Trên thực tế, đôi khi những giấc mơ có thể dự báo vận mệnh tương lai của chúng ta. (Ảnh pixabay)
Giấc mộng đến từ đâu? Khoa học hiện đại chưa đưa ra câu trả lời, nhưng từ hàng ngàn năm trước người xưa đã biết bói mộng, nhờ bói mộng mà có thể thấu tỏ chuyện quá khứ và tương lai…
Bạn đọc thân mến, kể từ khi Trang Chu mơ thấy bướm, người ta vẫn luôn bàn luận về giấc mộng. Vậy hôm nay chúng ta hãy giải phóng tâm trí và để tư tưởng bay bổng, để cùng bàn luận xem rốt cuộc giấc mộng là gì.
Bói mộng biết tương lai
Trong “Tả Truyện” ghi chép một câu chuyện như thế này: Vào năm 581 trước Công nguyên, quân vương của nước Tấn là Tấn Cảnh Công có một giấc mơ kỳ lạ.
Ông mộng thấy một con quỷ đầu bù tóc xõa, mình dài hơn trượng, bộ dạng vô cùng hung dữ xông đến cửa tẩm điện. Con quỷ vừa thấy Cảnh Công liền vỗ ngực giậm chân hét lên rằng: “Con cháu ta có tội lỗi gì mà nhà ngươi giết hại? Ta đã báo cáo lên Thiên Đế, nay Thiên Đế phê chuẩn cho ta đến tìm ngươi báo thù!”
Nói xong, con quỷ đấm vỡ cánh cửa lớn của tẩm điện rồi xông vào định bắt lấy Cảnh Công. Cảnh Công hoảng sợ đến mức hồn vía lên mây, vội vàng chạy trốn vào trong phòng.
Con quỷ lại giơ nắm đấm thép giáng mạnh xuống khiến toàn bộ cung điện đổ sụp, trong chớp mắt chỉ còn lại Cảnh Công đứng trơ trọi giữa đống đổ nát hoang tàn. Con quỷ lại vươn móng vuốt gầm lên một tiếng: “Ta đến lấy mạng nhà ngươi!”
Cảnh Công hét to lên rồi choàng tỉnh, trán đầm đìa mồ hôi, trống ngực đập thình thịch không sao bình tĩnh lại được.
Sáng sớm hôm sau, người ta thấy một cỗ xe ngựa chạy như bay về nơi mà ngày nay là thôn Trù Tang, thành phố Linh Bảo, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Người ngồi trên xe ngựa là sứ giả của Tấn Cảnh Công, nay được phái đi mời thuật sĩ. Vị thuật sĩ này nổi tiếng nhờ có tài bói mộng. Xe ngựa rất nhanh đã đến đất Tang Môn, đưa thuật sĩ đến cung điện của Cảnh Công.
Thuật sĩ vừa nhìn thấy Cảnh Công liền nói ra tất cả. Ông chắp tay kính cẩn, khom lưng cúi mình, rồi kể lại một lượt mọi cảnh tượng trong mộng, khiến người ta có cảm giác như ông đang ở bên ngoài quan sát cảnh mộng vậy.
Cảnh Công vừa kinh ngạc vừa vui mừng, kinh ngạc vì thuật sĩ quá kỳ tài, vui mừng vì bản thân đã tìm được cao nhân rồi. Cảnh Công liền hỏi: “Vậy giấc mộng đó có ý nghĩa gì?”
Thuật sĩ thấy ánh mắt đầy mong đợi của Cảnh Công, liền thở dài một tiếng đáp rằng: “Đáng tiếc là cả đại vương và tiểu dân đều không kịp ăn lúa mạch mới thu hoạch năm nay rồi”.
Cảnh Công đăm chiêu suy nghĩ: “Gã thuật sĩ này nói vậy chẳng phải là ám chỉ rằng ta sắp chết hay sao?”
Càng nghĩ ông lại càng tức giận: “Hừ, nhà ngươi đúng là kẻ đồng cốt lừa đảo, trí trá gạt người! Ta đây có thể lấy mạng nhà ngươi bất cứ lúc nào, nhưng ngươi mà chết thì quá ư tầm thường. Còn ta đường đường là một quân vương, sao có thể chết được? Ngươi không kịp ăn lúa mạch mới thì chỉ là chuyện thường thôi, còn ta đây ăn đủ thứ mĩ vị sơn hào, thân thể vô cùng cường tráng, sao ngươi dám dựa vào một giấc mộng mà phán ta sắp chết?”
Cảnh Công chỉ muốn bắt gã thuật sĩ đánh cho một trận nhừ tử, nhưng cuối cùng ông vẫn kìm nén được cơn giận, chỉ ban cho thuật sĩ chút phần thưởng mọn rồi cho đi.
Bẵng đi một thời gian, Cảnh Công đã dần dần quên đi cơn ác mộng. Mãi đến vài tháng sau khi vụ mùa đã chín, có người dâng vật phẩm tiến cống lên triều đình. Cảnh Công ngửi mùi lúa mạch liền đột nhiên nhớ lại lời tiên đoán của vị thuật sĩ hôm xưa. Ông vừa đắc ý lại vừa tức giận: “Nhà ngươi nguyền rủa ta không kịp ăn lúa mạch mới thu hoạch năm nay, vậy lần này ta phải ăn cho nhà ngươi xem!”
Cảnh Công sai nhà bếp làm cơm, đồng thời phái người đưa thuật sĩ vào cung. Thuật sĩ vừa đến, cơm lúa mạch mới cũng chuẩn bị xong rồi, Cảnh Công liền bưng bát cơm lên, thẳng tay chỉ vào mặt thuật sĩ mà rằng: “Coi đây, đây chính là cơm lúa mạch mới năm nay, nhà ngươi dựa vào cái gì mà nói ta không ăn được? Ngươi còn có gì để nói không?”
Thuật sĩ không hé miệng, chỉ lặng lẽ nhìn Cảnh Công.
Cảnh Công vốn dĩ chỉ mong sao thuật sĩ sẽ thừa nhận sai lầm và xin được dung thứ. Nhưng thấy vẻ mặt thuật sĩ bình thản thì ông lại nổi trận lôi đình: “Người đâu, lôi gã đồng cốt bịp bợm này ra chém đầu cho ta!”
Thuật sĩ không hề sợ hãi, chỉ nhìn Cảnh Công với ánh mắt sâu thẳm, khiến Cảnh Công không khỏi cảm thấy nơm nớp trong lòng.
Cảnh Công ngồi xuống cố trấn tĩnh lại. Khi vừa cầm đũa lên ông đột nhiên thấy bụng đau quằn quại, vội chạy vào nhà vệ sinh. Thị vệ đợi bên ngoài nửa tiếng đồng hồ không thấy Cảnh Công ra, liền thấp thỏm tự hỏi: Liệu có phải bệ hạ bị tiêu chảy quá nặng rồi không? Thị vệ lại đợi thêm nửa tiếng nữa nhưng vẫn không thấy Cảnh Công ra ngoài – phải chăng đã xảy ra chuyện gì rồi?
Vừa vào trong kiểm tra, thị vệ liền chết lặng. Thì ra, Cảnh Công đã ngã xuống hố phân rồi.
Có thể thấy vào thời cổ đại, cho dù là chốn cung điện nguy nga thì mọi tiện nghi trong nhà vệ sinh lại không tương xứng với địa vị tôn quý của quân vương. Kết quả là, đám thị vệ và cận thần mỗi người một tay vớt Cảnh Công lên rồi vội vàng mời ngự y đến. Cứu người thì phải khẩn trương mà! Ngự y cố chịu đựng mùi hôi thối, kiểm tra hơi thở và mạch đập của Cảnh Công rồi lắc đầu buồn bã. Kết cục đúng như lời giải mộng của thuật sĩ: Cơm đã dâng lên bàn, nhưng Cảnh Công chưa kịp ăn đã vội vã từ trần. Đây cũng là cái chết kỳ quặc nhất của các đời quân vương trong lịch sử Trung Quốc.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy: Ngay từ thời Xuân Thu đã có những bậc cao nhân kỳ tài, có thể dựa vào mộng mà tiên đoán chính xác chuyện tương lai.
Giải mộng phá án
Theo ghi chép trong “Tấn Thư”, thời Tiền Tần có một bậc cao nhân kết hợp quẻ tượng và phép giải tự để bói mộng.
Bậc cao nhân ấy tên là Phù Dung, em trai của Thiên vương Phù Kiên nước Tiền Tần. Phù Dung không chỉ văn võ toàn tài mà còn tinh thông Dịch học. Trong thời gian Phù Dung đảm nhiệm chức Tư lệ Hiệu úy, ở vùng Kinh Triệu có một Nho sinh tên là Đổng Phong. Đổng Phong đã du học xa nhà ba năm, đến nay mới trở về. Nhưng anh không về thẳng nhà mà rẽ sang nhà mẹ vợ, định bụng sẽ đón thê tử về. Người vợ được gặp lại chồng sau ba năm xa cách thì mừng vui hớn hở, cô bèn chuẩn bị chậu tắm và một chiếc gối mới có hoa văn rất đẹp. Đổng Phong không nỡ khước từ thịnh tình của nàng nên chỉ giả vờ đi tắm gội, sau đó nhân lúc nàng sơ ý anh đã đổi chiếc gối mới vào chỗ vợ nằm.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, Đổng Phong thấy vợ vẫn đang say sưa ngủ, anh liền lay người gọi nàng dậy. Nhưng kỳ lạ chưa, vẻ mặt nàng tựa như không còn sinh khí. Đổng Phong giật mình chấn kinh, lại đưa ngón tay ra kiểm tra mới thấy hơi thở đã tắt, thân thể cũng lạnh cứng từ khi nào. Anh hoảng hốt vén chăn lên, chỉ thấy trên ngực nàng máu đã đông cứng, thì ra vợ đã chết ngay bên cạnh mình rồi.
Đổng Phong đầu óc quay cuồng, ngồi chết lặng trên nền nhà hồi lâu. Anh vợ nhận được tin dữ thì ngờ vực không dám tin vào tai mình: “Cô em gái mới hôm qua vẫn còn nói cười, hôm nay đã ra đi rồi sao? Trong phòng không có dấu vết phá cửa đột nhập, vậy còn ai vào đây nữa?”
Anh vợ liền tóm chặt lấy Đổng Phong rồi lôi đến nha môn tố cáo.
Quan tri huyện nhận được đơn tố cáo, liền phái người đi kiểm tra hiện trường. Sau một hồi xem xét nha môn nhận định rằng Đổng Phong chính là kẻ tình nghi số một. Lý do rất đơn giản: trong suốt ba năm đợi ở nhà mẹ đẻ, vợ Đổng Phong không bị tổn thương dù chỉ một sợi tóc, vậy mà lại ra đi ngay đêm đầu tiên khi chồng vừa về nhà. Hơn nữa, tại hiện trường không có bất cứ manh mối nào cho thấy có kẻ lạ đột nhập. Quan tri huyện cho rằng, hai vợ chồng xảy ra xung đột, Đổng Phong đã giết chết vợ trong cơn giận dữ.
Đổng Phong bị gông cùm xiềng xích nhưng vẫn một mực khẳng định rằng mình oan uổng. Tri huyện liền đập mạnh miếng gỗ xuống bàn: “Đổng Phong, nhà ngươi vẫn còn chưa thành thật khai nhận sao? Nếu không chịu khai, chớ trách bản quan hà khắc!”
Nhưng Đổng Phong vẫn không phục, kiên quyết nói rằng bản thân trong sạch. Tri huyện cười nhạt một tiếng: “Xem ra, nếu bản quan không dùng đến nhục hình thì tên tiểu tử nhà người vẫn không chịu nhận tội”.
Đổng Phong chỉ là một thư sinh quen đèn sách, sao chịu được cực hình trong nhà giam? Anh không còn cách nào khác đành gật đầu nhận tội: “Lão gia, là tôi làm, là tôi đã giết vợ mình”.
Quan tri huyện rất hài lòng, liền bảo Đổng Phong ký tên và ấn dấu tay lên bản khẩu cung. Sau đó bản khẩu cung và hồ sơ vụ án được niêm phong lại và nộp lên cấp trên chờ thi hành án tử.
Tình cờ bộ hồ sơ vụ án rơi vào tay Tư lệ Hiệu úy Phù Dung. Phù Dung cảm thấy có điều bất thường, bèn quyết định sẽ đích thân thẩm vấn phạm nhân.
Phù Dung cẩn thận quan sát phạm nhân một lượt rồi hỏi: “Đổng Phong, hai vợ chồng ngươi cửu biệt trùng phùng nay mới được gặp lại. Đây vốn dĩ là chuyện vui, vì sao vợ đã tận tình chuẩn bị chậu tắm và gối ngủ mà ngươi lại từ chối không dùng?”
