộ lên làm Hoàng đế. Năm Đại Định thứ nhất (năm 1161, tức năm Thiệu Hưng thứ 31 triều Nam Tống), Kim Thế Tông lên ngôi, thế đạo hỗn loạn.
Vào đúng lúc triều chính hỗn loạn, ngôi vua thay đổi này, thì hơn 50 người trong đó bao gồm cả Liễu Tiểu Nhị, dự tính đốt cổng Tam môn chùa Tướng Quốc, sau đó nhân lúc rối loạn sẽ cướp kho vật tư của quân đội.
Chùa Tướng Quốc này chính là chùa Đại Tướng Quốc ở phủ Khai Phong, là ngôi chùa lớn nhất thời Bắc Tống, vô cùng nguy nga tráng lệ, vô cùng nổi tiếng. Đây là 1 trong 10 ngôi chùa lớn nhất của Phật giáo đất Hán, trong rất nhiều tác phẩm văn học cũng đã đề cập đến nó. Ví như, trong Thủy Hử miêu tả sau khi Lỗ Trí Thâm đại náo Ngũ Đài Sơn, Trưởng lão Trí Chân liền giới thiệu Lỗ Trí Thâm đến chùa Đại Tướng Quốc ở phủ Khai Phong.
Theo kế hoạch cướp này, Liễu Tiểu Nhị và một người nữa được sắp xếp phóng hỏa để tạo thành sự hỗn loạn.
Liễu Tiểu Nhị đến chùa Tướng Quốc xem nơi nào thích hợp với việc phóng hỏa. Anh ta thấy ngôi chùa hùng vĩ như thế này thì trong tâm vô cùng chấn động. Anh ta nghĩ: “Ngôi chùa này là do triều trước đã dùng tài lực nhân lực quốc gia để xây dựng, chỉ cái cổng lớn này cũng đã tiêu tốn vật tư khổng lồ, lớn như là núi gỗ vậy. Nếu thực sự bị mình thiêu hủy, thì việc xây dựng lại như cũ là điều không thể. Xây dựng một ngôi chùa khổng lồ như thế này, quả là công đức to lớn biết nhường nào, là thiện duyên to lớn biết nhường nào. Nếu đốt cháy đi thì quả là đáng tiếc, đáng tiếc, quá đáng tiếc”.
Trong lúc Liễu Tiểu Nhị đang cảm thán thì quan binh phát hiện ra anh ta. Liễu Tiểu Nhị vội vàng chạy trốn, quan binh đuổi gấp phía sau. Cuối cùng, đuổi đến Châu Kiều thì quan binh bắt được Liễu Tiểu Nhị. Liễu Tiểu Nhị bị bắt, bị tra tấn đánh đập đến chết.
Sau khi chết, nguyên thần của Liễu Tiểu Nhị đầu thai đến nhà họ Trần ở huyện Úy Thị. Đây chính là Trưởng lão Nghĩa Phương đời này. Khi Trưởng lão Nghĩa Phương 6, 7 tuổi, thì ông bắt đầu nhớ được kiếp trước. Sau này ông còn đến thăm cha mẹ và vợ con ông ở kiếp trước, và kể về những tình hình của ông ở kiếp trước, tất cả đều trùng khớp không có sai lệch nào. Hơn nữa, ông còn nói cho họ biết nơi ông chôn giấu của cải ở kiếp trước. Thế là người nhà ông ở cả kiếp này lẫn kiếp trước đều hoàn toàn tin ông chính là Liễu Tiểu Nhị chuyển sinh.
Sau này, với sự trợ giúp và cúng dưỡng từ gia đình kiếp trước, ông đến chùa Pháp Vân xuất gia, bái Hòa thượng Pháp Chú làm thầy. Nhiều năm sau, ông đến chùa Đan Hà làm Trưởng lão.
Những câu chuyện luân hồi chuyển sinh thời cổ đại vô cùng nhiều. Câu chuyện của Trưởng lão Nghĩa Phương cũng chỉ là một trong số đó. Liễu Tiểu Nhị trong khi chuẩn bị phóng hỏa đốt chùa, thì trong lòng bỗng nảy sinh ra tâm kính úy đối với chùa Đại Tướng Quốc. Có lẽ chính vì thiện niệm không nỡ ra tay phóng hỏa đốt chùa này nên đã kết Phật duyên để kiếp sau ông xuất gia tu hành.
Chuyển tải từ mạng Chánh Kiến tiếng Trung.
Đức Huệ – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam