Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Chương 7: Màu sắc trong văn hóa truyền thống Trung Quốc
Trong lịch sử mấy nghìn năm ở Trung Quốc, ngoài thời kỳ Tiên Tần và triều Tần thì các màu sắc mà người xưa sử dụng trong một thời gian rất lâu là các sắc màu tươi sáng, phong phú với năm màu chủ đạo: vàng, xanh, đỏ, trắng và đen, so với nhận thức của con người hiện nay thì trái ngược hẳn lại. Trước thời nhà Minh người xưa đều không đặc biệt coi trọng màu đỏ.
“Sắc thái” (色彩) hay còn gọi là “Nhan sắc” (颜色) có nghĩa là màu sắc. Tuy nhiên, thời Trung Quốc cổ đại, từ “Nhan sắc” có ý nghĩa hoàn toàn không giống với từ “Nhan sắc” hiện nay. Ban đầu từ này còn được dùng để chỉ sắc mặt (1). Ví như trong “Sở từ – Ngư phụ” có câu “Nhan sắc tiều tụy”. Trong “Thuyết văn giải tự” có viết: “Nhan, mi chi gian dã; sắc, nhan khí dã”, ý nói Nhan là vùng ở giữa hai mi, còn Sắc có nghĩa là khí. Đoàn Ngọc Tài chú giải: “Phàm tu quý hỷ ưu vị chi nhan sắc”, nghĩa là “Tất cả xấu hổ, vui mừng, âu lo những cái đó là nhan sắc”, bởi vì “Tâm đạt vu khí, khí đạt vu mi gian”, ý nói tâm thông đến khí, khí thông đến vùng giữa hai mi. Có thể thấy được ban đầu “Nhan sắc” là chỉ sắc mặt, chứ không có ý chỉ màu sắc của vạn vật. Tới thời nhà Đường, “Nhan sắc” mới có hàm nghĩa chỉ màu sắc của tự nhiên. Ví như nhà thơ Đỗ Phủ thời nhà Đường trong bài thơ “Hoa Để” có viết: “Thâm tri hảo nhan sắc, mạc tác ủy nê sa” có nghĩa là biết rõ những màu sắc đẹp, không bằng lòng với việc làm bùn cát. Thành ngữ “Ngũ nhan lục sắc” cũng phản ánh ý nghĩa này của từ “Nhan sắc”.
Khoảng 5.000 năm trước công nguyên vào thời của Hoàng Đế, người bấy giờ tôn sùng đơn sắc. Sau thời của Hoàng Đế, trải qua các thời nhà Thương, Thang, Chu, Tần, các bậc đế vương căn cứ vào học thuyết “Âm dương ngũ hành” (trình tự của ngũ hành là thủy, hỏa, mộc, kim, thổ, lần lượt đối ứng với màu đen, đỏ, xanh, trắng, vàng) để lựa chọn màu sắc biểu tượng cho mình. Vì người Trung Quốc xưa cho rằng ngũ hành sinh ra năm chủng nguyên tố là bản nguyên của vạn vật trong tự nhiên, nên nguồn gốc của hết thảy sự vật cũng lại như thế, màu sắc cũng không phải ngoại lệ. Trên hai cơ sở đặc thù là “Tự sinh kì minh”, có nghĩa là màu sắc đến từ tự nhiên, và “Thủ tiên hắc bạch”, có nghĩa là hai màu đen trắng là đầu tiên, người bấy giờ dần dần xây dựng mối quan hệ giữa màu sắc và sự vận động tự nhiên theo thiên đạo của phép ngũ hành. Họ còn căn cứ vào biến đổi của vạn vật tự nhiên theo xuân hạ thu đông và dựa vào học thuyết ngũ hành mà lựa chọn quần áo, đồ ăn, xe ngựa, thay đổi nơi ở. Vì thế mà hình thành nên học thuyết ngũ sắc hay năm màu kể trên.
Hệ thống năm màu truyền thống của Trung Quốc coi màu đen, đỏ, xanh, trắng và vàng là chính sắc, hay màu sắc chính.
Màu đen trong “Dịch Kinh” được xem là màu của trời. Khởi nguồn của cách nói “Thiên đích huyền hoàng” là người xưa cảm thấy bầu trời ở phương Bắc trong thời gian dài đều hiển hiện một màu đen thần bí. Họ cho rằng sao Bắc Cực là nơi ở của Thiên Đế, nên ở Trung Quốc cổ đại màu đen là vua của các màu, cũng là màu đơn sắc được sùng bái trong thời gian dài nhất ở lịch sử Trung Quốc cổ đại. Thái Cực đồ của Trung Quốc cổ đại cũng lấy hai màu đen và trắng để biểu hiện âm dương hợp nhất.