Đổng Phong chầm chậm ngẩng đầu rồi kể lại một lượt.
Vào đêm trước khi lên đường về cố hương, anh mơ thấy mình đang cưỡi ngựa băng qua sông, ngựa bơi từ bờ bắc sang bờ phía nam, sau đó lại quay ngược về bắc, rồi lại từ bờ bắc bơi trở về bờ nam. Lần này, con ngựa đến giữa sông thì dừng lại, mặc cho Đổng Phong có quất roi hay la hét thế nào nó vẫn cứ bất động. Đột nhiên, Đổng Phong thấy trên mặt nước lại có hai mặt trời, mặt trời ở bên trái con ngựa tỏa ánh sáng trắng như mồ hôi đầm đìa nhỏ giọt, còn mặt trời ở bên phải con ngựa tỏa ra màu đen nhưng khô khốc không một giọt nước.
Đổng Phong vừa định xem lại khung cảnh kỳ lạ này thì đột nhiên tỉnh dậy. Anh không rõ giấc mơ ám chỉ điều gì, chỉ mơ hồ cảm thấy bất an. Khi Đổng Phong nghỉ trọ ở gần Tây An, giấc mộng ấy lại xuất hiện lần nữa khiến anh cứ nhấp nhổm đứng ngồi không yên.
Sáng sớm hôm sau, anh liền đến gặp một người có tài bói mộng nổi tiếng trong vùng, Người bói mộng nói rằng: “Anh Đổng, anh sắp có nạn lao ngục, muốn bảo toàn tính mệnh thì phải nhớ kỹ: Ngàn vạn lần không được đụng vào gối mới, cũng không được tắm rửa gội đầu”.
Đổng Phong chắp tay cảm tạ rồi rời đi.
Sau đó anh liền đến nhà mẹ vợ. Gặp lại chồng, vợ anh niềm nở đi chuẩn bị chậu tắm và mua cho anh chiếc gối mới. Đổng Phong nhớ lại lời cảnh báo, nên chỉ giả vờ đi tắm cho vợ vừa lòng.
Nhưng rốt cuộc cái họa lao tù vẫn không thể tránh được. Đổng Phong thở dài một tiếng: Chưa nói đến cái họa lao ngục này, mà vợ thì cũng đã chết rồi, thật đúng là “họa vô đơn chí” mà.
Phù Dung nghe xong liền hiểu ra tất cả. Ông bèn sai nha dịch đưa Đổng Phong trở lại phòng giam, sau đó gọi quan tri huyện đến. Phù Dung nói: “Đổng Phong không phải là hung thủ, mà một người tên Phùng Xương mới là kẻ sát nhân”.
Tri huyện dè dặt hỏi lại: “Liệu có phải hạ quan đã bỏ sót manh mối quan trọng nào không?”
Phù Dung lắc đầu: “Không phải, ông không bỏ sót manh mối nào, mà là ta vừa bói ra từ quẻ tượng đó thôi”.
Quan tri huyện ngẩn người một lúc, thầm hỏi trong lòng: Trời đất quỷ Thần ơi, ngài xem quẻ tượng để phá án sao? Vậy tôi dựa vào đâu mà đi bắt hung thủ đây? Nhưng tôi nào dám phản đối chứ, ngài là hiền đệ của Thiên vương, chỉ đứng dưới một người mà trên muôn vạn người, cả thiên hạ đều phải nghe theo ngài. Thôi thì ngài phán thế nào thì là thế nấy, ngài nói rằng toán quái có thể phá án, tôi cũng đành chịu không nói được gì rồi!
Tri huyện dù không tin nhưng vẫn kiểm tra hộ tịch, quả nhiên tìm ra người tên là Phùng Xương, bèn tức tốc ra lệnh bắt nghi phạm về quy án.
Theo lời khai của Phùng Xương, trong ba năm chồng vắng nhà, vợ Đổng Phong thường xuyên qua lại và trở thành nhân tình của anh ta. Hai người đã lên kế hoạch giết chết Đổng Phong để có thể danh chính ngôn thuận thành vợ thành chồng. Cả hai đã bàn bạc và thống nhất với nhau rằng: Trong lúc Đổng Phong đi tắm, Phùng Xương sẽ vào nhà phục sẵn, chờ đến nửa đêm sẽ động thủ giết người. Chiếc gối mới chính là vật chỉ điểm để Phùng Xương tìm ra Đổng Phong trong đêm tối. Nhưng không ngờ Đổng Phong không tắm, cũng không ngủ lên chiếc gối mới, khiến kế hoạch tưởng như vô cùng hoàn hảo ấy lại đổ bể vào phút cuối cùng. Kết quả là Phùng Xương ngộ sát tình nhân, mà nguyên nhân khiến anh ta lầm lẫn chính là chiếc gối mới.
