Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.
Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có một đoạn ghi lại thế này: Gia Cát Lượng lần thứ năm Bắc phạt, đang lúc cùng quân Ngụy giằng co, thì chủ soái Tư Mã Ý của quân Ngụy trốn đánh không ra. Vì để phá vỡ cục diện bế tắc, Gia Cát Lượng liên tục vắt óc suy nghĩ sách lược phá địch. Trong một lần trinh sát, ông phát hiện Thượng Phương Cốc (hang Hồ Lô) có địa hình đặc thù tựa như chiếc túi, vì vậy đã bảo Ngụy Duyên thống lĩnh đại quân giả vờ bại trận, dẫn dụ Tư Mã Ý đi sâu vào trong hang. Bên trong hang trước đó đã bố trí rất nhiều củi đốt, lại lấy gạch đá vụn và bố trí đội quân hùng hậu chặn ở ngoài hang, khiến đại quân của Tư Mã Ý thiệt hại nặng nề. Nếu không có một trận mưa rơi xuống đúng lúc cứu Tư Mã Ý, thì e là lịch sử Tam Quốc đã phải viết lại.
Mấy trăm năm sau vào thời Bắc Tống, tướng Dương Diên Chiêu ở khu vực tỉnh Hà Bắc hiện nay cũng đã bày ra Khẩu Đại Trận (hay trận chiếc túi) đánh bại đại tướng Hàn Xương của nước Liêu, dường như tái hiện lại đoạn sử thi anh hùng đầy ngoạn mục kia.
Chiến dịch Bãi Cát Vàng đã khiến cha con nhà họ Dương cùng tướng sĩ tử thương gây ra tổn thất nặng nề (xem lại bài Dương Diên Chiêu truyền kỳ (1): Trời xanh phân rõ người trung kẻ gian), từ đó về sau Dương Diên Chiêu kế thừa chí nghiệp của phụ thân, bảo vệ biên ải. Ông chiêu binh mãi mã, lần lượt thu phục những hào kiệt địa phương như Mạnh Lương, Tiêu Tán, Dương Hưng, Nhạc Thắng, trong nhiều chiến dịch đã đẩy lùi sự xâm phạm của nước Liêu. Ở phía bên kia, đại tướng Hàn Xương của nước Liêu sau nhiều lần thua trận trước Dương Diên Chiêu, rất không cam tâm, mỗi ngày đều luyện binh chăm ngựa từ sáng sớm đến tối mịt, chuẩn bị xâm lược trở lại.
Một ngày nọ, Dương Diên Chiêu nhận được tin tình báo quân Liêu sắp tập kết mười vạn đại binh để xâm chiếm Toại Thành, bèn tìm các vị tướng sĩ đến để thương thảo đối sách. Nhưng binh lực của hai nước Tống Liêu chênh lệch rất nhiều. Binh sĩ tiền tuyến của Bắc Tống thì yếu kém, trong thời gian ngắn chỉ có thể triệu tập được hơn một vạn binh sĩ. Dương Diên Chiêu quyết định để Mạnh Lương, Tiêu Tán ở lại trấn thủ đại bản doanh, tự mình dẫn theo Dương Hưng, Nhạc Thắng đem theo hơn một vạn binh mã tiến về hướng Toại Thành.
Trên đường đi qua phía Tây của thành thì gặp một sơn cốc, thấy địa hình nơi đây giống một cái túi, Dương Diên Chiêu có chút đăm chiêu trong lòng. Sau khi suy tư một lúc, ông để lại Dương Hưng, Nhạc Thắng và năm nghìn binh mã, dặn bọn họ bố trí cạm bẫy, lấy pháo hiệu làm lệnh. Chỉ cần đại quân của nước Liêu tiến vào sơn cốc này, liền khởi động cạm bẫy ứng chiến.
Dương Diên Chiêu tự mình dẫn năm nghìn binh mã còn lại tới Toại Thành trấn thủ. Không lâu sau đó, Hàn Xương dẫn đại quân tiến tới dưới thành khiêu chiến. Dương Diên Chiêu xuất quân ra khỏi thành nghênh chiến. Nhân số quân Tống tuy bất lợi, nhưng năm nghìn nhân mã này đồng lòng nhất trí, hành quân bày trận gọn gàng có trật tự, đối mặt với sức công phá mạnh mẽ của đại quân Hàn Xương mà vẫn lấy một địch mười, đánh lâu mà lực lượng vẫn bảo toàn không tổn thất. Hàn Xương thấy thế âm thầm bội phục. Cứ như vậy đánh nhau cả một ngày, hai bên giằng co mãi không xong, đành phải phát hiệu thu binh.
Hôm sau song phương lại giao chiến, Hàn Xương vừa thấy Dương Diên Chiêu, liền lao ra khỏi hàng ngũ hướng Dương Diên Chiêu đánh tới. Dương Diên Chiêu cũng cưỡi ngựa trắng giơ thương nghênh đón. Hàn Xương đột nhiên vung thương Đại Xoa lên, hô lớn: “Xem chiêu! Lực của ta chẻ Hoa Sơn!” Dương Diên Chiêu tiếp được thương này, nói: “Hàn Xương! Lâu ngày không gặp, võ nghệ có chút tiến bộ!”
Tiếp theo, Hàn Xương lại liên tục đưa ra mấy chiêu nhưng đều bị Dương Diên Chiêu phá giải hết. Hai bên người tới ta lui, đánh nhau vô số hồi nhưng vẫn không phân được thắng bại. Tới lúc mặt trời lặn, Dương Diên Chiêu hạ lệnh phát hiệu thu binh, quay ra đại quân của Hàn Xương mà nói: “Ngày mai chiến đấu tiếp!”
Tới ngày thứ ba, hai người lại giao phong, nhưng khai chiến không bao lâu Dương Diên Chiêu lui về phía sau, giống như muốn kéo dài chiến cuộc. Hàn Xương sốt ruột cầu thắng, hạ lệnh cho toàn quân xuất binh tấn công thành. Nhưng Dương gia tướng sĩ phòng ngự kiên cường, quân Liêu nhiều đợt tiến công nhưng đều thất bại, tổn thất thảm trọng, chỉ đành tạm thời thoái lui. Mấy ngày sau đó, Hàn Xương nhiều lần khiêu chiến, nhưng Dương Diên Chiêu đều đóng cửa thành không ra.
Mấy ngày sau, Dương Diên Chiêu nhận được tin Nhạc Thắng ở sơn cốc đã chuẩn bị ổn thỏa, vì thế dẫn quân xuất chiến. Sau khi Hàn Xương biết tin quân Tống đột nhiên tiến công tới, cũng dẫn quân xuất trận, lại cùng Dương Diên Chiêu đánh nhau. Cũng giống như mấy lần trước, hai bên người tới ta lui, bất phân thắng bại. Nhưng Dương Diên Chiêu lại lộ rõ bộ dạng mệt mỏi, sơ hở chồng chất. Hàn Xương liên tục xuất ra mấy thương, Dương Diên Chiêu tiếp được nhưng đã có chút vất vả, nói: “Hàn Xương! Không đánh nữa! Ngày mai lại đánh tiếp!” Nói xong liền chạy về hướng Toại Thành. Hàn Xương nói: “Sớm biết ngươi sẽ như thế!” Một đội kỵ binh dàn trận ngăn đường về thành của Dương Diên Chiêu, nhưng Dương Diêu Chiên không mạnh mẽ đột phá, mà lại vừa đánh vừa lùi, thuận thế rút chạy về hướng Tây.
Khéo bày diệu kế dụ địch vào cốc
Hàn Xương dẫn đại quân vội vàng đuổi theo, cứ như vậy một đường đuổi tới cửa cốc chật hẹp. Lúc này tướng Kim Cáp Đạt của quân Liêu từ xa nhìn lại, nhắc nhở Hàn Xương: “Thủ lĩnh, tôi thấy cốc này sâu không thấy đáy, hai bên chật hẹp, Dương Lục Lang túc trí đa mưu, e rằng ở đây có mai phục”.