Trong quan niệm về màu sắc ở Trung Quốc cổ đại, màu trắng mang nhiều ý nghĩa. Thuyết “ngũ hành” nói màu trắng và màu vàng kim là đối ứng với nhau, chứng tỏ người Trung Quốc xưa cảm thấy màu trắng tượng trưng cho quang minh, được xếp vào hàng chính sắc, biểu hiện cho bản chất thuần khiết, quang minh và phong phú.
Màu đỏ tại dân gian tượng trưng cho may mắn vui mừng.
Màu vàng là màu trung tâm, tượng trưng cho màu sắc của mặt đất. Ở Trung Quốc có cách nói “Hoàng sinh âm dương”, đem màu vàng tôn sùng là chủ của các màu. Là màu sắc chính thống ở vị trí trung tâm, là màu trung hòa, đứng trên các loại màu sắc, được cho là màu đẹp nhất.
Màu xanh (bao gồm cả màu lục) tượng trưng cho mùa xuân tràn trề sức sống.
Vào thời Tiên Tần, các màu sắc ở Trung Quốc cổ đại tượng trưng cho khuynh hướng phát triển đa nguyên hóa (2). Khổng Tử xuất phát từ việc duy hộ Lễ của nhà Chu, lấy màu vàng, xanh, trắng, đỏ và đen làm “Chính sắc” hay “Thượng sắc”. Ông còn lấy năm màu này cùng với nhân, đức, thiện kết hợp lại, vận dụng trong các hình thức của “Lễ”. Nhà Chu sùng bái màu đỏ. Nhưng Lão Tử lại đề xuất “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh”, có nghĩa năm màu làm cho con người mù mắt, vì vậy lấy màu đen (màu huyền) để tượng trưng cho Đạo.
Trong thời kỳ này, tính tượng trưng của màu sắc trở thành căn cứ chủ yếu để người Trung Quốc cổ nắm bắt mùa vụ và phương vị. Người xưa gắn cho mỗi mùa một màu và phương hướng. Xuân là thanh dương, phương hướng chủ Đông, thần bảo vệ là Thanh Long. Hạ là chu minh, phương hướng chủ Nam, thần bảo vệ là Chu Tước. Thu là bạch thu, phương hướng chủ Tây, thần bảo vệ là Bạch Hổ. Đông là huyền đông, phương hướng chủ Bắc, thần bảo vệ là Huyền Vũ. Màu vàng là màu sắc trung tâm tượng trưng cho Ngũ Đế thời viễn cổ. Ở Trung Quốc, màu vàng có ý nghĩa tượng trưng đặc biệt, nó ở chính giữa ngũ hành là tượng trưng cho màu sắc của mặt đất.
Năm 221 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông vẫn tuân theo cách truyền thống của tiền nhân mà quan sát vạn vật và chọn biểu tượng, phân biệt đen và trắng, tôn kính đức của nước. Ông còn định ra “Dĩ đông thập nguyệt vi niên thủ, sắc thượng hắc”, nghĩa là lấy mùa đông vào tháng 10 là đầu năm và màu sắc của nó là màu đen”. Sau khi Tần Thủy Hoàng đăng cơ, “Dịch phục sắc dữ kì vi hắc”, nghĩa là màu sắc trang phục và màu cờ đều là màu đen.
Sau thời nhà Tần, công năng của màu sắc dần chuyển biến sang tác dụng trang trí. Các màu sắc ở Trung Quốc cổ đại cũng phát triển theo hướng rực rỡ và phong phú.
Trong suốt các triều đại từ nhà Hán trở về sau, màu vàng với đặc tính gần với sự rực rỡ của vàng kim đã trở thành màu sắc tượng trưng chuyên dùng cho hoàng gia. Bách tính bình dân không được lấy màu đỏ và màu vàng làm màu của quần áo. Ở các triều đại khác nhau màu sắc trang phục của quan viên cũng khác nhau. Thông thường người ta lấy hỗn hợp các màu đỏ, vàng, xanh, trắng và đen gọi là hạ ngũ sắc. Vào thời nhà Hán, màu tím sáng trong hạ ngũ sắc thường được xem là một màu cực kì quý và hiếm. Vào thời nhà Đường, màu tím là màu trang phục cho quan từ ngũ phẩm trở lên, cùng với màu vàng trở thành hai màu được hoàng gia yêu thích. Màu tím được xem là màu sắc thanh cao nhã nhặn.
Trong văn hóa Trung Quốc, giữa màu sắc và công nghệ, màu sắc và mỹ thuật, màu sắc và thi ca, màu sắc và phong tục, v.v. có mối quan hệ rất khăng khít.