Cổ nhân thường để tóc dài, dù là nam hay nữ thì trong đêm tối cũng từa tựa như nhau. Phùng Xương chưa từng làm chuyện sát nhân, trong màn đêm lờ mờ chỉ dựa vào chút ánh sáng yếu ớt, khó có thể phân biệt người nằm trên giường kia ai là nam là nữ. Anh ta chỉ sờ thấy chiếc gối mới, thế là vội vội vàng vàng rút con dao nhọn đâm vào người đang gối đầu trên đó.
Hung thủ đã nhận tội, tang chứng vật chứng đều rõ ràng, vậy là vụ án Đổng Phong đã tìm ra thủ phạm thực sự.
Quan tri huyện bội phục dập đầu sát đất, nhìn Phù Dung với ánh mắt ngưỡng mộ: “Đại nhân, sao ngài có thể tính ra được vậy?”
Chúng ta hãy xem xem, Phù Dung đã giải mộng thế nào để tìm ra hung thủ?
Phù Dung nói rằng, trong mộng Đổng Phong cưỡi ngựa qua sông, nước sông này đối ứng với quẻ Khảm (☵), bởi vì Khảm đối ứng với hành Thủy trong giới tự nhiên. Con ngựa của Đổng Phong bơi qua sông theo hình chữ Chi (之), đến giữa thì dừng lại bất động. Lúc này Đổng Phong nhìn thấy bóng ảnh phản chiếu hai mặt trời, mặt trời là Thái dương, mà Thái dương lại là quẻ Ly (☲) (Hỏa), đối ứng với cảnh quan tự nhiên. Còn ngựa là quẻ Ly, đối ứng với hình tượng động vật. Chữ Chi (之) có ba nét đối ứng với ba hào biến, do đó quẻ tượng này chính là từ quẻ Khảm biến thành quẻ Ly. Quẻ Ly lại đối ứng với nữ nhân tuổi trung niên, còn quẻ Khảm đối ứng với nam nhân tuổi trung niên. Hai thái dương đại biểu cho tướng “nhất nữ nhị phu” (một nữ hai chồng). Cũng chính là nói, có người thứ ba can thiệp vào cuộc hôn nhân của Đổng Phong.
Lại nói, quẻ tượng của quẻ Khảm là hai hào âm và một hào dương ở giữa (☵), quẻ tượng của quẻ Ly là hai hào dương và một hào âm ở giữa (☲). Thứ tự của chúng trong “Dịch” là quẻ Khảm ở trước, quẻ Ly ở sau. Vậy sau khi biến quẻ, thứ tự sẽ điều chỉnh lại, lúc này quẻ Ly ở dưới, quẻ Khảm ở trên, do đó tổ thành quẻ Ký Tế (|:|:|:).
Năm xưa, Chu Văn Vương vừa bói được quẻ Ký Tế thì bị Trụ Vương bắt giam trong thành Dũ Lý, hữu lễ thì có thể sống, vô lễ liền sẽ chết. Nói cách khác, nếu Đổng Phong cũng là bậc quân tử nho nhã giống như Chu Văn Vương, vậy thì sẽ tai qua nạn khỏi, vụ kiện lần này sẽ tìm ra hung thủ thực sự. Đổng Phong cuối cùng cũng được chứng minh bản thân trong sạch.
Tiếp đó, Phù Dung lại dùng phép tổ tự để phân tích mộng cảnh. Trong giấc mộng, bên trái con ngựa là nước, do đó Thủy (水) bên trái, Mã (馬) bên phải, hợp lại thì chính là chữ Phùng (馮). Hai bên trái phải của con ngựa đều có mặt trời, trên dưới chồng lên nhau thì chính là chữ Xương (昌), do đó hung thủ thật sự tên là Phùng Xương.