Hàn Xương nói: “Ngu ngốc! Ta đã biết trước rồi, ở Toại Thành sớm cử người đi thăm dò, bên trong thành đồn rằng Dương Lục Lang bệnh cũ tái phát, Toại Thành khó thủ, hắn ta sớm đã chuẩn bị thoái binh tới thủ ở sơn cốc này. Chúng ta người đông, nhân lúc hắn đang mang bệnh mà tranh thủ bắt lấy hắn. Sau này Toại Thành, Bảo Châu đều là của ta”.
Lúc Hàn Xương vừa đến cửa cốc, nhìn thấy Dương Diên Chiêu vứt ngựa đi bộ, lại phải nhờ hai binh sĩ dìu đỡ. Hàn Xương nhìn thấy vô cùng mừng rỡ nói: “Dương Diên Chiêu sắp không được nữa rồi. Các binh sĩ mau tiến lên, ai bắt được hắn sẽ được trọng thưởng!” Hàn Xương dẫn theo đại quân xông vào trong cốc. Dương Diên Chiêu thấy Hàn Xương đuổi tới, bèn để binh sĩ rời đi trước, tự mình ở lại dụ địch vào sâu hơn.
Hàn Xương một người một ngựa đi trước, dẫn theo kỵ binh nhanh chóng đuổi tới, nhưng càng chạy càng cảm thấy kì quái. Vì sao Dương Lục Lang nhìn thì như đi chậm, mà kỵ mã của ta lại đuổi không kịp? Hàn Xương không nghĩ nhiều, tiếp tục truy đuổi. Nhưng cự ly với Dương Diên Chiêu gần nhất cũng chỉ được một tầm tên bắn, chưa lúc nào tiến được gần hơn. Lúc này Hàn Xương quay đầu nhìn lại, vì con chiến mã Sư Hống Thú của hắn không phải tầm thường nên đã chạy cách đám quân sĩ đằng sau một đoạn rất xa, Hàn Xương chỉ còn cách tạm dừng, chờ các quân sĩ phía sau đuổi theo. Nhưng chỉ mới dừng một chút, quay lại nhìn đã không thấy bóng dáng Dương Lục Lang đâu.
Lúc này hắn lại phát hiện một khu vực tràn ngập lều trại, Hàn Xương nghĩ: “Đây khẳng định là doanh trại trữ lương thảo, Dương Lục Lang thật khinh suất, chỉ lo chạy trốn, lương thảo cũng không cần”, liền dẫn theo quân sĩ tiến nhập doanh trại, lệnh cho quân sĩ vận chuyển chiến lợi phẩm. Nhưng sau khi kiểm tra, quân sĩ hồi báo: “Thủ lĩnh, bao lương trong lều đều nhét đầy cỏ khô, nơi nào cũng chất đầy củi lửa vẩy dầu khắp nơi”. Trực giác của Hàn Xương bèn phản ứng: “Không xong! Trúng kế rồi! Mọi người mau rút!”
Lúc này chỉ nghe một tiếng pháo vang! Từ phía sườn núi hỏa tiễn cùng phóng, bắn vào trong doanh, cả khu doanh trại lập tức biến thành một biển lửa. Hỏa tiễn, đá lăn, khúc cây phô thiên cái địa mà lao tới. Chỉ trong chốc lát lửa đã tràn ngập sơn cốc. Chỉ thấy Dương Diên Chiêu, Nhạc Thắng xuất hiện ở giữa sườn núi. Dương Diên Chiêu hô: “Hàn Xương, lần này ngươi chắp cánh cũng không thể bay! Còn không chịu trói ra hàng!”