Việc vận dụng màu sắc trong các phương diện như kiến thiết thành thị, bích họa trên tường và hội họa cũng đa dạng. Ví như từ sau triều Minh, ở cố đô Bắc Kinh, chỉ có hoàng thân quốc thích mới được ở trong kiến trúc có tường đỏ mái vàng. Dân thường chỉ được ở trong kiến trúc có gạch xanh ngói xanh. Nhưng ở phương diện điêu khắc và trang trí xà cột thì màu sắc sử dụng lại rất phong phú. Kiến trúc dùng trong dân gian phần nhiều là tường trắng ngói đen.
Như tại hang đá Đôn Hoàng có niên đại cách đây 1.500 năm đang bảo tồn hơn một vạn bức bích họa trân quý, nhưng màu sắc của những bức bích họa ở các thời kỳ khác nhau cũng khác nhau. Ví như trong thời kỳ Bắc Ngụy thì chủ yếu dùng tông màu đỏ, phối với màu lam và màu đen. Thời kỳ nhà Đường thì có thêm màu vàng, các ứng dụng của màu sắc cũng muôn màu muôn vẻ, sáng sủa mà hoa lệ. Còn nhà Tống thì lấy màu lam và màu xanh lục làm chủ đạo.
Tranh Trung Quốc thì chủ yếu thông qua sự đậm nhạt của mực mà biểu hiện thần vận của bức tranh. Như “Mặc phân ngũ sắc”, có nghĩa là mực phân ra năm màu, “Bất thi đan thanh, quang thải chiếu nhân”, có nghĩa là màu sắc chói lọi mà không cần dùng màu sáng, trong sự đậm nhạt mà thể hiện ra cảnh giới nghệ thuật siêu nhiên. “Mặc phân ngũ sắc” tức là tiêu, nùng, hôi, đạm, thanh, có nghĩa là cháy, đậm, tro, nhạt và trong. Trong mắt của người họa sĩ thì bốn màu nước cũng rất rõ ràng. Trong “Lâm tuyền cao trí” của Quách Hi có viết: “Thủy sắc: xuân lục, hạ bích, thu thanh, đông hắc”. Trong hội họa Trung Quốc cũng không thiếu vẻ đẹp của màu sắc. Trong “Đường triều danh họa lục” có ghi lại, bức tranh sơn thủy màu xanh lục đậm của Lý Tư Huấn từng được Đường Huyền Tông xưng là “Quốc triều sơn thủy đệ nhất”. Màu sắc trong các loại tranh cung đình này hay dùng các loại như thạch thanh (azurit), thạch lục, thạch hoàng, chu sa, son, bột chì, nhũ kim. Trước tiên vẽ nét sau đó tô màu, màu sắc vừa rực rỡ vừa lộng lẫy. Mà người Trung Quốc lại giỏi vận dụng một lượng lớn các khoáng vật và thực vật trong tự nhiên, từ đó chế ra thuốc màu, bởi vậy độ sáng và độ bão hòa của màu sắc trong tranh Trung Quốc lại càng nhiều và phong phú.
Thi và họa của Trung Quốc có cùng một nguồn gốc, thường có một loại quan hệ “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi”, có nghĩa là trong thơ có họa, trong họa có thơ. Trong thơ ca cũng có màu sắc xuất hiện, điều này dần dần trở thành trào lưu, rất nhiều thi nhân cũng là cao thủ miêu tả màu sắc. Có thi nhân nhờ lấy màu sắc để hình thành ý cảnh tuyệt diệu mà được lưu danh như Thôi Hộ. Tác phẩm “Đề đô thành nam trang” của ông có câu:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Tạm dịch:
Ngày này năm ngoái trong sân
Khuôn mặt và hoa đào ánh màu đỏ hồng lên nhau
đã trở thành câu thơ thiên cổ độc nhất vô nhị.
“Mộ Giang Ngâm” của Bạch Cư Dị có câu:
Nhất đạo tàn dương phô thủy trung
Bán giang sắt sắt bán giang hồng
Tạm dịch:
Một đạo tà dương trải trên mặt nước
Một nửa sông run rẩy một nửa sông màu hồng
Vẻ đẹp của màu sắc trong bài thơ này khiến con người nghìn năm qua phải nghiền ngẫm. Còn “Nhạn môn Thái thú hành” của Lý Hạ đúng là một bản giao hưởng về màu sắc trong thơ:
Hắc vân áp thành thành dục tồi,
Giáp quang hướng nhật kim lân thai.
Giác thanh mãn thiên thu sắc lí,
Tắc thượng yêu chi ngưng dạ tử.
Bán quyển hồng kì lâm dịch thủy,
Sương trọng cổ hàn thanh bất khởi.