Phù Dung đã kết hợp Dịch học và phép tổ tự để giải mộng, từ đó xác lập phương hướng điều tra, rất nhanh đã tìm ra hung thủ. Giấc mộng của Đổng Phong đã cung cấp thông tin chính xác mà chúng ta không ngờ tới, không chỉ dự báo nạn lao ngục và tiết lộ danh tính hung thủ, mà còn cho biết kết quả cuối cùng: Đổng Phong sẽ tránh khỏi bị giam cầm.
Phương pháp bói mộng
Khoa học hiện đại nhận định rằng, mộng là biểu hiện của phản ứng trên lớp vỏ đại não trong khi ngủ, nhưng cơ chế hình thành của giấc mộng là gì thì khoa học vẫn chưa đưa ra câu trả lời. Con người khi ngủ đều nằm mộng, một số giấc mộng bạn có thể nhớ được rõ ràng, nhưng một số giấc mộng bạn sẽ quên sau khi tỉnh dậy.
Cổ nhân cho rằng: con người trong khi ngủ thì tinh thần có thể tương thông với trời đất. Tinh thần câu thông với thiên địa ấy chính là “linh hồn” mà dân gian vẫn gọi. Con người có thân thể và có linh hồn, linh hồn là phần Thần, còn thân thể là phần xác. Phần xác này gắn liền với một thứ linh thể ở tầng thấp, gọi là “phách”. Người xưa nhìn nhận rằng, sau khi cơ thể được hình thành, hồn và phách sẽ tiến nhập vào thân thể. Phách gắn chặt với thân thể, cùng tồn tại song hành với nhục thân, trong khi nguồn gốc của linh hồn lại đến từ tầng thứ khá cao, có thể ly thể. Trong khi con người ngủ, hồn có thể rời khỏi thể xác và tiếp nhận tín tức từ không gian khác.
Phách là linh thể tầng thấp kết hợp cùng với thân thể xác thịt, do đó tư tưởng đến từ phách thiếu sự nhất quán, chỗ này một chút, chỗ kia một chút, vô cùng tạp loạn. Đây cũng là thể nghiệm của đại đa số mọi người khi nằm mộng. Với những người cảm xúc quá nặng hoặc ham muốn quá nhiều, thì tỷ trọng của thể phách sẽ tương đối lớn hơn. Khi nằm ngủ họ sẽ có cảm giác giấc mộng mơ hồ, không rõ ràng, cũng không có ý nghĩa gì.
Nhưng có một loại giấc mộng rất rõ ràng, chính là người nằm mộng thấy một sự việc nào đó, bản thân cũng làm điều gì đó, mọi thứ đều sống động chân thực. Đây không giản đơn là tín tức mà họ nhận được, mà là linh hồn đang chu du đến không gian khác, đích thân trải nghiệm hoặc tham dự vào sự việc nào đó. Một thời gian sau, khi đến một nơi nào đó, nhìn thấy cảnh tượng ở đó, họ sẽ đột nhiên có cảm giác quen thuộc như đã trải qua từ rất lâu rồi. Rất nhiều người trong chúng ta đều từng có thể nghiệm này, bởi đây là điều họ đã từng trải qua trong mộng. Loại mộng cảnh này được gọi là “trực diệp mộng”, nghĩa là bạn mơ thấy gì thì chính là điều ấy.
Thời cổ đại, việc bói mộng có hai nguyên tắc cơ bản là: “Mộng hữu ngũ bất chiêm, chiêm hữu ngũ bất nghiệm”.
“Ngũ bất nghiệm” là chỉ năm loại tình huống không thể bói mộng được chính xác, ví dụ như người bói mộng không đủ tài năng, hoặc không tín tâm vào thuật bói mộng, hoặc không tin quỷ Thần nên không cách nào giải được chính xác.
Còn “ngũ bất chiêm” là chỉ năm tình huống không thể bói mộng được. Bởi vì những giấc mộng này không cung cấp đầy đủ thông tin, giống như giấc mơ đến từ phách mà chúng ta nói bên trên, nó rất tạp loạn, không đủ làm căn cứ để bói mộng được. “Ngũ bất chiêm” gồm có:
Thứ nhất là “thần hồn vị định nhi mộng”, đây là loại giấc mộng do ban ngày suy nghĩ quá nhiều, vậy nên nó không có tính dự báo, cũng không thể giải được.
Thứ hai là “vọng lư nhi mộng”, do trước khi ngủ chủ thể bị hoảng sợ hoặc bị kích thích mãnh liệt, nên ảnh hưởng tới cảnh tượng trong mơ, do đó cũng không thể giải được.
