Là một sản phẩm tẩy rửa, nước rửa chén được ưa chuộng không chỉ nhờ khả năng loại bỏ dầu mỡ mà còn nhờ giá thành tương đối rẻ. Tuy nhiên, một số người nói rằng sử dụng nước rửa chén trong thời gian dài có thể gây hại cho tay, thậm chí gây đau dạ dày hoặc ung thư. (Marco Verch Professional Photographer flickr – CC BY 2.0 DEED)
Là một sản phẩm tẩy rửa, nước rửa chén được ưa chuộng không chỉ nhờ khả năng loại bỏ dầu mỡ mà còn nhờ giá thành tương đối rẻ. Tuy nhiên, một số người nói rằng sử dụng nước rửa chén trong thời gian dài có thể gây hại cho tay, thậm chí gây đau dạ dày hoặc ung thư. Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng nước rửa chén tương đối an toàn, vậy quan điểm nào đúng?
1. Sử dụng nước rửa chén lâu dài có thực sự gây ung thư?
Các vấn đề của nước rửa chén không đạt tiêu chuẩn chủ yếu là khả năng khử nhiễm không đủ, hoạt chất không đạt tiêu chuẩn, nồng độ formaldehyde quá cao… Hai khía cạnh đầu tiên sẽ không gây hại gì cho cơ thể, nhưng hàm lượng formaldehyde quá mức thực sự có hại cho con người.
Formaldehyde có thể gây ngộ độc cấp tính. Người bị nhiễm độc có thể biểu hiện các triệu chứng như hắt hơi, ho và cảm giác nóng rát ở cổ họng; nếu vô tình nuốt phải, nó có thể gây bỏng và ăn mòn hệ tiêu hóa; khi tác động lên da, nó có thể gây viêm da dị ứng, vết ố, thậm chí có những triệu chứng như hoại tử da.
Khi một người tiếp xúc với formaldehyde ở nồng độ thấp trong thời gian dài có thể gây ngộ độc mãn tính. Formaldehyde có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống khác nhau trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, hồi hộp, mất ngủ và sụt cân.
Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện ra rằng formaldehyde thực sự là chất gây ung thư. Năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại formaldehyde là chất gây ung thư cấp độ một, nghĩa là có đủ bằng chứng để chứng minh rằng formaldehyde là chất gây ung thư.
Năm 2019, Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng những công nhân thường xuyên tiếp xúc với formaldehyde có nguy cơ tử vong vì các bệnh ung thư như bệnh bạch cầu và ung thư hạch cao hơn những người không tiếp xúc.
Một số nghiên cứu sau này còn phát hiện rằng, formaldehyde kết hợp với các hydrocacbon thơm đa vòng khác có tác dụng tăng cường khả năng gây ung thư. Ví dụ, nếu một người tiếp xúc với formaldehyde và benzopyrene cùng một lúc, tác động gây ung thư của formaldehyde sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh ung thư chỉ tăng lên nếu bạn mua nước rửa chén kém chất lượng, vốn có hàm lượng formaldehyde cao. Do đó, nếu bạn mua nước rửa chén đáp ứng tiêu chuẩn an toàn quốc gia, thì có thể tin tưởng sử dụng. Thực tế, hầu hết các loại nước rửa chén bán trên thị trường đều đạt tiêu chuẩn.
2. Chất tồn dư trong nước rửa chén có gây hại cho sức khỏe không?
Đài truyền hình Cát Lâm (Trung Quốc) đã tiến hành một nghiên cứu và phát hiện rằng, sau khi rửa chén bát khoảng 12 lần với nước máy, 9 loại nước rửa chén trên thị trường vẫn tồn đọng dư lượng khoảng 0,03%.
Mặc dù dư lượng 0,03% nghe có vẻ không nhiều nhưng không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn để tráng bộ đồ ăn 12 lần. Do đó, một cách không tự biết, nhiều người đang hấp thụ những chất độc này vào trong cơ thể khi ăn uống. Khi những chất tồn dư này tích tụ nhiều lên, chúng có thể gây hại cho sức khỏe. Từ góc độ này, không phải vô cớ mà nước rửa chén làm tổn thương dạ dày.
Tuy nhiên, từ góc độ khác, xà phòng rửa chén nhìn chung khá an toàn. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng các thành phần khác nhau trong nước rửa chén có nồng độ độc tính thấp, do đó khả năng gây độc cũng không cao. Tất nhiên, cái gì quá nhiều cũng không tốt, nhưng liệu có ai chủ động đi uống nước rửa chén?
Ngoài ra, nước rửa chén cũng có thể ảnh hưởng đến da tay. Việc sử dụng xà phòng rửa chén để rửa tay có thể làm da bị bong tróc hoặc khô. Điều này chủ yếu là do các hoạt chất và chất nhũ hóa được thêm vào có khả năng tẩy nhờn rất tốt, thậm chí tác dụng của loại sản phẩm này còn mạnh hơn sữa tắm, xà phòng rửa tay và các sản phẩm khác.
Vì vậy, khi sử dụng nước rửa chén để làm sạch bát đĩa, tốt nhất bạn dùng găng tay và cố gắng rửa sạch chúng dưới vòi nước chảy mạnh.
3. Khi sử dụng nước rửa chén, hãy chú ý hai điểm để giảm cặn
- Chú ý phương pháp làm sạch bộ đồ ăn bằng xà phòng rửa bát:
Khi sử dụng nước rửa chén để làm sạch bộ đồ ăn, bạn có thể sử dụng hai phương pháp.
Phương pháp đầu tiên là pha loãng nước rửa chén khoảng 350 lần, sau đó ngâm bộ đồ ăn trong khoảng 4 phút, sau đó chà bằng miếng bọt biển hoặc giẻ lau, cuối cùng rửa sạch bằng nước chảy.
Phương pháp thứ hai là đổ trực tiếp nước rửa chén lên miếng bọt biển hoặc giẻ lau, sau đó nhúng vào một ít nước để chà sạch bộ đồ ăn, sau đó rửa sạch bằng nước chảy.
Cả hai phương pháp làm sạch trên đều có thể áp dụng được, nhưng xét về hiệu quả làm sạch và tính đơn giản thì phương pháp thứ hai tốt hơn.
- Khi sử dụng nước rửa chén chú ý kiểm soát nồng độ và thời gian ngâm:
Nhiều người cho rằng càng cho nhiều nước rửa chén thì kết quả sẽ càng sạch.
Nhưng khi sử dụng nước rửa chén, chỉ cần kiểm soát nồng độ nước rửa chén ở mức 0,2% đến 0,5%, điều này không chỉ đạt mục đích làm sạch mà còn giảm dư lượng chất tẩy rửa.
Theo Song Yun – Aboluowang
Hoàng Tuấn biên dịch
NTD Việt Nam