Thực tế, thực phẩm chứa hàm lượng đường cao không có nghĩa là nó sẽ ngọt hơn. Ví dụ cháo trắng, tuy không ngọt nhưng sau khi ăn sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Tại sao lại có hiện tượng này? (Internet)
Chúng ta biết rằng các thực phẩm nhiều đường có thể làm tăng đường huyết. Đặc biệt với người bị tiểu đường, họ càng phải cẩn trọng lựa chọn các thực phẩm nhằm hạn chế sự biến động quá mức của lượng đường trong máu, và cháo là một trong những món ăn như vậy. Nhưng tại sao cháo trắng lại làm tăng lượng đường trong máu?
Thực tế, thực phẩm chứa hàm lượng đường cao không có nghĩa là nó sẽ ngọt hơn. Ví dụ cháo trắng, tuy không ngọt nhưng sau khi ăn sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Tại sao lại có hiện tượng này?
Thành phần chính của cháo trắng là gạo, vốn rất giàu tinh bột. Tinh bột là một chất polysaccharide, sau khi nấu chín trong thời gian lâu có thể phân hủy hoàn toàn thành các loại đường đơn giản, cơ thể dễ dàng hấp thụ. Do đó, sau khi ăn cháo trắng, lượng đường trong máu sẽ tăng lên đáng kể.
Vậy phải chăng người bị tiểu đường không được ăn cháo? Thực ra, họ vẫn có thể ăn cháo, điều quan trọng là lựa chọn và cân nhắc kỹ hơn. Dưới đây là một số lưu ý khi ăn cháo đối với người bị tiểu đường:
1. Cháo ngũ cốc
Ăn cháo trắng chỉ làm từ gạo sẽ làm tăng lượng đường trong máu, nhưng nếu bổ sung thêm một số loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… thì có thể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.
Cháo kết hợp với nhiều loại ngũ cốc hoặc đậu sẽ không làm tăng lượng đường trong máu đáng kể sau khi tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu ăn uống của người mắc bệnh tiểu đường.
2. Cháo rau
Khi nấu cháo, bạn cũng có thể thêm một số loại rau.
Rau xanh rất giàu chất xơ, loại cháo này không chỉ làm giảm tỷ lệ gạo trong thành phần, giảm biến động lượng đường trong máu mà còn thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giảm táo bón, rất tốt cho cơ thể.
3. Không ăn cháo khi bụng đói
Ăn nhiều cháo khi bụng đói dễ làm biến động lượng đường trong máu.
Để an toàn, người bệnh tiểu đường nên ăn thêm một số thực phẩm khác trước khi ăn cháo.
Trong bữa ăn, không nên xem cháo như một món ăn chính mà nên chuẩn bị nhiều thức ăn hơn và dùng cháo làm chất bổ sung, điều này có thể làm giảm biến động lượng đường trong máu một cách hiệu quả.
4. Không nấu cháo quá lâu
Trong quá trình nấu cháo, không nên để quá lâu, tốt nhất không nên nấu cháo quá nhão. Nếu cháo quá đặc và hạt gạo quá mềm sẽ càng ảnh hưởng đến đường huyết.
Nấu cháo càng lâu thì chỉ số đường huyết của cháo càng cao. Vì vậy khi nấu cháo, bạn nên kiểm soát thời gian nấu.
5. Tránh thêm các nguyên liệu có hàm lượng đường cao
Khi chọn cháo cho người mắc bệnh tiểu đường, tốt nhất nên tránh cháo làm từ nguyên liệu có hàm lượng đường cao, chẳng hạn như táo tàu, kỷ tử… Đồng thời bạn cũng nên tránh các loại cháo hoa quả vì trong trái cây cũng chứa một lượng đường nhất định, có thể làm đường huyết dao động.
6. Đừng ăn quá nhanh
Bất kể loại cháo nào, người bệnh tiểu đường đều lưu ý không nên ăn quá nhiều một lúc và không nên ăn quá nhanh, đặc biệt không nên uống cháo như đang uống nước, điều này càng nguy hiểm hơn.
Giảm tốc độ ăn uống của bạn có thể làm giảm sự biến động mạnh của lượng đường trong máu và tránh sự khó chịu về thể chất.
Theo Song Yun – Aboluowang
Nhật Duy biên dịch
NTD Việt Nam