Thứ ba là “ngụ tri hung ách”, nghĩa là ý tứ trong mộng đã quá rõ ràng, không cần giải cũng biết ngụ ý, nếu cố giải thì chính là tiết lộ thiên cơ.
Thứ tư là “mộng nhi vị chung, trung đồ kinh tỉnh”, chính là đang mơ giữa chừng thì tỉnh lại, hoặc bị người khác đánh thức giữa chừng, hoặc bị thanh âm bên ngoài tác động làm thay đổi cảnh tượng trong mơ, mộng như vậy cũng không thể giải được.
Thứ năm là “tỉnh hậu vong dật”, nghĩa là sau khi tỉnh lại chỉ có thể nhớ được một phần, nhưng lại thiếu rất nhiều thông tin mấu chốt, không cách nào giải mộng chuẩn xác.
Khoa học cổ đại đã tổng kết ra rất nhiều phương pháp bói mộng, ví dụ như “trực giải chiêm mộng”, chính là bạn mơ thấy gì thì chính là thứ đó. Bên cạnh đó còn có phép hài âm, ví dụ như mộng thấy quan tài thì được làm quan, vì chữ Quan (棺) trong ‘quan tài’ đồng âm với chữ Quan (官) trong ‘làm quan’. Lại có phép giải ngược, ví dụ như mộng thấy khóc thì được cười, mộng thấy chết thì được sống. Ngoài ra còn có phép “giải tự”, phép “quan liên tượng trưng”, liên hệ giữa quẻ tượng và mộng cảnh, đồng thời vận dụng Chu Dịch để bói mộng, v.v.
Giấc mộng theo tâm lý học Tây phương
Không chỉ riêng phương Đông mà ở phương Tây cũng có rất nhiều học giả dày công nghiên cứu về giấc mộng. Trong đó nổi tiếng nhất là nhà tâm lý học Sigmund Freud với cuốn trước tác trứ danh về Mộng học: “Interpretation of Dreams”.
Freud cho rằng mơ ngủ là phương thức hoạt động tinh thần để thực hiện nguyện vọng của bản thân, chứ hoàn toàn không có tác dụng dự báo tương lai. Chúng ta hãy nói về một trường hợp giải mộng của S. Freud dưới đây.
Vị khách được Freud giải mộng là một cô gái trẻ có tên tiếng Trung là Y Lâm. Y Lâm từng mộng thấy con trai út của chị gái cô vừa mới qua đời. Trong tang lễ của cháu trai, Y Lâm nhìn thân thể bé nhỏ của cậu bé nằm trong chiếc quan tài, xung quanh thắp nến thành vòng tròn. Sau khi tỉnh dậy, Y Lâm cảm thấy thấp thỏm bất an, bởi vì chị gái cô có hai con trai, đứa lớn đã qua đời, đến nay chỉ còn lại đứa nhỏ. Y Lâm vẫn thường bế ẵm cháu và chăm sóc cậu bé như con đẻ của mình vậy. Nhưng tiếc là đứa trẻ nhiễm bệnh rồi qua đời. Chị gái cô chỉ còn lại đứa con trai út, đương nhiên Y Lâm luôn hy vọng cậu bé sẽ khỏe mạnh trưởng thành. Vậy mà cô lại mơ thấy cậu bé qua đời. Giấc mộng này khiến cô luôn dằn vặt, cảm thấy bản thân đầy tội lỗi: Chẳng lẽ cô lại xấu xa đến vậy? Sao cô lại muốn cháu trai bé nhỏ chết đi cơ chứ?
Càng suy nghĩ Y Lâm lại càng tự trách, càng tự trách lại càng thêm suy nghĩ, tư tưởng bị giam hãm trong đó mãi không thể thoát ra được.
Để tìm ra ý nghĩa của giấc mộng này, Freud bèn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của Y Lâm. Vì cha mẹ mất sớm, Y Lâm từ nhỏ đã dựa vào chị gái. Hai chị em cách nhau nhiều tuổi, vì thế chị gái cũng chăm lo cho cô từng li từng tí như một người mẹ vậy.