Hàn Xương lúc này mới bừng tỉnh đại ngộ: Thì ra tin tức Dương Diên Chiêu lúc trước bại trận chạy trốn rồi bệnh cũ tái phát đều là giả. Nhưng đại quân đã rơi vào tuyệt địa trong cốc, Hàn Xương chỉ còn cách dẫn theo tàn quân chạy hết tốc lực tới cửa cốc phá vây. Nhưng lúc này tiền phong và hậu phương của quân Liêu dồn lại thành một khối, khó có thể tiến lên phía trước. Mà tướng sĩ quân Tống lại dựa vào địa lợi, loạn tiễn, cơ quan bẫy rập đồng thời phóng ra. Quân Liêu bị tên bắn rồi giẫm đạp lên nhau, kêu khóc rợp trời dậy đất, tổn thất thê thảm. Tám, chín phần mười đều chết trận hoặc đầu hàng. Trải qua một phen huyết chiến, Hàn Xương rốt cuộc cũng chạy được tới cửa cốc, lúc này hắn cười nói: “Dương Lục Lang cẩn thận mấy cũng có sai sót, không vây chặt cửa cốc, để ta trốn được ra rồi”.
Giặc cùng đường chớ truy, người quay về chớ bức
Tuy nhiên, ngay lúc hắn vừa cười to xong, tại rừng cây gần cửa cốc gặp phải quân của Dương Hưng. Dương Hưng nói: “Hàn Xương! Ta phụng mệnh Nguyên soái ở nơi này chờ đợi đã lâu, không vây chặt cửa cốc là để không cho người cùng đường liều chết. Hôm nay ngươi có cánh cũng không thể bay, ngoan ngoãn đầu hàng đi!”
Lúc này phần lớn quân Liêu đã mất đi ý chí chiến đấu, người người đứng ngây tại chỗ không thể nhúc nhích. Tướng quân Liêu là Kim Cáp Đạt thấy thế, xông lên nghênh chiến, hắn hô: “Thủ lĩnh, ta ngăn chặn bọn chúng, người mau chóng phá vây đi!” Sau khi Dương Hưng và Kim Cáp Đạt đối chiến mấy chục hiệp, Kim Cáp Đạt bị Dương Hưng đâm rơi xuống ngựa. Mà Hàn Xương nhân lúc có khoảng trống, cưỡi Sư Hống Thú dẫn theo tàn quân chạy về phía Bắc. Lúc này Dương Diên Chiêu và Nhạc Thắng cũng tới chỗ rừng cây gần cửa cốc. Dương Hưng nói: “Nguyên soái, quân Liêu đã mệt mỏi không chịu nổi, lúc này dẫn quân đuổi theo nhất định có thể bắt giết Hàn Xương”. Nhưng Dương Diên Chiêu đáp: “Trong quân Liêu có dũng tướng, có câu: ‘Giặc cùng đường chớ truy, người quay về chớ bức’. Thiên ý chưa diệt Liêu. Như thế này chiến trận xong, biên ải có thể an ổn một thời gian rồi”. Dứt lời Dương Diên Chiêu hạ lệnh thu binh quay về.
Sau chiến dịch này, đối với quân Liêu đầu hàng Dương Diên Chiêu đối xử rất khoan dung. Ông hạ lệnh thẩm vấn từng hàng binh, chỉ cần chưa từng phạm tội làm hại người dân, thì có thể theo ý nguyện của họ mà đưa vào trong quân hoặc phóng thích. Những kẻ phạm tội thì bắt đi lao dịch, khai khẩn đất nông nghiệp. Tới lúc nông nhàn thì để quan viên văn hóa trong quân chỉ bảo cho họ thi thư, để những người này có thể tiếp thụ sự giáo hóa nhân nghĩa của văn minh truyền thống Trung Hoa, hy vọng Tống Liêu trong tương lai có thể thực sự hòa bình.
Còn câu chuyện anh hùng Dương Diên Chiêu khéo bày trận Khẩu Đại, tái hiện chiến dịch Thượng Phương Cốc kinh điển thời Tam Quốc, lấy một vạn binh lực đánh bại mười vạn đại quân của Hàn Xương, đã được nhiều thế hệ người dân ở địa phương lưu truyền về sau.
Tư liệu tham khảo:
Dương gia tướng Mục Quế Anh truyền thuyết – Nhà xuất bản mỹ thuật nhiếp ảnh Bắc Kinh – Xuất bản năm 2015 – Cao Tuyết Tùng sưu tập chỉnh lý.
Dương gia tướng ngoại truyện – Nhà xuất bản thiếu niên nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986 – Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/284486
Ngày đăng: 04-11-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org