Báo quân hoàng kim thai thượng ý,
Đề huề ngọc long vi quân tử.
Tạm dịch (3):
Mây đen trên thành như muốn đè nát thành,
Áo giáp vàng lóng lánh ánh vẩy cá trong nắng.
Tiếng tù và thổi vang trời trong sắc thu,
Ban đêm quan ải màu tía như phấn kẻ lông mày.
Cờ đỏ cuốn một nửa khi quân tới sông Dịch,
Sương mù dày, trời lạnh, trống thúc quân không nổi.
Để báo đáp ơn vua qua ý nghĩa của đài Hoàng Kim,
Nguyện đem kiếm Ngọc Long vì vua mà chiến đấu tới chết.
Những nhà thơ và câu thơ như thế này trong lịch sử văn hóa Trung Quốc nhiều không kể xiết.
Trong tiếng Hán có nhiều màu sắc đều có bộ Mịch “纟”, “Thuyết văn giải tự” đã hệ thống lại 24 chữ nói về màu sắc của sợi tơ như 红- hồng (đỏ), 绿 – lục (xanh lục), 紫 – tử (tím), 绛 – giáng (đỏ thẫm), 绯 – phi (đỏ tươi), 绀 – cám (đỏ tím), 绢 – quyên (lụa), 缥 – phiếu (lụa màu trắng xanh), 缇 – đề (đỏ da cam), 素- tố (trắng). Có thể thấy những màu sắc rực rỡ này là tượng trưng cho sự phồn vinh của ngành nhuộm tơ thời cổ đại.
Gốm sứ và sơn mài Trung Quốc lại càng không thể thiếu sự tô điểm của màu sắc. Các loại phát minh về men sứ màu tạo ra sự rực rỡ và bóng láng cho vẻ ngoài của chúng. Từ Đường Tam Thải (gốm 3 màu) trứ danh tới Ngũ Thải (gốm 5 màu), từ sứ men xanh tới sứ men trắng, từ gốm trắng và xanh tới men có màu, màu sắc đóng một vai trò rất quan trọng. Gốm nhiều màu và gốm đen là đỉnh cao đệ nhất của công nghệ làm gốm cổ đại Trung Quốc. Đồ sơn mài và đồ dệt của Trung Quốc cũng có hoa văn tinh mỹ, màu sắc tươi sáng. Đồ trang sức sơn mài thời Chiến Quốc đã đạt tới trình độ trước đây chưa từng có. Nước Tề thời Chiến Quốc có rất nhiều “vải vóc có màu sắc đẹp đẽ”. Một số lụa là thu được sau khi khai quật các ngôi mộ cổ cũng được nhuộm các màu như nâu, đỏ, đen, tím, vàng.
Trong phong tục truyền thống Trung Quốc, văn hóa màu sắc lại càng phong phú. Màu vàng là màu của đế vương. Các kiến trúc của hoàng cung, xã tắc, đàn miếu chủ yếu dùng màu vàng. Màu vàng cũng được xem là màu siêu phàm thoát tục, là màu được tôn trọng và sùng kính trong Phật giáo. Trang phục của hòa thượng là màu vàng, các chùa miếu cũng là màu vàng. Màu đỏ là màu người Trung Quốc thích nhất, mỗi khi tới dịp năm mới hoặc dịp lễ hội, ngày lành hoặc có dịp đáng vui mừng, bạn bè thân quyến tụ hội, đều không thể thiếu màu đỏ. Màu tím là màu của điềm lành, trang trọng, dân gian có câu “Hoa lương tử yến, đối đối hàm nê, phi lai hựu khứ”, có nghĩa là đôi chim yến màu tím trên xà nhà chạm trổ, ngậm bùn trong miệng, bay đi bay lại. Màu trắng là màu của việc bất hạnh hay tang tóc. Người Trung Quốc chỉ khi có tang sự mới mặc đồ trắng, đội mũ nón trắng, cho tới nay vẫn như vậy.
Tuy nhiên tới thời cận đại, đặc biệt sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm được chính quyền, màu đỏ lại được sử dụng rộng khắp. Màu đỏ có thêm hàm nghĩa nguy hiểm, đẫm máu, bạo lực và hành vi cực đoan.
Chú thích của người dịch:
(1) 顏: nhan, dung nhan, vẻ mặt; 色: sắc, màu sắc, nhưng khi hai chữ này đi liền nhau thì gọi là màu sắc (theo nghĩa hiện nay).
(2) 多元化 Đa nguyên hoá: là sự đa dạng về sắc màu văn hóa – dân tộc
(3) Nguồn: thivien.net
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/37821
ChanhKien.org