Khi Y Lâm đến tuổi trưởng thành, cô đem lòng yêu một vị giáo sư trẻ tuổi. Nhưng đôi bạn trẻ vấp phải sự phản đối của chị gái nên không thể tiến đến hôn nhân. Y Lâm dù rất nặng tình nhưng vẫn buộc lòng phải chia tay, còn chàng trai cũng không còn là vị khách thường xuyên đến thăm nhà như trước nữa. Sau này, hai người chỉ gặp lại một lần duy nhất trong tang lễ của cháu trai lớn.
Từ bối cảnh cuộc sống của Y Lâm, Freud cho rằng giấc mơ hoàn toàn không ám chỉ rằng cô hy vọng cháu trai mình phải chết. Mà kỳ thực, Y Lâm vẫn còn tình cảm sâu đậm với bạn trai cũ, trong lòng không ngừng khát khao có ngày được gặp lại, do đó hình ảnh tang lễ trong giấc mộng là xuất phát từ hy vọng bạn trai cũ sẽ xuất hiện trở lại.
Freud chia hoạt động tinh thần của con người thành ba loại: bản ngã, tự ngã, và siêu ngã.
Bản ngã (Id) là hoạt động tinh thần sản sinh ra để thỏa mãn dục vọng cảm quan của thân thể.
Siêu ngã (Superego) là tư duy mà con người kiến lập trên cơ sở văn minh, như luân lý đạo đức, tôn giáo và pháp luật.
Còn tự ngã (Ego) là thứ ở giữa bản ngã và siêu ngã, duy trì sự cân bằng lý tính.
Freud cho rằng, bản ngã hoàn toàn ẩn giấu trong lúc vô ý thức, là thứ mà bình thường chúng ta không ý thức tới, chỉ trong mộng mới tiết lộ một chút manh mối. Khi tự ngã của lý tính chịu áp lực quá lớn từ bản ngã (dục vọng) và siêu ngã (đạo đức), thì ý thức sẽ khởi động cơ chế phòng ngự, mà ngụy trang chính là phương thức tốt nhất vừa để thực hiện nguyện vọng lại phù hợp với sự thẩm tra đạo đức. Điều ấy giải thích vì sao nguyện vọng gặp lại bạn trai của Y Lâm lại được ngụy trang thành giấc mộng về tang lễ của cháu trai.
Tuy nhiên, một bậc thầy tâm lý học khác là Carl Gustav Jung lại không tán đồng với cách giải thích của Freud. Carl Jung cho rằng lý luận của Freud không giải thích được những giấc mộng có khả năng dự báo. Ông cho rằng giấc mộng là hiện tượng tự nhiên chứ không phải là cách ngụy trang để thực hiện nguyện vọng. Nghiên cứu về lĩnh vực này, Carl Jung đã phát triển một trường phái mới gọi là tâm lý học phân tích (analytical psychology), đưa ra góc nhìn mới khác hẳn với quan điểm của Freud.
Kỳ thực, khi Freud cho rằng giấc mơ là để thực hiện nguyện vọng, và rằng bản ngã bị dẫn động bởi dục vọng, thì loại giấc mơ ấy chính là hoạt động tư tưởng của phách mà chúng ta đã nhắc đến bên trên.
Phách là loại linh thể tầng thấp kết hợp cùng với nhục thể, nó không phải là cái tôi căn bản, hơn nữa còn là chướng ngại đối với linh quang trí huệ của con người. Do đó những giấc mộng đến từ phách hoàn toàn không có năng lực dự báo tương lai. Tuy nhiên, vì khoa học hiện đại vẫn chưa đủ để giải thích căn nguyên giấc mộng, nên mới dẫn đến những ý kiến bất đồng như hai quan điểm của Freud và Jung trên đây.
Ngược lại, khoa học cổ đại của phương Đông rất phát triển, cổ nhân có thể tìm ra quy luật từ những giấc mơ, thông qua mộng cảnh mà dự đoán tương lai. Người ngày nay bị hạn cuộc trong cái khung của khoa học hiện đại, không thể lĩnh hội được trí huệ của tiền nhân, do đó họ chỉ coi thành tựu của khoa học cổ đại là huyền học, dừng lại trong suy nghĩ bay bổng mà thôi.
Bạn thân mến, có lẽ bạn đã từng có những giấc mơ rất sống động, chân thực, hoàn toàn không giống như ảo ảnh. Vậy thì xoay trở lại mà nói, cái gọi là hiện thực mà chúng ta cảm nhận thấy, có khi nào lại chỉ là giấc mơ?
Theo Wen Zhao Studio
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam