Một góc tranh thời Thanh “Hoàng đế Ung Chính đàn tế Thần Nông” .(Miền công cộng)
Trong văn hóa Trung Hoa có một bộ sách quan trọng “Chu Lễ”, tương truyền là tác phẩm do Chu Công viết, những phong tục chúng ta biết ngày nay như hôn lễ, tang lễ đều bắt nguồn từ “Chu Lễ”.
“Chu Lễ” ghi chép 5 loại lễ nghi: Cát, Hung, Quân, Tân, Gia (lễ tế tự, tang táng, quân đội, tân khách, hôn nhân), đặt hàng đầu trong 5 loại lễ là Cát lễ, Cát lễ chủ yếu giảng về tế tự của người đối với Thần linh, ‘Quốc chi đại sự, tại tế dữ nhung’- nghĩa là việc quan trọng nhất của quốc gia đó là tế tự và quân sự.
Cổ nhân tin rằng, vạn sự vạn vật trong thế gian đều do các vị Thần khác nhau cai quản, như Thần Đất, Thần Sông, Thần Núi…
Cổ ngữ nói: ‘Lễ thừa Thiên Đạo dĩ trị nhân tình’, nghĩa là: Lễ chỉ là để tiếp nhận Đạo của Thiên Thượng mà trị lý trật tự trong nhân gian mà thôi, trật tự chốn nhân gian đều tuân theo Thiên Thượng an bài, nên đầu tiên phải biểu đạt sự kính trọng đối với Trời.
Rất nhiều điển lễ tế tự Thần linh từ thời nhà Chu được duy trì đến thời nhà Thanh, ví dụ ngày nay chúng ta vẫn còn thấy như: Thiên đàn phía nam Tử Cấm Thành thời Minh, Thanh, dùng tế Trời vào ngày Đông chí; phía bắc Tử Cấm Thành có Địa đàn, dùng tế Đất vào ngày Hạ chí, phía đông Tử Cấm Thành có Nhật đàn, tế mặt trời vào ngày Xuân phân; phía tây Tử Cấm Thành có Nguyệt đàn, tế mặt trăng vào ngày Thu phân.
Trừ việc cúng tế Thần linh trong thời quốc thái dân an, khi gặp tai họa như hạn hán, lụt lội, nạn châu chấu, ôn dịch, Thiên tử cần tiến hành lễ tế, còn cần tự mình tiết giảm ăn uống, trai giới, phản tỉnh bản thân, xem xem đức hạnh có điều gì thiếu sót mà dẫn đến Thượng Thiên giáng tội trừng phạt.
Ngoài việc tế tự là nghi lễ quan trọng để chỉnh lý lại trật tự của người và thiên nhiên, “Chu Lễ” còn thể hiện ở kiến trúc thượng tầng của chế độ xã hội, “Chu Lễ” nguyên gọi là “Chu quan”, trong đó phân việc trị lý quốc gia làm sáu bộ phận: Thiên quan, Địa quan, Xuân quan, Hạ quan, Thu quan, Đông quan, bên dưới sáu loại quan viên đó lại phân thành sáu mươi loại quan nhỏ, nên tổng cộng lại có ba trăm sáu mươi vị, là vừa một vòng tuần hoàn Chu Thiên.
Chế độ sáu quan trong “Chu Lễ” có ảnh hưởng sâu rộng đến hậu thế, hậu thế dựa vào đây làm cơ sở để hình thành lên chế độ ba tỉnh sáu bộ, áp dụng suốt từ thời Tùy Đường cho đến tận thời nhà Thanh.
Như Thiên quan được hậu thế gọi là bộ Lại, Địa quan gọi là bộ Hộ, Xuân quan là bộ Lễ, Hạ quan là bộ Binh, Thu quan hậu thế gọi là bộ Hình, Đông quan là bộ Công.
Bộ Lại chủ quản việc tuyển chọn, đề bạt, khảo hạch quan viên, bộ Hộ phụ trách việc hộ tịch, thu thuế, bộ Lễ phụ trách việc tế tự, giáo dục, bộ Binh quản việc quân sự, bộ Công phụ trách việc kiến trúc xây dựng.
Ngày nay rất nhiều các cơ quan chức năng của xã hội đều có nguồn gốc từ sáu bộ này, ví dụ bộ Dân chính là có nguồn gốc từ bộ Hộ, giống như các bộ Giáo dục, bộ Thông tin, bộ Ngoại giao đều thuộc về bộ Lễ ngày xưa. Bộ Quốc phòng thuộc bộ Binh, Công an, Viện kiểm sát, Tư pháp thuộc bộ Hình, các bộ Kiến thiết, Giao thông, Thủy lợi của chúng ta ngày nay là thuộc bộ Công xưa.
Ngoài chế độ xã hội có ảnh hưởng sâu rộng đến hậu thế, về mặt kiến thiết quốc thổ cũng có ảnh hưởng lớn. Phần trước chúng ta đã nói ‘Cư thiên hạ chi trung giả viết Trung Quốc’ (Trung Quốc nằm ở trung tâm thiên hạ), danh từ Trung Quốc không đơn thuần chỉ là một khái niệm địa lý, mà hơn nữa đó là một khái niệm về văn hóa, bởi vì trên Thiên Thượng có sao Bắc Cực nằm ở vị trí trung tâm, các sao quần tụ xung quanh, người ta cho rằng đó là nơi ở của Thiên Đế, khu vực của sao Bắc Cực được gọi là chòm sao Tử Vi, cho nên nơi ở của Hoàng đế trên mặt đất đối ứng với chòm sao Tử Vi trên Thiên Thượng, thời Tùy Đường gọi là Tử Vi cung, thời Minh Thanh gọi là Tử Cấm Thành.
Trong “Chu Lễ” viết: Thiên tử thiết lập vương thành trong thiên hạ, vùng ngoài 500 dặm gọi là Hậu phục, xa tiếp 500 dặm nữa gọi là Điền phục, xa tiếp 500 dặm nữa gọi là Nam phục, tiếp 500 dặm nữa gọi là Thái phục, xa tiếp 500 dặm gọi là Vệ phục, xa hơn nữa thì gọi là các địa phương Man Di, còn xa hơn nữa gọi là Trấn phục, bên ngoài xa nhất gọi là Phiên phục, giống như hàng rào bờ giậu, là nơi xa xôi nhất.
Nhìn từ hình thức thì Thiên Tử nằm ở vị trí trung tâm, các chư hầu tụ quanh Thiên Tử thành từng vòng từng lớp. Loại hình thức kiến trúc này hoàn toàn tương tự như thành Bắc Kinh ngày nay, bắt đầu từ trung tâm thành phố, tiếp theo đó là hai, ba, bốn, năm vòng xung quanh cứ thế triển khai ra, các thành phố khác cũng tương tự như vậy.
Cho nên, từ mối quan hệ sâu sắc giữa Thiên Thượng và nhân gian, chế độ xã hội, cho đến kiến thiết thành thị cùng rất nhiều phương diện khác, “Chu Lễ” đã chế độ hóa những trật tự đó, có ảnh hưởng đến ngàn năm văn hóa Trung Hoa.
Nhã Lan – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
NTD Việt Nam